Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Seo Jae-pil, người tiên phong luôn xả thân vì độc lập

2011-11-17

<b>Seo Jae-pil</b>, người tiên phong luôn xả thân vì độc lập
Dùng báo chí thức tỉnh tinh thần của cả Joseon

Thuở Hàn Quốc chưa có báo chí, đến in ấn là gì người ta còn chưa biết thì đã có một nhân vật luôn trực tiếp lấy tin, biên tập, in ấn và lớn tiếng rao trên đường: "Báo đây! báo đây, mỗi tờ 1 xu". Đó chính là Seo Jae-pil người đã quên mình cho việc thức tỉnh dân tộc, sáng lập ra tờ "Độc lập tân văn", tờ báo tư nhân đầu tiên bằng chữ Hangeul vào năm 1896. Những thông điệp kêu gọi dân tộc, cổ vũ cho lòng yêu nước qua ngôn luận của ông đã thành tia nắng sớm đưa Hàn Quốc đến với khai sáng và độc lập.

Cuộc nổi dậy năm Giáp Thân (1884) và cái tên Philip Jaisohn

Seo Jae-pil đồng thời vừa là một nhà tư tưởng khai sáng, một nhà cách mạng, nhà hoạt động trong phong trào vận động độc lập, một bác sĩ và là một con người của ngôn luận, khó có thể tách rời ông riêng ở một lĩnh vực nào. Ông sinh ngày 7/1/1864 tại vùng Boseong, tỉnh Nam Jeolla, nhưng khi mới 7 tuổi đã lên Seoul học Hán học để thi khoa cử. Giai đoạn này, ông ở với người cậu làm chức quan Phán Thư tên là Kim Seong-geun, thuộc họ Kim ở Andong, thế lực ngoại thích của vua lúc bấy giờ. Năm 18 tuổi, Seo Jae-pil đã thi đỗ "Biệt thí văn khoa" (kì thi đặc biệt tổ chức để tuyển quan văn). Nhưng trong quá trình chuẩn bị tham gia khoa cử, ông đã gặp và làm quen được với nhiều nhân vật chủ chốt trong nhóm chủ trương khai sáng, như Kim Ok-gyun, Park Yeong-hyo, những người thường xuyên qua lại nhà Kim Seong-geun. Năm 1883, theo lời khuyên của Kim Ok-gyun, ông đã vào học trường thiếu niên lục quân Toyama, Nhật Bản. Sau khi được huấn luyện quân sự theo kiểu hiện đại trong khoảng 8 tháng tại đây, Seo Jae-pil đã về nước, tâu với vua cho mở trường đào tạo sĩ quan nhưng thất bại vì bị phái thủ cựu ngăn cản.
Sau đó, ông đã tham gia vào sự kiện chính biến năm Giáp Thân (năm 1884). Đây là một cuộc nổi dậy hướng tới xây dựng một quốc gia cận đại mang tính tự chủ và cải cách. Tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày nắm chính quyền, cuộc nổi dậy của phe khai sáng đã bị dập tắt, Seo Jae-pil đã phải qua Nhật rồi sang Mỹ để tị nạn vào năm 1885. Trong suốt 1 năm, ngày đi lao động đêm về học tiếng Anh, ông đã hết sức cố gắng để thích ứng được với cuộc sống nơi đây. Kết thúc chương trình đào tạo ở trường phổ thông Harry Hillman tại bang Pennsylvania, Seo Jae-pil nhập học vào trường Đại học y Columbia (nay là Đại học y thuộc Đại học Tổng hợp George Washington) và năm 1893 đã tốt nghiệp, được cấp chứng chỉ bác sĩ chính quy. Ông cũng đã trở thành người Hàn Quốc đầu tiên được mang quốc tịch Mỹ vào năm 1890 với tên gọi Philip Jaisohn.
Vào thời điểm này, Joseon cũng đã thực hiện cải cách Giáp Ngọ 1894 (Giáp Ngọ Canh trương), ban lệnh ân xá cho những người chủ mưu trong cuộc nổi dậy năm Giáp Thân (1884). Do đó, theo lời khuyên của Park Yeong-hyo, một nhân vật từng theo phe Khai sáng nhưng đã ra làm quan lúc bấy giờ, năm 1895, Seo Jae-pil đã trở về tổ quốc sau hơn 10 năm xa cách.

Quan điểm coi nhân dân là chủ nhân của đất nước

Ngay sau khi về nước, Seo Jae-pil đã được bổ nhiệm làm cố vấn tại “Trung Xu viện”, một cơ quan lập pháp được lập ra trong cuộc cải cách Giáp Ngọ (1894). Tại đây, ông đã dồn sức vào việc khai sáng, thức tỉnh dân chúng bởi qua thất bại của cuộc chính biến năm Giáp Thân (1884), ông nhận thức được rằng, cần phải "cải cách thực sự từ dưới lên trên" hơn là "từ trên xuống dưới". Đặc biệt, tháng 4/1896 Seo Jae-pil đã phát hành tờ "Độc lập tân văn" với mục đích cho toàn dân biết về công việc của chính phủ cũng như cho các nước trên thế giới biết về tình hình của Joseon. Khi Nhật Bản và các nước lớn can thiệp sâu vào nội chính của Joseon, nhờ sự ra đời các ấn phẩm báo chí có chủ trương độc lập tự chủ và tự do dân quyền, người dân của thời phong kiến trước đây đã biến chuyển, trở thành những con người của thời cận đại.
Ngoài ra, để cổ vũ cho ý thức độc lập tự chủ, ngày 2/7/1896, ông đã lập ra “Hội Độc lập” và tháng 11/1897 đã tổ chức quyên tiền trong dân, dựng nên cửa Độc lập (Độc lập môn) ngay tại nơi đón sứ thần Trung Quốc, tỏ rõ tinh thần tự hào dân tộc. Tuy nhiên, năm 1898, một lần nữa ông lại phải rời tổ quốc, quay lại Mỹ do sự ghen ghét của các thế lực bên ngoài đang nhòm ngó Hàn Quốc và của chính phủ theo phái thủ cựu, những đối tượng thấy được mối nguy trong hoạt động của ông.

Tiếp tục hoạt động vì độc lập trên đất Mỹ

Sau khi quay lại Mỹ, Seo Jae-pil không ngừng ủng hộ cho phong trào vận động độc lập trong nước. Năm 1919, nhân sự kiện phong trào độc lập 1/3 diễn ra trong nước, một lần nữa ông lại tích cực đứng lên, hoạt động vì độc lập của tổ quốc. Ông đã lập ra Bộ Thông tin Hàn Quốc tại Philadelphia, Mỹ, cho dư luận thế giới biết đến độc lập của Hàn Quốc. Ông cũng đã tổ chức "Đại hội Tự do của người Hàn" từ ngày 14 đến ngày 16/4/1919 tại Mỹ, tiến hành song song các hoạt động ngoại giao lên án sự xâm lược và hành động dã man của đế quốc Nhật đối với Hàn Quốc. Nhờ hàng loạt các hoạt động này, Seo Jae-pil đã được bổ nhiệm làm cố vấn trong lĩnh vực ngoại giao với Mỹ của chính phủ lâm thời Hàn Quốc. Ông đã tập hợp được nhiều người Mỹ thân Hàn, ủng hộ cho độc lập của Hàn Quốc để tổ chức nên "Hội Thân hữu Hàn Quốc", dồn toàn tâm toàn lực cho việc đưa thông tin về Hàn Quốc đến với người dân Mỹ. Sau ngày giành độc lập 15/8/1945 theo lời khuyên của trung tướng, tổng tư lệnh quân đội Mỹ John Reed Hodge, ông đã từ Mỹ trở về nước, đảm nhận vị trí quan chức đặc biệt của chính phủ Hàn Quốc giai đoạn quá độ, góp nhiều công sức vào việc xây dựng, thành lập nên một quốc gia dân chủ. Tuy nhiên, sự chia cắt, đối lập sau ngày giải phóng ngày càng gay gắt khiến cho tình hình trong nước trở nên hỗn loạn, Seo Jae-pil đã lại quay trở về Mỹ và qua đời tại đây vào ngày 5/1/1951. Sau hơn nửa thế kỉ, năm 2008, bức tượng Seo Jae-pil đã được dựng lên tại Washington, thủ đô của Mỹ như để gợi nhớ trong lòng mọi người những dấu ấn hoạt động vì độc lập của ông.

Lựa chọn của ban biên tập