Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Phim Myeongnyang và anh hùng thời đại Yi Sun-shin

2014-08-26

[Sự nở rộ của những sản phẩm văn hóa về tướng quân Yi Sun-shin]Tại các chuỗi hiệu sách lớn, quầy bán sách giáo khoa và sách tham khảo đang nhộn nhịp đón khách để chuẩn bị cho năm học mới, thì có một quầy sách khác cũng thu hút được sự quan tâm đặc biệt. Ông Yoo Jae-seok, Trưởng chi nhánh Gangnam của hiệu sách Kyobo tại thủ đô Seoul, cho biết: "Chúng tôi đang triển khai giới thiệu quầy sách đặc biệt về Tướng quân Yi Sun-shin và cũng đang chuẩn bị tổ chức một cuộc triển lãm riêng về các ấn phẩm liên quan đến con người, cuộc đời ông. Hiện có khoảng 150 đầu sách về tướng quân Yi Sun-shin, trong đó có 10 tiểu thuyết, 10 đầu sách thể loại khoa học nhân văn cũng đang được bày bán tại nhà sách của chúng tôi. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như tiểu thuyết “Bài hát của thanh gươm” của tác giả Kim Hoon, tiểu thuyết “Myeongnyang” của Kim Ho-kyung, tiểu thuyết “Yi Sun-shin bất hủ” của Kim Tak-hwan đã được chuyển thể thành phim truyền hình...Về lĩnh vực sách lịch sử, ngoài cuốn nhật ký kinh điển của đích thân Đô đốc Yi Sun-shin là “Nanjungilki” (Loạn Trung Nhật Ký), thì còn có cuốn “Nhưng vì còn có Yi Sun-shin” của tác giả Kim Tae-hoon, vén bức màn lịch sử của sự thật và chưa từng được công bố từ trước tới nay."

Sách viết về tướng quân Yi Sun-shin gần đây đã trở nên rất hút khách sau thành công vang dội của bộ phim điện ảnh “Myeongnyang”, tên tiếng Anh là “Roaring Currents” (Dòng biển gầm thét). Bộ phim tái hiện trận hải chiến tại eo biển Myeongnyang, một trong những chiến thắng lẫy lừng của tướng quân Yi Sun-shin. Bên cạnh thắng lợi của phòng vé, doanh thu của các đầu sách viết về vị tướng quân tài ba này cũng đã tăng lên gấp đôi. Các độc giả chia sẻ lý do đọc sách về Yi Sun-shin:"Tôi thấy sách miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật tỉ mỉ hơn phim. Bởi vậy, tôi đọc sách không phải để tìm hiểu xem tướng quân Yi Sun-shin là người tài giỏi như thế nào, mà tôi tò mò muốn biết suy nghĩ, tâm tư của ông trong những hoàn cảnh, tình huống tồi tệ đến tột cùng."; "Phim Myeongnyang gần đây rất ăn khách. Nhưng trước khi xem phim, tôi muốn đọc sách để tìm hiểu về những kiến thức liên quan đến chủ đề, nội dung mà bộ phim phản ánh. Tôi nghĩ làm như vậy thì sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về cái hay của bộ phim."



[Bộ phim Myeongnyang]Bộ phim Myeongnyang đang liên tục lập nhiều kỷ lục mới trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc. Nhà phê bình văn hóa Kim Seong-su cho biết: "Trong ngày đầu công chiếu, Myeongnyang đã đạt kỷ lục 687.000 lượt xem. Đây là một con số lớn nhất chỉ trong ngày khởi chiếu. Trong các ngày công chiếu tiếp theo, bộ phim tự phá kỷ lục số lượt xem của ngày hôm trước, với các con số ấn tượng như 700.000, 860.000, 910.000 lượt và hiện đang gây “bão” với con số 1.220.000 lượt. Mức 1 triệu người cũng đã hiện tượng lớn, nhưng bộ phim lại vượt xa mốc này với 1.220.000 lượt xem trong ngày."

Hiện phim Myeongnyang đang giữ kỷ lục đứng đầu doanh thu phòng vé trong bốn tuần liên tiếp, vượt qua mốc 15 triệu người và chuẩn bị cán đích 20 triệu lượt người xem. Tính đến hết ngày 24 tháng 8, phim Myeongnyang đã có 16,25 triệu lượt xem. Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc lại có một bộ phim nội địa đạt mức doanh thu 100 tỷ won (98 triệu USD). Lý do gì đưa bộ phim này lên đỉnh cao ấn tượng như vậy? Ông Seol Min-seok, giảng viên môn lịch sử Hàn Quốc, chia sẻ: "Gần đây, nhiều vụ tai nạn lớn nhỏ khác nhau đã liên tiếp xảy ra trên toàn quốc, khiến người dân rơi vào hội chứng trầm cảm, lo lắng và bất an trước tương lai. Hình ảnh người tướng quân anh minh, dũng mãnh với bài học về tinh thần đấu tranh bền bỉ, bất khuất, vượt qua khó khăn, hoạn nạn, đã đem lại sức mạnh và dũng khí cho toàn dân. Theo tôi, đó chính là lý do quan trọng làm nên sức hút của bộ phim này."

Hình ảnh vị tướng quân Yi Sun-shin trong phim Myeongnyang đã khắc họa sinh động chân lý của người anh hùng: dũng khí đích thực là phải đương đầu và chiến thắng nỗi sợ hãi. Các khán giả chia sẻ cảm tưởng về bộ phim: "Nếu được hỏi ngưỡng mộ ai nhất, thì tôi sẽ trả lời đó là tướng quân Yi Sun-shin. Ông là người anh hùng cứu nước, cứu dân vĩ đại nhất. Nhờ có ông, chúng ta vẫn sống là người Hàn."; "Tôi đã được học về Yi Sun-shin từ bậc tiểu học. Trong ký ức của tôi, ông là người anh hùng tài ba, dũng cảm. Nay được gặp vị tướng này trong phim, đúng như hình dung của tôi, ông vẫn là bậc chỉ huy oai phong, lẫm liệt. Ông là biểu tượng cho sức mạnh và nghĩa khí của dân tộc Hàn. Tôi rất đồng cảm và cổ vũ cho những bộ phim như thế này."; "Tôi cảm thấy rất tự hào, phấn khởi sau khi xem bộ phim này. Nó khiến tôi phải quan sát kỹ lại đồng xu 100 won có khắc hình tướng quân Yi Sun-shin và thấm thía hơn về công ơn của các thế hệ cha anh trong công cuộc bảo vệ đất nước thoát khỏi xâm lăng của các thế lực thù địch bên ngoài."

[Trong trận thủy chiến Myeongnyang]Sau thời kỳ “Imjin woeran” (Biến loạn Nhâm Thìn), cuộc kháng chiến chống lại quân xâm lược Nhật Bản năm 1592, vào ngày 16 tháng 9 năm Seonjo (Tuyên Tổ) thứ 30, quân Nhật lại một lần nữa tràn vào lãnh thổ nhà nước Joseon, gây ra nạn Jeongyujearan (Đinh Dậu tái loạn), tức chiến tranh năm 1597 chống quân xâm lược Nhật Bản lần thứ hai. Trong trận thủy chiến Myeongnyang của cuộc kháng chiến lần thứ hai này, tướng quân Yi Sun-shin đã làm nên kỳ tích đánh bại 330 chiến hạm của quân Nhật, trong khi lực lượng của ông chỉ có 12 tàu chiến nhỏ.

Vào thời đó, một bộ phận các đại thần trong triều đình Joseon ngày càng ghen ghét với những thắng lợi liên tiếp của tướng quân Yi Sun-shin và bí mật gán cho ông tội “phản nghịch”. Cuối cùng, Yi Sun-shin bị tước hiệu tướng quân, nhường chức Tam đạo thủy quân thống chế sứ (“tam đạo” chỉ ba tỉnh Chungcheong, Jeolla, Gyeongsang) cho tướng Won Gyun nắm giữ. Thế nhưng đội quân do tướng Won Gyun chỉ huy lại bại trận liên tiếp, và khí thế quân địch ngày càng dâng cao, chúng tiến về phía thủ đô Hanyang (tên gọi cũ của Seoul) với tốc độ nhanh như vũ bão. Đến lúc này, triều đình Joseon mới sợ hãi mà vội vàng trả lại chức Tam đạo thủy quân thống chế sứ cho tướng quân Yi Sun-shin.

Tuy bị nhà vua, người mà mình tận tâm trung thành, ruồng bỏ, bị chính những đồng nghiệp mà mình tin tưởng phản bội, nhưng tướng quân Yi Sun-shin lại một lần nữa tiến quân ra biển khơi, để làm tròn trách nhiệm bảo vệ non sông, đất nước. Trở lại chiến trường, tướng quân Yi Sun-shin phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Quân đội thì nhụt nhuệ khí chiến đấu, nhân dân đang run rẩy, sợ hãi trước chiến tranh. Và tình thế càng trở nên nan giải hơn khi ông chỉ có 12 chiếc tàu chiến nhỏ.

Khó khăn chồng chất khó khăn, bởi Geobukseon, chiếc tàu hình con Rùa, hy vọng duy nhất trong trận thủy chiến đã bị cháy rụi. Không chỉ thế, ám ảnh về một cuộc bại trận bao trùm lên đội quân Joseon, khi chỉ huy quân đội Nhật là Michihusa Kurujima, một vị tướng nổi tiếng về tài thao lược cũng như độ tàn nhẫn, ác độc. Khi đọc tâm tư của tướng quân trước giờ ra trận, được ông ghi lại trong “Loạn Trung Nhật Ký”, ta có thể cảm nhận được ý chí sắt đá “liều thì sống, sợ thì chết”. Đây cũng chính là khẩu hiệu ông đưa ra để khích lệ quân sĩ, là “con át chủ bài” làm nên đại thắng Myeongnyang.

Ngày 15 tháng 9 năm 1597
Binh pháp đã có câu “Nếu ta chỉ nghĩ đến cái chết thì ta sẽ sống, còn nếu ta chỉ nghĩ đến sự sống thì ta sẽ chết.” Một người cố thủ một điểm chiến lược cũng đủ khiến hàng nghìn tên địch run sợ. Đây là lời dạy dành cho chính chúng ta ngày hôm nay.


Tướng quân Yi Sun-shin đã đặt niềm tin vào đâu và phải có dũng khí như thế nào, khi dẫn 12 chiếc tàu chiến ra biển, để đối đầu với 330 chiến hạm của quân địch? Diễn viên Choi Min-sik, người thủ vai vị tướng quân lỗi lạc này, đã kể về những khó khăn trong quá trình thực hiện bộ phim: "Thú thực tôi đã thấy rất căng thẳng, nặng nề khi phải đảm nhiệm vai diễn về Yi Sun-shin, người mà sau này được nhà vua phong hiệu là Trung Vũ Công. Làm sao vừa phải thể hiện một cách khác biệt so với những hình ảnh về tướng quân trong các phim điện ảnh, truyền hình trước đó, vừa phải lột tả được ý chí chiến đấu “một mất một còn” trong tình thế khốc liệt lúc bấy giờ. Việc đóng vai danh nhân trong các sự kiện có thực trong lịch sử luôn là một thách thức đối với các diễn viên. Bởi vậy mà tôi vừa lo lắng, nhưng một phần lại thấy tò mò, thôi thúc, muốn được thể hiện khả năng diễn xuất, khả năng biểu đạt cảm xúc của bản thân khi nhận vai diễn nặng ký này."



[Người anh hùng cô đơn và nhân đạo]Ngày nay, chúng ta tôn vinh Yi Sun-shin là một anh hùng, nhưng trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó, ông lại là một vị tướng vô cùng cô độc. Làm nên công trạng hiển hách, nhưng cuộc đời ông lại rơi vào nhiều biến cố, thăng trầm ngay sau chiến thắng Myeongnyang. Ông Seol Min-seok, giảng viên môn lịch sử Hàn Quốc, cho biết: "Đời tư của tướng quân Yi Sun-shin đầy thăng trầm và bất hạnh. Ngay trong năm đại thắng Myeongnyang, năm 1597, ông đã phải chịu ba tai họa lớn. Trước hết, tuy làm nên công trạng, cứu đất nước thoát khỏi nạn ngoại xâm, nhưng ông lại một lần nữa bị tước hiệu tướng quân, bị bắt giam và thậm chí còn bị tra tấn như một tội nhân. Mẹ ông bị ngã bệnh và mất ngay trên đường đến ngục thăm con. Ngay sau trận Myeongnyang, con trai út của ông cũng chết dưới tay quân Nhật hòng trả thù. Cái chết của con trai khiến vị tướng Yi Sun-shin oai phong bình sinh chưa từng nhỏ lệ cũng phải nức nở ai oán “tại sao lá vàng lại phải đưa tiễn lá xanh”. Vào năm đó, bách tính cũng cơ cực lầm than do chiến tranh, nhưng bản thân tướng Yi Sun-shin cũng đã phải chịu nhiều đau đớn và oan ức."

Ôm trong mình nhiều nỗi mất mát và ẩn ức riêng, lại phải chiến đấu trong điều kiện không cân sức, nhưng Đô đốc Yi Sun-shin vẫn không hề nao núng, ông hô vang khẩu hiệu quyết thắng và dẫn đầu đoàn quân xông ra chiến trận. 11 chiếc tàu còn lại không dám tiến lên, bởi ai ai cũng nhìn thấy rõ kết quả thắng bại cuối cùng. Vậy mà sau đúng 8 giờ đồng hồ, quân Joseon đã bách chiến bách thắng mà không một chiếc tàu nào bị chìm. Quân xâm lược Nhật Bản chỉ còn biết kinh hãi khiếp sợ trước tướng quân Yi Sun-shin. Giảng viên lịch sử Seol Min-seok giải thích thêm: "Trong lịch sử, chính tướng Nhật là Yasuharu Wakisaka đã gọi Yi Sun-shin là vị tướng vĩ đại. Yasuharu Wakisaka cũng được biết đến là một người lính rất coi trọng danh dự. Trước trận Myeongnyang, ông Wakisaka đã chịu thua đau trước tướng Yi Sun-shin trong trận hải chiến Hansan trước đó. Sau khi bị thua trận, ông ta nhịn ăn uống liên tục trong sáu ngày liền để phân tích nguyên nhân. Không tìm được lời giải đáp, Wakisaka chỉ để lại lời tâm sự rằng: “Trên đời này, người ta sợ hãi và căm thù nhất, muốn giết nhất là Yi Sun-shin. Nhưng ông ta cũng là người mà ta kính trọng nhất. Ông ta là kẻ thù nhưng lại là người ta muốn được cùng ngồi thưởng trà một lần trong đời.”"

Yi Sun-shin là vị tướng luôn đi đầu làm gương cho quân sĩ và là bậc trung thần luôn hướng về đất nước, dù cho có bị phản bội, đọa đày. Ông cũng là một anh hùng có tấm lòng nhân ái bao la khi xót thương trước cả cái chết của kẻ thù. Nhà phê bình văn hóa Kim Seong-su nói: "Yi Sun-shin là người anh hùng tay trắng, ông bị mất tất cả, từ sức khỏe, gia đình, chức vị cho đến tài sản. Tuy nhiên, ông lại là bậc quân tử chân chính, luôn nhận về phần mình mọi nguy hiểm, gian nan. Có thể nói, tướng Yi Sun-shin là hình ảnh hiện thân cho chính nghĩa của dân tộc Hàn Quốc, và chính nghĩa ấy có ngọn nguồn từ nhân dân. Tuy giành chiến thắng, nhưng ông lại xót thương cho cả nỗi đau của nhân dân và binh lính Nhật Bản bị tử trận. Ông than “Hận này rồi sẽ ra sao”. Đó chính là tấm lòng nhân ái đầy cao thượng, bao la của người anh hùng thấm nhuần tư tưởng “lấy dân làm gốc”."

Tướng Yi Sun-shin là ngôi sao sáng dẫn đường cho đoàn quân Joseon đi đến thắng lợi vinh quang. Và trong thời đại ngày nay, ông cũng trở thành biểu tượng về người lãnh đạo dũng cảm, không khuất phục trước mọi khó khăn, trở ngại và thậm chí là cái chết. Giảng viên lịch sử Seol Min-seok chia sẻ: "Đô đốc Yi Sun-shin là một người lãnh đạo luôn nghiêm khắc đề cao các nguyên tắc và điều lệ. Ông cũng theo dõi việc phân phát binh lương cho cấp dưới cũng như nắm sát sỹ số toàn quân. Việc một lãnh đạo như thế chỉ huy có thể sẽ bị phản đối hay khó chịu, nhưng tất cả đều tuân lệnh ông như nghe lời một người cha. Tại sao? Bởi ông luôn lấy bản thân ra làm mẫu, làm gương trong mọi việc. Năm đánh trận Myeongnyang, tướng quân Yi Sun-shin đã 53 tuổi, nhưng ông vẫn tham gia rang muối, đóng tàu và luôn chia sẻ mọi khó khăn, vất vả với binh sĩ. Ấn tượng nhất trong phim có lẽ là hình ảnh tướng quân Yi Sun-shin một mình xông pha lên phía trước, phía sau là các binh sĩ đang run rẩy đứng nhìn. Làm sao có thể không kính trọng và tuân theo một vị tướng quân như thế? Ông chính là hình mẫu lý tưởng của người lãnh đạo mà chúng ta cần học tập trong thời đại mới."

Giữa bối cảnh thế giới đang bất an với đầy rẫy tai nạn, xung đột, thì hình ảnh một người lãnh đạo chân chính như Yi Sun-shin có tác dụng như thần dược, mang lại dũng khí và hy vọng vào tương lai cho toàn xã hội. Diễn viên Choi Min-sik, người thủ vai tướng quân Yi Sun-shin, tâm sự: "Chúng ta cứ nghĩ một vị tướng quân, một người anh hùng phải uy nghi, đạo mạo và luôn luôn chuẩn mực. Nhưng người anh hùng vĩ đại nhất của dân tộc Hàn Quốc cũng là con người bình dị như chúng ta, cũng thấy cô đơn, giận dữ, cáu bẳn, cũng có một thể trạng yếu đuối. Nhưng cũng chính con người đó đã làm nên kỳ tích cho cả dân tộc. Và điều đó càng khiến ông trở nên vĩ đại hơn."

Lựa chọn của ban biên tập