Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Danh nhân đàn tranh 6 dây Geomungo Kim Seong-gi

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-07-31

Âm điệu ngàn xưa


Giới thiệu đàn tranh 6 dây Geomungo và danh nhân Kim Seong-gi

Người Hàn Quốc xưa còn gọi đàn tranh 6 dây Geomungo là Baekakjijang (Bách nhạc chi trượng), tức nhạc cụ hàng đầu trong các loại nhạc cụ. Truyền rằng, dưới thời Goguryeo (Thế kỷ I trước Công Nguyên đến thế kỷ VII), lần đầu tiên khi Tể tướng Wang San-ak sáng tác nhạc dành cho đàn tranh 6 dây Gomungo, có một chú hạc đen bay tới nhảy múa theo nhịp điệu của bản nhạc. Rồi trong thời Silla thống nhất (Thế kỷ VII- thế kỷ X), đàn tranh 6 dây Geomungo đã được lưu giữ trong kho bảo vật quốc gia Cheonjongo (Thiên tôn khố). Và khi đại nhạc gia đàn tranh 6 dây Geomungo Ok Bo-go vào núi Jiri (Trí Dị) ở ẩn, nhà vua đã phái người tới đó học những ngón đàn Geomungo từ nhạc gia lẫy lừng này. Đàn tranh 6 dây Geomungo là loại nhạc cụ không phải ai cũng có thể diễn tấu được. Chính vì thế mà các học giả ở Hàn Quốc xưa kia đã lấy cây đàn tranh Geomungo để tôi luyện tâm trí của mình. Thậm chí, những người dù không phải là học giả hay tầng lớp quý tộc, nhưng nếu có thể tấu đàn tranh 6 dây Geomungo thì họ đã tự đưa mình vào đẳng cấp của người học giả. Dưới thời hậu Joseon ở Hàn Quốc, Kim Seong-gi là một người có kỹ năng diễn tấu đàn tranh 6 dây Geomungo đạt đến trình độ điêu luyện. Theo năm tháng, tiếng tăm của Kim Seong-gi nổi như cồn. Nhưng ông lại thấy xấu hổ việc phải bán tài năng lấy tiền nuôi vợ con khi gia cảnh nhà Kim Seong-gi ngày một trở nên khốn khó. Lúc về già, ông bỏ nhà ra bờ sông Hàn sinh sống, thả thuyền trên sông câu cá làm thú vui và lấy hiệu là Joeun (Điếu Ẩn), Eoeun (Ngư Ẩn) và Nangong (Lãng Ông). Eoeunbo (Ngư Ẩn Bổ), Nangongsinbbo (Lãng Ông Tân Bổ), những nhạc phẩm dành cho đàn tranh 6 dây Geomungo được lưu truyền cho tới nay đều là sáng tác của Kim Seong-gi thời đó. 


Phong thái và phẩm chất của danh nhân Kim Seong-gi

Ngoài tài diễn tấu đàn tranh 6 dây Geomungo, Kim Seong-gi còn thổi sáo trúc dọc Tungso và chơi đàn tỳ bà Bipa rất điêu luyện. Người đời truyền nhau rằng, vào những đêm trăng thanh gió lặng, hình ảnh Kim Seong-gi thổi sáo trúc dọc Tungso bên bờ sông chẳng khác nào một tiên ông. Nghe tiếng sáo ông thổi thì đàn vịt trời hay đám cò trên sông đều buồn rầu rơi lệ, còn những người đi ngang qua thì cứ ngẩn ngơ lưu luyến bên bến sông. Không chỉ bầu bạn với thiên nhiên, thả ngón đàn, tiếng sáo giữa không gian mênh mang không chút ngại ngùng, mà Kim Seong-gi còn dám làm ngơ trước yêu cầu tấu nhạc của những kẻ cậy quyền cao chức trọng và giàu có. Chuyện kể rằng lúc đương thời, Muk Ho-ryong đã khiến cho cả mấy chục người phải mất mạng khi đổ oan cho họ tội phản nghịch. Hắn luôn tự vỗ ngực khoe khoang về quyền thế của mình. Cứ mỗi lần tổ chức tiệc tùng, hắn lại cho vời các nhạc gia nổi tiếng khắp vùng đến biểu diễn và cũng cho người đích thân tới mời Kim Seong-gi. Đối với Muk Ho-ryong, mời được Kim Seong-gi tới tấu nhạc không phải là vì hắn đam mê trân trọng tài năng âm nhạc của ông, mà chẳng qua chỉ để khoe mẽ với thiên hạ và tạo thêm danh tiếng của mình mà thôi. Vì thời đó, các buổi tiệc lớn phải có nhạc gia nổi tiếng diễn tấu thì chủ tiệc mới chứng tỏ được vị thế và được coi là kẻ biết phong lưu. Không vì tiền bạc hay tiếng tăm, hoặc sợ hãi thói thù vặt của kẻ xấu, Kim Seong-gi đã năm lần bảy lượt kiếm cớ từ chối lời mời tới biểu diễn của Muk Ho-ryong. Bị từ chối nhiều lần khiến Muk Ho-ryong nổi cáu. Hắn sai người tới nhà Kim Seong-gi đúng lúc ông đang tấu đàn tỳ bà Bipa, để dọa nạt và ép ông phải tới chơi nhạc cho đám tiệc của mình. Nghe đám người nhà Muk Ho-ryong dọa nạt, ông ném phăng cây đàn tỳ bà Bipa và lớn tiếng sỉ vả với đám người này rằng “Các ngươi hãy chuyển lời của ta tới Muk Ho-ryong, rằng ta nay đã 70, sao phải sợ cái loài súc sinh đó. Hắn đã có tài tấu láo người khác tội phản nghịch rồi thì cứ đem ta ra mà tấu xem sao”. Thời ấy, đến giới quý tộc cũng đều phải nể sợ uy quyền của Muk Ho-ryong, thế mà đằng này chỉ là một nhạc gia cỏn con vậy mà Kim Seong-gi vẫn khẳng khái giữ thái độ cương trực trước cái xấu và kẻ ác trong xã hội. 


Kim Seong-gi không phải là một nhân tài bẩm sinh. Cũng như bao người khác, ông đã không ngừng nỗ lực để trở thành một tài năng âm nhạc được xã hội công nhận. Có khá nhiều câu chuyện về quá trình Kim Seong-gi học đàn tranh 6 dây Geomungo. Được biết, thầy dạy đàn tranh 6 dây Geomungo của Kim Seong-gi thời đó là Wang Se-gi. Chẳng biết tài năng âm nhạc của người này ra sao, nhưng rõ ràng là ông ta không có tâm làm thầy, bởi ông ta tuyệt nhiên không dạy dỗ học trò, mà chỉ lén tấu đàn trong đêm khuya. Biết thế nên Kim Seong-gi đêm đêm đều đứng ghé tai vào cửa nghe lén thầy tấu đàn. Một ngày nọ, lúc đang tấu đàn trong đêm, Wang Se-gi cảm giác như có người đang nghe lén mình nên bất thình lình mở toang cánh cửa ra. Lúc này, học trò Kim Seong-gi đang đắm chìm trong tiếng đàn của thầy, không để ý tới những động tĩnh khác, nên ngã bổ chửng ra. Cảm động trước tâm huyết của học trò, Wang Se-gi đã truyền lại toàn bộ kiến thức và cách tấu đàn tranh 6 dây Geomungo cho Kim Seong-gi. Qua đây, chúng ta có thể thấy là sự nỗ lực bền bỉ mới là căn nguyên tạo nên một thiên tài. Nhạc gia Kim Seong-gi dưới thời hậu Joseon chính là một thiên tài như vậy. 


* Nhạc phẩm Jeongjungdong (Động trong tĩnh) / nhóm nhạc Goemungo Factory 

* Nhc phm Pungryudosi (Đô th phong lưu) / nhóm nhc truyn thng Bulsechul 

* Nhạc phẩm Chulgang (Thép ra lò) / nhóm nhạc Lee Jeong-ju 

Lựa chọn của ban biên tập