Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 16: Saemaul – Phong trào hiện đại hóa nông thôn Hàn Quốc

2015-04-28

Phần 16: Saemaul – Phong trào hiện đại hóa nông thôn Hàn Quốc
[Bối cảnh ra đời của phong trào làng mới Saemaul]Năm 1970, một phong trào mang tên Saemaul (có nghĩa là “Làng mới”), đã xuất hiện ở Hàn Quốc và được ví như liều thuốc kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia. Những người dân chia sẻ về vai trò của phong trào làng mới Seamaul: “Theo tôi, phong trào xây dựng nông thôn mới Saemaul có thể được ví như một đường cao tốc. Kinh tế của Hàn Quốc đã phát triển như vậy trên con đường này mà.”; “Tôi nghĩ phong trào Saemaul là hòn đá tảng cho kinh tế Hàn Quốc.”

Cứ mỗi sáng sớm, trên khắp các miền quê Hàn Quốc, bài hát Saemaul lại vang lên trên loa phóng thanh như gọi mọi người thức dậy. Những người nông dân đã bắt đầu mỗi ngày của mình với những giai điệu sôi động như thế trong làng. Phong trào Saemaul được triển khai với hy vọng mang lại cuộc sống tốt đẹp cho những người nông dân vốn không có gì ngoài mảnh đất khô cằn và cuộc sống đói nghèo. Chính niềm khao khát thoát nghèo đã trở thành động lực lớn nhất để những con người đó bắt tay vào hành động, biến ước mơ thành hiện thực.

Mùa xuân năm 1970, Hàn Quốc đã chứng kiến một trận hạn hán kéo dài khiến người nông dân cũng không thể gieo mạ được. Vào ngày 22/4, Chính phủ đã triệu tập cuộc họp lãnh đạo địa phương toàn quốc để đề ra phương án chống hạn. Trong hội nghị này, Tổng thống Park Chung-hee đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều là phải làm sao đưa ra được đối sách để giải quyết những vấn đề thiên tai này, đồng thời đề xuất một chiến dịch tái thiết nông thôn. Đó chính là tiền thân của Phong trào xây dựng nông thôn mới Saemaul.

[Phong trào làng mới Saemaul nhằm cải thiện điều kiện sống nông thôn]Phong trào Saemaul được thực hiện dựa trên tinh thần cần cù, nỗ lực và hợp tác, với mục tiêu hàng đầu là cải thiện điều kiện sống ở vùng nông thôn Hàn Quốc.

Đầu những năm 1970, gần 80% nhà ở của người nông dân là nhà mái tranh, và trong 10 nhà thì chỉ có hai nhà là có điện. Đường sá ở nông thôn thì phần lớn là nhỏ hẹp, quanh co, chưa được tráng nhựa nên khá lồi lõm và chỉ khoảng 30% con đường là xe ô tô có thể chạy vào được.

Phong trào Saemaul được triển khai đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của vùng nông thôn. Người dân đội mũ lưỡi trai màu xanh lá cây với hình ảnh chiếc cây non phía trước, biểu tượng của phong trào Saemaul, tự mình bỏ lớp mái lợp tranh đi, để thay bằng mái đá hay mái ngói. Những con đường làng nhỏ hẹp cũng được mở rộng hơn. Không chỉ vậy, mọi người còn tự nguyện cùng nhau góp sức dọn dẹp sạch sẽ các ruộng lúa.

Bà Lee Im-sun, một người dân đã trải qua thời kỳ đó kể lại:“Ngày xưa có nhiều nhà mái tranh lắm, nhưng về sau họ chuyển sang lợp hết mái đá, nhà nào ít tiền hơn thì cũng lợp mái ngói. Phong trào Saemaul là vậy đó.” Một người nông dân khác là ông Kim Chun-sik cho biết: “Trước khi có phong trào Saemaul, chúng tôi thường phải đeo gùi ra đồng bởi đường sá khi ấy rất nhỏ hẹp. Nhưng từ sau khi phong trào diễn ra, đường được mở rộng thì chúng tôi đã có thể sử dụng các xe kéo đi làm, tiện lợi hơn nhiều và cũng chở được nhiều đồ hơn.” Bà Lee Sang-bun cũng tiếp lời: “Tôi nhớ khi đó người dân tự nguyện làm đường, xây đắp đê kè. Đó thực ra cũng là nguyện vọng từ trước đến giờ của người dân trong làng. Bố tôi là người rất bảo thủ, coi trọng đất đai giống như mạng sống của mình vậy, nhưng thậm chí ông đã đi tiên phong mở đường. Bố tôi cảm thấy rất mãn nguyện khi mọi người hằng ngày đi qua những con đường rộng rãi ấy.”

[Thành quả kinh tế, xã hội của phong trào Saemaul]Như vậy, việc cải thiện môi trường sinh hoạt ở nông thôn - mục tiêu đầu tiên của phong trào Saemaul - đã đạt được nhiều thành quả. Chỉ trong năm 1970, Chính phủ đã đầu tư 9,2 tỷ won cho việc mở đường và thay mái nhà ở nông thôn. Kết quả là đã có 6.780 km đường được làm mới, hơn 7.300 sông suối được cải tạo và số lượng các vụ mùa cũng tăng lên. Vào thời điểm đó, ngay cả mùa đông vốn là kỳ nông nhàn, thì những người nông dân Hàn Quốc vẫn rất bận rộn. Bà Lee Im-sun xuất thân từ vùng Paju, tỉnh Gyeonggi, kể lại: “Rơm rạ sau khi thu hoạch sẽ được lấy lại làm phân bón cho cây. Nhờ vậy mà năng suất lúa gạo cũng tăng lên. Vào mùa nông nhàn như mùa đông, thì chúng tôi bện rơm rạ lại thành dây thừng nhỏ và những tấm thảm mang đi bán. Cũng vì không cần lấy rơm rạ để lợp mái nhà như trước nữa, nên rơm rạ còn lại rất nhiều, và đã góp phần đem lại nguồn thu nhập thêm cho chúng tôi.”

Việc nâng cấp môi trường nông thôn lạc hậu chính là nguyện vọng cấp bách của người nông dân khi đó. Rồi khi phong trào diễn ra, nhiều người nhìn thấy diện mạo của làng kế bên đổi khác thì bản thân họ dần cũng tự nguyện gom tiền mở đường và xây cầu. Bên cạnh đó, với niềm tin rằng sự thành bại của phong trào Saemaul phụ thuộc chủ yếu vào những người lãnh đạo, những người đi đầu ở các thôn làng, Chính phủ Hàn Quốc đã tích cực hỗ trợ những điển hình tiêu biểu, thành công trong phong trào này. Câu chuyện về những tấm gương vượt khó vươn lên trong phòng trào Saemaul đã được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Những nhà lãnh đạo thời kỳ đầu của phong trào Saemaul đã được trao huy chương vì sự nghiệp phát triển đất nước mang tên “Người tiên phong trong sự nghiệp hiện đại hóa tổ quốc”. Mỗi nhà lãnh đạo phong trào Saemaul ở mỗi ngôi làng chính là động lực, đầu tàu lôi kéo người dân trong vùng tham gia. Sau đây là cảm tưởng của những người dân sống vào thời kỳ đó: “Giống như các làng khác, khi đó làng tôi có hai lãnh đạo Saemaul là một nam và một nữ. Vào các buổi sáng Chủ nhật, như thường lệ, họ lại dậy sớm để dọn dẹp vệ sinh. Khi đó, nơi tôi ở vẫn chưa có nước sạch nên họ đã tập hợp người dân đào đất tìm nguồn nước. Những lãnh đạo này đã đi đầu thực hiện mọi hoạt động giúp cải thiện môi trường sống cho người nông dân.”; “Những nhà lãnh đạo Saemaul ở làng tôi khi ấy đã tập hợp người dân để họp bàn mở rộng đường, đào giếng nước cũng như lát đường dành cho người đi bộ. Hội phụ nữ thì tập hợp mọi người lại cùng nhau xây các đường ống dẫn nước trong làng. Không những vậy, cứ mỗi khi dân làng có ai đó gặp khó khăn thì họ cũng kêu gọi mọi người san sẻ giúp đỡ.”


Hai năm sau khi bắt đầu chiến dịch cải tạo nông thôn, tức là năm 1972, Chính phủ đã khởi động một đề án nhằm cải thiện thu nhập cho người nông dân. Trong Đại hội xúc tiến tăng thu nhập cho vùng nông thôn mới Saemaul vào ngày 18/5 cùng năm, Tổng thống Park Chung-hee nhấn mạnh rằng tăng thu nhập của các hộ gia đình nông thôn là một trong những mục tiêu chính của phong trào.

Theo đó, mỗi làng phải chuẩn bị một nơi thu gom phân bón và thành lập các đội chuyên biệt cho từng công đoạn trồng, thu hoạch, phân phối rau quả. Ngoài ra, các loại giống lúa như lúa Tongil (có nghĩa là “thống nhất”), hoa màu năng suất cao cũng được phổ biến. Bà Lee Im-sun, một người nông dân hồi đó, nhớ lại: “Việc phát triển các giống cây mới giúp cho cuộc sống của người nông dân ngày càng dễ thở hơn vì sản lượng cao hơn. Điển hình là giống lúa Tongil được gieo trồng sớm đã giúp chúng tôi có được hai vụ mùa. Trước đó, sản lượng của giống lúa cũ vốn không được cao lắm, và sản lượng lúa mới này đã tăng rõ rệt.”

Bên cạnh đó, nhiều nhà máy Saemaul được xây dựng xung quanh làng, đã tạo công ăn việc làm cho những người dân làng. Chính phủ cũng khuyến khích người dân đốt ruộng trên núi lấy đất trồng dâu tằm và các loại cây ăn quả. Phong trào tăng thu nhập cho người nông dân với những hoạt động đa dạng đã thu được nhiều thành quả hơn cả mong đợi. Vào thời điểm năm 1970 khi phong trào Saemaul bắt đầu, thu nhập của người nông dân chỉ bằng khoảng 67% thu nhập của các gia đình ở thành thị. Nhưng chỉ sau bốn năm thực hiện phong trào, tức là vào năm 1974, thu nhập của người nông dân đã đạt 674.500 won (623 USD theo tỷ giá hiện nay) vượt cả thu nhập của người dân thành thị lúc đó vào khoảng 644.500 won (595 USD).

[Saemaul trở thành phong trào của toàn dân]Phong trào xây dựng nông thôn mới Saemaul đã gặt hái nhiều thành công và tiếng thơm ngày càng lan rộng, từ các nhà máy cho đến các khu thành thị, và dần trở thành phong trào của toàn dân. Ông Park Seung-woo, Viện trưởng Viện Cao học Saemaul Park Chung-hee thuộc trường Đại học Yeungnam, phân tích:“Phong trào xây dựng nông thôn mới Saemaul đã lan rộng ra cả vùng thành thị. Tuy nhiên, Saemaul ở vùng đô thị có chút khác biệt với nông thôn ở chỗ, nó đặt nặng việc cải cách ý thức, chẳng hạn như tạo ý thức sinh hoạt lành mạnh, sống cần cù chăm chỉ và tiết kiệm. Chỉ trong năm 1970, trên thế giới đã xảy ra hai cuộc khủng hoảng dầu mỏ, cho nên việc vận động người dân cần kiệm là cần thiết. Lúc này, do nền kinh tế đã phát triển, thu nhập tăng cao dẫn tới sự bùng nổ tiêu dùng ở nhiều thành phố lớn của Hàn Quốc. Ngoài ra, còn có một số phong trào, dự án khác được triển khai vào thời kỳ này cũng có thể coi là một mắt xích của phong trào Saemaul ở đô thị, chẳng hạn giữ gìn an ninh trật tự xã hội, dự án phúc lợi, giúp đỡ những người kém may mắn.”

Phong trào Saemaul thành thị có sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân từ học sinh, bà nội trợ, nhân viên công sở đến những người dân bình thường khác. Các buổi họp tổ dân phố, họp hội nhóm để giao lưu làm quen và thắt chặt tình thân với hàng xóm láng giềng đã được tổ chức rộng rãi trên khắp các thành phố. Và người dân thành thị đã triển khai chiến dịch dọn dẹp sạch sẽ sân nhà ngõ phố và cùng nhau giữ gìn trật tự công cộng.

Khi phong trào vận động Saemaul lan ra các khu đô thị, người ta dần trở nên quen thuộc với hình ảnh người dân bắt đầu một ngày mới bằng những động tác thể dục khỏe khoắn tại sân vận động, trường học hay những bãi đất trống. Ông Kim Gi-man sống tại khu vực Mapo ở Seoul kể: “Tại các khu dân cư, ta thường xuyên thấy hình ảnh những bãi đất sạch sẽ, và thanh niên vừa tập thể dục, vừa hô to “một hai ba bốn” “hai hai ba bốn”. Nơi nơi đều treo quốc kỳ dù không phải là ngày nghỉ lễ. Nghe bài hát Saemaul, niềm tự hào và tinh thần nhiệt huyết như được khơi dậy ở mỗi người dân Hàn Quốc.”

Ba tinh thần của phong trào Saemaul là “Cần cù – nỗ lực – hợp tác” đã trở thành là triết lý mà người dân đất nước Hàn Quốc, một đất nước thiếu tài nguyên, luôn mang theo mình trong cuộc sống. Cũng chính tinh thần đó đã chắp cánh cho nền kinh tế Hàn Quốc bay cao, và đồng thời mang đến thành công cho phong trào xây dựng nông thôn mới Saemaul. Viện trưởng Viện Cao học Saemaul Park Chung-hee thuộc trường Đại học Yeungnam, ông Park Seung-woo nhấn mạnh:“Thành qủa quan trọng nhất của phong trào Saemaul là đã thúc đẩy được sự phát triển của nông nghiệp, qua đó tạo ra sự tăng trưởng cân bằng giữa nông thôn và thành thị, giữa công nghiệp và nông nghiệp, và giữa các ngành nghề khác nhau. Quan trọng hơn nữa, phong trào này còn góp phần thay đổi tư duy, ý thức, quan điểm về giá trị, về thế giới của người dân Hàn Quốc, khiến họ tự tin hơn để tham gia hiệu quả hơn vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Một điều quan trọng nữa là phong trào này đã mang đến giấc mơ và niềm hy vọng về một tương lai tươi đẹp cho đất nước và dân tộc Hàn Quốc.”

Người dân Hàn Quốc đã tích cực thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới Saemaul vào những năm 1970 với khẩu hiệu “Chúng ta hãy sống một cuộc sống tốt hơn”. Và tinh thần ấy đã trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Phong trào Saemaul này đã trở thành một mô hình phát triển nông thôn hiệu quả, và cho đến ngày nay vẫn còn là một bài học kinh nghiệm quý giá cho nhiều nước trên thế giới.

Lựa chọn của ban biên tập