Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 24: Hồi sinh sông Hàn

2015-06-23

Phần 24: Hồi sinh sông Hàn
[Sông Hàn, nơi người dân thư giãn và giải trí]
“Nghĩ đến sông Hàn là tôi lại liên tưởng đến hình ảnh những người dân đang đi bộ bên bờ sông. Sông Hàn giống như là công viên giải trí cho trẻ em. Còn tôi lại nghĩ đến bến giặt, có những con thuyền. Bây giờ còn có cả bãi cắm trại, là nơi lý tưởng để người dân vui chơi, thư giãn. Sông Hàn dài hơn, rộng hơn và có nhiều cầu hơn sông ở các nước khác. Tôi ấn tượng nhất với những cây cầu.”

Sông Hàn vừa là nơi nghỉ ngơi, vui chơi của cư dân thành phố, vừa là một địa điểm du lịch tiêu biểu của thủ đô Seoul. Vào ngày thường cũng có rất nhiều người đến sông Hàn hóng mát, đó là những bà mẹ đẩy xe nôi đưa con đi dạo, những người đạp xe dọc theo bờ sông. Vào mùa thu, sông Hàn lộng lẫy với lễ hội pháo hoa quốc tế. Vào cuối tuần hay những dịp nghỉ lễ, nơi đây lại nhộn nhịp đón các gia đình đến cắm trại, nghỉ ngơi. Quả không sai khi ví sông Hàn như một ốc đảo xanh đầy lãng mạn giữa thành phố Seoul nhộn nhịp. Hình ảnh những du thuyền lững lờ trôi trên dòng sông chảy ngang qua thành phố, tạo nên một cảnh sắc thật thanh bình, yên ả. Ít có ai biết rằng, vẻ đẹp hiền hòa ấy chính là thành quả của bao trí lực người Hàn trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

[Sông Hàn, trung tâm của bán đảo Hàn Quốc]
Sông Hàn được hợp thành từ hai nhánh sông, đó là sông Bukhan bắt nguồn từ núi Geumgang (nay ở Bắc Triều Tiên) và sông Namhan chảy từ núi Odae, tỉnh Gangwon. Sông Hàn chảy ngang qua thành phố Seoul rồi uốn khúc đổ ra biển Tây. Sông có tổng chiều dài là 514 km với tổng cộng 30 cây cầu bắc qua, bắt đầu từ cầu Paldang phía thượng nguồn và kết thúc là cầu Ilsan nằm ở phía Tây dòng sông. Do vị trí nằm ngay giữa bán đảo Hàn Quốc nên dường như sông Hàn luôn trở thành trung tâm của dòng chảy lịch sử dân tộc. Hướng dẫn viên chuyên giới thiệu về sông Hàn Jo Yeong-hee cho biết. “Sông Hàn vừa là nguồn sống, vừa là cái nôi văn hóa của cả dân tộc. Cũng bởi vậy mà những thế lực nào kiểm soát lưu vực sông Hàn cũng sẽ nắm giữ được toàn bộ bán đảo Hàn Quốc. Có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào lịch sử các vương quốc cổ như Baekje, Goguryeo, Silla.”

Lưu vực sông Hàn chiếm 12% lãnh thổ Hàn Quốc. Từ xưa cho đến nay, sông Hàn cung cấp nước cho sinh hoạt và nông nghiệp, đồng thời phát triển thành một trong những khu vực thương mại trung tâm của Hàn Quốc. Điển hình như bến phà Mapo trước đây đã từng là nơi tập kết muối, mắm tôm và xung quanh đó là khu chợ nhộn nhịp, đông đúc. Hình ảnh những bến phà tấp nập đó vẫn còn lưu lại bên sông Hàn cho đến những năm 1960. Những công dân 70, 80 tuổi hồi tưởng:“Thời đó có rất nhiều thuyền ra vào chở mắm tôm, người ta còn giặt giũ ngay trên sông. Tôi đã chứng kiến cảnh này thuở còn nhỏ, theo mẹ ra sông Hàn. Ngày đó vẫn còn dùng máy nước công cộng nên mọi người vẫn thường ra sông Hàn giặt quần áo. Vui lắm, thích lắm! Khi Sông Hàn mùa đông đóng băng là chúng tôi lại ra đó trượt băng.”

Thời đó, sông Hàn đã là không gian sinh hoạt và giải trí lớn nhất của người dân Hàn Quốc. Vào mùa hè, lũ trẻ thường ra chơi ở bãi cát trắng rồi rủ nhau bơi lội. Đến mùa đông, sông Hàn nhộn nhịp với những loài chim di trú và người đi câu cá, còn trẻ con lại thích thú với trò trượt băng và trượt ván trên mặt sông đóng băng. Hướng dẫn viên Jo Yeong-hee giới thiệu tiế“Thuở còn học trung học phổ thông, tôi vẫn thường đến bơi ở bến Gwangnaru. Thời đó có ba bãi cát trắng nổi tiếng trên sông Hàn tại Gwangnaru, đảo Ttukseom và Yongsan. Vào mùa đông, người ta đi trượt băng, mùa hè có các cuộc thi bơi, mùa xuân hay mùa thu cũng có rất nhiều khách du lịch tìm đến sông Hàn. Đây cũng là nơi hay tổ chức các buổi đi chơi dã ngoại của sinh viên. Nói cách khác, đây là nơi nuôi dưỡng ước mơ cho nhiều thanh niên Hàn Quốc.” p:

[Lũ lụt trầm trọng ở lưu vực sông Hàn]
Tuy nhiên, từ đầu những năm 1950, đáy sông Hàn dần bị bồi lên cao do cát và bùn đổ từ thượng lưu về, lượng nước sông cũng ngày càng giảm mạnh. Lòng sông rộng, nhưng lại chủ yếu là bãi cát bồi, dòng chảy đã bị hẹp đi rất nhiều. Bởi vậy mà nếu không có mưa, nước sông dễ bị ô nhiễm, còn mưa nhiều thì lại dễ gây ngập lụt. Đến hẹn lại lên, sông Hàn vào mùa mưa hàng năm lại dâng nước, khiến người dân phải chạy nạn lụt, tài sản, cơ sở vật chất cũng bị thiệt hại không nhỏ.

[Dự án cải tạo sông Hàn những năm 1960]
Từ cuối những năm 1960, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt tay thực hiện dự án cải tạo sông Hàn để giảm thiểu những thiệt hại do lũ lụt gây ra hàng năm. Tiến sĩ Lee Sang-bae, thuộc Viện Biên soạn lịch sử Seoul, kể lại: “Dự án cải tạo sông Hàn chính thức được khởi động từ năm 1968. Giai đoạn thứ nhất của dự án kéo dài ba năm, từ năm 1968 đến năm 1971 nhằm chống lũ, đắp đê và làm đường trên mặt đê.”

Hệ thống đê được đắp bằng xi măng, diện tích mặt nước công cộng vốn là những đồi cát xưa kia được lấp đầy, hình thành nên một diện tích đất sinh hoạt rộng lớn ở khu vực Banpo và Jamsil. Khu vực Yeouido ngày nay cũng được hình thành từ thời đó sau khi hoàn thành công trình tường chắn nước bao quanh vùng hạ lưu sông Hàn mang tên Yunjungje. Tuy đã được cải tạo trên diện rộng nhưng lượng nước của sông Hàn vẫn không tăng, chiều sâu cũng không được cải thiện. Sông Hàn vốn đã chạy uốn khúc nay đã chảy thẳng ra biển Tây sau khi xây các công trình đắp đê. Vấn đề nghiêm trọng hơn hết là nguồn nước bị ô nhiễm cao. Dân số Seoul tăng đều theo hàng năm, lượng nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp cũng đổ thẳng ra sông Hàn mà không hề có các biện pháp xử lý trung gian. Nước sông ngày càng bị ô nhiễm nặng nề, cá chết hàng đàn nổi trên mặt sông. Cuối cùng bể bơi trên sông cũng đóng cửa, những loài chim di cư và người đi câu cá cũng thưa dần, biến mất.

[Dự án cải tạo sông Hàn tổng hợp lần hai những năm 1980]
Đến đầu những năm 1980, ngày càng nhiều ý kiến rằng không để sông Hàn bị bỏ mặc (bỏ rơi) thế này. Phản ánh về vấn đề quản lý môi trường trên sông Hàn, dự án cải tạo sông Hàn tổng hợp lần hai lại được thi hành vào năm 1982. Ngoài nguyên nhân môi trường, còn một lý do khác dẫn tới kế hoạch cải tạo sông Hàn lần thứ hai. Tiến sĩ Lee Sang-bae, thuộc Viện Biên soạn lịch sử Seoul kể lại: “Dự án cải tạo sông Hàn tổng hợp lần hai diễn ra từ năm 1982 đến năm 1986. Động lực trực tiếp của dự án này chính là vào năm 1981, Hàn Quốc đăng cai thành công việc tổ chức Olympic tại Seoul vào năm 1988, năm 1986 cũng có Đại hội thể thao châu Á. Những sự kiện thể thao mang tính quốc tế này sẽ thu hút nhiều khách quốc tế tới Seoul. Điều này đặt ra nhiều vấn đề như: phải tìm ra phương pháp để các đoàn khách có thể di chuyển dễ dàng từ sân bay đến sân vận động chính ở Jamsil, phía Nam sông Hàn. Ngoài ra, sông Hàn cũng là một trong những địa điểm mà khách quốc tế nhìn thấy đầu tiên khi đặt chân tới Seoul. Chính bối cảnh này đã đặt ra nhiệm vụ phải cải tạo và xây dựng hình ảnh một sông Hàn đẹp hơn, gần gũi với thiên nhiên hơn để phù hợp với hình ảnh một thành phố quốc tế.”

Như vậy, kế hoạch cải tạo tổng hợp sông Hàn xuất phát từ nhu cầu chống lụt và tạo dựng hình ảnh hài hòa với thành phố quốc tế Seoul. Dự án này đã trở thành điểm khởi đầu cho quá trình gắn kết thiên nhiên và con người. Dự án cải tạo tổng hợp sông Hàn cuối cùng đã hoàn thành vào ngày 10 tháng 9 năm 1986. Trong quá trình thực hiện, dự án cải tạo sông Hàn đã gặp nhiều cản trở, như bờ sông đang dần thành hình thì bị lũ cuốn, vật liệu chất bên bờ cũng bị trôi xuống sông. Biết bao nhiêu sức người, sức của đã đổ vào dự án lớn này. Theo báo cáo của Thị trưởng Seoul thời đó là ông Yeom Bo-hyun trong lễ khánh thành năm 1984, tổng chi phí thi công dự án lên tới 413 tỷ 300 triệu won (tương đương hơn 370 triệu USD theo tỷ giá hiện nay), hơn 880.000 thiết bị đã được huy động trong vòng 3 năm 11 tháng, tổng nhân lực tham gia một năm là 4.190.000 người.

[Thành quả và ý nghĩa của dự án cải tạo sông Hàn]
Nhờ vào việc cải tạo sông Hàn, đập trong nước được xây dựng ở Jamsil và Gimpo đã duy trì dòng chảy thường xuyên và có tác dụng tăng lưu lượng nước sông Hàn. Tuy chỉ là một đoạn ngắn nhưng vẫn đảm bảo cho các du thuyền qua lại. Đây cũng chính là thời điểm đánh dấu sự xuất hiện của các du thuyền trên sông Hàn. Quan trọng hơn là do dư dả về nguồn nước nên chất lượng nước sông cũng được cải thiện rõ rệt. Tiến sĩ Lee Sang-bae, thuộc Viện Biên soạn lịch sử Seoul kể lại:“Có hai hệ thống dẫn nước thải ở phía Nam và phía Bắc sông Hàn. Trạm xử lý nước thải đặt ở vùng phía Nam sông Hàn gọi là Gangnam và phía Bắc gọi là Gangbuk, có vai trò ngăn không cho nước thải chảy vào sông Hàn và thu thập, xử lý nước thải của thành phố theo quy trình riêng. Cũng từ đó mà nguồn nước sông Hàn trở nên trong sạch hơn.”

Không chỉ thế, hai bến phà lâu đời, ẩn chứa lịch sử là bến Mapo và bến Yeouido được cải tiến lại, được xây bến đỗ tàu, có cả khu trượt ván nước và khu bơi xuồng. Hiện nay có nhiều quan điểm đánh giá trái chiều về kế hoạch cải tạo tổng hợp sông Hàn. Vấn đề liên quan đến giá trị sinh thái ngày càng được quan tâm, dẫn tới có nhiều ý kiến phê phán môi trường sinh thái của sông Hàn hiện nay không được trong lành, khỏe khoắn. Ông Jo Yeong-hee, hướng dẫn viên sông Hàn giải thích: “Sông Hàn ngày trước vô cùng “tự nhiên”, hình dáng uốn lượn như rắn bò, xung quanh còn có nhiều bãi cát trắng, thảm thực vật, cây cối, giống như một bức tranh. Nhưng sau dự án cải tạo thì đường sá bên bờ sông đã thay thế bãi cát trắng, ven sông được xây dựng lại khiến hình ảnh nguyên sơ xưa kia dần bị mai một. Những chất liệu xây dựng như bê tông, nhựa đường đem lại cảm giác cứng nhắc, ngột ngạt. Hình ảnh sông Hàn trước và sau dự án đã thay đổi hoàn toàn.”

Dòng sông bị nắn thẳng, đường cao tốc dọc bờ sông, hệ thống đê bê tông đã ngăn đường nước tự nhiên và cản trở sự phát triển của hệ sinh thái trên sông Hàn. Tuy nhiên, hình ảnh người dân dạo bước bên cạnh dòng sông trong xanh, thoáng mát đã trở thành hiện thực. Sông Hàn giờ đây đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, giải trí của người dân Seoul. Tiến sĩ Lee Sang-bae của Viện Biên soạn lịch sử Seoul nói: “Trước đây người dân rất khó tiếp cận với sông Hàn. Nhưng sau dự án cải tạo tổng hợp sông Hàn, người dân có cơ hội tìm đến công viên bên sông, ngồi bên bờ sông hóng mát, nghỉ ngơi. Gần đây còn có bể bơi, những thiết bị luyện tập để người dân tham gia các hoạt động giải trí, thể dục thể thao.”

Sông Hàn, dòng sông đi cùng năm tháng theo lịch sử dân tộc và là niềm tự hào của mọi người dân Hàn Quốc. Bởi vậy mà cả thế giới gọi thành quả phát triển kinh tế chỉ trong thời gian ngắn của Hàn Quốc là “kỳ tích sông Hàn”. Sông Hàn hôm nay vẫn bình thản trôi, ôm theo dòng nước bề dày lịch sử vẻ vang và vừa gần gũi, năng động với vai trò là địa điểm vui chơi, giải trí của hơn 10 triệu người dân Seoul, đồng thời là một trong những địa điểm tham quan ưa thích của du khách nước ngoài.

Lựa chọn của ban biên tập