Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 21: Văn hóa trở thành trọng tâm chính sách của Hàn Quốc

2015-06-02

Phần 21: Văn hóa trở thành trọng tâm chính sách của Hàn Quốc
[Công bố "Kế hoạch phục hưng văn hóa nghệ thuật"]
Ngày 20 tháng 10 năm 1973, tại Nhà hát quốc gia Seoul, lần đầu tiên diễn ra sự kiện “Ngày văn hóa” do Chính phủ Hàn Quốc tổ chức. Tại buổi lễ, Chính phủ đã kêu gọi người dân và giới văn nghệ sĩ tham gia vào Kế hoạch năm năm phục hưng văn hóa nghệ thuật lần thứ nhất được công bố vào một ngày trước đó, ngày 19/10. Trong thời kỳ nhận thức về văn hóa của công chúng còn chưa rõ ràng, thì Kế hoạch năm năm phục hưng văn hóa nghệ thuật lần thứ nhất có thể coi là xương sống trong chính sách văn hóa của Chính phủ Hàn Quốc khi đó. Kế hoạch này kêu gọi người dân xây dựng một nền tảng mới của tinh thần dân tộc mới bằng việc kế thừa, phát huy di sản truyền thống.

[Bảo tồn di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống]
Kế hoạch năm năm phục hưng văn hóa nghệ thuật được triển khai trên 11 lĩnh vực, bao gồm Hàn Quốc học, mỹ thuật, âm nhạc, văn học, phim ảnh và múa…. Điều này thể hiện ý chí và khát khao khơi dậy văn hóa dân tộc của Chính phủ Hàn Quốc. Nhà bình luận văn hóa đại chúng Kim Heon-shik giải thích: “Chính phủ đã thành lập Ủy ban chấn hưng văn hóa nghệ thuật là cơ quan cao nhất phụ trách triển khai kế hoạch này. Chính phủ cũng nhấn mạnh cốt lõi của kế hoạch là sáng tạo nền văn hóa dân tộc mới dựa trên kế thừa phát huy truyền thống. Theo đó, Chính phủ đã thiết lập thêm Cục quản lý truyền thông để thực hiện việc giám sát, quản lý các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, phát thanh. Chính phủ cũng xúc tiến giao lưu văn hóa nghệ thuật quốc tế và các dự án nhằm nâng cao vị thế văn hóa Hàn Quốc, thực hiện dự án hỗ trợ sáng tác văn hóa, nghệ thuật cũng như các dự án phát triển, kế thừa di sản dân tộc.”

Kế hoạch năm năm phục hưng văn hóa nghệ thuật cũng nhằm mục đích gắn kết tinh thần dân tộc đã bị gián đoạn do ách thống trị của đế quốc Nhật trong hơn 30 năm và chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Các viện nghiên cứu Hàn Quốc học được thành lập và những thư tịch cổ bị bỏ quên trong các kho lưu trữ được biên dịch sang tiếng Hàn ngày nay, đồng thời làm sống lại những tư liệu về Hàn Quốc học trên các lĩnh vực chính trị, xã hội, triết học và địa lý. Giáo sư Cheon Jung-hwan thuộc Khoa Ngữ văn Hàn Quốc thuộc trường Đại học Sungkyunkwan đánh giá rằng những hoạt động trên đã xây dựng nền tảng của bộ môn nghiên cứu Hàn Quốc học: “Chính phủ đã thúc đẩy sự phát triển của ngành sử học, văn học cổ điển hay quốc ngữ. Đó cũng là thời điểm xuất hiện Viện Nghiên cứu trung ương Hàn Quốc học với tên gọi ban đầu là “Viện nghiên cứu văn hóa tinh thần”. Đây chính là cơ quan phụ trách biên dịch các thư tịch cổ. Cùng với sự ra đời của các cơ quan chuyên trách như vậy, thì việc biên dịch sử và văn học cổ điển cũng được xúc tiến chính thức và thường xuyên hơn. Nhờ vậy, rất nhiều ấn phẩm đã ra đời, và biên dịch văn học cổ điển trở thành một lĩnh vực quan trọng của ngành Hàn Quốc học.”

Chính phủ Hàn Quốc cũng tích cực tìm kiếm khai quật di tích văn hóa truyền thống trên khắp cả nước. Theo đó, Gyeongju, thủ đô của vương quốc Silla hoàng kim một thời đến thế kỷ X nằm ở phía Đông Nam bán đảo Hàn Quốc, đã được khôi phục và mang diện mạo mới của một đô thị lịch sử. Nhà bình luận văn hóa đại chúng Kim Heon-shik nói: “Lúc bấy giờ do Chính phủ nhấn mạnh quan điểm lịch sử đúng đắn và sáng tạo nghệ thuật dân tộc mới, nên đã có sự quan tâm lớn tới di sản văn hóa. Và vì Gyeongju là cố đô của Silla, vương quốc có một tầm ảnh hưởng lớn đối với lịch sử Hàn Quốc, nên có rất nhiều dự án văn hóa và lịch sử đã diễn ra ở đó.”

Nhiều lăng tẩm cũ được phát hiện ở Gyeongju và Seokguram (Am Thạch phật), chùa Bulguk (Phật Quốc) đã trở thành những kiến trúc Phật giáo mang tính biểu tượng của Hàn Quốc và là minh chứng cho một thời kỳ lịch sử huy hoàng của vương quốc Silla ngày xưa. Mặt khác, các bảo tàng cũng lần lượt mọc lên trên khắp cả nước. Báo chí cũng đưa tin nhiều về các sự kiện này, chẳng hạn như lễ khánh thành Bảo tàng dân tộc Hàn Quốc tại cung Gyeongbok (Cảnh Phúc) ở thủ đô Seoul vào năm 1975. Sau Bảo tàng dân tộc Hàn Quốc, một loạt các bảo tàng khác đã ra đời như Bảo tàng dân gian Miryang, Bảo tàng Gyeongju ở tỉnh Nam Gyeongsang. Việc khánh thành bảo tàng Gwangju (tỉnh Nam Jeolla) vào năm 1978, nơi trưng bày triển lãm về các di sản văn hóa thuộc hậu thời kỳ tiền sử, đã mở ra kỷ nguyên của các bảo tàng địa phương.

Chính phủ cũng đã đầu tư rất nhiều nhằm khai thác, phát triển âm nhạc dân tộc, đặc biệt là các thể loại nhạc truyền thống như dân ca, hát kể chuyện Pansori, nông nhạc..., cũng như đào tạo, hỗ trợ, khuyến khích các nghệ sĩ nhạc truyền thống. Ý chí và nỗ lực của Chính phủ đã góp phần khôi phục nền văn hóa truyền thống để truyền cho thế hệ sau. Trong suốt thời gian thực hiện Kế hoạch năm năm phục hưng văn hóa nghệ thuật lần thứ nhất, Chính phủ đã đầu tư hơn 70% ngân sách vào bảo tồn di sản văn hóa, khôi phục nghệ thuật truyền thống và thúc đẩy ngành đất nước học. Vậy lý do gì mà Chính phủ lại nhấn mạnh vào việc “kế thừa văn hóa” như vậy? Giáo sư Cheon Jung-hwan thuộc Khoa Ngữ văn Hàn Quốc, Đại học Sungkyunkwan, giải thích: “Trong chính sách phục hưng văn hóa nghệ thuật, Chính phủ nhấn mạnh vào kế thừa và phát triển văn hóa dân tộc. Lý do là vì Chính phủ muốn bảo tồn bản sắc dân tộc, tránh bị ảnh hưởng quá nhiều bởi văn hóa phương Tây, điều không thể tránh khỏi trong quá trình hội nhập. Mặt khác, đây cũng là một phương thức hiệu quả để xây dựng một ý thức hệ nội tại thống nhất cho toàn bộ xã hội. Hơn nữa, cũng khó có thể phản đối kế hoạch gìn giữ văn hóa dân tộc này. Do vậy, không chỉ ở Gyeongju, mà ở nhiều nơi trên toàn quốc, như Gongju, Buyeo (tỉnh Nam Chungcheong) cùng nhiều địa phương có di tích lịch sử khác, đã chứng kiến sự ra đời của nhiều bảo tàng, song song với các hoạt động văn hóa lịch sử sôi nổi khác.”

[Vận động viên, nghệ sĩ Hàn Quốc nổi danh trên thế giới]
Bước sang thập niên 1970, nhiều nghệ sĩ của Hàn Quốc trở nên nổi danh trên thế giới. Chính họ đã đóng vai trò quan trọng giúp thúc đẩy các chính sách văn hóa của Chính phủ trong thời kỳ này. Những người đã đạt thành tích cao tại các giải thi đấu thể thao cũng như các cuộc thi văn hóa nghệ thuật quốc tế khi trở về đều được đưa rước bằng những cuộc diễu hành ô tô từ sân bay quốc tế Gimpo đến trước trụ sở Tòa thị chính Seoul. Người dân cầm cờ Taegeuki (Thái cực) trên tay và chào đón họ như những vị anh hùng của tổ quốc. Các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế cũng nhiều lần được tổ chức tại Hàn Quốc với sự đóng góp thành tích của nhiều nghệ sĩ Hàn, góp phần tăng cường hình ảnh và uy tín của quốc gia trên thế giới. Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Heon-shik nói: “Trong lĩnh vực thể thao, Chính phủ đã hỗ trợ rất nhiều và có hệ thống. Khi các vận động viên vô địch các giải thi đấu quốc tế thì Chính phủ đã tổ chức cuộc diễu hành ô tô chào đón, nhằm khuyến khích họ đạt thành tích cao hơn nữa. Tương tự trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Chính phủ đã hỗ trợ, tạo kiều kiện cho các nghệ sĩ ưu tú, đặc biệt là những nghệ sĩ đạt giải thưởng lớn trong và ngoài nước. Sau năm 1973, có quan điểm văn hóa nghệ thuật kết hợp với chủ nghĩa tập thể, dân tộc và được coi là yếu tố nâng cao vị thế của quốc gia. Nhưng như thế thì nỗ lực mang tính cá nhân lại không được coi trọng.”

Mặc dù kế hoạch phục hưng văn hóa nghệ thuật của Chính phủ đã thổi luồng gió mới vào giới văn nghệ sĩ nước nhà, nhưng vẫn không thể tránh khỏi bị chỉ trích về sự độc đoán trong quá trình triển khai chính sách đó.

[Kiểm duyệt văn hóa đại chúng]
Một trong những mục tiêu khác của Kế hoạch năm năm phục hưng văn hóa nghệ thuật lần thứ nhất là làm lành mạnh văn hóa đại chúng. Chính phủ đã tiến hành các biện pháp mạnh để kiểm duyệt phim ảnh, chương trình phát thanh truyền hình và nhạc đại chúng với lý do loại bỏ các tác phẩm suy đồi, không phù hợp với thuần phong mỹ tục trước khi chúng được phát hành rộng rãi. Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Heon-shik nói: “Vào thời đó, có nhiều quan điểm tiêu cực về văn hóa đại chúng nên chủ trương của Chính phủ là nâng tầm văn hóa nghệ thuật. Nhìn tổng thể thì bản thân chính sách văn hóa nghệ thuật này cũng phù hợp với phương châm chung của quốc gia. Theo đó, nhiều nội dung kinh tế, chính trị, xã hội được khắc họa trong phim ảnh đã được kiểm duyệt vì mục đích nâng lên hạng cao cấp.”

Chính sách làm lành mạnh văn hóa đại chúng đã tác động nhiều nhất đến lĩnh vực điện ảnh. Số lượng các phim mới phát hành đã giảm hẳn với lý do nội dung không thích hợp. Tuy nhiên, về thực chất, Chính phủ đã lấy “kiểm duyệt” là công cụ để ngăn chặn những tư tưởng chống đối Chính phủ thông qua phim ảnh. Vì thế, nhiều rạp chiếu phim đã lấp khoảng trống bằng các phim lãng mạn, yêu đương thậm chí mang tính chất tục tĩu. Ông Cheon Jung-hwan, Giáo sư Khoa Ngữ văn Hàn Quốc thuộc Đại học Sungkyunkwan nói: “Ngày nay chúng ta khó có thể tưởng tượng về việc kiểm duyệt nhưng hồi đó, thì lại là điều rất bình thường. Chỉ một bộ phim điện ảnh thôi mà có khi phải chịu tới ba, bốn lần kiểm duyệt trước khi được trình chiếu. Đầu tiên, phải kiểm duyệt từ khâu kịch bản và tất nhiên sau khi đã hoàn thành xong rồi thì cũng phải trải qua một lần kiểm duyệt nữa. Thậm chí ngay cả đoạn quảng cáo phim cũng phải qua khâu duyệt kỹ trước. Khác với những năm huy hoàng của điện ảnh vào nửa sau thập niên 1960 khi số lượng phim ảnh ra lò còn nhiều hơn bây giờ, thì thập niên 1970 có thể coi là một thời kỳ đen tối của ngành công nghiệp phim. Sự chững lại của điện ảnh thập niên 1970 xuất phát từ lý do là phim chiếu trên ti vi đã bắt đầu lên ngôi và việc kiểm duyệt phim ảnh.”

Ngoài ra, chương trình truyền hình được yêu thích nhất lúc đó là về đấu vật chuyên nghiệp và đấm bốc chuyên nghiệp. Vào thời đó, ai mà không biết tới tên tuổi các võ sĩ đấu vật Hàn Quốc như Kim Il hay Chun Kyu-deok, hoặc thậm chí là những tay vật chuyên nghiệp của Nhật Bản như Giant Baba và Antonio Inoki. Nếu không biết những nhân vật này thì thật khó mà tham gia được vào các cuộc trò chuyện với mọi người. Khi đấm bốc trở thành môn thể thao được yêu thích nhất thì các nhà vô địch bộ môn này như Hong Soo-hwan hay Yu Jae-doo cũng trở thành thần tượng của nam giới Hàn Quốc thời đó. Rất nhiều người đã học theo bằng cách mua trang phục đấm bốc về và luyện tập các động tác trên đường phố mỗi sáng. Tới mùa giải vô địch quyền anh thế giới hay châu Á thì việc học tập của các học sinh cũng bị ảnh hưởng. Nhiều em đã bỏ học để xem truyền hình về các giải lớn này. Ông Park Kwan-woong - một người sống vào thời đó - nhớ lại:“Hồi đó, chỉ cần biết có võ sĩ nào tham gia thi đấu đấm bốc chuyên nghiệp là chúng tôi bằng mọi giá phải xem bằng được. Xem trận đấu của tay đấm huyền thoại Mohamed Ali, chúng tôi đã vô cùng hâm mộ và cảm thấy kỳ diệu, tuyệt vời lắm.”

Thời đó, phim truyền hình nhiều tập cùng với các chương trình thể thao chiếm thời lượng lớn nhất trên lịch phát sóng truyền hình. Theo tài liệu do Hiệp hội tác giả phát thanh truyền hình Hàn Quốc công bố thì trung bình có khoảng 12 tập phim được phát sóng mỗi ngày và 11 phim được chiếu trong tuần trên cả ba kênh truyền hình. Vì người dân phần lớn chỉ xem phim truyền hình, các trận đấm bốc và đấu vật chuyên nghiệp, nên chủ đề trò chuyện của họ cũng chỉ thường xoay quanh những nội dung đó và khó có thể chọn xem các nội dung khác. Đó cũng là lý do mà có một số ý kiến chỉ trích rằng Chính phủ đã lợi dụng văn hóa đại chúng để thực hiện chính sách ngu dân. Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Heon-shik cho biết: “Có nhiều ý kiến cho rằng những chính sách văn hóa mà Chính phủ triển khai từ năm 1973 là ý đồ mang tính chính trị, cụ thể là để kiểm soát người dân, qua đó duy trì quyền lực. Do vậy, nó đã làm hạn chế tính đa dạng, tự chủ và thực nghiệm trong văn hóa nghệ thuật, khiến nền văn hóa thời đó phát triển theo định hướng do một thiểu số đặt ra. Xu hướng đó tiếp tục kéo dài cho đến nửa đầu thập niên 1990, và đã ít nhiều làm mai một tính sáng tạo trong văn hóa.”

Trong những năm 1970, theo sau sự phát triển của kinh tế, Chính phủ Hàn Quốc đã coi văn hóa nghệ thuật là nền tảng để tăng cường hình ảnh quốc gia. Theo đó, có rất nhiều dự án văn hóa nghệ thuật đa dạng đã được tiến hành trong thời kỳ này. Tuy nhiên, quá trình triển khai chính sách cũng không tránh khỏi bị chỉ trích là lợi dụng văn hóa nghệ thuật như một công cụ cho mục đích chính trị và mở rộng phần lượng của văn hóa hơn là tập trung vào phần chất. Song tựu trung lại vẫn phải thừa nhận rằng những chính sách chấn hưng văn hóa dân tộc của Chính phủ thời kỳ này đã tạo nên một bước ngoặt trong lịch sử văn hóa và nghệ thuật Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập