Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 29: Olympic mùa hè Seoul 1988 nối kết Hàn Quốc với thế giới

2015-07-28

Phần 29: Olympic mùa hè Seoul 1988 nối kết Hàn Quốc với thế giới
[Seoul giành quyền đăng cai Olympic 1988 bất chấp hoài nghi của quốc tế]
23 giờ 45 phút ngày 30 tháng 9 năm 1981, toàn Hàn Quốc như vỡ òa trước lời tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Juan Antonio Samaranch. Hàn Quốc đã được bầu chọn là nước chủ nhà của Olympic mùa hè 1988 trong phiên họp Đại hội đồng Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) diễn ra tại thành phố Baden-Baden, Đức. Khi đó, đối thủ cạnh tranh quyền đăng cai với Seoul là thành phố Nagoya của Nhật Bản. Rất nhiều người đã dự đoán phần thắng sẽ thuộc về Nhật Bản, nhưng kết quả là Seoul đã giành chiến thắng thuyết phục với 52 phiếu, trong khi Nagoya chỉ nhận được 27 phiếu. Với kết quả này, Hàn Quốc đã trở thành nước châu Á thứ hai, sau Nhật Bản, và là nước đang phát triển đầu tiên vinh dự được đăng cai tổ chức Thế vận hội.

Cộng đồng quốc tế đã gọi thắng lợi này của Seoul là “Kỳ tích Baden-Baden”. Trước khi diễn ra đại hội định kỳ của IOC, dư luận trong và ngoài nước đều hoài nghi việc Hàn Quốc tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Một đất nước mới kết thúc chiến tranh chưa đầy 30 năm, vẫn đang trong tình trạng chia cắt, đối đầu giữa hai miền Nam-Bắc và một đất nước nghèo nàn lại nỗ lực giành quyền đăng cai Olympic. Quả là một điều viển vông! Những ý kiến bi quan như thế vẫn cứ tiếp tục kể cả sau khi Seoul đã được bầu chọn là địa điểm tổ chức Olymic. Cựu nghị sĩ Chung Mong-joon, người từng có mặt tại Baden-Baden, kể lại không khí khi đó. “Tuy Hàn Quốc đã giành được quyền đăng cai Olympic 1988 nhưng ngay tại phiên họp này, vẫn có rất nhiều những phản hồi tiêu cực cho rằng Hàn Quốc không đủ năng lực tổ chức Thế vận hội và chắc chắn sẽ rút đăng cai. Có rất nhiều những câu hỏi được đặt ra như: “Đất nước đang bị chia cắt như thế, còn đang khó khăn, liệu có đủ điều kiện tổ chức Olympic?””

[Hàn Quốc chuẩn bị Olympic hết sức chu đáo]
Tuy nhiên Hàn Quốc đã huy động tổng lực để tổ chức thành công Thế vận hội mùa hè 1988. “Các nội dung thi đấu sẽ diễn ra tại 33 sân thi đấu trong phạm vi bán kính 15km so với trung tâm thành phố. Ban tổ chức sẽ tận dụng tối đa sân vận động tổng hợp Jamsil Seoul gồm năm nhà thi đấu đạt chuẩn. Sân vận động tổng hợp Jamsil có tổng diện tích hơn 500.000m2, bao gồm sân vận động chính, nhà thi đấu, bể bơi trong nhà, nhà thể dục dành cho học sinh và sân bóng chày. Sân vận động chính có sức chứa 100.000 người được khánh thành vào tháng 9 năm 1984. Đây cũng chính là nơi diễn ra lễ khai mạc, bế mạc và các cuộc thi điền kinh, bóng đá.”

Ngoài xây dựng các sân vận động lớn dành cho Olympic 1988, Hàn Quốc còn khánh thành nhiều công trình hạ tầng khác như “đại lộ Olympic” nối khu vực Đông và Tây Seoul. Seoul ngày càng lột xác và mang dáng dấp của một thành phố thể thao quốc tế.

[Ngọn đuốc Olympic rực sáng tại Seoul]
Cuối cùng, vào ngày 17 tháng 9 năm 1988, Thế vận hội tại Seoul đã chính thức mở màn. “Sông Hàn là dòng sông lịch sử, mang theo dòng chảy của cả dân tộc với nhiều ý nghĩa quan trọng. Có thể coi đây là hình ảnh đại diện cho Seoul. Bởi vậy mà những người tham gia diễu hành đã đi từ sông Hàn tiến vào sân vận động chính Olympic Jamsil để mở màn cho lễ khai mạc.”

Sau màn trình diễn tập thể và những điệu múa đầy màu sắc, kết tụ vẻ đẹp truyền thống của Hàn Quốc, các vận động viên lần lượt tiến vào sân vận động. Olympic Seoul 1988 lấy khẩu hiệu là “Hòa hợp và Tiến bộ”. Trong số 167 quốc gia thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế đã có 161 nước tham gia và hơn 13.800 vận động viên đã có mặt tại Hàn Quốc. Đây là thế vận hội có quy mô lớn nhất cho đến thời điểm đó. Các nước theo chủ nghĩa cộng sản như Trung Quốc và Liên Xô cũng góp mặt, nhưng Bắc Triều Tiên lại không tham gia. Vào Thế vận hội Mát-xcơ-va (Nga) năm 1980, do Liên Xô tấn công Afghanistan nên 60 quốc gia gồm Mỹ và phương Tây đã tẩy chay sự kiện. Còn tại Thế vận hội năm 1984 được tổ chức tại Los Angeles (Mỹ) thì Liên Xô cùng 18 quốc gia Đông Âu cũng không có mặt. Sau phát biểu chào mừng của Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Juan Antonio Samaranch là lời khai mạc Thế vận hội của Tổng thống Hàn Quốc. Và ngọn đuốc của Thế vận hội đã rực cháy giữa bầu trời Seoul.

[Hàn Quốc đứng thứ tư với 12 huy chương vàng]
Thế vận hội Seoul diễn ra trong suốt 16 ngày cũng được đánh giá là có chất lượng thi đấu đạt tính chuyên môn cao. So với thành tích của hai kỳ Olympic trước đó, Thế vận hội Seoul năm 1988 đã thiết lập 33 kỷ lục thế giới mới và đạt kỷ lục về số huy chương vàng là 227 chiếc. Vận động viên Kim Yeong-Nam là người đầu tiên giành huy chương vàng cho Hàn Quốc ở bộ môn đấu vật cổ điển hạng cân 74kg. Tiếp đó, Hàn Quốc cũng liên tiếp giành vàng tại các nội dung thi đấu như bắn cung hay đấu vật. Đội bóng ném nữ Hàn Quốc đã vượt qua đối thủ có chiều cao trung bình hơn mình 10cm là đội Liên Xô khi đó để đem về cho nước nhà chiếc huy chương vàng đầu tiên của bộ môn thi đấu với bóng. Chung cuộc Hàn Quốc đã đạt được tổng cộng 12 huy chương vàng, 10 huy chương bạc, 11 huy chương đồng. Với kết quả này, Hàn Quốc xếp thứ tư trong bảng tổng sắp và chính thức đứng trong hàng ngũ cường quốc thể thao. Nhà bình luận thể thao Shin Myeong-cheol nhận xét. “Những lứa cầu thủ 10 năm, 15 năm sau Olympic Seoul khi đó đã trở thành những nhân tố rất xuất sắc của thể thao nước nhà. Olympic Seoul cũng có sức ảnh hưởng lớn đến mọi mặt như kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa Hàn Quốc. Có thể nói, Olympic Seoul đã trở thành một nền móng vững chắc, một đòn bẩy giúp thể thao Hàn Quốc phát triển lên một trình độ mới.”

[Olympic Seoul để lại dư âm thú vị]
Olympic Seoul cũng có rất nhiều điểm thú vị, thu hút sự quan tâm của mọi người trong và ngoài nước. Trong đó có sự tranh đua ngôi vị quán quân thể thao giữa Mỹ và Liên Xô sau 12 năm. Với thế thượng phong ở nhiều bộ môn như điền kinh, chèo thuyền, xe đạp, thể dục dụng cụ, cử tạ, khúc côn cầu trên cỏ, Liên Xô giành vị trí số một trong bảng tổng sắp với 55 huy chương vàng. Đứng sau Liên Xô là Cộng hòa dân chủ Đức (tức Đông Đức cũ) với 37 huy chương vàng và Mỹ với 36 huy chương vàng. Cũng có rất nhiều câu chuyện được kể lại từ Olympic Seoul. Vận động viên điền kinh người Canada Ben Johnson đã vượt qua vận động viên Carl Lewis của Mỹ và giành huy chương vàng. Nhưng chỉ ba ngày sau đó, cầu thủ này đã bị tước huy chương do phát hiện dùng thuốc kích thích. Tay bơi Kristin Otto của Đông Đức cán đích sớm nhất ở sáu nội dung như bơi tự do 50m, 100m và bơi ngửa 100m, trở thành người gặt hái nhiều huy chương vàng nhất trong kỳ Olympic này. Và rồi cuối cùng, Olympic Seoul đã bế mạc vào ngày 2 tháng 10, khép lại nhiều giai thoại thú vị, độc đáo.

[Người Hàn Quốc phát huy ý thức công dân cao trong kỳ Olympic]
Trong khoảng thời gian diễn ra Thế vận hội, Hàn Quốc cũng đã chứng tỏ cho thế giới thấy ý thức duy trì kỷ cương, trật tự và văn minh không thua kém gì các nước chủ nhà Olympic khác. Mối lo ngại ùn tắc giao thông cũng được xóa bỏ nhờ người dân tích cực hưởng ứng, hỗ trợ, các luồng xe vận hành theo chế độ ngày chẵn, ngày lẻ, đảm bảo xe cộ thông suốt trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Rất nhiều nhân viên tình nguyện cũng đã góp sức trong việc tổ chức, điều hành sự kiện. Olympic Seoul 1988 đã thành công nhờ sự đồng tâm, đồng sức của người dân và chính Thế vận hội này đã gieo mầm về lòng tự hào, kiêu hãnh cho mỗi người dân Hàn Quốc. Một số công dân trải qua những ngày ý nghĩa đó tâm sự. “Tôi rất cảm động khi đất nước đã được tái thiết từ hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và tổ chức một sự kiện thể thao lớn mang tầm quốc tế như thế này. Lúc đầu tôi không không quan tâm tới sự kiện này lắm. Nhưng càng lúc càng thấy bất ngờ khi các vận động viên Hàn Quốc giành được nhiều huy chương vàng, vị thế của đất nước sau khi đăng cai Olympic cũng ngày càng cao. Tôi cảm thấy thật tự hào khi là một người dân Hàn Quốc. Những người lao động đều động viên, cổ vũ cho các vận động viên đội nhà giành chiến thắng. Mỗi người dân Hàn Quốc lại thấy tự tin và tự hào hơn khi đất nước ngày càng thay da đổi thịt về mọi mặt và dần bước vào hàng ngũ các nước phát triển.”

[Olympic Seoul mở rộng cánh cửa để Hàn Quốc vươn ra thế giới]
Đặc biệt là qua thành công của Olympic Seoul, vị thế của nước chủ nhà Hàn Quốc trên trường quốc tế đã ngày càng được khẳng định. Nhà bình luận thể thao Shin Myeong-cheol cho biết. “Vì chúng ta tổ chức thành công Olympic Seoul nên quan hệ giữa Hàn Quốc và các nước khác biệt về thể chế chính trị như Đông Âu, Liên Xô cũng được cải thiện rõ rệt. Nhờ Olympic Seoul mà bên cạnh giao lưu thể thao, hoạt động ngoại giao của Hàn Quốc với các nước này cũng bước sang một trang mới.”

Năm 1988, mặc dù bán đảo Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng bị chia cắt, nhưng Olympic Seoul đã chứng tỏ cho thế giới thấy tiềm lực của một dân tộc làm nên “kỳ tích sông Hàn” và ý chí, khát khao của mọi người dân trong nước hướng tới hòa bình, tự do. Olympic Seoul 1988 là cánh cửa để thế giới tìm đến với Seoul và Seoul vươn rộng ra với thế giới. Lòng yêu nước và kiêu hãnh dân tộc của mỗi người dân Hàn Quốc như càng được củng cố thông qua Thế vận hội đầy đáng nhớ này.

Lựa chọn của ban biên tập