Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 28: Kỷ nguyên văn hóa đa dạng

2015-07-21

Phần 28: Kỷ nguyên văn hóa đa dạng
[Thập niên 1980, thời kỳ phục hưng văn nghệ Hàn Quốc]
Cùng với sự phổ cập của chiếc tivi màu tại Hàn Quốc vào thời đó, nhiều ngôi sao màn ảnh nhỏ đã xuất hiện. Nếu như trước đây, chỉ có một số nhà nghệ thuật được đào tạo bài bản, đóng vai trò dẫn dắt nền văn hóa nước nhà, thì nay công chúng từ vị trí là người quan sát đã bắt đầu có ý thức gửi gắm, phản ánh đời sống của chính mình trong văn hóa. Hiện tượng mô phỏng theo văn hóa phương Tây cũng bị phê phán và cảnh tỉnh. Từ đó, Hàn Quốc bước vào kỷ nguyên “Tìm lại nền văn hóa đích thực”. Nhờ nỗ lực của các nhà nghệ thuật, nên văn hóa Hàn Quốc trong những năm 1980 ngày càng trở nên đa dạng, phong phú hơn. Kết quả là những tác phẩm nghệ thuật phá vỡ mọi khuôn mẫu và ranh giới, lấp đầy khu vườn văn hóa nước nhà bằng những trái ngọt xum xuê.

[Chính phủ đề xướng Lễ hội “Gukpung 81” nhằm đánh lạc hướng quan tâm chính trị người dân]
Vào năm 1981, Chính phủ của Tổng thống Chun Doo-hwan được hình thành bằng đảo chính quân sự, thẳng tay trấn áp những người bất đồng chính kiến và dùng vũ lực để dập tắt ngọn lửa dân chủ hóa trong nhân dân. Trong bối cảnh này, chính quyền cũng phải tìm cách để “vỗ về” công luận, khi đó liên tục nghi ngờ về tính chính đáng của Chính phủ. Và văn hóa đại chúng được sử dụng như một công cụ để Chính phủ thời đó đánh lạc hướng quan tâm của người dân. Vào ngày 28 tháng 5 năm 1981, khi Tổng thống Chun Doo-hwan lên nắm quyền chưa đầy ba tháng, lễ hội văn hóa toàn quốc mang tên “Gukpung 81” (Quốc phòng 81) đã diễn ra liên tục trong suốt năm ngày đêm tại quảng trường Yeouido, thủ đô Seoul. Lệnh giới nghiêm ban đêm cũng tạm thời được rút lại để tạo điều kiện cho người dân tham gia lễ hội. Nhà bình luận văn hóa Choi Kyu-seong giải thích. “Chính quyền của Tổng thống Chun Doo-hwan đã quyết định tổ chức một lễ hội có quy mô toàn quốc để thay đổi bầu không khí chính trị nặng nề và giải tỏa những mệt mỏi, căng thẳng của toàn xã hội khi đó. Đặc biệt, trong lễ hội này còn có chương trình biểu diễn ca nhạc được gọi là “lành mạnh” mang tính tuyên truyền và cổ động cho Chính phủ đương thời. Chương trình này quy tụ toàn những nhạc sĩ và ca sĩ nổi tiếng nhất Hàn Quốc.”

Đã có tổng cộng 198 trường đại học, hơn 6.000 sinh viên và hơn 7.000 người dân tham gia vào đại lễ hội “Gukpung 81”. Lượng người đổ về địa điểm tổ chức lễ hội khi đó cũng lên tới 10 triệu người. Trong đó, “Cuộc thi âm nhạc thanh niên” đã chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả. Với khẩu hiệu “Cùng đơm hoa cho văn hóa dân tộc kỷ nguyên mới”, sự kiện “Gukpung 81” tuy được tổ chức duy nhất một lần, nhưng tận cho đến ngày nay, người dân vẫn nhớ và gán cho nó cái tên “Lễ hội do Chính phủ trung ương dẫn dắt”. Sau khi sự kiện toàn quốc này kết thúc, thì một loạt những quy định trong xã hội cũng được nới lỏng, khác với Chính phủ tiền nhiệm của những năm 1970.

[Bãi bỏ lệnh giới nghiêm, ăn chơi về đêm thịnh hành]
Vào ngày 5 tháng 1 năm 1982, Chính quyền của Tổng thống Chun Doo-hwan đã tuyên bố bãi bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm sau 36 năm. Từ đó, những nhà hàng và các quán bar cũng được mở cửa khuya hơn, tạo cơ hội hình thành và phát triển nhiều tụ điểm giải trí. Khái niệm “văn hóa tiêu thụ” xuất hiện chính là yếu tố cơ bản làm nên sự khác biệt giữa xã hội Hàn Quốc những năm 1980 so với trước đó. Giáo sư Kim Chang-nam, khoa Báo chí và phát thanh truyền hình thuộc Đại học Sungkonghoe, cho biết. “Có thể nói những năm 1980 là kỷ nguyên đối lập về mặt chính trị. Văn hóa đại chúng được phát triển thông qua phương tiện truyền thông chịu sự kiểm soát và sức ép của chính quyền nên không thể phê phán xã hội. Thập niên 1980 được gọi là thập niên “ba thấp”: giá dầu thấp, giá đô-la Mỹ thấp và lãi suất thấp. Cùng với nền kinh tế bong bóng tăng trưởng vượt bậc, kỷ nguyên văn hóa tiêu thụ được mở ra. Về mặt xã hội, phía Nam sông Hàn với điển hình là khu vực Gangnam bắt đầu được khai thác, phát triển mạnh, trở thành trung tâm văn hóa giải trí. Từ đây, nền công nghiệp giải trí của Hàn Quốc bắt đầu phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và đặc biệt là không hề bị chính quyền đương thời cản trở hay hạn chế.”

Sau khi bãi bỏ lệnh giới nghiêm, làn sóng nhảy Disco phát triển mạnh tại Hàn Quốc. Có những sàn nhảy mở cửa đến 4 giờ sáng và thu hút rất nhiều thanh niên. Những người đã trải qua thời kỳ sinh viên khi đó kể lại. “Thời đó có một sàn nhảy Disco rất nổi tiếng ở ga Gangnam, tôi và các bạn phải đến từ 6, 7 giờ tối để xếp hàng. Mốt thịnh hành khi đấy là quần bò xanh mặc cùng với áo phông trắng vì hai màu này rất bắt đèn và nổi bật trên sàn nhảy. Trong giới trẻ còn có thuật ngữ “Gogoting”, ám chỉ việc hẹn hò ở sân nhảy Disco. Các DJ thời đó rất nổi tiếng, đặc biệt là được giới nữ vô cùng hâm mộ. Chỉ cần bước vào sàn Disco là ai cũng trở nên hưng phấn, điên loạn và chính DJ là người dẫn dắt, điều khiển bầu không khí phấn khích cho cả vũ trường.”

Giới trẻ gieo mình vào những giai điệu sôi động của Disco và tìm kiếm ở đó niềm ảo tưởng rằng mình đang được hưởng thụ cuộc sống tự do.

[Giới văn nghệ sỹ nỗ lực tìm lại nền văn hóa đích thực]
Trong bối cảnh như thế, đã có một luồng gió mới thổi vào nền văn hóa Hàn Quốc bị “tạp nham” bởi yếu tố ngoại lai, không rõ quốc tịch. Đó chính là sự xuất hiện của văn hóa dân tộc. Xu hướng mới này phát triển mạnh tại các trường đại học với tiêu chí đi tìm lại những gì đã mất. Giáo sư Kim Chang-nam, khoa Báo chí và phát thanh truyền hình thuộc Đại học Sungkonghoe, giải thích. “Càng sống trong bầu không khí bị Chính phủ áp bức thì khát khao của người dân về một nền dân chủ lại càng mãnh liệt. Đặc biệt sinh viên là lớp người mang tư tưởng tiến bộ, khát khao về hòa bình, thống nhất, và dân chủ. Không thể bày tỏ niềm khát khao này trong văn hóa đại chúng, giới sinh viên tự hình thành xu hướng văn hóa của chính mình. Cùng với các phong trào lao động, việc sáng tác văn học cũng phát triển và trở thành phong trào đại chúng. Đây có thể coi là một nhánh của văn hóa dân tộc, một nét đặc trưng của những năm 1980. Như vậy, đến cuối thập kỷ này, trong phong trào dân chủ hóa, văn hóa đại chúng đã ngày càng lan tỏa sâu rộng và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân trong một thời gian dài.”

Trước hết phải kể đến sự xuất hiện của các câu lạc bộ ca nhạc đại chúng. Ca nhạc đại chúng là thuật ngữ xuất phát từ năm 1980, thời điểm những cuộc vận động dân chủ chống lại chính quyền độc tài bùng phát khắp nơi. Nhạc điệu trầm buồn cùng lời ca da diết của ca nhạc đại chúng chở đầy những đau thương, trăn trở của thời đại và được chính những người trẻ tuổi trực tiếp truyền lại cho nhau, cùng tìm sự an ủi và dũng khí. Những bậc trung niên đã sống trong thời đại đó hồi tưởng. “Chúng tôi đã hát ở sân vận động. Hầu như ngày nào cũng hát bài “Khúc quân hành vì người”. Tôi học đại học đến năm 1985, đã từng trải qua phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5/1980. Lúc đó, chúng tôi ca vang những câu hát này và ấp ủ khát vọng cháy bỏng về dân chủ. Ca nhạc đại chúng được thể hiện nhiều trong những cuộc biểu tình. Thanh niên khi đến quán uống rượu cũng hát những bài này. Âm nhạc giống như phương tiện để người ta thể hiện tâm tư, nỗi lòng. Chúng tôi muốn nói lên suy nghĩ thật về xã hội đương thời, nhưng không có nơi nào chịu chấp nhận, lắng nghe. Những tiếng nói thống thiết của học sinh, sinh viên thời đó dường như đã tan chảy vào những câu hát của ca nhạc đại chúng. Hồi đó tôi hay hát bài “Bốn mùa”, nghe ai oán lắm. Giai điệu này cho đến bây giờ vẫn còn đọng lại trong tôi, lâu lâu nghe lại thấy thật nghẹn ngào, xúc động.”

Những nỗ lực vượt ra ngoài vòng kiềm tỏa của hiện thực xã hội cũng đã tác động đến giới văn học. Các tiểu thuyết như “Quân”, “Phong trào vận động dân chủ 18/5” viết về những chủ đề bị cấm đoán một thời, nay được ra mắt công chúng. Cùng với đó là sự ra đời của một loạt tiểu thuyết phản ánh những vấn đề nóng hổi trong xã hội như về lao động hay phong trào của học sinh, sinh viên. Những tác phẩm thơ văn của các tác giả chuyên nghiệp cũng trở nên gần gũi đời sống thực tiễn của công nhân và nông dân. Sau đây là nguyên văn lời tác giả Lee Mun-yeol về đặc điểm nổi bật của văn học Hàn Quốc thời đó trong một chương trình phát thanh. “Văn học những năm 1980 có đặc tính là không còn tính khuôn mẫu, mà trở nên rất đa dạng. Vào những năm 1970, nếu một tác phẩm được đánh giá cao thì sẽ được đón nhận rộng rãi, không bị phê phán. Thời kỳ trước đó là 1950, 1960, 1970, người ta đòi hỏi tính chuyên nghiệp của nhà văn. Song đến năm 1980 thì xuất hiện những tác giả không thuộc khuôn mẫu hay trường phái nhất định nào. Họ mô tả một cách chân thực hiện thực đời sống, tình hình thực tiễn của người lao động. Đây được gọi là “văn học hiện trường”.”

Làn gió mới cũng thổi vào nghệ thuật biểu diễn. Nghệ thuật biểu diễn truyền thống ngoài sân trước kia bị chế độ xếp là “ngoài luồng”, nay đã chính thức trở thành một thể loại biểu diễn độc lập, thể loại kịch. Nghệ thuật biểu diễn truyền thống ngoài sân cùng với các thể loại biểu diễn khác như kịch thể nghiệm, ca kịch, ca múa kịch đã tạo sắc thái đa dạng cho thập niên 1980. Những vở hát kể chuyện Pansori như trường ca “Truyện Sim Cheong”, “Truyện Xuân Hương” cũng được làm mới theo lối opera và biểu diễn trên sân khấu ca kịch dân gian. Điều này đã góp phần đem truyền thống của dân tộc đến gần hơn với đại chúng. Không chỉ thế, các vở kịch trào phúng, châm biếm chính quyền đương thời cũng được công diễn và trên tivi cũng xuất hiện thể loại hài kịch phê phán hiện thực chính trị. Chương trình hài kịch “Đường hài số 1” của đài Phát thanh và truyền hình KBS được khán giả ưa thích nhất trong những năm 1980.

Làn gió mới cũng đã lay động nền âm nhạc Hàn Quốc thời đó. Những đoàn nhạc giao hưởng thính phòng đã bắt đầu thể nghiệm chơi nhiều dòng nhạc như nhạc truyền thống dân tộc Hàn Quốc, nhạc phim, nhạc đại chúng Pop. Âm nhạc Hàn Quốc dần dần thoát khỏi cái bóng của âm nhạc phương Tây để có những bước chuyển mình tươi mới, đậm đà tính dân tộc. Các đoàn nhạc truyền thống Hàn Quốc ngày càng thử nghiệm nhiều loại hình âm nhạc mới và rút gần khoảng cách với công chúng.

Văn hóa Hàn Quốc trong những năm 1980 đã đập bỏ bức tường nghệ thuật mang tính hình thức và xa rời quần chúng. Giáo sư Kim Chang-nam, khoa Báo chí và phát thanh truyền hình thuộc trường Đại học Sungkonghoe, cho biết. “Trong suốt thập kỷ 1980, các sân khấu kịch, sân biểu diễn nghệ thuật truyền thống ngoài sân hoạt động rất sôi nổi. Đến cuối những năm 1980 và sang thập niên 1990, các nghệ sĩ này đã bắt đầu hoạt động chính thống và tạo nên thời kỳ Phục hưng của văn hóa Hàn Quốc. Như vậy động lực để văn hóa Hàn Quốc thăng hoa chính là nhờ sự giao lưu với đại chúng. Văn hóa Hàn Quốc được tiếp sức bởi phong trào văn hóa đại chúng được tích lũy từ thời kỳ 1980 cùng với dòng chảy dân chủ hóa.”

[Phong trào văn hóa dân tộc trở thành trụ cột]
Trong những năm 1980, bên cạnh xu hướng hưởng lạc và suy thoái thì văn hóa đại chúng cũng thể hiện những nỗ lực tìm lại bản sắc truyền thống của dân tộc. Nhờ đó mà văn hóa đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với đại chúng và ngày càng phát triển sâu rộng hơn. Các phong trào văn hóa dân tộc, đại chúng đã đem lại sức sống và mạch nguồn nội tại cường tráng cho nền văn hóa trong dòng chảy lịch sử Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập