Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 15: Văn hóa thanh niên – Luồng gió mới những năm 1970

2015-04-21

Phần 15: Văn hóa thanh niên – Luồng gió mới những năm 1970
[Bối cảnh ra đời của văn hóa thanh niên]Lúc 7 giờ chiều ngày 17/10/1972, một lệnh giới nghiêm bất thường đã được ban bố trên toàn Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee ra tuyên bố sẽ thực thi đổi mới một cách nhất quán, nhằm tìm lại nguồn sinh khí cho đất nước. Đây chính là sự khởi đầu của cuộc Duy tân tháng 10 nổi tiếng. Thông qua đó, chính quyền muốn nắm trọn quyền lực và kiểm soát tất cả từ người dân thường đến cơ quan ngôn luận, khiến bầu không khí lúc bấy giờ rất ngột ngạt. Trong không khí nặng nề đó, nỗi khát khao mong mỏi về tự do vẫn rực cháy trong tim những người trẻ tuổi và thúc đẩy sự ra đời của văn hóa thanh niên hồi đó. Đàn ghi-ta, quần bò, và mái tóc dài của nam giới đã trở thành biểu tượng cho giới trẻ thời đó, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo văn hóa Hàn Quốc.

Vào ngày 27/12/1972, Tổng thống Park Chung-hee đã chính thức trở thành tổng thống lần thứ tám của Hàn Quốc. Một thập kỷ kể từ khi lên nắm quyền lần đầu tiên vào năm 1961, ông Park Chung-hee lại tái đắc cử tổng thống lần thứ ba trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 27/4/1971. Một năm rưỡi sau đó, vào ngày 17 tháng 10 năm 1972, Tổng thống Park Chung-hee đột ngột ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc. Sau 10 ngày giới nghiêm, ông Kim Seong-jin, người phát ngôn Phủ Tổng thống, đã ra thông báo về đề án sửa đổi Hiến pháp. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Kim Seong-jin phát biểu: “Thể chế chính trị theo Hiến pháp hiện hành của chúng ta đang làm phân tán và lãng phí sức mạnh quốc gia. Chỉ có tiến hành cải cách, đổi mới thì mới có thể giúp chúng ta nâng cao năng suất, thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu và tiến tới một xã hội dân chủ thực sự. Đây cũng là con đường duy nhất để bảo vệ an ninh cho đất nước và nền hoà bình thống nhất trên bán đảo Hàn Quốc. Theo đó, Chính phủ quyết định công bố đề án sửa đổi Hiến pháp. Chính phủ sẽ trưng cầu ý kiến toàn dân để từ đó hoàn thành sứ mệnh lịch sử trọng đại là chấn hưng đất nước.”

[Chế độ độc tài dưới thời Tổng thống Park Chung-hee]Ngay sau khi thông báo được đưa ra, Hiến pháp đã nhanh chóng được sửa đổi. Mọi ý kiến thảo luận, dù tán thành hay phản đối Hiến pháp mới đều bị cấm. Đến ngày 21/11 năm đó, Chính phủ đã thực hiện cuộc trưng cầu ý kiến toàn dân về sửa đổi Hiến pháp với tỷ lệ bỏ phiếu là 91,9%, trong đó có 91,5% tán thành thông qua Hiến pháp mới. Theo Hiến pháp sửa đổi, ngày 13/12, ông Park Chung-hee, ứng cử viên duy nhất tranh cử tổng thống đã tái đắc cử và trở thành tổng thống đời thứ tám của Hàn Quốc. Cùng với đó, thể chế mới cũng được thiết lập. Hiến pháp mới có khá nhiều điểm thay đổi so với Hiến pháp cũ. Phương thức bầu cử tổng thống trực tiếp được thay bằng gián tiếp, quyền giám sát nhà nước của Quốc hội bị bãi bỏ, và các Hội đồng nhân dân địa phương cũng bị bãi bỏ theo. Nhiệm kỳ tổng thống được kéo dài thành sáu năm thay vì bốn năm như trước đây. Thậm chí tổng thống có quyền bổ nhiệm một phần ba nghị sĩ và đề cử toàn bộ thẩm phán. Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội cũng như ban bố lệnh khẩn cấp mà không cần sự thuận của Quốc hội. Tổng thống nắm trong tay cả ba quyền là tư pháp, lập pháp, hành pháp và điều này đồng nghĩa tổng thống đã nắm trọn quyền lực vào tay mình.

Dưới danh nghĩa vì an ninh xã hội, Chính phủ đã khống chế và kiểm soát cuộc sống hàng ngày của người dân. Chính phủ cũng kiểm soát chặt chẽ văn hóa đại chúng với lý do thiết lập kỷ cương xã hội. Trong tình hình như vậy, văn hóa thanh niên vẫn manh nha hình thành. Nhà bình luận văn hóa đại chúng Kim Heon-sik kể lại: “Thập niên 1970 đánh dấu sự nhảy vọt trong tăng trưởng kinh tế ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều đó cũng không xóa mờ được bầu không khí u ám đang bao trùm xã hội do sự khống chế của Chính phủ độc tài quân sự đối với người dân. Khát vọng về văn hóa tự do được tích lũy từ những năm 1950, 1960 lẽ ra đã bùng nổ mạnh mẽ vào thập kỷ 1970. Tuy nhiên nó đã bị thể chế chính trị khắc nghiệt thời đó chèn ép. Song cũng chính vì phải phát triển theo dòng chảy xã hội như thế mà văn hóa thanh niên đã bắt đầu nảy mầm.”

[Văn hóa thanh niên nảy mầm và phát triển]Văn hóa thanh niên đương thời được hình thành chủ yếu trong tầng lớp trí thức đại học. Lúc bấy giờ, quần jean trở thành biểu tượng của giới trẻ và hình tượng người thanh niên tóc dài, chơi đàn ghi-ta chính là đại diện cho nét đẹp tuổi thanh xuân thời đó. Nhà bình luận văn hóa đại chúng Kim Heon-sik nói: “Quần jean - biểu tượng của giới trẻ trong văn hóa đại chúng Mỹ - đã trở thành một trong những mốt thời thượng cho thanh niên Hàn Quốc thời bấy giờ. Đối với Mỹ thì quần jean mang ý nghĩa của sự thử thách, khám phá, mới mẻ và thành tựu. Do vậy mà nó đã trở thành hình ảnh đại diện cho cái mới. Bên cạnh đó, âm thanh của cây đàn ghi-ta cũng thu hút nhiều sự quan tâm của giới trẻ. Với cây ghi-ta trên tay, các bạn trẻ có thể biểu diễn bất cứ lúc nào, vừa chơi đàn và vừa hát. Mặt khác, do xã hội lúc này bị văn hóa quân ngũ ảnh hưởng nên phong cách tóc ngắn chỉnh tề, đồng phục quân sự cũng thấm vào cuộc sống hàng ngày của người dân. Do đó, tóc dài được coi là biểu tượng thể hiện cá tính của giới trẻ thời đó.”

Chỉ trong năm 1973, đã có 12.870 người để tóc dài bị truy bắt và cưỡng chế cắt ngắn. Vậy tại sao giới trẻ vẫn mê mẩn tóc dài đến như vậy? Nhà bình luận văn hóa đại chúng Kim Heon-sik giải thích: “Lúc bấy giờ, việc đàn ông để tóc dài được coi là người tự do, phóng khoáng, biết thể hiện cái tôi của mình. Tuy nhiên, theo quan niệm lúc bấy giờ thì việc nam giới để tóc dài là một điều cấm kị. Còn trên phương diện chính trị, Chính phủ hiển nhiên sẽ càng truy quét ráo riết những người để tóc dài, nhằm duy trì trật tự xã hội. Từ đó, ta có thể thấy rằng việc để tóc dài của tầng lớp thanh niên thời đó không chỉ vì mục đích thể hiện cá tính của mình mà quan trọng hơn cả là biểu lộ khát vọng tự do và phản đối những chính sách hà khắc của Chính phủ đương thời.”

Trong khi đó, váy ngắn cũng rất được thịnh hành trong nữ giới và cũng bị Chính phủ coi là một hành vi suy đồi, và gây rối loạn xã hội. Ngày 10/3/1973, theo Luật sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính thì cảnh sát được quyền dùng kéo để cắt tóc của các nam thanh niên. Lý do Chính phủ đưa ra là mái tóc dài sẽ mang đến cảm giác bất an cho xã hội cũng như sự khó chịu cho những người xung quanh. Khi những ai để tóc dài bị bắt thì đội truy quét có quyền cắt tóc ngay tại chỗ hoặc bị bắt về phòng tạm giam tại Sở cảnh sát, bị cạo một nửa đầu. Bởi vậy mà trong các nơi tụ họp của giới trẻ lại diễn ra các cuộc trốn tìm giữa những thanh niên để tóc dài và cảnh sát. Sau đây là lời kể của ông Han Won-geun: “Lúc đó tôi khoảng 21 tuổi. Tôi đang đi đến hướng Sở cảnh sát Jongno thì chẳng thấy một bóng người nào. Tôi tò mò không hiểu vì sao lại như vậy thì thấy hóa ra là ở phía bên kia cảnh sát đang bắt những thanh niên và cắt tóc của họ đi. Tóc tôi khi đó cũng dài hơn bình thường một chút, nên tôi cũng chẳng dám đi qua chỗ đó.” Ông Kwon Hyeok-hyun, người cũng từng sống vào thời đó tiếp lời: “Xung quanh tôi khi đó có nhiều người để tóc dài lắm. Cứ tới các trường học, nhìn từ phía sau các sinh viên thì có khi bạn sẽ chẳng phân biệt được đâu là nam đâu là nữ. Khi cảnh sát thổi còi và rượt đuổi theo thì chúng tôi cứ nhảy lên tường nhà của người lạ để trốn, vì bị bắt đồng nghĩa với việc bị đè ra cắt tóc ngay.”

Thời bấy giờ, cảnh sát luôn mang theo bên mình một chiếc thước gỗ và cái kéo, nếu ai mặc váy ngắn trên 20cm so với đầu gối thì sẽ bị phạt vi phạm hành chính “Làm suy đồi thuần phong mỹ tục”. Hai phụ nữ sống vào thời đó kể lại: “Lúc đó mặc váy ngắn trên đầu gối 20cm là không được, nên khi lướt ngang qua chỗ cảnh sát là chúng tôi cố kéo váy xuống gần đầu gối. Nhưng mà váy ngắn không phải rất đẹp sao? Mặc đẹp là sức hấp dẫn của nữ giới mà.”; “Khi đến nơi đông thanh niên như khu Myeongdong thì chúng tôi thậm chí còn mặc váy ngắn hơn nữa. Khi cảnh sát tra hỏi đột xuất thì cố gắng kéo váy xuống.”

[Những sản phẩm văn hóa tiên phong]Các bạn đang nghe ca khúc có tựa đề “Một đôi lời” của đôi song ca nam Shagreen, phản ánh đầy đủ thực trạng của xã hội đương thời và được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Tóc dài và váy ngắn, đại diện cho tinh thần phản kháng cũng như mong muốn thể hiện bản thân của giới trẻ lại trở thành cái gai trong mắt chính quyền và thế hệ cũ. Nhà bình luận văn hóa đại chúng Kim Heon-sik giải thích: “Thật ra xã hội Hàn Quốc không có cơ hội chuyển từ văn hóa truyền thống sang hiện đại một cách từ từ, tự nhiên, cho nên khi diễn ra thay đổi đột ngột thì đương nhiên sẽ vấp phải sự đả kích từ tầng lớp thủ cựu rồi. Sự bùng phát bất ngờ của văn hóa kiểu mới vào những năm 1960, 1970 khiến xã hội rất khó chấp nhận ngay. Tôi cho rằng đây là một điều đáng tiếc. Đặc biệt, việc cấm đoán như vậy chính là nguyên nhân đưa đến sự phản kháng của những thanh niên lúc bấy giờ, và hành động của họ càng coi như là hàm chứa tinh thần tiến bộ lớn lao.”

Bởi mâu thuẫn gay gắt giữa giới trẻ và Chính phủ mà đã dẫn đến sự ra đời của giới văn nghệ đại chúng. Thập niên 1970 cũng bắt đầu chứng kiến sự xuất hiện của nhiều ca sĩ ở độ tuổi 20 cùng với cây đàn ghi-ta. Khác với các ca sĩ thế hệ trước thường hát theo phần nhạc đệm có sẵn, các ca sĩ trẻ vừa chơi ghi-ta vừa hát những lời ca chân thực về tình yêu, tự do và nhiệt huyết tuổi trẻ. Những bài hát này cũng an ủi, động viên, xua tan mối lo âu của tầng lớp thanh niên về thực trạng xã hội u ám thời đó.

Chính quyền thời đó đã lấy lý do những bài hát này vi phạm đạo đức, khiến giới trẻ bi quan, tuyệt vọng và làm cho xã hội bất an, vì vậy nhiều ca khúc trong số đó đã bị cấm. Bài hát “Đó chính là bạn” của ca sĩ kiêm soạn nhạc Lee Jang-hee, người mở đầu thời kỳ hoàng kim của văn nghệ đại chúng thời đó và là người thử nghiệm cho kiểu chơi nhạc mới, cũng bị cấm với lý do ca từ không phù hợp, thể hiện sự đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.

Bài hát “Cho tôi một ít nước” của Hahn Dae-soo, một Hàn kiều Mỹ, với thể loại rock pha trộn với nhạc đồng quê cũng bị cấm với lý do ca từ làm liên tưởng đến hình ảnh tra tấn bằng nước. Nhà bình luận âm nhạc đại chúng Lee Jun-hee nói thêm:“Rất nhiều ca khúc sáng tác vào những năm 1970 đã không được phát sóng, và bị đàn áp khắc nghiệt bởi nhiều lý do. Chính phủ cho rằng những nhạc phẩm đó không giúp đỡ gì cho công cuộc hiện đại hóa đất nước. Do nền tảng văn hóa của giới trẻ không vững chắc nên rất khó có thể chịu được áp lực từ bên ngoài, và rốt cuộc nó đã sụp đổ. Tuy nhiên, đây chính là tiền thân của nền âm nhạc thời đại mới, và vì vậy xứng đáng được đề cao tương xứng.”

Mặc khác, văn hóa thanh niên mà tượng trưng là quần jean, tóc dài, đàn ghi-ta cũng bị chỉ trích là đi theo văn hóa phương Tây. Do đó, cũng có phong trào thanh niên đi tìm lại bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhà bình luận văn hóa đại chúng Kim Heon-sik cho biết: “Nhiều người đã tự hỏi chẳng lẽ chúng ta không có văn hóa sao? Chẳng lẽ chúng ta chỉ biết chạy theo văn hóa phương Tây thôi sao? Trong bối cảnh đó, làn sóng tìm lại văn hóa cổ truyền của dân tộc đã lan rộng và thu hút nhiều trí thức trẻ tham gia. Nhiều trường đại học còn mở các câu lạc bộ múa mặt nạ, hay hoạt động ghi chép các bài ca về lao động, rồi biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Trong các trường đại học không có nơi nào lại không có nhóm nhạc truyền thống cả. Nếu mối quan tâm đến văn hóa dân tộc manh nha hình thành từ những năm 1970 thì đến những năm 1980, bắt đầu bùng phát mạnh mẽ. Những khao khát về văn hóa được phát triển theo hai trục. Một trục chính là tầng lớp thanh niên tiếp nhận và biến nền văn hóa vay mượn từ phương Tây thành kiểu Hàn Quốc. Một trục khác đó là giới trẻ tìm kiếm và kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.”

Thể chế chính trị được gọi Duy tân từ đầu những năm 1970, có thể coi như một sự khống chế, kiểm soát tuyệt đối cả đời sống hàng ngày lẫn tinh thần của người dân. Nhưng dưới gọng kìm kiểm soát khắc nghiệt của chính quyền khi đó, nền văn hóa thanh niên vẫn nảy mầm và mở đường cho văn hóa đại chúng ngày nay. Sự xuất hiện của trào lưu này đã xua tan phần nào bầu không khí ngột ngạt và mang đến luồng gió mới trong lành cho xã hội thời đó.

Lựa chọn của ban biên tập