Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 27: Bước đầu tháo gỡ quan hệ liên Triều

2015-07-14

Phần 27: Bước đầu tháo gỡ quan hệ liên Triều
[Tuyên bố chung liên Triều 4/7/1972]
Ngày 4/7/1972, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, hai nước đối đầu gay gắt trong suốt một thời gian dài do khác biệt thể chế, đã ra tuyên bố chung liên Triều. Đây được coi như là cam kết đầu tiên của hai miền về thống nhất kể từ khi bán đảo Hàn Quốc bị chia cắt.

“Hai miền Nam-Bắc đã nhất trí về những nguyên tắc đi tới thống nhất đất nước như sau. Điều 1: Hai bên nhất trí giải quyết vấn đề thống nhất một cách tự chủ, không dựa dẫm hay nhận sự can thiệp từ bên ngoài. Điều 2: Hai bên cam kết giải quyết vấn đề thống nhất bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực. Điều 3: Hai bên nhất trí vượt qua những khác biệt về tư tưởng, quan điểm, chế độ để hướng tới đại đoàn kết với tư cách là những người có chung một cội nguồn dân tộc.”

Tuyên bố chung liên Triều 4/7/1972 dựa trên ba nguyên tắc chính là tự chủ, hoa bình và đại đoàn kết dân tộc đã khiến toàn dân tràn ngập niềm hy vọng về tương lai thống nhất. Tuy nhiên, vào ngay năm sau, tức là năm 1973, phía Bắc Triều Tiên lại từ chối đối thoại khiến cho Tuyên bố chung liên Triều 4/7/1972 chỉ còn là một văn bản trên giấy mang tính đánh dấu lịch sử và quan hệ liên Triều lại trở về trạng thái đối đầu như cũ. Tuy nhiên, vào năm 1984, mối quan hệ này lại cho thấy triển vọng khả quan khi miền Bắc đề nghị chi viện hàng cứu trợ cho nhân dân bị lũ lụt tại miền Nam.

[Bắc Triều Tiên đề nghị chi viện cho Hàn Quốc]
Vào năm 1984, Hàn Quốc bị mưa lũ lớn khiến 3.500.000 người dân bị mất nhà cửa, tổn hại nhiều tài sản. Trong bối cảnh đó, đề nghị bất ngờ của Hội chữ thập đỏ Bắc Triều Tiên đã phần nào mở ra tiến triển mới cho quan hệ liên Triều. Ông Kang Ho-kwon, Tổng thư ký Hội chữ thập đỏ Hàn Quốc khi đó, cho biết: “Vào ngày 8 tháng 9 năm 1984, Hội chữ thập đỏ Bắc Triều Tiên đã gửi thư điện cho Hội chữ thập đỏ Hàn Quốc với nội dung muốn viện trợ hơn 7.000 tấn gạo, 500.000 mét vải, 100.000 tấn xi-măng. Tại thời điểm đó, Hàn Quốc đã ở trong giai đoạn khắc phục gần xong hậu quả lũ lụt. Tuy nhiên, Hội chữ thập đỏ Hàn Quốc vẫn muốn tìm cớ để cải thiện mối quan hệ giữa hai miền nên đã chấp nhận đề nghị chi viện. Do đó, Hội chữ thập đỏ hai miền Nam-Bắc đã có cuộc họp cấp chuyên viên về vấn đề này.”

Sau một thời gian dài cắt đứt giao lưu về mặt con người và vật chất, việc viện trợ hàng hóa từ Bắc xuống Nam đã được tiến hành vào ngày 29 tháng 9 năm 1984. Mối quan hệ liên Triều sau 40 năm cũng đã mở ra một trang sử mới.

[Seoul nỗ lực cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng đầu những năm 1980]
Vào những năm 1980, Seoul tích cực chủ động trong việc cải thiện mối quan hệ liên Triều. Trong phát biểu ngày 22 tháng 1 năm 1982, Tổng thống Chun Doo-hwan đã đề xuất với Bắc Triều Tiên về “Phương án hòa hợp dân tộc, thống nhất dân chủ”. “Phương án hòa hợp dân tộc, thống nhất dân chủ” đưa ra nội dung cụ thể về việc hình thành quốc gia dân chủ cộng hòa thống nhất thông qua tổng tuyển cử hai miền Nam-Bắc. Tiếp đó, vào ngày 1 tháng 2 năm 1982, Chính phủ Hàn Quốc lại tiếp tục đưa ra một dự án thử nghiệm chi tiết với 20 điểm.

“Thứ nhất: Xây dựng hệ thống đường xá nối từ thủ đô Seoul của Hàn Quốc tới thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên, nhằm đảm bảo việc đi lại tự do giữa hai miền. Thứ hai: Tiến hành đoàn tụ bằng thư từ và tổ chức gặp mặt để xoa dịu phần nào nỗi đau của gia đình bị ly tán ở hai miền. Thứ ba: Đặt khu du lịch nghỉ dưỡng ở phía Bắc núi Seorak của Hàn Quốc và phía Nam núi Geumgang của Bắc Triều Tiên để người dân tự do du lịch.”

Tuy nhiên, ngay sau đó Bắc Triều Tiên đã từ chối kế hoạch thống nhất này của Hàn Quốc. Ông Jeon Hyeon-jun, Viện trưởng Viện nghiên cứu hợp tác hòa bình Đông Bắc Á, giải thích: “20 điểm trong đề án thống nhất đều là các kế hoạch vô cùng táo bạo, nhưng Bình Nhưỡng đã từ chối. Ngày 10 tháng 2 năm 1982, Bắc Triều Tiên lại đề xuất một hội nghị liên hợp với sự tham gia của 50 chính khách Hàn Quốc và 50 chính khách Bắc Triều Tiên. Hội nghị này nhằm tạo cơ hội cho khối dân sự tham gia giải quyết trực tiếp vào tiến trình thống nhất hai miền mà không chịu tác động từ phía Chính phủ.”

[Kế hoạch ám sát Tổng thống Hàn Quốc của Bắc Triều Tiên]
Và rồi một năm sau, vào ngày 9 tháng 10 năm 1983…Tổng thống thời bấy giờ là Chun Doo-hwan và đoàn ngoại giao Hàn Quốc trong chuyến thăm Myanmar, có đến viếng mộ Aung San, vị tướng đã lãnh đạo cuộc chiến chống lại sự cai trị của thực dân Anh và giành lại độc lập cho Miến Điện (tên gọi cũ của nước Myanmar) năm 1947. Tại đây, 17 quan chức Chính phủ thuộc đoàn tháp tùng Tổng thống đã thiệt mạng, 14 người khác bị thương nặng, do gián điệp Bắc Triều Tiên đánh bom nhằm ám sát Tổng thống Hàn Quốc. Sau vụ đánh bom này, mối quan hệ liên Triều nhanh chóng xấu đi và miền Bắc cũng bị cộng đồng quốc tế lên án, cô lập. Trong tình hình căng thẳng, vào năm 1984, Seoul lại đồng ý tiếp nhận hàng hóa cứu trợ lũ lụt của Bình Nhưỡng. Ông Jeon Hyeon-jun, Viện trưởng Viện nghiên cứu hợp tác hòa bình Đông Bắc Á, cho biết: “Hàn Quốc lúc đó hoàn toàn có đủ năng lực để giải quyết vấn đề lũ lụt nhưng Chính phủ vẫn muốn tận dụng cơ hội này để nối lại đối thoại với Bắc Triều Tiên. Trong cái rủi lại có cái may. Chính thiên tai lại là cầu nối và đem lại cơ hội tốt cho quan hệ Nam-Bắc. Cũng chính nhờ lý do này mà những gia đình bị ly tán ở hai miền đã có cơ hội được đoàn tụ với nhau.”

[Trao đổi gia đình bị ly tán và đoàn biểu diễn nghệ thuật năm 1985]
Con đường đối thoại liên Triều trở nên thông suốt với các cuộc gặp gỡ song phương diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Cuối cùng, đến năm 1985, hai nước đã nhất trí với thỏa thuận về “Trao đổi các gia đình bị ly tán và giao lưu đoàn biểu diễn nghệ thuật”. Ông Kang Ho-kwon, Tổng thư ký Hội chữ thập đỏ Hàn Quốc khi đó, kể lại: “Quy mô được hai bên nhất trí gồm 151 người mỗi bên bao gồm một quan chức trung ương làm trưởng đoàn, 50 gia đình bị ly tán, 50 người thuộc đoàn giao lưu biểu diễn nghệ thuật, và 50 nhà báo cùng đội ngũ hỗ trợ. Số người này sẽ tới cả Seoul và Bình Nhưỡng trong vòng bốn ngày ba đêm, từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 9 năm 1985. Và đoàn biểu diễn nghệ thuật mỗi bên sẽ biểu diễn trong hai lần với tổng thời gian là 120 phút.”

Vào sáng ngày 20 tháng 9 năm 1985, đoàn trao đổi gồm gia đình bị ly tán và nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật đã đi qua biên giới thông qua các trạm gác, người thì lên Bắc, người khác lại xuống phía Nam. Và buổi tối hôm đó, chương trình giao lưu nghệ thuật đã đồng loạt được tổ chức tại Nhà hát trung ương quốc gia Seoul và Nhà hát lớn Bình Nhưỡng.

[Ngày đoàn tụ]
21 tháng 9 là ngày đoàn tụ các gia đình bị ly tán hai miền. Sau khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt vào năm 1953 và phải chờ đợi 35 năm sau thì các gia đình ly tán mới cảm nhận được hơi ấm từ những người ruột thịt thân yêu. Mặt ai cũng đầy những nếp nhăn, tóc thì bạc trắng nhưng cha và con trai đã nhận ra nhau ngay từ giây phút đầu tiên và cùng khóc òa trong niềm xúc động.

Trải qua chiến tranh, loạn lạc, các gia đình bị ly tán không hề nắm được tin tức của người thân, mỗi gia đình đều là một câu chuyện đầy thương tâm. Người mẹ Yoo Myo-sul sống ở Bắc Triều Tiên đã gặp con trai Seo Hyeong-seok ở Seoul nhưng vì tuổi cao, trí nhớ giảm, nên bà đã không nhận ra chính con trai của mình. Tuy người mẹ đã già lẫn và không còn nghe rõ, nhưng con trai Seo Hyeong-seok vẫn cố lợi lại ký ức bằng cách cho người mẹ xem vết sẹo ở khóe mắt. Và cả hai mẹ con đều nước mắt lưng tròng.

Cuộc gặp gỡ gia đình bị ly tán cũng diễn ra tại thủ đô Bình Nhưỡng. Những gia đình đi từ phía Nam lên, rưng rưng xúc động khi được đặt chân lên mảnh đất quê hương phía Bắc. Tuy nhiên, niềm vui tái ngộ chưa đầy bao lâu, những gia đình sống ở hai thể chế, hai tư tưởng khác nhau, đã sớm phải đối diện với hiện thực là bức tường chia cắt trong suốt 40 năm ròng. Những người trong cuộc kể lại: “Tôi gặp lại gia đình, nhưng lại chỉ nghe nói về những chuyện như: tại sao Nam-Bắc lại chia cắt, chúng ta phải cần nỗ lực... Chắc là họ đã được giáo dục trước khi tham gia cuộc gặp mặt này.”; “Tôi là con trai một trong nhà, đau lòng nhất là khi gặp lại gia đình mà không nói chuyện được thoải mái do bị giám sát xung quanh. Đặc biệt là mẹ tôi đã 82 tuổi rồi, để bà ở lại một mình biết bao giờ mới được gặp lại.”

Có một cuộc hội ngộ đáng chú ý ở Bình Nhưỡng là giữa Giáo chủ Ji hak-sun và người em gái. Giáo chủ Ji Hak-sun đã một mình rời đi từ huyện Junghwa, tỉnh Nam Pyeongan và sang Hàn Quốc năm 1950. Ông kể lại về cuộc gặp người em gái xa cách trong suốt 35 năm qua. “Bắc Triều Tiên nói là tự do tôn giáo, nhưng tôi ngỏ ý muốn gặp tín đồ của đạo Công giáo thì họ không cho gặp. Họ cũng nói là đời sống rất tốt nhưng em gái tôi mới có 60 tuổi mà nhìn như bà lão 80.” Giáo chủ Ji Hak-sun đã vô cùng sửng sốt trước sự thay đổi của người em gái, vốn trước kia cũng là người rất mộ đạo. Ông ôm trong lòng niềm nuối tiếc này cho đến tận lúc từ giã cõi đời vào năm 1993.

[Phút chia ly]
Trong lịch trình bốn ngày ba đêm, có 35 gia đình ở Hàn Quốc, 30 gia đình ở Bắc Triều Tiên, tổng cộng là 65 gia đình đã được đoàn tụ với người thân. Vào ngày 23 tháng 9, họ lại phải tiếc nuối nói lời tiễn biệt mà không hứa trước có ngày tái ngộ. Ai cũng dùng dằng, quyến luyến không nỡ rời tay người thân, bởi họ sợ rằng đó có thể là lần gặp cuối cùng. Nhà báo Kim Ki-man của tờ DongA tham gia làm phóng sự về gia đình bị ly tán đã hồi tưởng lại những phút giây “sinh ly, tử biệt” khi đó: “Cuộc gặp gỡ năm 1985 là cuộc hội ngộ sau thời gian dài đằng đẵng ly biệt nên khó có thể diễn tả bằng lời sự xúc động, quyến luyến này. Tôi cũng đã được chứng kiến những cảm giác nghẹn ngào trong cuộc gặp gỡ các gia đình ly tán. Khi ấy , người làm báo như tôi vừa thấy đau lòng, vừa tự đặt ra những câu hỏi lớn về bi kịch của đất nước mình, như lịch sử hiện đại của dân tộc sẽ đi về đâu, làm thế nào để khắc phục và xoa dịu những đau thương lịch sử này, làm thế nào để đi tới thống nhất?”

Tuy con số các gia đình được đoàn tụ thân nhân còn khiêm tốn, nhưng sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử quan hệ liên Triều. Ông Jeon Hyeon-jun, Viện trưởng Viện nghiên cứu hợp tác hòa bình Đông Bắc Á, nói: “Năm 1985 là một mốc đột phá trong quan hệ hai nước Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Lần đầu tiên đại diện các gia đình bị ly tán cùng đoàn biểu diễn nghệ thuật của hai bên đã đặt chân lên lãnh thổ của nhau để gặp gỡ, giao lưu. Buổi giao lưu này đã là nền tảng để hai bên tiến hành 13 vòng đàm phán, các cuộc họp về các lĩnh vực chữ thập đỏ, kinh tế, quốc hội, thể dục… Có thể nói sự kiện năm 1985 đã tạo bàn đạp cho các hội nghị cấp cao như hội nghị cấp Thủ tướng vào nửa cuối thập kỷ 1980.”

Niềm xúc động đoàn viên của các gia đình bị ly tán kéo dài chưa lâu, thì Bắc Triều Tiên lại thay đổi thái độ, khiến đối thoại liên Triều bị gián đoạn trong suốt 15 năm. Đến năm 2000, chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán lại được nối lại và đã diễn ra được 19 lần, tạo cơ hội cho 22.547 người gặp lại người thân, trong đó có 18.799 người được gặp trực tiếp và 3.748 người được nói chuyện với người thân qua video. Tuy nhiên, từ sau năm 2014 quan hệ liên Triều lại trở nên căng thẳng và nỗ lực tổ chức các cuộc đoàn tụ bị gián đoạn. Vẫn còn rất nhiều những gia đình bị ly tán đang ngày ngày ngóng về phương Bắc trong nỗi day dứt, nhớ thương vô hạn. Một đại diện gia đình ly tán chia sẻ: “Tôi mong muốn đến một ngày không xa sẽ được gặp lại bố mẹ, anh em ở miền Bắc. Tôi khẩn thiết đề nghị hãy cho những người thất lạc tin tức gia đình như chúng tôi được gặp lại anh em ở Bắc Triều Tiên. Tôi chỉ biết khóc! Anh ơi! Nhất định em sẽ đi tìm gặp anh, dù mất bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm. Một mình em rời khỏi miền Bắc, đến nay cha mẹ đã mất, em chỉ còn chờ để được gặp các anh. Dù các anh có không đi được thì cũng hãy cố tìm em.”

Lựa chọn của ban biên tập