Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Truyện ngắn Hàn Quốc hồi sinh qua phim hoạt hình

2014-09-09

[Phim hoạt hình “Hoa kiều mạch, Ngày may mắn và Mùa xuân mùa xuân”]Vào ngày 6 tháng 8 vừa qua, có một sự kiện giản dị nhưng đầy ý nghĩa đã được tổ chức tại một rạp chiếu phim độc lập ở phường Jongno, thủ đô Seoul. Đây là cuộc họp báo giới thiệu bộ phim hoạt hình được chuyển thể từ truyện ngắn Hàn Quốc, nằm trong khuôn khổ Lễ hội truyện tranh hoạt hình quốc tế Seoul 2014 (SICAF 2014). Đạo diễn An Jae-hoon cho biết: "Những truyện ngắn, thường được đưa vào sách giáo khoa môn văn, nay dần dần xa rời. Do đó, thế hệ trẻ không hề quen thuộc với những tác phẩm này. Trước khi truyện ngắn bị lãng quên, tôi hy vọng dự án này sẽ tạo ra những cầu nối giúp cả người lớn và trẻ em tìm được tiếng nói đồng cảm trong quá trình tìm hiểu tác phẩm. Đặc biệt, đây cũng sẽ là cơ hội giúp thế hệ độc giả 40, 50 tuổi cảm nhận lại tác phẩm như một sáng tác văn học chứ không phải là bài học trong sách giáo khoa."

Bộ phim hoạt hình chuyển thể từ truyện ngắn của ba tác giả đại diện cho nền văn học cận đại Hàn Quốc là Lee Hyo-seok (1907-1942), Hyun Jin-geon (1900-1943), và Kim Yu-jeong (1908-1937) lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng vào ngày 21 tháng 8 năm 2014. Đặc biệt, tên bộ phim hoạt hình này được ghép từ tiêu đề tác phẩm của ba tác giả lần lượt theo thứ tự là “Hoa kiều mạch, Ngày may mắn và Mùa xuân mùa xuân”. Có thể coi đây là sự kiện đánh dấu sự trở lại của truyện ngắn Hàn Quốc qua hình thức thể hiện mới là phim hoạt hình. Giáo sư Han Chang-wan của trường Đại học Sejong cho biết: "Các loại hình sáng tác tại Hàn Quốc như phim hoạt hình, truyện ngắn hay tiểu thuyết đều đang rơi vào tình trạng trì trệ vì thiếu đề tài khai thác. Tuy nhiên dự án chuyển thể ba truyện ngắn thành phim hoạt hình đã nhận được sự quan tâm và tài trợ của một đài truyền hình mặt đất và một nhà xuất bản lớn. Nói cách khác, đây là một dự án vừa tìm được đề tài thích hợp làm phim hoạt hình, vừa tạo ra cơ hội đưa các tác phẩm văn học kinh điển của Hàn Quốc đến gần hơn với độc giả hiện đại. Lớp thanh thiếu niên ngày nay vốn lười đọc sách, còn người lớn thì lại vô tình lãng quên những giá trị văn học xưa. Tuy nhiên khi tiếp cận với tác phẩm thông qua những thước phim hoạt hình, người xem sẽ được hòa mình vào thế giới tưởng tượng của văn học và được thôi thúc tìm hiểu các tác phẩm văn học cổ điển hơn."



[Khi hoa kiều mạch nở]Truyện ngắn “Khi hoa kiều mạch nở” được đăng đàn vào năm 1936, là một trong những sáng tác tiêu biểu của Lee Hyo-seok, người con sinh ra từ xã Bongpyeong, huyện Pyeongchang của tỉnh Gangwon. Tác phẩm đẹp như một bức họa phong cảnh đầy trong sáng, lãng mạn khi khắc họa câu chuyện đời buồn miên man, khắc khoải của người lái buôn nay đây mai đó, trên cánh đồng hoa kiều mạch trắng thấm đẫm ánh trăng. Đạo diễn An Jae-hoon giới thiệu: "Hình ảnh xuyên suốt truyện ngắn “Khi hoa kiều mạch nở” chính là con đường nối giữa hai phiên chợ trải dài với cánh đồng hoa kiều mạch trắng muốt. Khung cảnh phải hùng vĩ và bao la thế nào, mới khiến người lái buôn chân chất, cục mịch phải giãi bày hết cả tâm can trên suốt quãng đường dài 70 lý (tương đương hơn 27 km) từ chợ Bongpyeong sang chợ Daehwa. Đây là đoạn ấn tượng nhất trong tác phẩm và khó nhất để thể hiện lại trên màn ảnh."

Phim hoạt hình mở màn với cảnh những người lái buôn gặp nhau ở chợ Bongpyeong. Hết phiên chợ, họ tụ tập chén chú chén anh tại một quán rượu nhỏ ven chợ. Trong đó, người lái buôn trẻ tuổi nhất tên Dong-i lại giở trò tán tỉnh đàn bà con gái giữa bàn dân thiên hạ. Thấy cảnh này, thư sinh họ Huh nay làm lái buôn coi hành động đó là “làm xấu thể diện cánh lái buôn” nên xông vào đánh, và lớn tiếng mắng mỏ Dong-i. Thế nhưng, vừa đánh Dong-i trong đầu lái buôn Huh cũng hiện lên những ký ức ngày xưa của mình.

Đêm đó, trăng trên huyện Bongpyeong tỏa sáng vằng vặc, sáng như đêm kỉ niệm năm nao mà lái buôn Huh không thể nào quên. Trong truyện tranh, nhà văn Lee Hyo-seok đã miêu tả không gian gợi thương, gợi nhớ ấy như sau:
Đêm càng sâu càng chìm trong tĩnh mịch như cái chết
Yên ắng đến nỗi nghe được cả tiếng trăng hổn hển như dã thú.
Những bụi đậu và lá ngô xanh mướt tắm mình dưới trăng
Hoa bắt đầu nở trên cánh đồng kiều mạch phủ kín sườn núi
Không gian bừng nở dưới màu hoa trắng như muối và ánh trăng miên man


Lái buôn Huh khi đó còn là một trai quê cường tráng. Trời hè nóng nực, anh tìm đến suối mát để định xua đi cái oi ả của đêm hè. Nhưng tại chiếc lều tranh với guồng nước bên suối, anh đã gặp thiếu nữ là con gái nhà họ Seong xinh nhất vùng Bongpyeong. Đêm đầu tiên nảy nở mối tình dưới trăng đâu ngờ cũng là đêm cuối cùng của đôi trai gái. Khi lái buôn họ Huh đang ôn lại kỉ niệm xưa thì người lái buôn trẻ Dong-i cũng vừa đuổi kịp con lừa của ông và cũng ngập ngừng tiếp lời kể câu chuyện đời mình.

Mải nghe chuyện của Dong-i, chẳng may lái buôn Huh bị trượt chân ngã xuống suối. Vừa nghe chuyện, vừa được Dong-i giúp đỡ kéo từ dưới suối lên, ông Huh đề nghị anh chàng cùng đi đến tận miền Jecheon, quê của Dong-i. Khi mọi người chuẩn bị hướng về phía Jecheon thì lái buôn Huh chợt phát hiện ra Dong-i cũng là người thuận tay trái giống mình. Tác phẩm “Khi hoa kiều mạch nở” đã kết thúc ngay tại chi tiết đó.
Lừa vừa cất bước, cái roi quất nằm gọn trên bàn tay trái của Dong-i. Mắt mũi lái buôn Huh vốn kèm nhèm như tiết trời chạng vạng. Nhưng chưa lúc nào ông Huh lại nhìn rõ bàn tay trái của Dong-i như lúc này.

Cánh đồng kiều mạch trắng trải dài dưới ánh trăng, miên man theo câu chuyện tình lãng mạn mà đượm buồn của ông lái buôn 60 tuổi họ Huh. Khung cảnh bao la đó đã được khắc họa lại bằng một bức tranh màu nước trong phim hoạt hình. Giáo sư Han Chang-wan phân tích: "Bản thân tác giả Lee Hyo-seok cũng từng tâm sự: ông chỉ miêu tả hình ảnh cánh đồng kiều mạch trong một hai dòng, nhưng đó lại chính là hình ảnh trung tâm của tác phẩm. Điều đặc biệt trong bộ phim hoạt hình này là đạo diễn đã tự vẽ lại cánh đồng kiều mạch theo phong cách 2D, khiến phong cảnh và màu sắc hiện lên rực rỡ, sống động hơn cả cảnh thật. Ưu điểm của tranh 2D chính là màu sắc rất tươi sáng, một điểm mạnh mà không kĩ thuật 3D hay công nghệ số nào có thể lột tả. Có thể màu đỏ của hoàng hôn, màu xanh của bầu trời, màu trắng của hoa kiều mạch được nhấn nha, tô điểm hơi quá so với màu thực, nhưng chính điều đó lại khắc họa được khoảnh khắc bừng sáng của tạo vật và làm nổi bật cái tình, cái ý là mạch nguồn đồng cảm trong tác phẩm."

[Mùa xuân, mùa xuân]Tác phẩm “Mùa xuân, mùa xuân” của nhà văn Kim Yu-jeong được xây dựng trên bối cảnh nông thôn Hàn Quốc những năm 1935. Truyện phản ánh mối xung đột giữa ông bố vợ là gia đình địa chủ Bong-pil và chàng trai ở rể sống cảnh “chó chui gầm chạn”, cam tâm chịu đựng mọi thứ, cốt chỉ để được kết hôn với cô gái Jeom-sun sau khi cô trưởng thành theo đúng lời hứa của bố cô. Đạo diễn An Jae-hoon tiếp tục giới thiệu: "Mâu thuẫn giữa bố vợ và con rể trong tác phẩm được nhà văn miêu tả vừa không quá gay gắt, vừa ngộ nghĩnh, hài hước nhưng cũng tiềm ẩn xung đột giai cấp xã hội."

Không khí của bộ phim hoạt hình trở nên sôi động, rộn ràng cùng với tiếng hát kể chuyện Pansori, rất phù hợp với lối kể chuyện miêu tả xung đột, mâu thuẫn nhưng theo lối trào phúng trong nguyên tác văn học. Người con rể làm hùng hục như một tá điền trong suốt ba năm mà không hề dám hé miệng một câu, chỉ vì ông bố vợ cứ viện hết cớ này đến cớ kia để trì hoãn hôn lễ. Anh con rể “ở nhờ” chỉ còn biết trút nỗi lòng qua lời hát kể chuyện Pansori. Khán giả xem phim hoạt hình nhưng vô hình trung lại được nghe kể lại câu chuyện trong truyện ngắn. Giáo sư Han Chang-wan nói: "Pansori là thể loại nghệ thuật truyền thống phù hợp nhất để tái hiện lại một tình huống hay truyền tải tâm tư, tình cảm của con người. Đây cũng chính là cách “trút bầu tâm sự”, giãy bày nỗi oan ức, phiền muộn thích hợp nhất của người con rể sống cảnh như kẻ hầu làm thuê không công trong tác phẩm. Khi chuyển thể lại tác phẩm đầu thế kỷ XX này, đạo diễn có quyền đưa cái tôi, đưa cá tính của mình vào bộ phim hoạt hình. Nhưng ở đây, đạo diễn An Jae-hoon đã giữ nguyên lời thoại trong nguyên tác và thể hiện năng lực sáng tạo của mình thông qua việc lựa chọn thể loại hát kể chuyện Pansori."

Chàng rể cứ nằng nặc đòi bố vợ phải cử hành hôn lễ cho mình và Jeom-sun. Nhưng ông bố vợ lại “hoãn binh” bằng cách viện cớ rằng cô con gái của mình hãy còn nhỏ. Hơn nữa, anh chàng càng sốt ruột khi không biết tình cảm của nàng Jeom-sun với mình là thế nào. Đến một ngày, khi đã xác nhận rõ tình cảm của Jeom-sun dành cho mình, chàng rể bắt đầu “vùng lên”, thậm chí còn dám nắm cả râu của bố vợ tương lai.

Những tưởng nàng Jeom-sun sẽ đứng về phía mình tuyệt đối, nhưng câu chuyện bất ngờ kết thúc trong sự sững sờ của chàng rể hờ.
“Giời ơi, cái đồ nghịch tặc dám giết cả bố ta”
Có phải nàng vừa khóc vừa véo tai tôi không
Tôi mất hết cả khí thế, chỉ còn biết đứng đực ra như ngỗng ỉa.
Chỉ biết nhìn chằm chặp vào khuôn mặt nàng,
Khuôn mặt như dần trở nên xa lạ, chẳng thể đoán được tâm can


[Ngày may mắn]Nếu như “Khi hoa kiều mạch nở” và “Mùa xuân, mùa xuân” miêu tả những kỷ niệm mơ màng trong quá khứ và mối tình đầu trong sáng, ngây thơ, thì tác phẩm “Ngày may mắn” lại phản ánh một cách chân thực cuộc sống ảm đạm, tuyệt vọng của tầng lớp dân nghèo trong thời kỳ Hàn Quốc bị thực dân Nhật đô hộ từ năm 1910 đến năm 1945. Đạo diễn An Jae-hoon cho biết: "Trong truyện “Ngày may mắn”, tác giả Hyun Jin-geon đã khắc họa bi kịch của cả thời đại, nỗi thống khổ của con người thời đại Joseon dưới ách thống trị của thực dân Nhật thông qua số phận bi thảm của một cá nhân. Tôi thấy rõ vai trò quan trọng của phim hoạt hình khi có thể khắc họa lại không khí chân thực của Gyeongseong (Kinh Thành, chỉ thủ đô Seoul ngày nay), một trong những biểu tượng cho thời Nhật trị. Quá trình thay đổi tâm trạng và cảm xúc trong suốt một ngày của nhân vật mang họ Kim cùng với hình ảnh cơ cực, lầm than của người dân trên đường phố Gyeongseong đã trở thành điềm báo cho cái chết bất hạnh của người vợ ở cuối tác phẩm."

“Ngày may mắn” là truyện ngắn trình làng vào năm 1924, mở đầu bằng nỗi lo lắng của người chồng mang họ Kim kéo xe kiếm sống khi thấy vợ ốm nằm giường li bì suốt 10 ngày liền. Phim hoạt hình đã kết hợp xen kẽ nhiều phân cảnh thể hiện những nỗi niềm tâm sự nặng trĩu của nhân vật khi nghĩ đến người vợ ốm và đứa con ba tuổi đang đói sữa. Nhưng cũng có lúc anh phấn khởi, hí hửng khi xe kéo của mình hôm nay đón được nhiều khách. Đặc biệt, trong đúng ngày may mắn đó, bà vợ lại can ngăn chồng đừng có ra đường.



Vừa ra đường, đám mây đen ủ rũ giăng trên đầu anh, thậm chí còn có tuyết, nhưng chẳng hiểu tại sao hôm đó anh Kim chở hết khách này đến khách kia, chưa kể anh may mắn gặp được khách đi đường dài. Chỉ trong một ngày mà anh kiếm được những 30 đồng, đủ để uống vài chén rượu, ăn bát canh cá chạch và còn dư tiền mua cả canh xương thịt bò, món mà vợ anh rất thích. Vừa xách bát canh về nhà, vừa khấp khởi mừng thầm, vậy nhưng vừa bước chân đến cửa, anh Kim đã cảm nhận được bầu không khí lạnh lẽo trong nhà. Vợ anh đã không còn cử động nữa. Vậy là “Ngày may mắn” đã kết thúc trong tiếng khóc gào thảm thiết của nhân vật chính.
Nước mắt người sống héo hon như phân gà
Rơi lã chã trên khuôn mắt tái xanh của người chết
Anh Kim chợt xoa mặt mình vào má vợ rồi thủ thỉ: “Anh đem canh xương bò về đây, sao không kịp ăn, sao mà không kịp ăn thế.. Bảo làm sao tự nhiên hôm nay may thế...”


“Khi hoa kiều mạch nở”, “Mùa xuân, mùa xuân”, “Ngày may mắn” đều là những truyện ngắn tiêu biểu, khắc họa rõ nét và sinh động tâm tư, tình cảm của người dân trên bán đảo Hàn Quốc trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ. Những thước phim hoạt hình được tạo dựng từ những bức tranh rực rỡ sắc màu, thể hiện khát khao sáng tạo và tấm lòng tri ân với các tác phẩm văn học kinh điển của đất nước. Cả ba truyện ngắn chuyển thể trong phim hoạt hình như được thổi thêm sinh khí, trở thành những nhịp cầu nối tâm hồn và thời đại.

Lựa chọn của ban biên tập