Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 30: Hàn Quốc, từ nước nhận viện trợ trở thành nước đi viện trợ

2015-08-11

Phần 30: Hàn Quốc, từ nước nhận viện trợ trở thành nước đi viện trợ
Vào sáng sớm ngày 18/9/1991, một tin vui truyền đến từ cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 46 diễn ra tại thành phố New York (Mỹ). Với sự nhất trí ủng hộ của 159 quốc gia thành viên, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã được kết nạp làm thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Ngoại giao Lee Sang-ok, trưởng phái đoàn Hàn Quốc khi đó, đã tuyên bố rằng Seoul mong muốn sẽ đóng góp hết sức mình để gìn giữ hòa bình thế giới.

Hàn Quốc chính thức gia nhập Liên hợp quốc trong bối cảnh vai trò của tổ chức này ngày càng trở nên quan trọng khi trật tự thế giới mới đang được hình thành dựa trên nền tảng hòa hợp Đông-Tây. Còn ý nghĩa hơn nữa là Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cũng gia nhập Liên hợp quốc cùng với Đại Hàn Dân Quốc. Do đó, với cương vị là thành viên chính thức của Liên hợp quốc, hai miền Nam-Bắc sẽ đóng góp trong việc thúc đẩy và gìn giữ hòa bình thế giới.

[Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc ra đời theo Nghị quyết 112 của Liên hợp quốc]

Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Liên hợp quốc tương đối đặc biệt. Năm 1947, Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 112 nhằm lập lại trật tự cho bán đảo Hàn Quốc vốn đang trong tình trạng hỗn loạn sau khi vừa giành được độc lập từ đế quốc Nhật Bản. Ông Shin Sung-won, Trưởng nhóm nghiên cứu của Học viện Ngoại giao quốc gia, kể lại: “Ngày 14/11/1947, Ủy ban Chính trị của Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 112. Nghị quyết này có một số nội dung quan trọng như thành lập Ủy ban lâm thời về Hàn Quốc (UNTCOK), bao gồm đại diện của chín quốc gia. Nghị quyết còn yêu cầu Hàn Quốc tổ chức một cuộc bầu cử dựa trên tỷ lệ dân số vào ngày 1/3/1948 dưới sự giám sát của ủy ban này rồi thông báo trực tiếp lên Ủy ban lâm thời về Hàn Quốc việc hình thành Chính phủ mới và triệu tập Quốc hội. Nghị quyết 112 còn bao gồm nội dung việc bán đảo Hàn Quốc phải thành lập ra lực lượng an ninh quốc gia của riêng mình, và các lực lượng quân sự của Mỹ và Liên Xô đang có mặt trên bán đảo Hàn Quốc sẽ phải rút quân trong vòng 90 ngày. Và Chính phủ Hàn Quốc chính thức ra đời theo nghị quyết này. Có thể nói, Hàn Quốc có một mối quan hệ chặt chẽ với Liên hợp quốc kể từ buổi đầu thành lập quốc gia.”

Căn cứ theo Nghị quyết 112, Ủy ban lâm thời của Liên hợp quốc về Hàn Quốc đã đến Hàn Quốc vào tháng 1 năm 1948 để giám sát cuộc bầu cử quốc gia. Vào tháng 5 năm đó, Hàn Quốc đã tiến hành tổng tuyển cử dưới sự giám sát của Ủy ban lâm thời của Liên hợp quốc. Ngày 15/8, Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc chính thức được ra đời.

[Bắc Triều Tiên thành lập chính phủ riêng]

Nhưng Bắc Triều Tiên vốn phản đối tổ chức cuộc tổng tuyển cử dưới sự giám sát của Liên hợp quốc, đã tuyên bố thành lập chính phủ riêng của mình vào ngày 9/9 cùng năm. Cũng vì sự tồn tại của hai chính phủ riêng rẽ như vậy nên đã nổ ra cuộc tranh luận xem chính phủ nào là hợp pháp, chính thống. Cuối cùng Liên hợp quốc đã công nhận chính phủ Đại Hàn Dân Quốc là chính phủ hợp pháp duy nhất trên bán đảo Hàn Quốc. Tuy nhiên, phía Bắc Triều Tiên lại không chịu thừa nhận. Trong khi đó, Chính phủ mới của Hàn Quốc đã đặt nhiệm vụ hàng đầu là xúc tiến trở thành một nước thành viên của Liên hợp quốc. Và Seoul đã bắt đầu gõ cửa Liên hợp quốc từ tháng 1 năm 1949.

[Nước đồng minh của Bắc Triều Tiên cản trở Hàn Quốc gia nhập Liên hợp quốc]

Nhưng để có được một chiếc ghế thành viên của Liên hiệp quốc và từ đó khẳng định tính hợp pháp của quốc gia thật sự là một thách thức với Hàn Quốc. Khác với một miền Nam có quan hệ thân thiết với Liên hợp quốc, thì ngay từ lúc đầu miền Bắc đã không thừa nhận quyền uy của tổ chức này. Đồng thời, Liên Xô, quốc gia ủng hộ Bình Nhưỡng, cũng sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn cản Hàn Quốc gia nhập Liên hợp quốc. Đó cũng là vì Bắc Triều Tiên, đồng minh của Liên Xô, luôn cho rằng Liên hợp quốc là thủ phạm chia cắt hai miền trên bán đảo Hàn Quốc. Nỗ lực gia nhập Liên hợp quốc của Hàn Quốc lại bắt đầu nóng lại vào đúng lúc xảy ra chiến tranh Triều Tiên, tức là năm 1951. Khi đó, người dân đã tổ chức các chiến dịch để thúc giục Liên hợp quốc mau chóng chấp thuận đơn xin gia nhập của Hàn Quốc. Kể từ năm 1973, Chính phủ Hàn Quốc đã kỷ niệm long trọng ngày Liên hợp quốc cũng như tổ chức nhiều hoạt động khác để được gia nhập tổ chức này. Tuy nhiên, dù nỗ lực như thế nào đi nữa thì hết lần này đến lần khác, Hàn Quốc đều gặp phải trở ngại từ phía Liên Xô, một trong những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông Shin Sung-won thuộc Học viện Ngoại giao quốc gia nói: “Trước đó Liên Xô đã phản đối việc thành lập Chính phủ dân chủ ở Hàn Quốc thông qua tổng tuyển cử dưới sự giám sát của Liên hợp quốc, mặc dù vấn đề này đã đạt được đa số phiếu ủng hộ tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Mặt khác, vào năm 1950, chính Liên Xô đã chi viện và xúi giục miền Bắc gây ra cuộc nội chiến ngày 25/6. Theo đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phải phái quân đội sang Hàn Quốc để can thiệp. Vì vậy đứng trên lập trường của Liên Xô thì không còn cách nào khác là phải tiếp tục phản đối việc Hàn Quốc đơn phương gia nhập Liên hợp quốc.”

Ngoài Liên Xô, thì sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Triều Tiên cũng được xem là rào cản lớn của việc Hàn Quốc gia nhập Liên hợp quốc. Nước này cho rằng nếu Hàn Quốc gia nhập Liên hợp quốc có nghĩa là được công nhận là một quốc gia riêng biệt, thì sự chia cắt hai miền vẫn sẽ tiếp diễn. Thêm vào đó, vào năm 1971, Trung Quốc đã bắt đầu giữ chức thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, càng gây nhiều khó khăn hơn cho Hàn Quốc. Ông Han Pyo-wook, Đại sứ Hàn Quốc tại Liên hợp quốc lúc bấy giờ, kể lại: “Năm 1971 là thời kỳ mà kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng tương đối mạnh mẽ. Hình ảnh của quốc gia đã được đánh giá tốt trên trường quốc tế cũng như được đặt nhiều kỳ vọng, và nhiều đại sứ đã nói rằng nếu họ có quyền thì họ đã bằng lòng cho Hàn Quốc gia nhập Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Liên Xô lại nắm một lá phiếu phủ quyết và Trung Quốc sau đó cũng phản đối tương tự.”

Sự mâu thuẫn giữa hai miền Nam-Bắc xoay quanh việc gia nhập Liên hợp quốc tiếp tục diễn ra trong những năm 1980.

[Hàn Quốc thiếp lập quan hệ ngoại giao với các nước xã hội chủ nghĩa]

Cuối những năm 1980, sự kiện khối Đông Âu sụp đổ đã đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ chiến tranh lạnh. Nhân cơ hội này, Hàn Quốc đã tích cực mở rộng chính sách đối với các nước theo Chủ nghĩa xã hội. Năm 1989, Hàn Quốc bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao với Hungary, tiếp theo đó là với các nước Đông Âu khác như Ba Lan, Tiệp Khắc. Một năm sau đó, tức vào năm 1990, Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Nga. Điều này khiến cho Bắc Triều Tiên nổi giận.

[Seoul và Bình Nhưỡng cùng gia nhập Liên hợp quốc]

Tiếp theo đó, mối quan hệ của Hàn Quốc với nước từng là đối địch như Trung Quốc cũng được cải thiện. Điều này khiến cho triển vọng Hàn Quốc gia nhập Liên hợp quốc ngày càng trở nên lạc quan hơn. Lo ngại có thể bị cô lập với cộng đồng quốc tế nếu Seoul gia nhập Liên hợp quốc, Bình Nhưỡng cũng đã thay đổi thái độ của mình. Cuối cùng, vào ngày 17/9/1991, tại New York (Mỹ), hai miền Nam và Bắc đã cùng nhau chính thức gia nhập Liên hợp quốc.

[Cộng đồng quốc tế quan tâm đến tương lai của bán đảo Hàn Quốc]

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Choe Gwang-su nhớ lại phản ứng của cộng đồng quốc tế lúc đó: “Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, mâu thuẫn trên bán đảo Hàn Quốc là một trong những vấn đề gai góc nhất. Khi chiến tranh lạnh kết thúc, cũng là lúc có quan điểm trật tự thế giới mới cần được thiết lập. Trong đó, việc hai miền Nam-Bắc đồng thời gia nhập Liên hợp quốc có ý nghĩa vô cùng to lớn. Trước tiên, nó mang đến một tương lai tươi sáng cho bán đảo Hàn Quốc, đặc biệt là xoa dịu những căng thẳng về an ninh đồng thời đưa tới triển vọng thống nhất. Thứ hai, cộng đồng quốc tế quan tâm nhiều đến vấn đề này còn vì nó có ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích chung của các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Liên Xô và Trung Quốc.”

Giữa lúc cộng đồng quốc tế đang hướng sự quan tâm tới tình hình bán đảo Hàn Quốc, thì Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Roh Tae-woo đã có bài diễn thuyết trước Đại hội đồng Liên hợp quốc về ba nguyên tắc bình thường hoá quan hệ Nam-Bắc, qua đó cho thấy ý chí thống nhất bán đảo Hàn Quốc của mình. Hiệp định cơ bản liên Triều được ra đời vào tháng 12 năm 1991. Ông Shin Sung-won, Trưởng khoa nhóm nghiên cứu của Học viện Ngoại giao quốc gia, nói: “Hiệp định cơ bản liên Triều được thông qua vào năm 1991. Đây là một tài liệu quan trọng xác định quan hệ cơ bản giữa hai miền Nam-Bắc, và tiếp theo đó là tuyên bố phi hạt nhân hóa. Việc hai miền cùng gia nhập Liên hợp quốc cũng góp phần tạo nên cục diện hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc trong thời kỳ này. Mặc dù mối quan hệ liên Triều xấu đi sau đó, và Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng ít nhất là trong những năm 1990, hai bên đã công nhận sự tồn tại của nhau và bầu không khí hòa bình bao trùm trên bán đảo.”

[Hàn Quốc đóng góp cho hòa bình thế giới]

Mặc dù gia nhập Liên hợp quốc muộn, nhưng Hàn Quốc đã nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động sau đó. Chỉ năm năm sau khi gia nhập Liên hợp quốc, Hàn Quốc đã giành được một ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an vào năm 1996. Từ năm 1993, Hàn Quốc đã tham gia vào nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở nhiều khu vực xảy ra xung đột trên thế giới như Campuchia, Xô-ma-li. Đặc biệt, vào năm 2006, sự kiện cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Ban Ki-moon được bầu làm Tổng thư ký thứ tám của Liên hợp quốc đã mở ra một kỷ nguyên mới cho vị thế của Hàn Quốc tại tổ chức lớn nhất thế giới này. Tổng thư ký Ban Ki-moon đã phát biểu rằng: “Đây là một vinh dự vô cùng to lớn đối với cá nhân tôi. Vinh dự này đi liền với trách nhiệm nặng nề để cộng đồng quốc tế tiếp tục đánh giá tốt về sự phát triển của Hàn Quốc sau nửa thế kỷ qua. Rất cảm ơn toàn dân đã nhiệt thành ủng hộ tôi.”

Chiến tranh lạnh đã khiến Hàn Quốc phải mất tới 43 năm sau khi thành lập Chính phủ mới gia nhập được Liên hợp quốc. Theo một báo cáo năm 2014 của Chính phủ Hàn Quốc, Seoul đứng thứ 13 trên thế giới về đóng góp vào ngân sách của Liên hợp quốc và đứng thứ 12 trong việc chi trả cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của tổ chức này. Cũng phải khẳng định lại rằng Hàn Quốc sẽ không thể tồn tại như ngày hôm nay nếu không có sự trợ giúp của Liên hợp quốc sau khi chiến tranh kết thúc. Giờ đây, từ một quốc gia phải nhận viện trợ, Hàn Quốc đã đem sự quan tâm và giúp đỡ của mình đến với các nước khác với tư cách là một thành viên tích cực của Liên hợp quốc. Nói cách khác, Hàn Quốc đang cho thấy mình là một thành viên trọng yếu của Liên hợp quốc.

Lựa chọn của ban biên tập