Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 20: Chiến dịch vận động toàn dân những năm 1970

2015-05-26

Phần 20: Chiến dịch vận động toàn dân những năm 1970
[Cuộc vận động toàn quốc thay đổi sinh hoạt của người dân]
Thập kỷ 1970 ở Hàn Quốc được nhớ đến như là một thập kỷ của chủ nghĩa độc đoán, cũng như của các chiến dịch vận động trên toàn quốc. Có rất nhiều chiến dịch tiêu biểu trong thời kỳ này, từ cuộc vận động bắt chuột cho đến cổ súy tinh thần yêu nước như vận động chào cờ, đi bộ, các chiến dịch nấu cơm trộn gạo tẻ với lúa mạch và tăng cường ăn các món lúa mỳ. Đây là một trong số nhiều chủ trương của Nhà nước và đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống của người dân Hàn Quốc.

Nhiều bài hát, khẩu hiệu cho các phong trào, chiến dịch vận động xuất hiện khắp nơi, ví dụ như “Sức khỏe và tiền bạc sẽ đến khi chúng ta cùng đi bộ”, “Hãy dạy trẻ em của chúng ta bắt đầu từ việc tiết kiệm”, “Hãy dẹp bỏ sự suy đồi và cùng xây dựng một xã hội tươi sáng hơn”. Có thể thấy được sức mạnh đoàn kết của quốc gia khi mà tất cả người dân đều tích cực tham gia những chiến dịch do Chính phủ phát động. Chính những cuộc vận động toàn quốc như thế đã làm nên đặc trưng của thời kỳ đó và cũng dần trở thành thói quen, kim chỉ nam cho cuộc sống hàng ngày của người dân Hàn Quốc lúc bấy giờ. “Khi tôi đến học ở trường tiểu học Gasa thuộc làng Hyeondeok, thành phố Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi, thì đó cũng là thời điểm phát động chiến dịch bắt chuột. Khi đó nếu đến trường mà không mang theo được một con chuột nào, thì chúng tôi sẽ phải dọn dẹp trường học, phòng ốc, nhà vệ sinh. Tôi đã bị phạt vì không đạt được mục tiêu đề ra. Ngày xưa lúc đi học chúng tôi được kêu gọi là hãy bắt chuột rồi cắt đuôi của chúng mang tới trường. Do vậy, nhà tôi đã đặt bẫy chuột, và khi chuột sập bẫy thì cha tôi sẽ cắt đuôi của nó ra để tôi mang đi nộp.”

[Phong trào bắt chuột]
Các bạn vừa nghe hồi tưởng của những người đã từng trải qua thời kỳ học sinh vào những năm 1970. Nếu những năm 1960, cuộc vận động bắt chuột mới chỉ được phát động trong phạm vi một khu vực như thành phố hay huyện, thì bắt đầu từ năm 1971, nó đã trở thành phong trào vận động mang tính tổ chức và quy mô lớn trên toàn quốc. Chính phủ tiến hành vận động bắt chuột vì cho rằng chính con chuột là nguyên nhân dẫn tới nạn thiếu lương thực trầm trọng ở Hàn Quốc lúc bấy giờ. Theo Bộ Nông Lâm nghiệp, cơ quan chủ quản của phong trào này, thì ước tính có đến 80 triệu con chuột đang hoành hành trên cả nước. Theo đó, cứ một người phải chịu đựng ba con chuột, một nhà bình quân phải chống chọi với khoảng 17 con chuột. Lượng lương thực bị lũ chuột này phá hoại ước tính khoảng 1,9 triệu bao, bằng 8% tổng sản lượng lương thực lúc bấy giờ với trị giá 20 tỷ won (theo tỷ giá hiện nay là tương đương 18,2 triệu USD). Cả nước không kể nông thôn hay thành thị đều đề ra mục tiêu mỗi nhà bắt ba con chuột, và thông qua các văn phòng hành chính địa phương, mỗi gia đình đã được phát thuốc diệt chuột cũng như nghe tuyên truyền về phương pháp diệt chuột.

Gia đình, trường học, cơ quan và cả quân nhân đều tích cực hưởng ứng phong trào bắt chuột. Khắp nơi trên cả nước, đâu đâu cũng thấy treo băng-rôn, biển ghi khẩu hiệu “Chuột sống thì người sẽ đói”. Trong bối cảnh người dân háo hức lên kế hoạch diệt chuột như diệt giặc ngoại xâm, thì trường học đã trở thành nơi đi tiên phong trong chiến dịch này. Các học sinh sau khi bắt chuột đã cắt lấy đuôi làm bằng chứng rồi đưa cho giáo viên chủ nhiệm để xác nhận. Việc này đã dẫn tới nhiều câu chuyện khôi hài. Một vài người kể lại. “Tôi đã sơn vào râu mực để cho nó giống với đuôi chuột rồi nộp cho giáo viên chủ nhiệm. Khi thầy hỏi đó là cái gì, tôi đã trả lời là tôi không biết, vì ông tôi đã đưa cho tôi. Tôi đâu có bắt chuột được đâu. Khi bắt được con chuột lớn, tôi đã cắt chiếc đuôi nó làm hai và giả vờ như mình đã bắt được hai con chuột đấy.”

Chiến dịch diệt chuột quy mô lớn diễn ra từ ngày 25/3/1971, đã mang đến kết quả rất khả quan. Số lượng chuột bị bắt lên tới 46.670.000 con, đạt hơn 50% mục tiêu đề ra. Chính phủ cũng tham gia rất tích cực khi các nhà chức trách đã bỏ công ngày ngày đếm từng cái đuôi chuột thu gom được. Phong trào bắt chuột đã bắt đầu như thế vào đầu những năm 1970. Chỉ trong một năm mà đã có hai lần diễn ra cuộc vận động này và lần nào cũng như một lễ hội lớn của năm. Đến đầu những năm 1980 thì chiến dịch cũng chấm dứt. Ông Baek Yang-ki, người đã từng là học sinh trong những năm 1970, nói rằng tuy việc bắt chuột có đôi lúc khiến ông và một số người khác cảm thấy khó chịu, nhưng nhìn lại thì đây là một việc làm rất ý nghĩa. “Bây giờ nghĩ lại chính việc bắt chuột khi đó đã giúp chúng tôi có được sức khỏe như hiện nay. Không còn chuột thì lương thực cũng không bị tiêu hao, tức là chúng tôi được ăn uống đầy đủ hơn mà. Cuộc vận động đó không đơn thuần là tập hợp người dân lại mà điều quan trọng nhất là đã giúp tăng cường tình đoàn kết, hợp tác trong dân.”

[Phong trào nấu cơm trộn gạo tẻ với lúa mạch và ăn thêm lúa mỳ]
Bên cạnh cuộc vận động bắt chuột thì phong trào nấu cơm trộn gạo tẻ với lúa mạch và tăng cường ăn các món lúa mỳ cũng được xem là tiêu biểu của thời kỳ những năm 1970. Hàn Quốc đã phát động phong trào này từ những năm 1960 với mục đích cải thiện thói quen ăn uống của người dân. Chính phủ kêu gọi người dân nấu cơm trộn gạo tẻ với lúa mạch và ăn thêm các món lúa mỳ cũng là nhằm tiết kiệm tiền nhập khẩu gạo. Tuy nhiên, vào giao đoạn đầu, dù đã rất nỗ lực nhưng kết quả vẫn không thu được mấy. Do vậy, vào năm 1969, Chính phủ đã ra quyết định chọn ngày thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần làm Ngày bột mỳ. Trong ngày này, tất cả các cửa hàng, tiệm ăn sẽ phải nấu cơm trộn với hơn 25% là lúa mạch hoặc bột mỳ, đồng thời các thực phẩm được làm từ gạo cũng bị cấm bán từ 11 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Ngoài ra, thông qua các phương tiện truyền thông, Chính phủ cũng xúc tiến quảng bá rằng bột mỳ và lúa mạch có thành phần dinh dưỡng vượt trội hơn so với gạo.

Tuy Chính phủ đã rất tích cực phát động chiến dịch, nhưng thói quen chuộng ăn cơm gạo tẻ của người dân vẫn không thay đổi được. Điều đó đã khiến cho vấn nạn thiếu lương thực ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Đến tháng 2 năm 1972, Chính phủ đã buộc phải tổ chức cuộc họp báo với sự tham gia của ba Bộ trưởng và ra tuyên bố mang tên “Cơm trộn và lúa mỳ chính là con đường ái quốc”. Sau đó, Chính phủ đã đẩy mạnh hơn nữa việc kêu gọi người dân ăn lúa mỳ và cơm trộn thay vì chỉ ăn gạo tẻ. Tổng thống Park Chung-hee khi đó đã phát biểu trong Ngày khuyến nông như sau: “Chính phủ đang hết sức nỗ lực để gia tăng sản xuất lương thực, nhưng người dân cũng cần đoàn kết, hưởng ứng chiến dịch tiết kiệm gạo bằng cách sử dụng cơm trộn và ngũ cốc. Bằng cách này thì trong một năm, chúng ta không phải chi từ 100 triệu USD đến 190 triệu USD để nhập khẩu lương thực đắt đỏ như hiện nay. Số tiền này sẽ giúp chúng ta phát triển ngành nông nghiệp nước nhà. Có như vậy thì quốc gia mới có thể phát triển nhanh được.”

Trên đây là Bài hát khuyến khích ăn cơm trộn và lúa mỳ với giai điệu vui tươi đã nhanh chóng lan rộng khắp toàn quốc. Những cửa hàng thực phẩm nào bị phát hiện làm trái quy định sẽ bị đình chỉ kinh doanh. Ở các trường học, phong trào vận động này còn được thực hiện nghiêm khắc hơn. Cứ vào giờ ăn trưa, các giáo viên sẽ đi kiểm tra từng hộp cơm của học sinh. Nếu em nào mang tới cơm không trộn với ngũ cốc thì sẽ bị phạt lau dọn nhà vệ sinh hoặc phải viết bản kiểm điểm. Trong tình thế đó, học sinh đã nghĩ ra những phương cách để đối phó.“Nếu mang cơm trắng đi học thì sẽ bị phạt nên tôi đã lén phủ ít lớp ngũ cốc lên cơm để che dấu. Hàng ngày đều có giáo viên kiểm tra hết. Bây giờ nghĩ thì tôi cũng chẳng hiểu sao họ lại làm như thế. Tôi ghét lúa mạch lắm, vì vậy tôi đã bảo bạn chia cho tôi phần cơm trộn của bạn để kiểm tra và đổi lại, tôi mua kẹo, bánh ngọt cho bạn. Hồi đó có nhiều học sinh không thể tiêu hóa nổi với cơm trộn. Vậy nên hồi đó mới có câu nói là cứ mở hộp cơm trưa ra là thấy buồn rồi vì toàn cơm trộn.”

Với nỗ lực tích cực tuyên truyền, giáo dục của Chính phủ và sự tham gia của toàn dân, đến tháng 1/1977, Hàn Quốc đã có đủ gạo để tự cung tự cấp cũng như giảm dần lượng tiêu thụ gạo. Đến tháng 12 năm đó, khi Chính phủ cho phép bán rượu gạo lên men Makgeolli ra thị trường, thì cuộc vận động dùng cơm trộn và lúa mỳ cũng theo đó chấm dứt trên thực tiễn. Những phong trào toàn dân như vậy đã thực sự đưa tới sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt của người dân. Và đến nửa sau những năm 1970 thì những chiến dịch ấy đã dần chuyển sang vận động tinh thần yêu nước của người dân.

[Lễ hạ cờ]
Lễ hạ cờ bắt đầu được thực hiện từ năm 1976, chính là một trong những hoạt động tiêu biểu trong nửa sau thập niên 1970. Nhằm cổ súy cho lòng yêu nước của người dân, Chính phủ đã cho phát quốc ca mỗi khi hạ cờ trên toàn quốc, đều đặn vào lúc 6 giờ chiều trong các mùa xuân, hạ, thu và vào lúc 5 giờ chiều trong mùa đông. Hai ông bà chia sẻ.“Cứ đúng 6 giờ chiều là diễn ra buổi lễ hạ cờ. Khi đó bài quốc ca sẽ vang lên, mọi người nghiêm trang cùng nhau hướng mắt về lá cờ tổ quốc cho đến khi cờ được hạ xuống hẳn. Buổi lễ như vậy đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa quen thuộc với chúng tôi lúc bấy giờ. Dù có bận cỡ nào hay thậm chí là khi đang đi trên đường, nếu tới giờ đó mà nghe thấy bài quốc ca vang lên thì mọi người đều dừng nói chuyện, đứng thẳng nghiêm trang cho đến khi nào bài hát kết thúc. Sau đó mới đi hoặc nói chuyện tiếp.”

Cùng với lễ hạ cờ, Chính phủ lại tiếp tục chiến dịch tuyên truyền mạnh về lòng yêu nước và giáo dục nghi lễ đối với quốc kỳ bắt đầu từ khối tiểu học trở đi. Việc này cũng vấp phải không ít sự phản đối vì nhiều người cho rằng sự ép buộc và điều khiển không thể tạo ra lòng yêu nước đích thực. Tuy nhiên, lễ hạ cờ mãi đến tháng 1 năm 1989 mới được xóa bỏ sau 13 năm thực hiện.

[Các phong trào củng cố lòng yêu nước trong toàn dân]
Những năm 1970 chính là thời gian của các phong trào vận động đa dạng. Phần lớn các chiến dịch được Chính phủ hoặc chính quyền địa phương phát động và người dân làm theo. Mục tiêu của các chiến dịch được thay đổi tùy theo tình hình cụ thể của từng thời điểm. Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Sung-soo phân tích: “Về cơ bản, đó là thời đại của chủ nghĩa độc đoán. Tức là nếu có mệnh lệnh được ban ra thì mọi người nhất định phải nghe theo, không được làm trái. Kết quả là điều quan trọng và người ta được đánh giá theo kết quả mà họ đạt được. Dẫu cho cuộc sống của người dân chưa được cải thiện mấy, nhưng chỉ có con số phản ánh về cuộc vận động là được quan tâm. Số liệu đó được dùng như là công cụ để thuyết phục những người bất mãn với các phong trào. Mặt khác, những chiến dịch này cũng hòng đánh lạc hướng người dân, khiến họ không còn quá chú ý đến những vấn đề chính trị căng thẳng nữa. Nói cách khác đây là một cách để Chính phủ dễ thống trị người dân hơn.”

Đối với những người trải qua thời kỳ đó cho rằng những cuộc vận động với tinh thần đặt “tổ quốc” lên trên “cá nhân” đã góp phần củng cố tinh thần yêu nước trong toàn dân. “Tôi nghĩ rằng nghi lễ hạ cờ là một cơ hội để cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa của tổ quốc trong tim mỗi người, nên về cơ bản đây không phải là một điều gì xấu cả. Vấn đề chỉ là nó hơi bất tiện một chút, nhưng dù sao đó cũng là văn hóa thời đó, nên nếu lấy văn hóa thời hiện tại làm thước đo để so sánh thì sẽ hơi buồn cười. Những nghi lễ rườm rà trước đây đương nhiên là bất tiện rồi. Tuy nhiên, bây giờ khi nhìn lại, ta lại thấy các cuộc vận động trong những năm 1970 đã cổ súy rất nhiều thói quen, nhận thức tích cực trong mỗi người dân, đặc biệt là về khái niệm tổ quốc. Tôi luôn ghi nhớ và biết ơn vì đã được sống qua những năm 1970 với nhiều biến cố quan trọng như vậy.”

Thập niên 1970 là thời kỳ mà người dân và đất nước xích lại gần với nhau. Chính phủ đã nỗ lực để hướng nhân dân gắn bó với tổ quốc từ cái ăn, tiêu xài hàng ngày đến suy nghĩ. Đó cũng là thời kỳ mà mỗi người dân phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để từng bước thoát khỏi đói nghèo. Thông qua các cuộc vận động trên toàn quốc, người dân đã được học về lòng yêu nước cũng như thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày. Có thể nói vào những năm 1970 cuộc sống người dân gắn liền với chiến dịch vận động và khẩu hiệu, cũng là thời kỳ đánh dấu bước tiến lịch sử của Đại Hàn Dân Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập