Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 17: Tuyến tàu điện ngầm số 1, trang sử mới của giao thông công cộng Hàn Quốc

2015-05-05

Phần 17: Tuyến tàu điện ngầm số 1, trang sử mới của giao thông công cộng Hàn Quốc
[Dấu mốc lịch sử khởi công tuyến tàu điện ngầm số 1]Vào 11 giờ sáng ngày 15 tháng 8 năm 1974, đường tàu số 1 Jongno đã chính thức lăn bánh. Như vậy, Hàn Quốc đã trở thành nước thứ 21 trên thế giới có tàu điện ngầm. Cũng trong ngày khánh thành đường tàu Jongno, hệ thống tuyến tàu điện ngầm trong lòng thủ đô Seoul và khu vực lân cận cũng được chính thức vận hành.

Hai tuyến tàu mới xây là tuyến 38,9km nối Seoul và Incheon và tuyến 41,5km nối Seoul và Suwon. Nhờ đó, thời gian đi lại trong bán kính 45km từ thủ đô Seoul đến các thành phố vệ tinh đã được rút ngắn xuống còn một tiếng rưỡi. Đây quả là sự kiện mở ra thời đại mạng lưới tàu điện ngầm của Hàn Quốc.

Vào những năm 1960, giao thông ở thủ đô Seoul vô cùng hỗn tạp bởi dân số tăng cao đột biến trong công cuộc công nghiệp hóa đất nước. Đặc biệt vào năm 1968, tất cả các tuyến đường xe điện trong nội đô Seoul đều bị dỡ bỏ, khiến nhu cầu về giao thông công cộng của người dân ngày càng tăng cao. Để giải quyết tình trạng đi lại phức tạp đến mức được gọi là “địa ngục giao thông” này, chính quyền Seoul đã xúc tiến dự án xây dựng mạng lưới tàu điện ngầm trong thành phố.

Ông Son Kil-sin, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội văn hóa giao thông đường sắt Hàn Quốc, kể về tình trạng giao thông thời đó: “Đường sá thời đó rất yếu kém. Tất cả các con đường đều đổ về trung tâm thành phố Seoul. Các tuyến xe điện bị dỡ bỏ vào năm 1968 vì đường rất chật, nên sự tồn tại của xe điện lại càng khiến lưu thông bị đình trệ, tắc nghẽn. Tuy nhiên, sau khi xe điện bị tháo dỡ, chỉ còn xe buýt và xe cơ giới thì lượng khách vốn đã quen sử dụng xe điện lại không có phương tiện di chuyển. Chính điều này đã dẫn đến quyết định xây dựng tàu điện ngầm. Dự án này ban đầu bị Ủy ban kế hoạch kinh tế thời đó phản đối quyết liệt vì tốn rất nhiều tiền và không phù hợp với khả năng tài chính của đất nước giai đoạn đó.”

Do nhiều yếu tố nên kế hoạch xây dựng tàu điện ngầm bị “thả nổi”, mãi cho đến năm 1970, khi Chính phủ công bố “Dự án tàu điện ngầm cao tốc khu vực thủ đô”. Vào ngày 12 tháng 4 năm 1971, dự án xây dựng tàu điện ngầm đã được đánh dấu mốc khởi công lịch sử trước sự chứng kiến của gần 30.000 người dân thủ đô tại quảng trường trước Tòa thị chính Seoul.

Tuyến tàu điện ngầm số 1 hầu như được xây dựng bằng công nghệ trong nước. Đội ngũ những chuyên gia Hàn Quốc thời đó đã gặp rất nhiều khó khăn bởi không hề có kinh nghiệm thiết kế, thi công tàu điện ngầm trước đó. Chủ tịch danh dự Son Kil-sin cho biết: “Việc xây dựng lúc này được làm theo phương pháp đào lộ thiên, sau khi đào đất thì sẽ lắp hệ thống đường tàu điện ngầm rồi sau đó lại phủ đất lên. Lúc đó chúng ta chưa dám đào đường xuyên dưới các tòa nhà vì sợ phá hủy cấu trúc tòa nhà đó.”

Mặt khác, lại phải tính toán thiết kế đường tàu điện để tránh các đường trên cao trong khu trung tâm, các di tích văn hóa và sông ngòi. Những người thực hiện dự án vừa thi công, vừa phải quy hoạch lại mạng lưới giao thông đường sá lộn xộn trong thành phố. Bất chấp những khó khăn và trở ngại, dự án xây dựng tàu điện ngầm vẫn tiếp tục được triển khai với khẩu hiệu “Nào, cùng đi tàu điện ngầm vào năm 1974”. Và đúng như mục tiêu đề ra, năm 1974 đã mở ra thời đại tàu điện ngầm của Hàn Quốc.

Đường tàu số 1 đã trở thành địa điểm thăm quan đầy thú vị đối với người dân Seoul thời đó. Ai cũng ngạc nhiên khi được tận mắt chứng kiến hình ảnh đoàn tàu chạy trong lòng đất như trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, nhà ga ngầm sáng choang như ban ngày và đoàn tàu chạy vun vút xuyên qua những đường hầm thẳng tắp. Có nhiều người dân ở các tỉnh thành khác cũng tò mò lên thủ đô để đi thử tàu điện ngầm. Một người dân chia sẻ cảm tưởng: “Thật là kỳ lạ khi thấy đoàn tàu đi xuyên qua lòng đất. Những người nhà quê chúng tôi mỗi khi lên thủ đô là đều đi thử một lần. Làm sao mà nghĩ được lại có thể được đi tàu dưới lòng đất như thế này.”

[Thủ đô Seoul thay đổi từ khi tuyến tàu điện ngầm ra đời]Theo tài liệu “Tổng quan về điều hành chính quyền thành phố Seoul” phát hành năm 1974, riêng trong ngày 16 tháng 8 năm 1974, ngày thứ hai sau khi khánh thành, đã có khoảng 295.000 lượt khách sử dụng tàu điện ngầm. Tuyến tàu điện ngầm số 1 đã ra đời trong sự quan tâm và chào đón của người dân toàn quốc và cũng đã làm thay đổi thủ đô Seoul. Ông Han Woo-jin, nhà bình luận giao thông, cho ý kiến: “Đặc điểm của tuyến tàu điện ngầm số 1 là nối kết đường tàu Jongno của thủ đô Seoul với các thành phố lân cận là Incheon và Suwon. Trước đây chỉ có xe buýt là phương tiện giao thông công cộng trong thành phố Seoul. Nhưng về sau, tàu điện ngầm lại trở thành phương tiện giao thông công cộng vừa nhanh chóng, vừa thuận tiện, được đông đảo người dân lựa chọn và sử dụng. Người ta không cần phải đi xe buýt vừa chậm lại vừa ô nhiễm do khói thải nữa. Bên cạnh đó, đường từ thủ đô đến Suwon hay Incheon vốn trước kia được cho là rất xa, nhưng nhờ có tàu điện ngầm nên khoảng cách này dường như lại được thu hẹp lại, tạo nền tảng cho việc mở rộng khu vực thủ đô. Cũng nhờ tàu điện ngầm mà những người ở cách xa nơi làm việc cũng có thể đi làm và về nhà trong ngày.”

Vào thời điểm mới khánh thành, cước phí giao thông cơ bản từ ga Seoul đến ga Cheongnyangni là 30 won và trung bình một ngày có 230.000 lượt hành khách. Tuy mới có chín trạm, nhưng đường tàu số 1 đã giúp người dân Seoul thoát khỏi tình cảnh “địa ngục giao thông” trước đó. Đường tàu điện ngầm số 1 còn là chất xúc tác biến các khu vực xung quanh trở thành trung tâm thương mại. Nhà bình luận HanWoo-jin nói: “Trước đây người ta thường đi xe buýt hay ô tô để di chuyển trong quãng đường dài, nhưng giờ đây tàu điện ngầm lại là lựa chọn phổ biến. Những nhà kinh doanh đã kịp thời nắm bắt được xu thế mới này để xây dựng các ga tàu điện kết hợp với hạ tầng thương mại, như cửa hàng tiện ích, ga tàu điện ngầm quy mô lớn có trung tâm bách hóa tổng hợp. Đây là xu hướng nắm bắt dân số lưu động của cư dân thủ đô để liên kết và nâng cao doanh thu thương mại. Cùng với quá trình này, thói quen sinh hoạt tại các bến tàu điện ngầm của người dân cũng dần dần thay đổi. Những người kinh doanh, “sống nhờ” vào các bến tàu điện ngầm ngày càng tăng. Như vậy, tàu điện ngầm đã không chỉ đơn thuần là phương tiên đi lại mà còn góp phần làm tăng tổng sản lượng của thành phố Seoul.”

So với London Underground, gọi tắt là Tube, hệ thống tàu chạy dưới lòng đất đầu tiên của thế giới được khánh thành vào năm 1863, thì tàu điện ngầm ở Seoul chậm mất 111 năm. Nhưng hệ thống tàu điện ngầm Hàn Quốc ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt. Tuyến tàu điện ngầm số 1 đã được kết nối mở rộng với đường tàu hỏa quốc gia. Tiếp đó, năm 1977, thành phố Seoul bắt đầu thực hiện dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, chạy vòng quanh thủ đô.

[Bước phát triển vượt bậc của tàu điện ngầm Hàn Quốc]Tuyến tàu điện ngầm số 2 được khánh thành năm 1980. Và năm năm sau, đến năm 1985, hai tuyến tàu số 3 và số 4 giao nhau theo hình chữ X cũng chính thức được đưa vào hoạt động. Và đến những năm 1990, các tuyến tàu số 5, 6, 7 và 8; năm 2009 là tuyến tàu số 9 cũng lần lượt được khai thông. Giờ đây, thành phố Seoul đã có tổng cộng chín tuyến tàu điện ngầm. Nếu chia theo giai đoạn thi công thì từ tuyến số 1 đến tuyến số 4 thuộc giai đoạn một, từ tuyến số 5 đến tuyến số 8 thuộc giai đoạn hai. Cùng với sự gia tăng của các tuyến tàu thì công nghệ xây dựng cũng ngày càng được cải tiến hoặc phát triển mới. Nhà bình luận giao thông HanWoo-jin nói tiếp: “Hệ thống tàu điện ngầm Seoul có một đặc điểm rõ nét là phản ánh công nghệ xây dựng theo hình bậc thang đi lên. Trong giai đoạn thi công đầu tiên từ năm 1974 đến năm 1985, các tuyến tàu liên tiếp được khánh thành. Trong cả một hệ thống thì các tuyến tàu được hoàn thành theo từng nhóm và mỗi giai đoạn thi công lại phản ánh quá trình phát triển công nghệ tiên tiến của thời đại mới.”

Khởi đầu với một tuyến đường tàu, giờ đây thành phố Seoul đã có tới chín tuyến tàu điện ngầm và có các tuyến nối các vùng lân cận như tuyến Bundang (nối Seoul với quận Bundang, thành phố Seongnam, tỉnh Gyeonggi), tuyến Suin (nối thành phố Suwon và thành phố Incheon). Hiện nay, hệ thống tàu điện ngầm Seoul không chỉ vươn tới thành phố Incheon, khu vực tỉnh Gyeonggi, tỉnh Nam Chungcheong, mà còn nối kết với các trạm xe buýt, đường sắt tỏa đi khắp nơi trên toàn quốc. Bởi vậy nên lượng hành khách sử dụng tàu điện ngầm tăng hàng năm. Ông Son Kil-sin, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội văn hóa giao thông đường sắt Hàn Quốc, chia sẻ: “Lượng hành khách đi tàu điện ngầm Seoul khi mới khánh thành tuyến tàu số 1 là 230.000 người, nếu cộng cả lượng hành khách đi tàu hỏa thì cũng chưa đầy 500.000 người. Tuy nhiên số người sử dụng tàu điện ngầm ngày nay đã lên tới hơn 7 triệu lượt người, tức trong vòng 40 năm tăng 30 lần số người sử dụng. Nếu tính về số trạm tàu điện ngầm thì hiện nay cũng có hơn 300 trạm, tức cũng tăng gấp 30 lần so với trước đây. Tổng quãng đường mở rộng cũng dài gấp 30 lần.”

Tàu điện ngầm Seoul khởi hành chuyến đầu tiên trong ngày vào 5 giờ 30 phút và kết thúc hành trình vào 1 giờ sáng ngày hôm sau. Quãng đường di chuyển trong một ngày trung bình là 58.000km, tương đương với nửa vòng trái đất. Ngày nay, tàu điện ngầm Seoul đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của mỗi người dân. Sau đây là chia sẻ của một số người tham gia giao thông: “Tôi sử dụng tuyến tàu số 1. Nhà tôi ở ga Banghak và chỗ làm ở ga Jegi. Tôi đã đi làm bằng tàu điện ngầm được 40 năm rồi. Đi tàu thì không phải lo tắc đường và luôn đến đúng giờ.”; “Tôi học đại học ở Cheonan. Đi tàu vừa nhanh, vừa tiện lại đến đúng giờ hơn so với xe buýt.”; “Thời gian là vàng bạc. Thế nên tàu điện ngầm là phương tiện hữu hiệu nhất trong xã hội ngày nay. Tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống sẽ ra sao nếu không có tàu điện ngầm.”

[Tàu điện ngầm Seoul trở thành điểm du lịch nổi tiếng]Tàu điện ngầm Seoul không chỉ trở nên thân quen với người dân thủ đô mà còn là một trong những điểm hấp dẫn khách du lịch quốc tế. Anh Michael Aronson đã truyền tải cảm giác thoải mái, tiện lợi khi đi tàu điện ngầm qua ga Chungmuro hay ga Gangnam trong “Bài hát tàu điện ngầm Seoul” (Seoul subway song) và ca khúc này đã được đăng trên trang Youtube vào năm 2011. Gần đây, cũng có rất nhiều du khách nước ngoài bày tỏ cảm xúc khi đi tàu điện ngầm Hàn Quốc trên các trang web chia sẻ video clip. Sau đây là một ví dụ:“Xin chào, rất vui được gặp các bạn. Tôi là Claire và đây là hướng dẫn đi tàu điện ngầm Seoul của Claire và Marisa. Đây là hình ảnh ở bên ngoài của một ga tàu điện ngầm. Tàu điện ngầm như là người bạn của chúng ta, có ở khắp nơi. Có rất nhiều cửa ra vào khác nhau ở một ga tàu điện ngầm và tất cả đều có biển hiệu hướng dẫn rằng bạn phải có thể ra đâu.”; “Xin chào, tôi là Marisa. Đây là các máy tự động mà bạn có thể sử dụng để nạp thẻ giao thông T-money. Nếu muốn bắt tàu điện ngầm, thì bạn sẽ cần một trong các thẻ T-money này. Bạn có thể sử dụng thẻ này trên xe tắc-xi, xe buýt và tàu điện ngầm, những phương tiện di chuyển phổ biến ở Seoul. Bạn cần nạp tiền vào chiếc thẻ này.”

Tàu điện ngầm Seoul được đài truyền hình Mỹ CNN bầu chọn là một trong chín hệ thống tàu điện ngầm hiện đại nhất thế giới, năm 2013, nhân dịp kỉ niệm 150 năm mở tuyến tàu điện ngầm đầu tiên trên thế giới ở Luân Đôn, Anh. Ông Han Woo-jin, nhà bình luận giao thông cho biết, thành tựu mà thủ đô Seoul có được chính là nhờ việc áp dụng công nghệ tiên tiến: “Có rất nhiều công nghệ hiện đại, độc đáo mà chỉ riêng hệ thống tàu điện ngầm Seoul mới có. Đầu tiên là việc phổ cập thẻ giao thông, hệ thống cửa nền phẳng (Screen Doors), tức cửa chắn lên tàu đảm bảo an toàn cho hành khách. Có rất nhiều thành phố trên thế giới không có hệ thống cửa an toàn này. Ngoài ra, mạng lưới thông tin như điện thoại, Internet trên tàu điện ngầm cũng vô cùng tiện lợi nên các hành khách quốc tế cũng rất hài lòng và còn xem đây là một sản phẩm du lịch độc đáo.”

Những hành khách quốc tế đã hết lời ngợi khen và có ấn tượng đặc biệt về Hàn Quốc khi sử dụng tàu điện ngầm Seoul: “Hệ thống thẻ giao thông tại Hàn Quốc vô cùng tiện lợi. Một thẻ nhưng có thể dùng chung cho cả tàu điện ngầm và xe buýt. Đặc biệt là tuyến tàu điện ngầm số 2 có cả đoạn đường đi trên mặt đất và đường ngầm nên hành khách có thể ngắm cảnh thành phố Seoul. Chỉ cần lên tàu là có thể chiếm ngưỡng được sông Hàn, những ga cuối cũng ẩn chứa nhiều thú vị. Đi tàu điện ngầm, du khách có thể khám phá ra nhiều sức hút mới mẻ, sức hấp dẫn về văn hóa, lịch sử Hàn Quốc.”

Bắt đầu vận hành với chín trạm từ năm 1974, ngày nay hệ thống đường tàu điện ngầm Seoul đã trở nên nhộn nhịp và sôi động, giống như một mạng nhện khổng lồ nối kết thủ đô Seoul và các thành phố vệ tinh. Tàu điện ngầm Seoul đã trở thành động mạch giao thông chính, là không gian văn hóa giao thông khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ, nể phục. Chắc chắn trong tương lai, tàu điện ngầm Hàn Quốc sẽ còn có những bước phát triển nhảy vọt cùng với hệ thống công nghệ tiên tiến đẳng cấp hàng đầu thế giới.

Lựa chọn của ban biên tập