Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 25: Thập niên 1980 mở ra thời đại mới của thể thao chuyên nghiệp Hàn Quốc

2015-06-30

Phần 25: Thập niên 1980 mở ra thời đại mới của thể thao chuyên nghiệp Hàn Quốc
[Hàn Quốc ra mắt giải bóng chày chuyên nghiệp]
Ngày 27 tháng 3 năm 1982 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của thể thao Hàn Quốc. Bóng chày Hàn Quốc chính thức thi đấu chuyên nghiệp sau 78 năm, kể từ năm 1904, khi nhà truyền giáo người Mỹ Phillip L. Gillette đem môn thể thao này đến bán đảo Hàn Quốc. Đã có tổng cộng 141 người, bao gồm sáu câu lạc bộ bóng chày và ban huấn luyện tham dự mùa đầu tiên của giải bóng chày chuyên nghiệp quốc gia. Từ đây, Hàn Quốc chính thức trở thành quốc gia thứ năm trên thế giới có giải bóng chày chuyên nghiệp, sau Mỹ, Canada, Mê-hi-cô và Nhật Bản. Từ đó, Hàn Quốc đã thực sự mở ra một thời đại mới cho thể thao chuyên nghiệp.

[Dùng thể thao để đánh lạc hướng quan tâm chính trị của người dân]
Chính phủ của Tổng thống Chun Doo-hwan được hình thành bằng thế lực quân sự vào năm 1981, thẳng tay trấn áp những người bất đồng chính kiến với lý do làm trong sạch xã hội. Bất chấp bối cảnh u ám đó, vào tháng 9 cùng năm, Hàn Quốc đã đăng cai thành công quyền tổ chức Olympic mùa hè Seoul 1988. Đến năm 1982, Hàn Quốc ra mắt giải bóng chày chuyên nghiệp và chính Tổng thống Chun Doo-hwan là người ném bóng mở màn cho trận bóng chày chuyên nghiệp đầu tiên của quốc gia. Có nhiều ý kiến phản đối cho rằng những động thái khuyến khích thể thao là chính sách ngu dân, nhằm xoa dịu những bất mãn của nhân dân trong nước. Nhà bình luận thể thao Choi Dong-ho cho biết. “Chính quyền của Tổng thống Chun Doo-hwan cần đến thể thao, cần giành quyền đăng cai Olympic mùa hè để chứng tỏ cho thế giới biết về thành công của mình. Trong thời gian này, ngành thể thao được đầu tư và khai thác mạnh mẽ do được coi là dự án mang quy mô toàn quốc và có tính dân tộc. Bên cạnh mục tiêu hướng ra thế giới thì Chính phủ Hàn Quốc còn dùng thể thao như một hình thức giải trí để tác động đến hệ tư tưởng và đánh lạc hướng quan tâm đến chính trị của người dân thời đó.”

[Bóng chày chuyên nghiệp ngày càng được mến mộ]
Tuy bị chỉ trích là “công cụ chính trị” nhưng không khí buổi lễ khai mạc trận bóng chày chuyên nghiệp ngày đó vô cùng sôi động. Trận đấu mở màn giải đấu giữa câu lạc bộ MBC Cheongryong (Thanh Long) và Samsung Lions (Sư tử) đã diễn ra hết sức gay cấn. Đến hiệp thứ 6, đội Samsung Lions đang dẫn trước MBC Cheongryong 6 điểm, nhưng đội MBC Cheongryong đã có màn lội ngược dòng giành tỷ số hòa ấn tượng ngay trong hiệp thứ 7. Không phân định thắng thua, hai đội phải bước sang hiệp phụ. Cuối cùng, đến hiệp thứ 10 cầu thủ đánh bóng của đội MBC Cheongryong là Lee Jong-do đã đánh bóng vượt qua hàng rào bên trái của sân bóng, đem lại chiến thắng ngoạn mục cho đội nhà. Trận đấu mở màn đầy kịch tính này đã trở thành ngòi nổ thổi bùng sự quan tâm của công chúng tới môn bóng chày.

[Trai gái già trẻ cuồng nhiệt bóng chày]
Kể từ đó, bóng chày chuyên nghiệp Hàn Quốc phát thăng hoa như diều gặp gió. Cứ vào ngày có lịch đấu là xung quanh sân bóng lại đông nghịt người đến xem. Những người hâm mộ bóng chày ngày đó, nay đã vào tuổi trung niên, nhớ lại những kỷ niệm sống động một thời. “Tôi vẫn còn nhớ tên những cầu thủ bóng chày như Kim Jae-bak, Kim Bong-hyun, Han Dae-hwa và Seon Dong-ryul…Vào thời đó bóng chày là môn thể thao vua, hầu như người dân cả nước đều xem môn này. Ngày đó tôi rất hâm mộ các cầu thủ trong đội Haitai Tigers (Hổ) như Kim Bong-hyun và Kim Sung-hwan. Tôi còn đến sân vận động Dongdaemun để xem các giải đấu bóng chày phổ thông trung học.”

Phái nữ vốn không quan tâm đến thể thao cũng bắt đầu xem các trận đấu và nhiều cầu thủ bóng chày độc thân thời đó rất được mến mộ. Bên cạnh đó, mỗi đội bóng chuyên nghiệp lại có một câu lạc bộ thiếu nhi cổ vũ cho mình và các hội viên nhí rất thích luyện tập và bắt chước phong thái của các cầu thủ thần tượng. Nhà phê bình thể thao Choi Dong-ho kể lại:“Các em tiểu học thời đó đua nhau mặc áo đồng phục, giầy, mũ của các cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp. Trong trường học cũng chia ra các phe thích đội Cheongryong, đội Lions, đội Tigers và các em học sinh đi đâu cũng khoe những miếng dán có hình cầu thủ bóng chày mà mình thích. Đội bóng chày nào có đủ nguồn tài chính thì tạo cơ hội cho các hội viên nhí được trực tiếp trải nghiệm chơi bóng. Bởi vậy mà khoảng một nửa số người độ tuổi hơn 40 tuổi đều đã một lần trải nghiệm giải bóng chày nhí hoặc từng là hội viên nhí của một câu lạc bộ nào đó.”

Trong năm đầu tiên ra mắt giải bóng chày chuyên nghiệp tại Hàn Quốc đã có 1.589.000 khán giả tới xem. Con số này cao hơn so với dự đoán của Liên đoàn bóng chày Hàn Quốc (KBO) là 1.540.000 người. Thành công của giải bóng chày chuyên nghiệp cũng hình thành nên văn hóa sân bóng chày. Có sân nhà của sáu câu lạc bộ bóng chày chuyên nghiệp đặt tại các thành phố Seoul, Busan, Daegu, Incheon, Daejeon và Gwangju. Vào những ngày có trận đấu là tại những nơi này lại ngân vang các bài hát đại chúng được sửa lời phù hợp với đội bóng. Nhà bình luận thể thao Choi Dong-ho nói: “Không chỉ riêng Hàn Quốc mà câu lạc bộ chuyên nghiệp hay đoàn thể thao chuyên nghiệp nào trên thế giới cũng phải có sân nhà như một thương hiệu đặc trưng. Các đội bóng chày chuyên nghiệp cũng có sân nhà là hậu phương vững chắc. Sân nhà có tác dụng hỗ trợ đắc lực trong việc hình thành tính cộng đồng, gắn kết mọi người thành một khối và đem lại hiệu quả cao về tính văn hóa địa phương. Những người xuất thân từ thành phố Busan hay Daegu khi lên Seoul sinh sống có thể khẳng định bản thân bằng cách cổ vũ cho đội Giants (có sân nhà ở Busan) hay đội Lions (có sân nhà ở Daegu).”

Cũng nhờ giải bóng chày chuyên nghiệp mà các tờ báo thể thao, các chương trình chuyên về bóng chày cũng nở rộ. Không chỉ thế, một số nghề nghiệp mới cũng ra đời đó là tường thuật viên và bình luận viên thể thao.

[Đấu vật truyền thống Ssireum và bóng đá chuyên nghiệp cũng được ưa chuộng]
Bóng chày chuyên nghiệp đã mở màn cho thời đại khởi sắc của thể thao chuyên nghiệp Hàn Quốc. Đấu vật truyền thống Hàn Quốc Ssireum cũng là một môn thể thao được ưa chuộng thời đó. Và giải đấu vật truyền thống Ssireum được tổ chức vào ngày 13 tháng 4 năm 1983 được đặt tên là Giải đấu vật Ssireum “Thiên hạ tráng sĩ”. Ngày đầu tiên đã có tới 15.000 khán giả tới xem và cổ vũ cho trận đấu đầy kỹ thuật và kịch tính. Từ giải đấu vật truyền thống Ssireum chuyên nghiệp này đã xuất hiện một ngôi sao mới là đô vật Lee Man-ki. Từ đầu năm 1990, Ssierum đã trở thành môn thể thao của toàn dân. Nhà bình luận thể thao Choi Dong-ho cho biết: “Đô vật Lee Man-ki đã thay đổi hoàn toàn quan niệm cố hữu trước đó về thể thao, cho rằng người đấu vật Ssireum thường phải vạm vỡ, khô khan. Thế nhưng đô vật Lee Man-ki lại có ngoại hình tuấn tú, cũng không cao hơn so với đối phương. Hình ảnh người đô vật phô diễn cơ thể khỏe mạnh, cường tráng và có hành động tung một nắm cát sau khi chiến thắng đã khiến người hâm mộ, mà đặc biệt là phái nữ khi đó vô cùng phấn khích.”

Sau khi giải đấu vật truyền thống Ssireum chuyên nghiệp khẳng định được vị trí thì đến ngày 8 tháng 5 năm 1983, giải bóng đá chuyên nghiệp cũng ra mắt. Giải vô địch bóng đá Hàn Quốc với tên gọi Super League khi đó gồm năm câu lạc bộ. Đó là câu lạc bộ Hallelujah, Yugong và ba đội của ba doanh nghiệp là công ty thép Pohang, Ngân hàng Kukmin và công ty điện tử Daewoo. Mùa đầu tiên của giải vô địch bóng đá quốc gia cũng gặt hái được thành công. Theo thống kê, lượng vé bán ra trong 20 ngày tổ chức giải là 418.000 vé, và trung bình mỗi trận đấu có hơn 20.000 người tới xem. Thể thao chuyên nghiệp cũng đem lại nhiều hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội. Các vận động viên xuất sắc được khán giả hâm mộ, ưu ái, nên các doanh nghiệp đã tận dụng hình ảnh của họ trong chiến lược quảng bá, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ.

[Thể thao Hàn Quốc phát triển nhờ Chính phủ hỗ trợ và nhân dân ưu ái ]
Sự bùng nổ của các giải chuyên nghiệp có được chính là nhờ sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ đương nhiệm. Bộ Văn hóa và tuyên truyền đã quảng bá rộng rãi các giải thể thao chuyên nghiệp thông qua nhiều kênh thông tin đại chúng, thời gian tường thuật các trận đấu cũng ngày một nhiều hơn. Nếu như vào tháng 9 năm 1981, các chương trình thể thao chỉ chiếm 8% thời lượng phát sóng thì đến tháng 2 năm 1982, con số này đã tăng lên thành 12%; đến năm 1983 tăng lên tới 20%. Ông Han Jun-hee, một nhà bình luận bóng đá, kể lại: “Thời đó nếu đang xem bóng đá trên kênh KBS1, chỉ cần chuyển sang kênh KBS2 là có thể theo dõi được bóng chày. Vào mùa đông KBS1 phát sóng giải bóng rổ, còn KBS2 lại chiếu giải bóng chuyền. Vào những năm 1980, tuy chỉ có vài đài truyền hình nhưng bật kênh nào cũng có thể dễ dàng theo dõi các môn thể thao.”

Bên cạnh đó, Chính phủ còn có nhiều chính sách hỗ trợ các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp như cho sử dụng sân vận động miễn phí, ưu đãi thuế cho đến khi hoạt động có lời. Nhà bình luận thể thao Choi Dong-ho giải thích: “Như đã đề cập ở trên, năm 1980 là kỷ nguyên đất nước Hàn Quốc cần thể thao. Chính quyền Chun Doo-hwan không được toàn dân bỏ phiếu bầu mà là lên nắm quyền thông qua một cuộc đảo chính quân sự, từ một tướng lĩnh quân đội trở thành Tổng thống . Bởi vậy mà Chính phủ phải dựa vào cái gọi là chính sách khuyến khích 3S, ba chữ cái đầu của từ sports (thể thao), screen (điện ảnh) và sex (văn hóa tình dục) để đánh lạc hướng quan tâm của nhân dân. Đây cũng là điểm hạn chế của thể thao những năm 1980 khi không thể thoát khỏi ảnh hưởng của nền chính trị.”

Chính sách thúc đẩy thể thao chuyên nghiệp của Chính phủ Tổng thống Chun Doo-hwan thời đó đã đem lại thành công về quy mô và tạo nên diện mạo đặc sắc cho xã hội Hàn Quốc những năm 1980. Thể thao chuyên nghiệp Hàn Quốc đã ra đời với mục đích là mũi tên đánh lạc hướng dư luận trong nền chính trị đầy áp bức và tăm tối. Tuy nhiên, những trận đấu gay cấn cùng nhiệt huyết, quyết tâm chiến thắng của các cầu thủ đã thăng hoa trên những sân vận động lớn, góp phần xoa dịu tâm tư của người dân và tạo bàn đạp cho Hàn Quốc trở thành một cường quốc thể thao sau này.

Lựa chọn của ban biên tập