Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 18: Nền kinh tế Hàn Quốc cất cánh

2015-05-12

Phần 18: Nền kinh tế Hàn Quốc cất cánh
[Thành tích xuất khẩu 10 tỷ USD]Ngày 22 tháng 12 năm 1977, một buổi lễ kỷ niệm thành tích xuất khẩu 10 tỷ USD của Hàn Quốc đã diễn ra tại Nhà thi đấu Jangchung ở Seoul. Hàn Quốc đã cán mốc xuất khẩu 10 tỷ USD ngay trước đó một ngày, tức là vào ngày 21/12. Thành tích này đạt được chủ yếu là nhờ sự bùng nổ xuất khẩu trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất nặng, thiết bị máy móc và đóng tàu.

Vào thời điểm đó 10 tỷ USD là một con số không ai có thể nghĩ tới. Vào năm 1962, năm mà Hàn Quốc mới bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, thì kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 52 triệu USD. Sau này, con số đó đã đạt 100 triệu USD vào năm 1964 và 1 tỷ USD vào năm 1970. Như vậy, chỉ trong bảy năm, Hàn Quốc đã đạt giá trị xuất khẩu đáng kinh ngạc lên tới 10 tỷ USD, vượt bốn năm so với kế hoạch đề ra.

Thành tích đó cũng khiến cả thế giới chú ý tới Hàn Quốc và gọi đây là “Kỳ tích sông Hàn”. Cụm từ này đã trở thành một biểu tượng cho ý chí, lòng quyết tâm vực dậy kinh tế của Hàn Quốc lúc bấy giờ. Từ những năm 1960 cho đến đầu những năm 1970, xuất khẩu là động lực chính phát triển nền kinh tế Hàn Quốc. Đất nước lúc bấy giờ vừa thiếu vốn, vừa thiếu kỹ thuật cũng như thiếu nguyên vật liệu nhưng vẫn có thể đạt được sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng 10% mỗi năm, chính là nhờ việc phát triển ngành công nghiệp chế tạo đòi hỏi sử dụng nhiều lao động.

Tuy nhiên, đến nửa đầu những năm 1970, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc đã vấp phải những rào cản, “những đám mây đen” u ám. Giáo sư Kim Seung-wook của trường Đại học kinh tế thuộc trường Đại học tổng hợp Chungang cho biết: “Tháng 8 năm 1971, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đơn phương tuyên bố phá giá đồng đô-la Mỹ và ngừng hoán đổi đồng đô-la Mỹ ra vàng, dẫn đến thương mại thế giới bị trì trệ. Điều này đã khiến cho quy mô giao dịch toàn cầu bị co lại. Vụ việc này đã đánh một đòn lớn đối với nền kinh tế Hàn Quốc vốn khi đó dựa vào công nghiệp nhẹ, sử dụng nguồn lao động giá rẻ. Không chỉ vậy, vào thời điểm đó, Tổng thống Nixon còn tuyên bố sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc. Tình hình thế giới như vậy đã tác động không nhỏ tới ngành công nghiệp nhẹ của Hàn Quốc. Do vậy, đến năm 1973, Chính phủ Seoul đã phải tuyên bố một kế hoạch nhằm phục hồi và thúc đẩy ngành công nghiệp hoá chất nặng.”

[Phát triển kinh tế từ công nghiệp nặng]Tại buổi họp báo mừng năm mới 1973, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee đã công bố một kế hoạch phát triển kinh tế đầy tham vọng. Đó là tập trung phát triển sáu ngành công nghiệp chiến lược là sắt thép, kim loại màu, cơ khí, đóng tàu, điện tử và hóa chất, đồng thời phấn đấu đến năm 1981 đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đầu người đạt 1.000 USD. Tuy nhiên, đồng minh của Hàn Quốc là Mỹ và dư luận trong nước nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch này. Giáo sư Kim Seung-wook giải thích: “Vào thời điểm năm 1973, sản phẩm xuất khẩu chủ chốt của Hàn Quốc là hàng công nghiệp nhẹ chất lượng kém và Hàn Quốc chưa thể nói là có ngành công nghiệp hóa chất. Chúng ta không có được công nghệ lẫn vốn, nguyên vật liệu, cơ sở hạ tầng để phục vụ cho công nghiệp nặng phát triển. Thị trường trong nước cũng rất nhỏ hẹp, nên giả sử chúng ta có thể sản xuất được đi chăng nữa thì cũng không biết bán cho ai. Nói cách khác, đó hoàn toàn không phải là thời điểm thuận lợi để Hàn Quốc phát triển ngành công nghiệp nặng.”

Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Hàn Quốc đầu những năm 1970 là hàng dệt may chiếm 41% và tóc giả chiếm một phần mười quy mô xuất khẩu. Do đó, kế hoạch của Chính phủ là chuyển đổi cơ cấu công nghiệp từ đặt trọng tâm vào ngành công nghiệp nhẹ sang công nghiệp nặng. Theo đó, Chính phủ đã xây dựng khu công nghiệp điện tử quy mô lớn tại Gumi (tỉnh Bắc Gyeongsang) và tăng cường trang thiết bị tại khu công nghiệp hóa dầu ở Ulsan (tỉnh Nam Gyeongsang). Bên cạnh đó, Hàn Quốc lần lượt thành lập khu công nghiệp hóa dầu thứ hai ở Yeocheon (tỉnh Nam Jeolla) và khu cơ khí quy mô lớn ở Changwon (tỉnh Nam Gyeongsang).

Vào năm 1973, xưởng đóng tàu Ulsan cũng chính thức được hoàn thành và sau đó, vào năm 1975, một xưởng đóng tàu quy mô lớn khác ở đảo Geoje (tỉnh Nam Gyeongsang) cũng được đưa vào hoạt động.

Những nỗ lực, quyết tâm phát triển ngành hóa dầu của Chính phủ đã vấp phải rất nhiều rào cản trong thực tế. Đặc biệt, chiến tranh ở khu vực Trung Đông vào năm 1973 đã khiến cho giá dầu tăng vọt. Giáo sư Kim Seung-wook nói: “Các nước xuất khẩu dầu mỏ chủ yếu đã tăng mạnh giá dầu. Thực tế, trải qua cuộc cú sốc giá dầu mỏ lần một và hai vào thập niên 1970, giá dầu đã tăng gấp 10 lần. Dầu mỏ trước đó được bán với giá 3 USD/1 thùng thì cú sốc dầu mỏ lần hai vào nửa sau năm 1970 đã đẩy giá dầu tăng lên 30 USD/1 thùng.”

Vào thời điểm đó, nhiều nước đã áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại để bảo vệ nền kinh tế của mình, từ đó thường xuyên nảy sinh các tranh chấp thương mại giữa các quốc gia phát triển. Nền kinh tế Hàn Quốc đã phải chịu tác động bất lợi lớn từ tình hình bên ngoài như vậy. Tuy nhiên, đến năm 1974, trong khi các nước phát triển vẫn tăng trưởng âm do cú sốc về dầu mỏ năm 1973 thì ngược lại, Hàn Quốc với chính sách tập trung phát triển công nghiệp nặng và hóa chất tiến vào thị trường Trung Đông, đã đạt mức tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Không chỉ vậy, số nước nhập khẩu sản phẩm của Hàn Quốc đã tăng từ 33 nước vào năm 1973 lên tới 131 nước vào năm 1977. Số mặt hàng xuất khẩu cũng nhảy vọt từ 69 lên gần 1200 mặt hàng. Vào năm 1976, Hàn Quốc đã đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD sớm hơn hai tháng so với kế hoạch. Và chỉ một năm sau, Hàn Quốc cuối cùng đã cán mốc 10 tỷ USD xuất khẩu, đồng thời bước vào thời kỳ GDP bình quân trên đầu người 1.000 USD.

[Thay đổi trong xã hội Hàn Quốc]Sự tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế đã bắt đầu mang lại những thay đổi đáng chú ý trong đời sống hàng ngày của người dân Hàn Quốc. Với ngân sách quốc gia được tăng cường, Hàn Quốc giờ đây không còn lo lắng về nạn đói nữa. Kinh tế các hộ gia đình được cải thiện cũng thúc đẩy tiêu dùng của người dân, đặc biệt là chi tiêu cho đồ điện gia dụng. Nhiều hộ gia đình đã bắt đầu sắm ti vi. Và cứ khi nào có bộ phim truyền hình hay được phát sóng là y như rằng cả làng xóm lại tụ tập lại ở những gia đình có ti vi để cùng nhau xem. Một người đàn ông sống vào thời kỳ đó kể lại: “Khi đó, chúng tôi không còn phải lo về cái ăn nữa. Chúng tôi mới nhận thức được cái gọi là “kinh tế” và cuộc sống trở nên đủ đầy hơn nhiều. Hồi đó, nhiều nhà bắt đầu mua các vật dụng như chiếc ti vi, đài, tủ lạnh. Tất nhiên, vẫn có những nhà chưa có ti vi và khi có bộ phim nào hay được trình chiếu thì những người hàng xóm không có ti vi sang nhà người quen để cùng xem với nhau.”

Theo số liệu của Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc, số lượng ti vi được phổ cập ở Hàn Quốc trong năm 1964 là khoảng 30.000 chiếc. Tuy nhiên, con số đó đã tăng lên 1,8 triệu chiếc vào năm 1975 và lên tới 4 triệu chiếc vào năm 1977. Vào đầu những năm 1970, chỉ có một số ít người giàu mới đủ khả năng mua tủ lạnh, nhưng đến giữa thập niên này, nó đã trở thành một vật dụng phổ biến trong mọi gia đình. Có thể nói kinh tế phát triển đã thúc đẩy nhu cầu của người dân đối với các thiết bị điện tử gia dụng. Một người phụ nữ sống vào thời đó cho biết: “Khi chưa có tủ lạnh, chúng tôi thường muối và ủ kimchi trong những chiếc chum, vại và vùi trong lòng đất. Nhưng nhờ có tủ lạnh, tôi vừa có thể làm đá thưởng thức trong mùa hè lại vừa có thể dùng để bảo quản kimchi rất tốt. Làm thế nào để có đá mà uống nước mát trong mùa hè nếu không có tủ lạnh cơ chứ. Có thể nói cuộc sống của tôi và những người khác đã tiện nghi hơn rất nhiều kể từ đó.”

Nhu cầu tăng cao đối với các đồ điện tử gia dụng đã mang lại rất nhiều đơn hàng cho các nhà sản xuất và các đại lý. Trung tâm mua sắm Sewoon được mở cửa vào năm 1968 đã nhanh chóng trở thành địa chỉ bán đồ điện tử lớn nhất cả nước khi đó. Ông Jeong Gwang-gil và Lee Woong-jae, những người bán hàng điện tử gia dụng trong hơn bốn thập kỷ, nhớ lại thời kỳ giữa những năm 1970: “Thời đó, ti vi đen trắng là hàng điện tử gia dụng được ưa chuộng nhất. Có ba loại màn hình ti vi khác nhau là 16, 18 và 20 inch. Nhưng bán chạy nhất là ti vi 18 inch. Tôi nhớ là thường bán khoảng 30 đến 40 chiếc một ngày và doanh thu hàng ngày đạt khoảng từ 2 triệu đến 2,5 triệu won. Đó là thời kỳ công việc kinh doanh của tôi rất phát đạt.”; “Khi đó, khách hàng nhiều đến mức tôi không có cả thời gian rảnh để ăn trong mùa hè và mùa đông. Tôi thậm chí chỉ biết đến sự thay đổi thời tiết, các mùa trong năm dựa vào mặt hàng mình bán được. Đó thực sự là một thời kỳ bận rộn.”

[Hàn Quốc hóa rồng]Và cứ thế, thế giới bắt đầu chú ý đến Hàn Quốc kể từ khi đất nước nhỏ bé ở vùng Đông Á này đạt mốc xuất khẩu trị giá 10 tỷ USD trong năm 1977. Tháng 6 năm 1977, tạp chí hàng tuần Newsweek của Mỹ chạy một tựa đề bài là “Thời của người Hàn Quốc đang tới” (The Koreans are coming). Trong hình minh họa của bài báo đó có vẽ một nhóm người Hàn đang cầm lá cờ Taegukki (Thái cực) với tư thế dẫn đầu, đi tiên phong trên thế giới. Bài báo cũng nhấn mạnh rằng Hàn Quốc đang dần bước ra khỏi thế giới của các nước đang phát triển. Các phương tiện truyền thông trên thế giới khi đó đã dùng từ “Kỳ tích sông Hàn” để ca ngợi sự tăng trưởng mạnh mẽ của Seoul, đồng thời xếp Hàn Quốc vào danh sách bốn con rồng châu Á, cùng với Singapore, Hong Kong và Đài Loan. Có thể nói, chính sách tập trung phát triển công nghiệp nặng mà Chính phủ Hàn Quốc tiến hành từ năm 1973 đã đóng vai chủ chốt cho sự phát triển kinh tế thần kỳ này. Giáo sư Kim Seung-wook thuộc Đại học Kinh tế của trường Đại học tổng hợp Chungang giải thích: “Các ngành công nghiệp trọng điểm hiện nay của Hàn Quốc là smartphone, ô tô, đóng tàu, hóa dầu và thiết bị điện tử tiêu dùng. Có thể nói Hàn Quốc là quốc gia duy nhất có thể cạnh tranh các mặt hàng này với các cường quốc hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu. Sức cạnh tranh hiệu quả có được ngày nay chính là nhờ đường hướng tập trung phát triển công nghiệp nặng và hóa chất trong những năm 1970 mà Chính phủ đã triển khai. Nếu không có các loại nguyên vật liệu như thép, kim loại màu, các sản phẩm hóa dầu trong những năm 1970, thì sẽ không thể có ngành đóng tàu hoặc ô tô ở Hàn Quốc bây giờ. Vì vậy, tôi cho rằng Hàn Quốc đã có sự khởi đầu rất tuyệt vời, trở thành nền móng vững chắc cho sự phát triển hiện tại.

Quá trình phát triển thần kỳ của nền kinh tế Hàn Quốc đã khởi đầu với những kế hoạch năm năm từ năm 1962, và thực sự cất cánh cùng với sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp nặng và hóa chất trong những năm 1970. Trong bối cảnh này, nhiều cá nhân ưu tú của Hàn Quốc đã nhanh chóng nhảy vào thị trường thế giới để kinh doanh, xuất khẩu, biến cuộc khủng hoảng dầu mỏ trên thế giới thành cơ hội kiếm tiền của mình. Kết quả là từ một quốc gia thuộc hàng nghèo nhất trên thế giới, ngày nay Hàn Quốc đã trở thành một cường quốc thương mại, là nơi cung cấp nhiều loại mặt hàng cho thế giới. Sự thịnh vượng này sẽ không thể trở thành hiện thực được nếu không có tầm nhìn xa trông rộng của những người lãnh đạo quốc gia.

Lựa chọn của ban biên tập