Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Người học giả Hàn Quốc xưa trong mùa hè nóng nực

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-07-13

Âm điệu ngàn xưa

Người học giả Hàn Quốc xưa trong mùa hè nóng nực
Văn hóa giải nhiệt mùa hè của người dân Hàn Quốc xưa kia
Xưa kia ở Hàn Quốc có trò chơi mang tên là “Cheolryeop”. Sang xuân, từ sau khi gieo mạ đến lúc gặt hái cuối thu, mùa hè thường là thời gian nông nhàn. Cứ vào mùa hè, họ lại rủ nhau ra suối câu cá và nấu canh cá ngay bên bờ suối rồi cùng nhau xì xụp. Cheolryeop là trò tiêu khiển và cũng là cách để người nông dân xua đi cái nóng nực giữa ngày hè. Họ lấy cớ là bắt cá để được ngụp lặn trong làn nước suối mát rượi giữa những ngày hè nắng nóng như thiêu đốt. Mớ cá tươi vừa bắt được nấu thành món canh ngọt thanh chẳng khác gì bát thuốc tẩm bổ cho cơ thể đang bải hoải và rã rượi mồ hôi vì cái nóng. Trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc có một nhạc phẩm mang tên “Yukchilwol” (Tháng 6, tháng 7) kể về câu chuyện đi bắt cá của một người đàn ông. Khi nhìn thấy dưới suối có nhiều cá thì người đàn ông chắc mẩm là nếu có trong tay dụng cụ thì sẽ bắt được cả lũ cá kia. Đúng lúc đó, một cậu bé làm thuê cho nhà khác dắt bò đi qua, người đàn ông liền gọi cậu bé và liến thoắng rằng nếu ngươi cho ta mượn cái giỏ kia thì ta sẽ bắt hết lũ cá này, rồi ngươi hãy mang giỏ cá về nhà cho vợ ta bảo cô ấy là cho thêm vài lát bí và nấu thật ngon vào. Nhưng vì từ nhỏ đã đi làm kẻ ăn người ở cho người khác, cậu bé lanh lợi đâu dễ ngoan ngoãn nhận lời ngay kia chứ. Cậu liền tỏ thái độ rất ỡm ờ và nói rằng mình đang bận. Có chăng người đàn ông phải chia cho cậu bé chút đỉnh thì cậu mới ngoan ngoãn nhận lời. 

Phong cách của người học giả Hàn Quốc xưa trong những ngày hè nóng nực
Cheolryeop là trò chơi lội nước bắt cá. Xưa kia ở Hàn Quốc, giới quý tộc vì giữ thể diện nên trời có nóng đến mấy cũng vẫn mặc nguyên trang phục theo kiểu quan cách, đâu dám bỏ áo quần ra mà lội nước bắt cá, cùng lắm trước mặt thiên hạ cũng chỉ dám ngâm chân trong làn nước suối mát lạnh. Trong câu “Cởi dây mũ Gat, rửa chân dưới làn nước trong xanh mát lạnh” của Mạnh Tử có xuất hiện từ “Rửa chân”. Ở đây, đối với người học giả, “Rửa chân” không có nghĩa là “Chỉ rửa chân trong làn nước mát lạnh” mà còn mang ý nghĩa là “Gột rửa cho tâm hồn trong sạch” và nếu muốn thì cũng có thể câu cá giải khuây. Nhạc phẩm “Wurak” thuộc dòng thơ phổ nhạc Sijo của Hàn Quốc có ca từ miêu tả cảnh người học giả câu cá, rằng:

Câu cá ngủ gật mất cần câu, vui nhảy một hồi rơi áo tơi
Thân già lẫn cẫn, hải âu ơi đừng cười nhé
Giật mình tỉnh giấc đào hoa thắm nở khắp tứ phương

Giới học giả xưa kia khi câu cá, họ không câu nệ là bắt được nhiều hay ít cá vì chỉ coi đây là cách để tâm hồn rời xa thế tục đa đoan. Xưa kia, ở Trung Quốc có người tên là Khương Tử Nha. Người này suốt đời câu cá bằng lưỡi câu thẳng nên chẳng bao giờ câu được con cá nào. Một lần, trong lúc câu cá, ông đã gặp Văn Vương của nhà Chu và giúp vị vua này bình định Trung Quốc. Lúc đương thời, người đời còn gọi Khương Tử Nha là Thái Công Vọng, có nghĩa là người mà Thái Công là tiên tổ của Văn Vương mong ngóng được gặp, hay còn gọi là Khương Thái Công. Ông đã thả cần câu để câu thời gian chứ không phải là để câu cá. Giới học giả Hàn Quốc xưa kia câu cá với tâm thế của Khương Thái Công và còn có người mong ước được sống cuộc đời của một ngư dân. Đối với các học giả, “ngư dân” không phải là nghề kiếm kế sinh nhai mà là cách những người học cao hiểu rộng chọn cách sống ở ẩn, xa lánh với xã hội đương thời, lấy việc đánh bắt cá làm trò giải khuây và tiêu khiển, thả lưỡi câu rồi tận hưởng hương vị của sóng nước đất trời và hòa mình với thiên nhiên. Học giả kiêm chính trị gia Yun Seon-do hiệu Gosan (Cô Sơn) sống dưới thời Joseon thế kỷ thứ XVII của Hàn Quốc đã sáng tác tuyển tập thơ Eobusasisa (Ngư phủ tứ thời từ) gồm 40 bài thơ miêu tả cuộc sống của người ngư dân suốt 4 mùa trong năm, với 10 bài thơ dành cho mỗi mùa. Một bài hát về mùa xuân trong tập thơ này có đoạn:

Sương mù bên sông tan, nắng vàng rọi sau núi
Nước đêm rời đi, nước ngày dồn tới
Nhổ neo, kéo lên! kéo lên nào!

* Khúc hát “Yukchiwol”(Tháng 6 tháng 7) theo lối Hwimori Japga / Park Sang-ok
* Nhạc phẩm thơ phổ nhạc chính nhạc Gagok dành cho giọng nam “Wurak Jodaga” (Đang ngủ gật) / Lee Dong-gyu 
* Khúc hát “Eobusasisa” (Ngư phủ tứ thời từ) / Kim Na-ri 

Lựa chọn của ban biên tập