Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Chợ Namdaemun kỷ niệm 600 năm thành lập

2014-10-21

[Namdaemun- Chợ phiên lâu đời nhất tại Hàn Quốc]Ngày 1 tháng 10 năm 2014, người dân Seoul đã nô nức tới dự lễ kỷ niệm 600 năm hình thành và phát triển chợ Namdaemun, chợ đầu mối truyền thống tiêu biểu nhất tại Hàn Quốc.

Đây là chợ phiên lâu đời nhất và cũng là chợ họp hàng ngày kiểu hiện đại đầu tiên tại Hàn Quốc. Ngày nay, lượng khách đến chợ đã vãn hơn do sự bùng nổ của các siêu thị lớn, các cửa hàng bách hóa tổng hợp, trung tâm mua sắm, nhưng Namdaemun vẫn là khu chợ tổng hợp tiêu biểu nhất tại Hàn Quốc và giữ một ý nghĩa, vai trò quan trọng trong lòng mỗi người dân Seoul.

Chợ Namdaemun được hình thành từ năm 1414, kể từ khi vua Taejong (Thái Tông), vị vua đời thứ ba của triều đại Joseon dựng lên khu hàng quán và cho các thương nhân thuê lại để buôn bán. Nhà phê bình văn hóa Kim Heon-sik cho biết: "Chợ Namdaemun vốn là không gian hoạt động thương mại chủ yếu thời Joseon. Sau khi vua Thái Tổ Yi Seong-gye của vương triều Joseon chọn Hanyang (Hán Dương, tên gọi cũ của thủ đô Seoul) làm nơi đóng đô, vị vua thứ ba của triều đại này là Taejong đã chọn khu chợ thị triền hành lang vào năm 1414. Thị triền hành lang được hoạt động theo hình thức các thương nhân thuê lại hàng quán do chính quyền dựng lên. Đến cuối thời Joseon, ở Seoul có ba chợ lớn nhất là chợ Namdaemun, chợ Unjongga và chợ Dongdaemun ở khu Jongno."

Dân tộc Hàn Quốc oằn mình trong kiệt quệ, đói nghèo sau khi trải qua cuộc chiến Imjinwoeran (Biến loạn Nhâm Thìn) kéo dài sáu năm, khi quân Nhật xâm lược bán đảo Hàn Quốc vào năm 1592; và Byeongjahoran (Hồ loạn Bính Tý), cuộc xâm lược nhà nước Joseon của nhà Thanh, Trung Quốc, vào năm 1636. Cũng chính bởi vậy mà tuy được hình thành từ rất sớm, nhưng phải sau khi kết thúc hai cuộc chiến tranh xâm lược kể trên, khi người người đổ về quanh khu vực chợ để buôn bán và kiếm kế sinh nhai trong thời kỳ loạn lạc, đói kém, chợ Namdaemun mới bắt đầu nhộn nhịp.
Thêm một lý do thu hút người dân dồn về chợ Namdaemun thời đó, là do sự hiện diện của Seonhyecheong (Tuyên Huệ thính), cơ quan có vai trò như Cục thuế quốc gia ngày nay và chuyên quản lý việc lưu thông, phân phối các mặt hàng cơ bản như gạo, vải, tiền bạc. Do nằm sát cạnh cơ quan này, một cách tự nhiên chợ Namdaemun đã trở thành trung tâm mua bán sản vật của các địa phương. Vị trí địa lý thuận lợi cũng là một ưu thế quan trọng trong quá trình mở rộng quy mô chợ.

Nhà phê bình văn hóa Kim Heon-sik giới thiệu:"Lợi thế đầu tiên của chợ Namdaemun chính là bến cảng sông Hàn. Đây là nơi tập trung các mặt hàng từ ba tỉnh phía Nam là tỉnh Chungcheong, tỉnh Jeolla và tỉnh Gyeongsang. Bởi vậy, Namdaemun đã rất có tiềm năng để trở thành nơi tiếp nhận và lưu thông hàng hóa trên toàn quốc. Ví dụ như hải sản và muối tập kết tại bến phà Mapo lại được chuyển về chợ Namdaemun, và sau đó được phân phối cho các tiểu thương để chào hàng tại khắp mọi ngõ ngách của thủ đô Seoul. Đến những năm đầu thế kỷ thứ XIX, những khu chợ “xổi” không chính thống ngoài rìa Namdaemun cũng được di dời vào bên trong, khiến chợ này được mở rộng lên gấp nhiều lần."

Đặc biệt, vào năm 1897, Namdaemun chính thức trở thành chợ họp hàng ngày, sau khi Tuyên Huệ thính thành lập một khu chợ mang tên là “Changnaejang” (Thương Nội trường), tức chợ ở trong khu kho bãi chứa hàng. Nhà phê bình văn hóa Kim Heon-sik giải thích: "Người ta phán đoán vị trí của Thương Nội trường nằm giữa khu A và khu B của chợ Namdaemun ngày nay và có tổng cộng khoảng 85 gian hàng, trong đó có 3 gian hàng hoa quả, 14 gian hàng gạo, 36 gian hàng hải sản, 22 gian hàng thuốc lá và 10 gian hàng tạp phẩm chuyên thu mua đồ để bán rong. Chủng loại hàng hóa lưu thông trong chợ biến đổi theo từng thời kỳ."



[Chợ Namdaemun là đầu mối lưu thông hàng hóa quan trọng nhất nước]Cùng với xu thế mở cửa đầu thế kỷ XX, các thương lái nước ngoài cũng đổ về chợ ngày một đông, đưa Namdaemun trở thành khu chợ lớn nhất thủ đô Hanyang ngày đó. Ông Kim Heon-sik tiếp lời: "Vào thế kỷ XIX, Namdaemun dần trở thành mô hình chợ hàng ngày theo khuynh hướng cận đại đầu tiên tại Hàn Quốc, với hoạt động buôn bán tấp nập diễn ra vào mỗi sáng sớm. Tính theo số liệu năm 1907, cơ cấu thương nhân trong chợ bao gồm 50% người trên bán đảo Hàn Quốc dưới triều đại Joseon, 30% người Nhật Bản và 20% người Trung Quốc. Mức giao dịch của chợ Namdaemun gấp 2,6 lần chợ có quy mô lớn thứ hai là chợ Dongdaemun."

Từ sau khi hình thành tuyến đường sắt Gyeongin nối giữa thành phố Incheon và Noryangjin (Seoul), và sau đó là các tuyến Gyeongbu nối giữa thành phố Seoul và Busan, Gyeongui nối giữa thủ đô và Sinuiju (nay là Bắc Triều Tiên), chợ Namdaemun còn đóng thêm vai trò là chợ bán sỉ phân phối hàng trên toàn quốc.

Điều kiện địa lý và giao thông thuận lợi đã đưa Namdaemun trở thành “kho hàng” của cả nước. Hàng hóa ở chợ phong phú đến mức có câu ví “Namdaemun chẳng thiếu gì ngoài cái sừng của mèo”. Chợ Namdaemun là nơi trung chuyển, phân phối của mọi mặt hàng được sản xuất và chế tác tại Hàn Quốc. Ông Kim Jae-yong, Hội trưởng hội thương nhân chợ Namdaemun, tự hào nói:"Trong quá khứ, cũng không có nhiều mặt hàng sản xuất tại Hàn Quốc còn hàng hóa nhập từ nước ngoài vào Hàn Quốc cũng không có chỗ bán. Bởi vậy mà chợ Namdaemun đóng vai trò là trung tâm hàng hóa. Từ những mặt hàng được sản xuất hay nhập khẩu từ cảng Incheon ở phía Tây, đến nông sản của vùng núi tỉnh Gangwon ở phía Đông bán đảo Hàn Quốc, hay thậm chí là đồ bán tại cửa hàng bách hóa sang trọng cũng được tập kết tại đây trước khi được phân phối trên toàn quốc."

Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Namdaemun còn là nơi mua bán hàng “ngoại” được tuồn ra từ doanh trại quân đội Mỹ hoặc sản phẩm nhập khẩu, vì thế chợ còn có cái tên là “chợ quỷ”. Nhà phê bình văn hóa Kim Heon-sik giải thích: "Chiến tranh đã khiến đất nước trở nên kiệt quệ, khan hiếm hàng hóa, nên hàng lậu, hàng xa xỉ phẩm, thậm chí là đồ dùng trong quân đội được tuồn vào chợ từ các căn cứ Mỹ đóng tại khu Yongsan (Seoul). Do đó, Namdaemun còn có tên khác là chợ quỷ, hàm ý chỉ chợ cái gì cũng có và khi bị kiểm tra, truy bắt thì biến mất nhanh như là ma quỷ. Chợ còn có biệt danh là chợ Yankee do có hàng từ quân đội Mỹ."

[Quy mô hiện tại của chợ Namdaemun]Chợ Namdaemun dần trở nên cũ kỹ theo lịch sử 600 tuổi, bãi đỗ xe chật hẹp cũng là nguyên nhân khiến chợ bị “lép vế” so với những trung tâm thương mại hay cửa hàng bách hóa tổng hợp hiện đại. Tuy nhiên, cái tên Namdaemun vẫn có một sức hút đặc biệt đối với mỗi người dân Hàn Quốc. Một người dân cho biết: "Hầu như bất cứ người dân Seoul nào cũng đều đã đến đây. Đây là chợ cổ, vừa có hàng hóa phong phú, giá cả lại rẻ và có rất nhiều điều thú vị." Một người dân khác nói: "Đặc điểm lớn nhất của chợ Namdaemun theo tôi đó là tính truyền thống." Còn đây là một chia sẻ khác: "Trong ký ức của tôi, chợ Namdaemun là cả một thế giới đầy màu sắc và cuốn hút. Thật là tuyệt khi có thể tham quan và mua sắm đủ mọi thứ ở cùng một nơi."

Hiện tại với diện tích lên tới 66.000 m2, chợ Namdaemun quy tụ hơn 12.000 gian hàng, cùng hơn 17.000 chủng loại hàng hóa. Thật choáng ngợp khi bước vào “kho hàng” khổng lồ với đủ các loại như máy ảnh, kính mắt, giường tủ, chăn đệm, đồ leo núi, quần áo trẻ em, quần áo phụ nữ, vật dụng quân đội, hàng nhập khẩu, đồng hồ, phụ kiện, đồ trang sức và bát đĩa...

Ngoài 50.000 tiểu thương, mỗi ngày chợ Namdaemun còn đón từ 350.000 đến 400.000 khách trong nước và hơn 10.000 khách quốc tế đến tham quan. Mọi ngõ ngách trong chợ lúc nào cũng tấp nập người qua lại. Ông Kim Jae-yong, Hội trưởng hội thương nhân chợ Namdaemun, chia sẻ:"Trong chợ có rất nhiều thứ được khách nước ngoài ưa chuộng. Ví dụ như trước đây khách du lịch Nhật Bản hay tìm đến mua rong biển khô lá “kim’ hay nhân sâm, đồ da. Trong khi đó, khách Trung Quốc chú ý đến các sản phẩm như hồng sâm. Các mặt hàng khác như đồ trang sức, quần áo trẻ em ở chợ Namdaemun cũng nổi tiếng trên thế giới và được nhiều du khách hỏi mua."

Ông Lee Jae-ho Trưởng phòng Kinh tế thị trường thuộc Văn phòng quận Jung, thủ đô Seoul, nêu bật tầm quan trọng của chợ Namdaemun: "Namdaemun vốn là chợ đầu mối. Chức năng của chợ đầu mối không phải là bán hàng lẻ cho người tiêu dùng mà là phân phối, lưu thông hàng hóa đi khắp nơi trên toàn quốc. Bởi thế nếu hoạt động tại chợ Namdaemun bị tắc nghẽn thì quá trình phân phối hàng hóa của cả nước cũng không thông suốt. Quả không sai khi ví Namdaemun là thước đo kinh tế, phản ánh tốc độ và mức độ phát triển của địa phương cũng như toàn quốc."

Khi nhà nhà còn chìm trong giấc ngủ, chợ Namdaemun đã hoạt động nhộn nhịp với tiếng bước chân, tiếng còi xe buýt lớn, xe chở hàng của các tiểu thương đến từ mọi miền trên toàn quốc. Những phương tiện này sẽ chở hàng hóa từ chợ và cung cấp đến tận tay người tiêu dùng ở khắp các tỉnh thành. Tuy là chợ bán sỉ nhưng giá bán lẻ ở chợ Namdaemun cũng rất phải chăng.



[Niềm tự hào của chợ Namdaemun]Đã đến chợ thì không thể thiếu cảnh mặc cả, khách đòi bớt giá, người bán lại nhất định bảo không. Kỳ kèo một lúc, cuối cùng cả hai vui vẻ thống nhất với giá nằm ở giữa mức rao và mức mặc cả ban đầu. Chỉ đến chợ Namdaemun, ta mới cảm nhận được tình người và hơi thở cuộc sống đầy sinh động như thế.

Những mặt hàng quần áo với chất vải xịn và kiểu dáng hợp thời nhất có mua đầy cả hai tay cũng mới chỉ hết 50.000 won (50 USD). Các bà, các mẹ có cảm giác như trở thành người giàu sau một hồi mua sắm ở chợ Namdaemun. Đây còn là nơi trực tiếp thiết kế, sản xuất và lưu thông 90% thị phần quần áo trẻ em trên toàn quốc. Ông Hwang Eui-cheol, chủ một cửa hàng quần áo trẻ em, tự hào cho biết: "Nhắc đến quần áo trẻ em thì phải đến chợ Namdaemun, nơi đây có chất liệu tốt nhất, mẫu mã đẹp nhất và giá rẻ nhất. Tất cả đều không hề có hàng nhập, mà toàn do chúng tôi trực tiếp thiết kế, sản xuất. Có thể coi Namdaemun là công xưởng may quần áo trẻ em."

Đến Namdaemun cũng không thể bỏ qua gian bán đồ trang sức và phụ kiện nổi tiếng đến mức được xuất khẩu ra nước ngoài. Các gian hàng chào đón khách bằng hệ thống đèn sáng trưng, những món đồ phụ kiện được bài trí bắt mắt. Khách hàng còn có thể mua từng nguyên liệu để trực tiếp thiết kế phụ kiện cho riêng mình. Chủ cửa hàng bán phụ kiện, ông Kim Kwang-seok, nói: "Cửa hàng của chúng tôi chuyên xuất khẩu ra nước ngoài và nhận sản xuất theo đơn đặt hàng riêng. Phụ kiện và đồ trang sức ở đây có chất lượng uy tín, thiết kế tinh tế, đủ sức để trình diễn trong các chương trình biểu diễn thời trang quốc tế."

Mua sắm xong thì còn gì thú vị bằng thưởng thức những món ăn dân dã ở các quán nằm san sát trong các ngõ chợ Namdaemun. Nào là bánh nhân mật Hoddeok, nào là bánh khoai tây chiên xù Korokke...những đồ ăn giản dị nhưng lại có một sức hút kỳ lạ, chiếm cảm tình của bất cứ thực khách nào.

Trải qua 600 năm lịch sử với bao nhiêu thăng trầm cùng những vết thương và sự tàn phá của hỏa hoạn, chiến tranh, giờ đây chợ Namdaemun lại tiếp tục phải cạnh tranh với các siêu thị hiện đại. Tuy nhiên, Namdaemun sẽ vẫn mãi là cây đại thụ, là chợ truyền thống tiêu biểu và là niềm tự hào của thủ đô Seoul. Đây là nơi chốn thân thương, luôn chào đón mọi tầng lớp người tiêu dùng khi đến và trả về cho chúng ta những túi hàng đong đầy hạnh phúc.

Lựa chọn của ban biên tập