Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tết Trung thu Hàn Quốc, những sắc màu rộn rã

2014-09-02

[Nhộn nhịp không khí giáp Tết Trung thu Hàn Quốc]Đây là bí ngòi xanh mướt, láng mịn, kia là cà tím căng tròn bóng loáng, những bẹ cải thảo xum xuê vàng ruộm, và đây là dưa chuột, ớt tươi...Những sạp hàng rau củ quả đủ mọi sắc màu đang nhộn nhịp chào đón khách.

Thế là cả đất nước Hàn Quốc lại đang náo nức chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Trung thu, tiếng Hàn là Chuseok (Đêm thu), sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 7/9 năm nay. Những khu chợ truyền thống trên khắp mọi miền đất nước nhộn nhịp bước chân kẻ bán, người mua, những chiếc giỏ đi chợ sẽ lại căng đầy thực phẩm dành để thết đãi gia đình, người thân trong ngày lễ thiêng liêng của cả dân tộc. Những người dân ở chợ chia sẻ: "Việc thờ cúng sẽ được tổ chức ở nhà tôi nên sẽ có khoảng từ 15 đến 20 người họ hàng đến vào Tết Trung thu. Tôi phải mua nhiều thứ lắm, táo, lê, nho và cả dưa hấu nữa."; "Năm nay là thôi nôi của cháu gái tôi nên chắc chắn họ hàng sẽ tề tựu đông hơn. Nhà nội mà gặp nhau thì sẽ vui lắm, chúng tôi không đi chơi đâu mà hầu như chỉ ở nhà, cùng ăn những món ăn ngon."; "Tôi muốn chiêu đãi gia đình những món ngon nên ra chợ để mua sườn bò. Nhà nội tôi mà họp mặt đông đủ chắc cũng phải đến 30 người.".

Xen lẫn niềm vui mong đợi ngày Tết đoàn viên, người Hàn Quốc nào cũng không tránh khỏi lo toan khi giá cả thị trường cứ ngày một tăng cao: "Tết Trung thu năm nay đến sớm, cả hoa quả lẫn thực phẩm còn chưa đúng vụ."; "Nhiều thứ phải lo lắm. Riêng tiền đi chợ mua đồ cũng phải tốn đến 400.000, 500.000 won rồi!"; "Tiếc tiền nhưng cũng phải chịu thôi. Cả năm có mỗi một dịp để gia đình đoàn tụ..."

Tuy vẫn bộn bề lo toan, nhưng cả năm chăm chỉ, tằn tiện cũng là để chờ tiêu pha sắm sửa cho dịp Tết Trung thu. Ở Hàn Quốc, nhắc đến Chuseok là nhắc đến một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm, là dịp để người người, nhà nhà sum họp, chia sẻ những món ăn ngon và thể hiện tình yêu thương nồng hậu nhất.



[Quá trình chuẩn bị cho Tết Trung thu]Tại một siêu thị lớn, quầy bán hàng qua điện thoại đang hối hả nhận đơn đặt hàng. Từ hoa quả đến hải sản, các hộp quà tặng thực phẩm đã chế biến...khách hàng mua với số lượng càng lớn thì lại được giảm giá càng nhiều. Trong tiết trời nóng bức này, những người bán hàng càng đặc biệt lưu tâm đến việc bảo quản thực phẩm tươi sống. Một nhân viên thuộc phòng tiếp thị của chuỗi cửa hàng bách hóa Lotte cho biết: "Tết Trung thu năm nay đến sớm hơn so với mọi năm, và thời tiết vẫn còn rất nóng. Bởi vậy mà chúng tôi đã chuẩn bị các túi đá và túi gói lạnh khi vận chuyển hàng để đảm bảo độ tươi và chất lượng của thực phẩm."

Lượng hàng đặt hàng tăng nhiều nên các ngành dịch vụ, đặc biệt là các cơ sở chuyển phát nhanh trở nên bận rộn hơn. Một nhân viên bưu điện chia sẻ: "Hôm nay tôi đã đi làm từ 6 giờ rưỡi sáng. Có người còn đến từ 6 giờ sáng. Dịp này hàng về liên tục nên chúng tôi phân chia hàng theo khu vực, mỗi người sẽ nhận lượng hàng theo khu vực mà mình phụ trách."

Xe vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm có mặt tại bưu điện Anyang tại thành phố Anyang, tỉnh Gyeonggi, vào lúc 7 giờ sáng. Không chỉ bộ phận chuyển phát mà toàn bộ số nhân viên bưu điện cũng được huy động để tham gia phân loại hàng hóa cần gửi đi trong ngày. Các nhân viên cho biết: "Bận rộn trong dịp này là điều đương nhiên thôi. Hầu hết hàng hóa đều là các bộ quà tặng nhân dịp Tết Trung thu. Chúng tôi vất vả nhất vào những dịp như thế này."; "Lượng hàng hóa nhiều phải đến gấp 10 lần so với mọi khi. Chúng tôi đang làm việc trong tình trạng khẩn cấp."

Tết Trung thu càng gần thì những nhân viên bưu điện lại càng phải làm việc nhiều gấp ba, bốn ngày thường. Họ chỉ còn biết thở dài tự hỏi: “Hôm nay phải đi tổng cộng bao nhiêu nhà đây?” Vào dịp giáp Tết, những trung tâm phân phối bưu kiện như biến thành núi đồ với lượng hàng hóa nặng gấp 2,5 lần so với ngày thường. Bận rộn nhất chính là các nhân viên chuyển phát hàng hóa. Ông Seo Seung-beom, Trường phòng bưu điện Anyang, cho biết: "Các nhân viên chuyển phát ở đây hầu như phải đi làm vào lúc 6 giờ sáng. Mỗi người thường phải di chuyển để đưa hàng trong khoảng 9 đến 10 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, chúng tôi còn phải xử lý phân loại gói cước vận chuyển, phân loại bưu phẩm, bưu kiện, xử lý các hàng hóa gửi trả lại, gửi sai địa chỉ...Trung bình mỗi người phải làm việc 14 tiếng một ngày."



Vì bưu kiện nào cũng chứa thêm túi đá, túi giữ lạnh nên lượng hàng vận chuyển lại càng nặng hơn. Tuy nhiên tâm trạng nhân viên bưu điện lại nhẹ nhàng, phơi phới khi nghĩ đến tấm tình người gửi và nét mặt hân hoan, vui sướng của người nhận.

[Chợ truyền thống trước Tết]Người dân đổ về những khu chợ truyền thống để mua thực phẩm chuẩn bị cho mâm cơm cúng tổ tiên trong ngày Tết Trung thu. Đây là mâm cơm thiêng liêng, thể hiện lòng thành biết ơn người đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu trong cả năm, nên càng phải được chuẩn bị kĩ càng, cẩn trọng hơn. Thế nhưng sau 38 năm, Tết Trung thu năm nay lại đến sớm trong cái nắng oi ả còn sót lại của mùa hè. Vì chưa phải đúng vụ nên giá cả các loại hoa quả đều tăng cao ngất ngưởng. Người đi chợ chia sẻ cảm tưởng:"Vì họ hàng đến đông nên tôi chuẩn bị thịt sườn, một vài món ăn phụ. Giá rau củ thì vẫn thế nhưng hoa quả thì đắt hơn so với tưởng tượng của tôi. Tôi vừa đi mua quýt. Giá hoa quả đã tăng rất nhiều so với trước mùa mưa."; "Các bà nội trợ giật mình khi nghe giá hoa quả. Chỉ khổ người không có điều kiện thôi, đáng lẽ làm ba nhưng cuối cùng phải rút lại thành một.".

Nếu giá hoa quả tăng vọt trong dịp Tết Trung thu năm nay thì giá thịt lại không có nhiều biến động so với mọi năm. Những chủ cửa hàng thịt đon đả mời khách. Giá thịt rẻ nên mâm cơm ngày Tết Trung thu như cũng có thêm nhiều lựa chọn hơn, từ thịt băm viên đến thịt thăn tẩm gia vị nướng hay sườn ninh... Doanh thu của những cửa hàng thịt vào dịp này cũng tăng lên đáng kể. Một chủ cửa hàng cho biết: "Chúng tôi chuẩn bị và pha các loại thịt lợn, thịt bò để chuẩn bị cho nhiều mục đích khác nhau như để nấu canh, nướng tẩm gia vị, chiên, hầm, xào... Doanh thu của cửa hàng vào dịp này tăng gấp ba so với ngày thường."

Những cửa hàng bánh truyền thống cũng là điểm dừng chân không thể thiếu của các bà nội trợ. Nhắc đến Tết Trung thu Hàn Quốc, không thể không nhắc đến Songpyeon, một loại bánh hấp được nặn từ bột gạo nhân đậu, có hình bán nguyệt. Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong xã hội mới mà hương vị và màu sắc của bánh Songpyeon cũng đa dạng và phong phú hơn: màu xanh của bánh tẩm lá ngải cứu, màu vàng của bí đỏ, màu hồng của quả phúc bồn tử. Cửa hàng bánh với bà chủ hiền hậu, xởi lởi như khiến không khí ngày Tết Trung thu thêm ấm áp hơn. "Tôi bán nhiều loại bánh, kể cả bánh Songpyeon, bánh gạo và nhiều loại khác. Có nhiều khách đến đây mua trước để tránh chen lấn, xếp hàng chờ đợi vào dịp gần Tết. Mua trước và để trong ngăn lạnh, khi muốn ăn chỉ cần đem ra hấp lại là dùng được."

Tại thủ đô Seoul, có một số quận đã tổ chức những phiên chợ đầu mối, mà người bán là những người trực tiếp làm ra sản phẩm. Đây là một hình thức giúp giảm gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng. Ông Kim Hong-bae, Trưởng nhóm phát triển thị trường, Phòng kinh tế địa phương của quận Yeongdeungpo cho biết: "Chợ đầu mối thường họp vào thứ Ba của tuần cuối cùng hàng tháng. Nông dân đến từ bảy vùng núi là các thành phố kết bạn với quận chúng tôi sẽ trực tiếp mang đến bán rau, củ, quả, cá đù vàng khô muối, ngũ cốc... Đặc biệt, phiên chợ tháng 8 sẽ tập trung hỗ trợ người tiêu dùng chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tết Trung thu. Phiên chợ này mang một ý nghĩa đặc biệt bởi là nơi gặp gỡ giữa khách hàng thành thị và nông dân đến từ các tỉnh."

Vì không phải đi qua khâu trung gian nên giá cả hàng hóa ở chợ đầu mối rất rẻ và chất lượng cũng rất yên tâm. Cả người bán lẫn người mua, ai ai cũng thấy phấn khởi, hào hứng khi tham gia phiên chợ này:"Tôi mang đến đây ớt phơi khô, gạo đầu mùa, các loại rau... Hy vọng là sẽ có nhiều khách hàng đi chợ vào dịp Tết Trung thu này."; "Tôi bán nấm đông cô, táo tàu, các bộ đồ bày bàn thờ, mâm cúng. Đây là sản phẩm được thu hoạch trực tiếp từ nông thôn đem đến nên khách hàng có thể dùng thử ngay mà vẫn yên tâm. Có vẻ như là hôm nay sẽ tôi sẽ bán lãi."; "Phiên chợ này bán nhiều nông sản cũng như hàng công nghiệp. Thực phẩm rất tươi ngon và giá cả lại phải chăng.".

Thông thường vào ngày Tết Trung thu, con cháu phải tự tay chuẩn bị và dâng đồ cúng lên tổ tiên. Nhưng với những gia đình chỉ có người già hay toàn người phải đi làm thì đây là việc tốn không ít thời gian, công sức. Trong những lúc bận bịu thế này thì những cửa hàng chuyên nấu cỗ quả là sự lựa chọn hợp lý. Ông Jo Chang-won, chủ cửa hàng nấu cỗ nói: "Năm ngoái chúng tôi nhận đặt hàng trong hai tuần nhưng năm nay thì đã phải khóa sổ đặt hàng trong vòng mười ngày. Mọi thứ đều được chuyển đến các gia đình trước ngày Tết Trung thu. Chúng tôi nấu cỗ vào sáng sớm trước Tết một ngày và chuyển hàng từ bảy giờ sáng cho đến hết buổi chiều. Trong một năm có lẽ đây là dịp mà cửa hàng chúng tôi bận rộn nhất."



Vì là nấu đồ cúng dâng lên tổ tiên, nên mọi thao tác chuẩn bị, bày biện cùng đều rất cẩn trọng, thành tâm. Cũng giống như các loại hình văn hóa, thời trang, mâm cơm cúng cũng dần thay đổi cùng xu thế thời đại. Do số lượng nhân khẩu trong mỗi gia đình hiện đại ngày càng giảm và xuất phát từ đòi hỏi về chất lượng món ăn mà mâm cơm cúng ngày nay cũng được giản tiện hơn so với trước đây:"Trước đây khách hàng thường yêu cầu chúng tôi phải chế biến thật nhiều cả về chủng loại lẫn về số lượng món. Nhưng gần đây các đơn đặt hàng lại thường chỉ chọn những mâm nhỏ, đơn giản để tránh thừa mứa. Từ một, hai kiểu mâm cúng, hiện nay chúng tôi có tổng cộng hơn mười loại mâm cúng cho khách hàng lựa chọn. Các gia đình nhỏ trong xã hội hiện đại thường có xu hướng chọn các mâm cỗ nhỏ và đơn giản."

Dù phải chuẩn bị đồ ăn, quà cáp rồi lại phải chen chúc giữa những làn xe đông nghịt để về nhà, nhưng ai ai cũng thấy trong lòng bồi hồi, khấp khởi khi nghĩ đến cảnh được đoàn tụ, tay bắt mặt mừng với người thân trong gia đình, họ hàng, bạn bè. Tết Trung thu, với niềm ước mong tròn vành vạnh như trăng rằm tháng 8, mọi lo âu, mệt nhọc rồi sẽ tan biến, nhường chỗ cho khoảng thời gian đủ đầy, hạnh phúc nhất trong năm.

Lựa chọn của ban biên tập