Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Yun Seok-jung, cha đẻ của các bài ca thiếu nhi Hàn Quốc

2011-11-24

<b>Yun Seok-jung</b>, cha đẻ của các bài ca thiếu nhi Hàn Quốc
Luôn là người bạn của thiếu nhi từ 100 năm trước

Những năm 1930 được coi là thời kì xuất hiện nhiều sự mất mát trong lịch sử văn học Hàn Quốc, có nhiều tác phẩm văn học về nỗi đau mất cha mẹ, quê hương hay tổ quốc... Đó chính là kết quả của sự đè nén, áp bức và cướp bóc nặng nề của đế quốc Nhật. Các tác phẩm trong giai đoạn này chủ yếu là của các nhà văn ở độ tuổi trên 20, đang nắm giữ vai trò chính trên văn đàn của Hàn Quốc. Tuy bối cảnh đất nước có nhiều mất mát như vậy nhưng lại có một văn nhân luôn dùng lời ca trong sáng để thổi những giấc mơ và niềm hi vọng vào tâm hồn của tuổi thơ. Đó chính là Yun Seok-jung, một nhà văn thiếu nhi góp phần rất lớn trong việc gìn giữ những trái tim trong trắng với hơn 1.000 tác phẩm thơ ca.

Cầm bút làm văn sĩ từ thuở thiếu thời

Sinh ngày 25/5/1911 tại Seoul, từ khi còn học tiểu học, con người của Yun Seok-jung đã toát lên một tố chất văn chương đặc biệt, với nhiều hoạt động sôi nổi của một văn nhân nhỏ tuổi. Năm 1924, khi 13 tuổi, ông đã đăng đàn văn học với tác phẩm "Mùa xuân" trên tạp chí thiếu nhi mang tên "Tân thiếu niên". Kể từ đó ông bắt đầu sáng tác thơ ca, song đưa ông dấn thân vào con đường văn học thiếu nhi này cũng còn có nguyên nhân khác. Mẹ qua đời từ năm lên 3, tuổi thơ sống với sự chăm sóc của bà ngoại, mãi đến năm 10 tuổi (năm 1921), Yun Seok-jung mới được vào trường tiểu học Gyodong. Đi học muộn nên ông cảm thấy thứ âm nhạc mà ông được học ở trường rất đỗi kì lạ. Đó là vì đất nước có ngôn ngữ và chữ viết riêng, vậy mà trẻ em lại chỉ được học thơ ca của Nhật Bản, nếu không ca hát những bài hát này thì sẽ bị mắng, bị phạt... Thực tế, cách cai trị của đế quốc Nhật Bản đã không khỏi không đem lại cho Yun Seok-jung nhỏ tuổi rất nhiều điều thắc mắc.
Và rồi, đến khi 12 tuổi, được chứng kiến hoạt động mừng ngày tết thiếu nhi đầu tiên do nhà văn thiếu nhi Bang Jeong-hwan khởi xướng, Yun Seok-jung đã hiểu ra được rằng "tương lai của dân tộc nằm ngay trong việc giáo dục tinh thần cho thiếu nhi". Ông đã sáng tác và nổi tiếng là cây bút thơ ca gìn giữ được cái hay, cái đẹp của tiếng Hàn. Năm 1929, kết giao với nhà soạn nhạc Hong Nan-pa, ông đã cho ra đời các bài hát thiếu nhi như "Lõm bõm lõm bõm", "Trăng lưỡi liềm giữa ban ngày". Ông là người đã đem các bài hát thiếu nhi đến cho trẻ nhỏ, những đứa trẻ bấy giờ chỉ biết tới các bài dân ca như "Chim ơi, con chim xanh ơi", ca về vị tướng quân Jeon Bong-jun hay chỉ biết hát loại "xướng ca" một loại bài hát thời cận đại, đầy những tiếng thở dài và nước mắt.

Thế hệ đầu của những bài ca thiếu nhi

Bắt đầu viết nhạc từ hồi còn nhỏ tuổi, Yun Seok-jung có lí do để mọi người gọi ông là "cha đẻ của các bài hát thiếu nhi Hàn Quốc". Nhịp điệu theo kiểu truyền thống trong bài hát của Hàn Quốc thường xuất hiện theo các quy luật nhịp 3-4 trong thể loại Sijo (thời điệu), 7-5 trong dân ca và 4-4 trong thể loại Gasa (ca từ). Tuy nhiên, Yun Seok-jung đã viết nên những bài ca thiếu nhi có nhịp điệu mang lại cảm giác sống động, tổng hợp được quy luật của cả 3 thể loại trên lại với nhau. Hát bài hát do ông sáng tác, ai cũng có thể cảm nhận được sự ấm áp thể hiện qua nhịp điệu.
Có được như vậy là vì Yun Seok-jung tin rằng, đất nước càng trong giai đoạn đen tối, lâm vào cảnh khó khăn, thì những lúc này, trẻ em, thế hệ trưởng thành mai sau lại càng phải hát những bài ca tươi sáng, để cho thứ tình cảm đi đôi với chữ "hận" của người lớn không ngấm sâu vào lòng, để cho trẻ em hát về niềm hi vọng thì tương lai của đất nước mới rạng ngời được.
Đặt niềm tin vào việc phải có tiếng nói riêng cho trẻ thơ để trẻ em được lớn lên tự nhiên, đúng với chính mình, năm 1933, Yun Seok-jung đã xuất bản tập thơ thiếu nhi đầu tiên trong nước mang tên "Chiếc nơ buộc tóc đã mất", đồng thời ông cũng liên tục công bố, ra mắt các bài hát thiếu nhi mà đến nay nhiều em nhỏ vẫn còn yêu thích như "Cuộc sống trong lều rơm cạnh đường xe lửa", "Ba chiếc ô xếp hàng"...

Lịch sử của hơn 1.200 bài thơ thiếu nhi cất thành lời ca trong gần 80 năm qua

Năm 1942, lên đường du học ở Nhật, song để tránh bị ép đi lao động, Yun Seok-jung đã ngay lập tức trở về nước. Ngày 15/8/1945 ông đã thể hiện tình cảm xúc động trước ngày đất nước được giải phóng qua tác phẩm "Trẻ em của đất nước đổi mới". Bên cạnh đó, một năm sau, ông cho ra đời tuần báo đầu tiên của Hàn Quốc mang tên "Tiểu học sinh tuần san" (nguyên văn là "Chu san tiểu học sinh"), đồng thời sáng tác ca khúc "Bài ca ngày tết thiếu nhi", và cho ra đời "Bài hát mừng lễ tốt nghiệp" v.v... tiến vào giai đoạn hoàng kim tiếp theo của sự nghiệp sáng tác.
Nhưng rồi, cuộc chiến năm 1950 xảy ra trên bán đảo Hàn Quốc đã đem lại cho ông nỗi đau mất cha, mẹ kế và người em cùng cha khác mẹ. Một lần nữa, Yun Seok-jung lại tin tưởng rằng, những đưa trẻ lớn lên trong nỗi đau của giai đoạn này sẽ vẫn là niềm hi vọng của đất nước. Năm 1956, ông sáng lập ra "Hội Mầm non", triển khai nhiều loại hoạt động nhằm phục vụ thiếu nhi. Tính đến khi qua đời vào ngày 9/12/2003, Yun Seok-jung đã để lại tất cả hơn 1.200 tác phẩm thơ ca cho thiếu nhi.
Với công lao đó, năm 1978, ông đã từng được nhận giải thưởng Magsaysay (nhận giải sáng tác văn chương ngôn luận), một giải thưởng được coi là “giải Nobel của châu Á". Ông chính là người cho rằng "Trái tim trẻ thơ là trái tim có thể vượt qua thời gian và không gian để tự do chia sẻ tình cảm cho nhau" và đúng như những gì ông tin tưởng, trẻ em Hàn Quốc đã được chạy trên những cánh đồng xanh, dưới những bầu trời xanh như những "con chim bay", "dòng suối chảy" trong "Bài ca ngày tết thiếu nhi" của ông, họ đã sinh con và vẫn nuôi dạy con mình với những lời ca như "Bé ơi bé vẫn ngủ ngon trong căn lều rơm ngay cạnh đường tàu"... Rồi đến khi những người con của họ lớn lên, lại tiếp tục cất những câu hát lời hay ý đẹp, những câu như "Gió thổi từ trên núi, gió mát lạnh, đó là làn gió chúng ta yêu quý, chúng ta cảm ơn..." cho con cháu của mình. Cứ như vậy, nhờ có câu hát của Yun Seok-jung, tâm hồn tất cả người dân Hàn Quốc đã luôn được gắn kết với nhau làm một.

Lựa chọn của ban biên tập