Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Theo bước chân hành hương của Đức Giáo hoàng Francis

2014-09-16

[Dư âm để lại sau chuyến công du của Đức Giáo hoàng]Đây là không khí của buổi thánh lễ tại Nhà thờ lớn Myeongdong ở thủ đô Seoul do đích thân Đức Giáo hoàng Francis làm chủ tế. Để lại thông điệp về hòa bình và hòa giải, Đức Giáo hoàng đã kết thúc chuyến công du Hàn Quốc trong năm ngày bốn đêm, bắt đầu từ ngày 14 tháng 8 vừa qua. Trong suốt 100 tiếng đồng hồ ngài hiện diện tại Hàn Quốc, mọi người dân, từ những người theo đạo hay vô thần đều đã nhận được một bài học lớn về tình yêu thương chân thành và sự sẻ chia đối với chính những người anh em bằng hữu xung quanh mình. Cũng bởi vậy mà đã một tháng trôi qua kể từ khi Đức Giáo hoàng rời Hàn Quốc về Tòa thánh Vatican, nhưng sức lan tỏa của ngài thì vẫn còn nguyên vẹn, và ngày càng có nhiều người quan tâm, tìm hiểu những thông điệp và tư tưởng của Đức Giáo hoàng. Nhà phê bình văn hóa Kim Seong-su cho biết:"Những vật phẩm Công giáo có in chân dung Đức Giáo hoàng Francis vẫn đang bán rất chạy. Ngoài ra, 20.000 bộ tiền kỷ niệm chuyến thăm Hàn Quốc của Đức Giáo hoàng đã được đặt hết. Những cuốn sách viết về tư tưởng, quan điểm lãnh đạo của ngài trở thành những văn kiện mẫu mực và được nhiều độc giả tìm kiếm nhất."

Những Thánh địa Công giáo nơi Đức Giáo hoàng đi qua, vốn xưa kia bị chìm trong quên lãng, giờ lại như bừng lên sức sống mới với những bước chân tấp nập của khách tham quan. Một người dân chia sẻ. "Đây là lần đầu tiên tôi đến đây, cũng vì tôi được biết nơi này sau khi Đức Giáo hoàng đã ghé thăm." Một người dân khác nói: "Tôi không phải là một tín đồ Công giáo nhưng qua chuyến công du Hàn Quốc vừa qua của Đức Giáo hoàng, tôi đã tò mò và muốn tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử của Công giáo.



[Nhà thờ Yakhyeon và thánh địa Seosomun]Nơi đang diễn ra buổi thánh lễ chính là nhà thờ Yakhyeon, tại phường Jungnim, quận Jung, thủ đô Seoul. Nhà thờ mang phong cách kiến trúc Gothic phương Tây đầu tiên của Hàn Quốc này do chính vị cha cố người Pháp Eugéne Jean George Coste thiết kế vào năm 1892, khi Công giáo còn chưa phổ biến trên bán đảo Hàn Quốc. Cha xứ Kim Sang-ok giải thích về ý nghĩa lịch sử của nhà thờ Yakhyeon: "Nơi này chính là nơi hành quyết ở bên ngoài nhà tù. Rất nhiều các tín đồ Công giáo đã bị bắt giải lên Seoul và bị xử tử tại đây. Bởi vậy mà Đức Giáo hoàng đã tới thăm địa điểm này trước tiên."

Nhà thờ Yakhyeon tọa lạc trên một quả đồi, đứng từ đây, ta có thể nhìn thấy ba ngọn tháp hình chữ nhật mang tên là tháp Heonyang đã được dựng lên để tưởng nhớ sự hy sinh của các vị thánh tử vì đạo xưa kia. Nơi đây chính là Thánh địa Seosomun. Cách đây 200 năm, bị khép vào tội danh “những kẻ vô đạo đức phản bội nhân loại”, hơn 100 tín đồ Công giáo thời kỳ đầu đã bị xử tử tại thánh địa Seosomun. Đây là cuộc hành quyết đẫm máu và tàn ác nhất trong lịch sử Công giáo Hàn Quốc, và Seosomun là nơi tử vì đạo của nhiều tín đồ tiêu biểu như Yoon Ji-chung (1759-1791), Jeong Yak-jong (1760-1801). Vào năm 1984, kỷ niệm 200 năm ra đời của Giáo hội Công giáo tại Hàn Quốc, 103 tín đồ tử vì đạo đã được phong thánh, một sự kiện hiếm thấy kể cả trong lịch sử Công giáo thế giới. Trong số 103 vị có đến 44 người đã bị xử tử tại Seosomun. Trong số 124 vị tử vì đạo được Đức Giáo hoàng Francis làm lễ phong thánh bậc “Chân phước” vào ngày 16/8 vừa qua, cũng có 27 vị đã hiến thân ở thánh địa Seosomun. Bởi vậy mà ngay trước lễ phong thánh tổ chức tại quảng trường Gwanghwamun, Đức Giáo hoàng Francis đã chắp tay cầu nguyện trên mảnh đất đẫm máu và nước mắt này.

Vào năm 1891, khi các cuộc tàn sát người Công giáo đã chấm dứt, nhà thờ Yakhyeon được xây dựng trên ngọn đồi nhìn thẳng xuống thánh địa Seosomun, để tưởng nhớ linh hồn những tín đồ Công giáo hy sinh. Ba cột tháp là hình tượng cho hình ảnh con dao, công cụ tra tấn phổ biến thời Joseon (Thế kỷ XIV đến XIX). Trên tháp Heonyang còn khắc tên những giáo dân bị giết hại trong những đợt tàn sát, thanh trừng năm xưa. Những tín đồ Công giáo xúc động, rưng rưng mỗi khi nhìn xuống cột tháp, nơi yên nghỉ của những linh hồn các thánh tử vì đạo. Một nữ tín đồ chia sẻ:
"Dường như nhà thờ Yakhyeon được kết tinh từ linh hồn của các thánh tử vì đạo nên mỗi khi đến đây tôi đều cảm thấy lời nguyện cầu của mình chân thành, sâu sắc hơn. Vì vậy mà khi nhớ về hình ảnh của Đức Giáo hoàng, nhớ về sự hy sinh của những thế hệ đi trước, tôi càng tin nơi đây là một vùng thánh địa, thánh chiến đầy ân huệ và thiêng liêng."

[Nhà thờ phường Gahoe]Nếu như nhà thờ Yakhyeon và thánh địa Seosomun gây được sự chú ý là thánh địa các thánh tử đạo lớn nhất, thì nhà thờ ở phường Gahoe nằm trong khu làng cổ Bukchon, phía Bắc Seoul, lại là nơi tiến hành Thánh lễ tạ ơn đầu tiên tại Hàn Quốc. Cha xứ Song Cha-seon của nhà thờ phường Gahoe cho biết: "Nhà thờ phường Gahoe được coi là nơi đầu tiên tiến hành Thánh lễ tạ ơn vào thời kỳ Joseon. Thánh lễ có ý nghĩa và giá trị thiêng liêng lớn lao, đánh dấu sự hình thành chính thức của một nhà thờ Công giáo. Không phải cứ có con chiên tập hợp lại là tạo thành nhà thờ mà phải có nghi lễ Tạ ơn Chúa do chính linh mục chủ tế. Trước khi làm Thánh lễ, nhà thờ đã có hơn 4.000 tín đồ đã làm lễ rửa tội. Việc cha xứ đã đứng ra làm thánh lễ chính là tuyên bố về tồn tại và hoạt động của nhà thờ."

Lịch sử Công giáo Hàn Quốc ngay từ khi hình thành đã có khác biệt lớn so với các quốc gia khác. Ông Choi Du-ho, hướng dẫn viên của thánh địa thuộc giáo phận chánh tòa khu vực Seoul, cho biết:"Nếu như các nước khác tiếp nhận Công giáo thông qua cha xứ nước ngoài đến truyền đạo thì Công giáo Hàn Quốc phát triển tự phát từ việc tự học hỏi, nghiên cứu học thuật và tự giác ngộ tín ngưỡng của người dân thường. Đây chính là hiện tượng độc đáo, có một không hai trong lịch sử nhà thờ thế giới."

Những tín đồ Công giáo thời kỳ đầu phần lớn là các quý tộc dưới triều đại Joseon. Dựa trên Silhak (Thực học), một phong trào chủ trương học thuật thực hành, đón nhận kỹ thuật phương Tây, các học giả đã quan tâm đến “Seohak” (Tây học) - học thuật phương Tây và đọc sách “Cheonjusiri” (Thiên chúa thực nghĩa) để bắt đầu nghiên cứu về Công giáo. Họ đã tự học, tự làm lễ rửa tội cho nhau, niềm khao khát về tôn giáo ngày càng mãnh liệt hơn và cuối cùng họ đã cầu viện đến cha xứ ở Trung Quốc. Cha xứ Song Cha-seon giải thích thêm: "Sau quá trình tự nghiên cứu, rửa tội, các tín đồ nhận ra việc thực hiện Thánh lễ cần phải do một cha xứ đích thực đảm nhiệm. Bởi vậy mà các tín đồ đã tự tìm đến Giáo chủ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, để xin chỉ giáo. Giáo chủ Bắc Kinh lúc đó đã rất ngạc nhiên khi thấy tín đồ Hàn Quốc tự giác ngộ mà không cần truyền đạo, thậm chí còn thực hiện cả thánh lễ. Do ngoại hình người dân giữa hai nước giống nhau nên cha xứ người Trung Quốc dễ dàng nhập cảnh bí mật vào nước Joseon và làm nghi thức thánh lễ tại khu vực này."

Vào thời điểm đó, cha xứ Ju Mun-mo đã ở tại nhà viên quan phụ trách công việc dịch thuật sách Choi In-gil và học chữ tiếng Hàn. Sau đó, vào ngày 5 tháng 4 năm 1795, trong ngày đại lễ mừng Chúa phục sinh, cha xứ đã làm thánh lễ đầu tiên tại khu đất nhà thờ phường Gahoe.
Nhà thờ phường Gahoe vốn được xây dựng vào năm 1949 đã cũ kĩ và mục nát, nên được xây dựng lại và khánh thành vào cuối năm 2013 với tổng diện tích 3.738,34㎡, cao ba tầng và có ba tầng hầm. Ấn tượng nhất có lẽ chính là lối kiến trúc kết hợp cả phong cách phương Tây và nhà truyền thống Hanok của Hàn Quốc. Cha xứ Song Cha-seon giới thiệu:
"Ý tưởng bố cục kiến trúc của nhà thờ là hình ảnh vị nho sĩ tao nhã trong trang phục truyền thống Hanbok đang choàng vai một cha xứ người nước ngoài mắt xanh. Nếu không sắp xếp khéo thì hai phong cách kiến trúc này sẽ trở nên rời rạc, khập khiễng với nhau. Nhưng bố cục cùng tựa vào nhau đã tạo liên kết liền mạch, hài hòa giữa hai khối kiến trúc. Thêm nữa, đây là làng cổ Bukchon nên chúng tôi không muốn xây một nhà thờ, một khối kiến trúc tôn giáo biệt lập với cả khu vực. Phải thiết kế làm sao để nơi đây chở thành một bến đỗ trong lành, bình yên cho mọi đối tượng khi tìm đến với nhà thờ."

Nếu chỉ nhìn bề ngoài, nhà thờ phường Gahoe trông không có dáng vẻ một nhà thờ, bởi gian nhà Hanok được xây sát với mặt đường, hài hòa với kiến trúc chung của làng cổ Bukchon. Chỉ khi vào bên trong ta mới nhìn thấy khu nhà chính và thánh điện được thiết kế theo phong cách phương Tây. Nhà Hanok là tượng trưng cho chàng nho sĩ mặc áo Hanbok, còn nhà hiện đại lại là hiện thân cho vị cha xứ nước ngoài. Đặc biệt phần lớn tòa nhà lại được xây chìm xuống lòng đất, thập tự giá cũng được dựng rất khiêm tốn ở một góc. Đây là một minh chứng về thời kỳ các tín đồ Công giáo phải làm lễ kín để trốn tránh sự truy sát của triều đình Joseon. Một tạp chí Pháp đã ghi lại khung cảnh đau thương trên mảnh đất Joseon thời đó. Cha Song Cha-seon nói: "Tạp chí của Pháp Reperes đã đăng bài về vụ hành quyết cha Laurant Inbert tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 21 tháng 9 năm 1893 với hình ảnh minh họa cha bị chặt đầu. Cuộc thanh trừng này khơi nguồn từ cuốn sách “Cheoksayuneum” (Xích tà luân âm), tức là thánh chỉ của nhà vua, ra lệnh cho muôn dân phải diệt trừ tà đạo, và “tà đạo” ở đây chính là đạo Thiên chúa. Khi xem lại cuốn sách này có thể thấy rõ con dấu của nhà vua, chỉ vì nó mà đã có bao nhiêu người phải đổ máu."

Tại tầng một của nhà thờ phường Gahoe có phòng tư liệu lịch sử Công giáo, lưu giữ bài báo nước ngoài ghi lại sự kiện tàn sát, các ghi chép hàng ngày của tín đồ, sách “Thiên chúa thực nghĩa” mà ngày xưa tín đồ Hàn Quốc từng đọc. Đáng chú ý hơn cả là một bài báo của tờ Kyunghyang đăng ngày 18 tháng 8 năm 1955, ghi lại sự kiện Uichinwang (Nghĩa Thân vương), con trai thứ năm của vua Gojong (Cao Tông) đã làm lễ rửa tội. Cha Song Cha-seon giải thích: "Nhà thờ phường Gahoe đã lưu lại tư liệu lịch sử quan trọng xác nhận việc vua và hoàng hậu cuối cùng của triều đại Joseon làm lễ rửa tội. Vị vua cuối cùng của Joseon là Uichinwang (Nghĩa thân vương; 1877-1955), tên thật là Yi Gang. Nhưng vì nhà Joseon đã sụp đổ nên người này không được gọi là vua và được xưng là tước công. Do đó, trong danh sách những người được rửa tội có ghi là Tước công Yi Gang với tên thánh là Pius."

[Nhà thờ lớn Myeongdong]Nhà thờ lớn Myeongdong là địa điểm cuối cùng đón tiếp Đức Giáo hoàng Francis, kết thúc chuyến công du năm ngày bốn đêm của ngài tại Hàn Quốc. Đây là nhà thờ Công giáo đầu tiên, là trái tim, là biểu tượng của giáo hội Công giáo Hàn Quốc, và cũng là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ngay giữa lòng thủ đô Seoul.

Ông Choi Du-ho, hướng dẫn viên của thánh địa thuộc giáo phận chánh tòa khu vực Seoul, giới thiệu: "Nhà thờ lớn Myeongdong là tòa kiến trúc hình chữ thập Latinh với ba lớp hành lang, mang phong cách Gothic phương Tây đầu tiên, được chọn là di tích lịch sử số 258 của Hàn Quốc. Xưa kia, trên khu đất này tọa lạc ngôi nhà rộng 60 gian của quan Yoon Jong-hyeon thời cuối Joseon. Các tín đồ Công giáo đã mua lại căn nhà này để xây trại trẻ mồ côi và mua thêm các khu đất xung quanh vào năm 1883, đến năm 1892 thì cho khởi công xây dựng nhà thờ lớn Myeongdong. Sau sáu năm, tức năm 1898 mới khánh thành nhà thờ. Tính đến nay, nhà thờ đã được 116 năm tuổi. Nếu xét về năm xây dựng thì nhà thờ Yakhyeon ở quận Jungnim được xây dựng đầu tiên. Còn nhà thờ lớn Myeongdong được chọn làm nhà thờ chánh tòa vào năm 1882."

Không chỉ mang ý nghĩa là nhà thờ chánh tòa Công giáo đầu tiên, việc xây dựng nhà thờ lớn Myeongdong còn đánh dấu quyền được sinh hoạt tín ngưỡng công khai của các giáo dân Hàn Quốc vốn bị tra tấn, đàn áp trước kia. Tầng hầm của nhà thờ là nơi an nghỉ của các thánh tử đạo và là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử thiêng liêng. Ông Choi Du-ho giải thích tiếp: "Tầng hầm của nhà thờ là khu mộ chí mang tên Seonghyesil (phòng Thánh huệ). Đây là nơi an nghỉ của chín vị thánh tử đạo hy sinh trong các vụ thảm sát năm Kỷ Hợi (1839), Bính Dần (1866) và có cả mộ cha Kim Dae-geon. Truyền thống của nhà thờ Công giáo là được xây dựng trên ngôi mộ của các thánh tử đạo. Bên trên mộ phần chính là vị trí của thánh đường."



Năm 1780, viên quan đảm trách việc thông dịch dưới thời Joseon là Kim Beom-woo đã giác ngộ Công giáo và cho mở các lớp học giảng dạy về giáo lý. Sự kiện này có thể coi là cột mốc đầu tiên của lịch sử nhà thờ lớn Myeongdong. Đây vừa là nhà thờ chánh tòa Công giáo đầu tiên, vừa là thánh địa tượng trưng cho phong trào dân chủ hóa của dân tộc Hàn Quốc từ sau những năm 1970. Trong giai đoạn Hàn Quốc chuyển mình từ cận đại sang hiện đại, nhà thờ lớn Myeongdong còn là nơi chứng kiến cuộc biểu tình xuyên đêm của những người dân đấu tranh cho dân chủ. Và vừa qua nơi đây lại đánh dấu thêm một mốc lịch sử đầy ý nghĩa nữa khi đón Đức Giáo hoàng Francis đến thăm. Một tín đồ chia sẻ: "Tôi hay đi lễ ở nhà thờ lớn Myeongdong, nhưng từ khi Đức Giáo hoàng đến thăm nhà thờ, mỗi lần đến đây tôi lại nhập tâm thêm được nhiều điều mới mẻ về giáo lý. Những lời răn dạy của Đức Giáo hoàng đã khiến đời sống tín ngưỡng của tôi trở nên giàu có, phong phú hơn, hướng những con chiên như tôi quan tâm đến tầng lớp nghèo khổ, yếu thế trong xã hội."

Trong sổ lưu bút kỷ niệm tới thăm nhà thờ, Đức Giáo hoàng chỉ viết một dòng nhỏ tên mình: “Francis”. Một chữ ký bé như lẫn vào muôn ngàn chữ ký khác, đúng như con người giản dị, khiêm tốn của Đức Giáo hoàng. Ngài được cả thế giới yêu mến vì tinh thần bác ái, cởi mở, luôn coi trọng các giá trị nhân bản và đặc biệt là các tầng lớp yếu thế trong xã hội. Chuyến công du Hàn Quốc của Đức Giáo hoàng đã khép lại được tròn một tháng, nhưng các thánh địa vẫn liên tục đón tiếp những bước chân hành hương theo ngài để khẳng định đức tin và đưa ánh sáng yêu thương đến với những thân phận nhỏ bé nhất trong xã hội.

Lựa chọn của ban biên tập