Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 11: Bình thường hóa quan hệ ngoại giao và Hiệp ước Hàn-Nhật

2015-03-24

Phần 11: Bình thường hóa quan hệ ngoại giao và Hiệp ước Hàn-Nhật
[Seoul và Tokyo xúc tiến khôi phục quan hệ ngoại giao vì mục đích kinh tế]
Ngày 22 tháng 6 năm 1965, Hiệp ước về quan hệ cơ bản giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, gọi tắt là Hiệp ước Hàn-Nhật đã được ký kết tại Dinh thủ tướng ở Tokyo. Hiệp ước Hàn-Nhật bao gồm hiệp định cơ bản và bốn hiệp định liên quan tạo nền tảng khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, vốn bị gián đoạn từ năm 1945 sau khi bán đảo Hàn Quốc được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Nhật. Lễ ký kết Hiệp ước Hàn-Nhật diễn ra trong khoảng 15 phút, và người đặt bút ký là Bộ trưởng Ngoại giao Lee Dong-won và người đồng cấp Nhật Bản Shiina Etsusaburo. Như vậy, các cuộc đàm phán để bình thường hóa quan hệ song phương, vốn đã kéo dài 13 năm 8 tháng kể từ năm 1951, đã kết thúc.

Từ sau ngày Hàn Quốc giành được độc lập vào năm 1945, Seoul và Tokyo đã duy trì mối quan hệ lạnh nhạt. Mãi đến năm 1951, đàm phán song phương mới bắt đầu được mở ra. Nội dung đàm phán tương đối gay gắt, xoay quanh những vấn đề thời kỳ đế quốc Nhật chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc. Mặc dù hai bên vẫn kiên trì tiếp tục thảo luận, nhưng sau đó cuộc đàm phán đã bị gián đoạn do không tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết những vấn đề quá khứ. Ông Lee Won-deok, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản của trường Đại học Kookmin, giải thích: “Điều kiện tiên quyết để bình thường hóa mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, là phải giải quyết những hậu quả trong quá khứ. Hai nước đã bất đồng trong quan điểm nhận định bản chất thời kỳ Nhật chiếm đóng Hàn Quốc, cũng như số tiền bồi thường cho người dân Hàn Quốc. Đó là những yếu tố gây khó khăn cho cuộc hội đàm.”

Đàm phán song phương, vốn dậm chân tại chỗ với lập trường trái ngược của hai quốc gia, đã bắt đầu được tăng tốc vào năm 1960, thời kỳ Chính phủ Hàn Quốc triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế năm năm lần thứ nhất dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Park Chung-hee. Do đó, Seoul đã tích cực xúc tiến lại đàm phán với Tokyo để có thể thu hút được một khoản ngoại tệ cần thiết cho việc phát triển kinh tế. Ông Seok Jeong-seon, Phó giám đốc Cục tình báo trung ương thời đó, nói về tình hình của Hàn Quốc: “Để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh thì chúng ta cần phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà để làm được điều đó thì chúng ta cần có tiền. Không có cách nào khác là Hàn Quốc phải đẩy nhanh thương thảo tiến đến bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản để sớm nhận được khoản ngoại tệ đó.”

Mặt khác, Nhật Bản cũng mong muốn thắt chặt hơn mối quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc. Bước vào những năm 1960, nền kinh tế Nhật Bản đang ở vào thời kỳ phát triển mạnh, nên nước này cũng khá quan tâm đến những bước đi của nước láng giềng. Giám đốc Lee Won-deok cho biết: “Chính phủ Nhật cần sự tồn tại của một chính quyền chống cộng vững chắc ở Hàn Quốc, do vậy họ rất chú trọng quan hệ hợp tác với Chính phủ Tổng thống Park Chung-hee. Mặc khác, bước vào năm 1960, Tokyo rất muốn mở rộng phát triển kinh tế hơn nữa, cụ thể là họ cần đầu tư nhiều hơn cũng như có nhiều sản phẩm hàng hóa dư thừa cần mang bán hơn. Vì vậy, Hàn Quốc đã trở nên quan trọng hơn trong mắt Nhật Bản với tư cách là một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng. Như vậy, Nhật Bản cần bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc vì các lý do an ninh và kinh tế.”

Với mục tiêu thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, hai nước đã chính thức ký Hiệp ước Hàn-Nhật vào ngày 22 tháng 6 năm 1965. Giám đốc Lee Won-deok của Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản thuộc trường Đại học Kookmin nói tiếp: “Hiệp ước Hàn-Nhật 1965 gồm hiệp định cơ bản giữa hai nước và bốn hiệp định nhỏ. Hiệp định cơ bản có nội dung về giải quyết hậu quả mà chế độ thực dân Nhật đã gây ra cho Hàn Quốc và công nhận Hàn Quốc là Chính phủ hợp pháp duy nhất trên toàn bán đảo. Hiệp định ngư nghiệp thì bàn về vấn đề vạch đường phân chia lãnh hải. Một Hiệp định khác thì đề cập đến việc mở rộng địa vị pháp lý của Hàn kiều đang sinh sống tại Nhật. Hiệp định về quyền yêu sách có nội dung bồi thường hệ lụy 35 năm thực dân Nhật cai trị ở Hàn Quốc. Và cuối cùng là Hiệp định về di sản văn hóa, quy định về việc hoàn trả những di sản văn hóa bị đưa ra khỏi Hàn Quốc trong thời kỳ đế quốc Nhật đô hộ cũng như đâu sẽ là nơi tiếp nhận những di sản này.”

[Người dân Hàn Quốc lên tiếng phản đối Hiệp ước Hàn-Nhật]
Với việc ký kết Hiệp ước Hàn-Nhật, mối quan hệ giữa hai nước đã có bước tiến triển mới. Tuy nhiên, tình hình nội bộ Hàn Quốc lại trở nên rất phức tạp. Sau khi đàm phán giữa hai quốc gia được bắt đầu vào năm 1951, thì mối quan tâm của người dân Hàn Quốc là lời xin lỗi và bồi thường của phía Nhật Bản. Với hệ lụy của thời kỳ Nhật trị là nhiều người hy sinh trong các phong trào vận động đòi độc lập, tiếng nói và chữ viết của quốc gia suýt bị xóa sổ, bảy triệu người bị cưỡng bức lao động cũng như nguồn tài nguyên bị tước đoạt, thì có thể nói đây là vết thương không thể lành được đối với Hàn Quốc, là điều mà dân tộc Hàn không bao giờ tha thứ. Với lòng tự tôn dân tộc, người dân Hàn Quốc đòi hỏi phải nhận được bồi thường cũng như lời tạ tội từ Nhật Bản.

Tuy nhiên, bước sang năm 1964 đã xuất hiện tin đồn về việc Chính phủ Hàn Quốc vẫn xúc tiến hiệp ước song phương trong khi chưa nhận được lời xin lỗi của nước láng giềng, và rằng đến tháng 3 là sẽ đạt được thỏa thuận để Quốc hội Hàn Quốc chính thức thông qua hiệp ước đến tháng 5. Thực tế thì tháng 3 năm đó, Chính phủ đã phái Chủ tịch đảng Cộng hòa là ông Kim Jong-pil sang Nhật Bản nhằm đạt được thoả thuận về các điều khoản trong hiệp ước. Sau đây là giải thích của ông Kim Jong-pil trong một chương trình tọa đàm trên truyền hình về lý do Seoul nhanh chóng thúc đẩy bình thường hóa với Tokyo:“Thúc đẩy đàm phán để bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản là một việc làm cần thiết vào lúc này. Điều mà Hàn Quốc cần bây giờ là xây dựng nền tảng và vị thế vững chắc ở châu Á cũng như trên thế giới. Việc bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản sẽ giúp Hàn Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng xuống khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Mặc dù những dư âm của quá khứ khó có thể xóa được nhưng chúng ta nhất định phải đạt được thỏa thuận về hiệp ước này. Bởi vậy tôi đã tuân theo chỉ thị của cấp trên mà gặp Ngoại trưởng Nhật Masayoshi Ohira.”

Khi cuộc hội đàm Hàn-Nhật đang có tiến triển nhanh, Chính phủ Hàn Quốc lại vấp phải sự phản đối từ phía người dân. Đại diện đảng đối lập, các đoàn thể văn hóa, tôn giáo đã cùng nhau thành lập Hội đồng đấu tranh phản đối, đồng thời mở rộng các cuộc đấu tranh trên toàn quốc chống lại Hiệp ước Hàn-Nhật. Giám đốc Lee Won-deok của Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản nói:“Chủ trương của Chính phủ Hàn Quốc đàm phán ngoại giao với Nhật đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong nước. Sinh viên và người dân đồng thuận với đảng đối lập đã đổ ra đường biểu tình chống đối. Chính các cuộc biểu tình này đã gây ra nhiều khó khăn cho tiến trình ký kết hiệp ước. Quan điểm của những người biểu tình rất rõ ràng, họ không chấp nhận đàm phán với Nhật Bản, không chấp nhận từ bỏ hay nhượng bộ về đường biên giới trên biển giữa hai nước đã được tuyên bố từ thời Tổng thống Rhee Syng-man, đồng thời yêu cầu Nhật Bản xin lỗi cũng như bồi thường về những gì nước này đã gây ra trong quá khứ. Có thể thấy rõ vấn đề lịch sử chính là quan trọng nhất thời kỳ đó.”

Ngày 24 tháng 3, sinh viên đại học khu vực Seoul đã tiến hành biểu tình và hô vang khẩu hiệu “Hãy dừng ngay lập tức cuộc hội đàm Hàn-Nhật đáng xấu hổ này”. Càng về sau, tiếng hô hào của đoàn biểu tình ngày càng lớn hơn. Ngày 26 tháng 3, hơn 60.000 người từ 11 tỉnh thành đồng loạt đổ ra đường. Trước tình hình này, Tổng thống Park Chung-hee đã phải xuất hiện để trấn an người dân.

[Nhật Bản cam kết viện trợ 500 triệu USD để đổi lấy sự xin lỗi về quá khứ thực dân chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc]
Giữa lúc dư luận đang rất sôi sục thì có một sự kiện quan trọng đã xảy ra. Bản ghi chép cái gọi là thỏa thuận Kim-Ohira đã được tiết lộ. Vào năm 1962, Giám đốc Cục Tình báo trung ương Hàn Quốc lúc đó là Kim Jong-pil đã bí mật bắt tay với Ngoại trưởng Nhật Bản Masayoshi Ohira để ký Bản ghi nhớ Kim-Ohira tại Tokyo. Theo đó, Nhật Bản sẽ viện trợ không hoàn lại cho Hàn Quốc khoảng 300 triệu USD, viện trợ có hoàn lại khoảng 200 triệu USD và cho vay thương mại khoảng 100 triệu USD. Nội dung của bản ghi nhớ khi được công bố đã gây phẫn nộ trong dư luận. Người dân phản đối kịch liệt việc Nhật Bản chi ra 500 triệu USD để không phải tạ lỗi với Hàn Quốc và coi đó như là một cuộc xâm lược kinh tế mới của Tokyo.

[Chính phủ đàn áp người biểu tình, Hiệp ước Hàn-Nhật được ký kết]
Nhưng dù có bị người dân phản đối, Chính phủ vẫn tích cực xúc tiến cuộc đối thoại Hàn-Nhật này. Ngày 3 tháng 6 năm 1964, Chủ tịch đảng Cộng hòa khi đó là ông Kim Jong-pil đã lên đường tới Nhật Bản để tham dự cuộc hội đàm nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Nhật. Ngay buổi trưa hôm đó, các học sinh sinh viên đã tràn ra đường phản đối và đẩy cuộc biểu tình lên đến đỉnh điểm. Chính phủ đã buộc phải ra lệnh về tình trạng khẩn cấp trong toàn khu vực Seoul và thẳng tay đàn áp những người biểu tình. Bước sang năm 1965, đàm phán Hàn-Nhật cuối cùng cũng bước sang một trang mới sau khi bị gián đoạn bởi cuộc biểu tình ngày 3 tháng 6 năm trước đó. Ngày 20 tháng 2 năm 1965, hai nước cuối cùng đã ký tắt Hiệp ước cơ bản Hàn-Nhật. Tin tức này được lan ra, những cuộc biểu tình quy mô lớn cũng bùng nổ rộng khắp. Cụ Jang Byung-ha năm nay 81 tuổi kể lại: “Với những gì mà Nhật Bản gây ra trên nước ta trong suốt 36 năm cai trị như bóc lột tài nguyên, cưỡng bức lao động, đàn áp dã man dân tộc ta, thế mà một lời tạ lỗi cũng không có. Vậy tại sao lại phải nối lại quan hệ ngoại giao một cách xấu hổ thế này? Cái gì được quyền nhận, cái gì cần nhượng bộ thì đương nhiên chúng ta phải làm, nhưng tại sao chúng ta có thể nhượng bộ hết và bỏ qua mọi thứ như thế này. Vì vậy mà khi tin này được truyền ra, sinh viên, người dân bình thường đã liên tiếp đi biểu tình phản đối.”

Học sinh, sinh viên đồng loạt nghỉ học, ngày qua ngày tham gia cuộc biểu tình, thậm chí còn phản đối bằng cách tuyệt thực. Tuy nhiên đến ngày 22 tháng 6, giữa lúc Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thì bản hiệp ước đã chính thức được ký kết. Lúc này, đoàn biểu tình phải đổi khẩu hiệu từ “Phản đối ký kết Hiệp ước Hàn-Nhật” sang thông điệp mạnh mẽ hơn “Đấu tranh phản đối Quốc hội phê chuẩn Hiệp ước Hàn-Nhật”.

Vào ngày 14 tháng 7, Hiệp ước Hàn-Nhật đã được trình lên Quốc hội. Một tháng sau, vào đêm 14 tháng 8, đảng cầm quyền đã đơn phương thông qua Hiệp ước này chỉ trong một phút, trong lúc đảng đối lập đã tẩy chay cuộc họp toàn thể. Phản đối việc này, các nghị sĩ đảng đối lập đã nộp đơn từ chức. Tại các trường đại học cũng xuất hiện nhiều tiếng nói chống đối, yêu cầu vô hiệu hóa việc thông qua Hiệp ước Hàn-Nhật. Tuy nhiên, Chính phủ lại càng tỏ ra cứng rắn hơn. Ngày 25 tháng 8, quân đội được trang bị vũ khí đã xâm nhập vào trường Đại học Korea và trấn áp đoàn biểu tình tại đây. Sự kiện này đã bị nhiều trí thức đương thời phản đối. Sau đây là bản tin thời sự được phát sóng ngày đó. Trước làn sống lên án ngày càng mạnh mẽ của người dân, ngày 26 tháng 8, Chính phủ đã ban lệnh giới nghiêm trên toàn khu vực Seoul và yêu cầu 10 trường Đại học ở thủ đô, bao gồm cả trường Đại học Korea phải đóng cửa tạm thời. Sau đó, ngày 17/12/1965, Tổng thống Park Chung-hee đã ký tên vào Hiệp ước Hàn-Nhật đã được Quốc hội thông qua. Giám đốc Lee Won-deok của Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản thuộc Đại học Kookmin giải thích: “Nếu ba điểm mấu chốt là giải quyết những vấn đề quá khứ, hợp tác kinh tế và hợp tác an ninh đều đạt được nhất trí trong bản hiệp ước thì hiển nhiên đây là tuyệt nhất rồi. Tuy nhiên, trong thực tế, không thể có trọn vẹn ba điều đó, nên Chính phủ Hàn Quốc không có cách nào khác là phải chọn mục tiêu cần được ưu tiên nhất lúc bấy giờ. Đặc biệt, Hiệp định về quyền yêu sách hay Hiệp định về quan hệ cơ bản vẫn còn cản trở các biện pháp ngoại giao của Hàn Quốc cho đến ngày nay. Các nội dung điều ước cũng được hiểu, lý giải khác nhau qua thời gian, và gần đây, vẫn có nhiều ý kiến tiêu cực về Hiệp ước Hàn-Nhật. Nhưng nhìn lại cả chặng đường lịch sử 50 năm qua, thì không thể phủ nhận hoàn toàn mặt tích cực của Hiệp ước này. Chỉ có thể nói là Chính phủ Hàn Quốc vào thời điểm đó đã cố gắng hết sức có thể để xây dựng nền tảng cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế, và liên minh an ninh ba bên giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.”

Bản hiệp ước được ký kết 50 năm trước đây đã đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ bang giao giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, những vấn đề về nhận thức lịch sử vẫn luôn là trở ngại lớn để hai nước tiến tới một mối quan hệ hữu hảo thực sự.

Lựa chọn của ban biên tập