Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Thi sĩ Kim Su-yeong, cây đại thụ của thơ hiện đại Hàn Quốc

2011-12-01

Thi sĩ <b>Kim Su-yeong</b>, cây đại thụ của thơ hiện đại Hàn Quốc
Tìm lại tác phẩm "Vì điều đó", tác phẩm đầu tay của Kim Su-yeong

Sinh ra cách đây 90 năm, có cuộc sống ngắn ngủi chỉ chưa đầy 50 năm nhưng Kim Su-yeong đã viết nên những vần thơ đầy nhiệt huyết. Mới đây người ta đã tìm được tác phẩm đầu tay của ông, tác phẩm mở màn cho thơ hiện đại của Hàn Quốc.
“Nằm quay lưng lại ánh đèn
Sẽ phải suy nghĩ gì nữa đây...
Người muốn gặp vẫn chưa thể gặp,
Nơi muốn đi vẫn chưa thể đi
Đợi trời sáng, là ta sẽ tìm đến
Và đi tới những nơi lạnh lẽo.”
Được phóng thích khỏi trại giam tù binh ở đảo Geoje, sau cuộc chiến tranh Hàn Quốc năm 1950, ông đã cho ra mắt tác phẩm "Vì điều đó" vào năm 1953. Buồn chán trước cơn bão tố của lịch sử, Kim Su-yeong đã đem sự rủi ro, những điều không may của thời cuộc vào thể hiện trong văn học. Không biết cái "điều" mà ông vừa lang thang khắp chốn lạnh lẽo vừa suy nghĩ ở đây là gì?

Sáng tác thơ theo khuynh hướng hiện đại

Kim Su-yeong sinh ngày 27/11/1921 tại Jongno, Seoul, học qua trường trung học thương mại Seollin, rồi năm 1941 nhập học vào đại học thương mại Tokyo, Nhật Bản nhưng rồi để tránh bị gọi đi lính, ông đã trở về nước và sau đó di cư tới sống ở Mãn Châu. Sau ngày giải phóng 15/8/1945, ông đã trở về nước và bắt đầu hoạt động sáng tác thơ ca.
Hòa mình trong bầu không khí đất nước ngày giải phóng, tại phòng sách mang tên Malliseosa (Mạt Lị Thư xá) của thi sĩ Park In-hwan, Kim Su-yeong đã giao lưu, kết bạn với các nhà thơ mới đi đầu thời đại như Kim Gi-rim, Kim Gwang-gyun. Giai đoạn này, ông đã công bố tác phẩm "Bài hát nơi điện miếu" (nguyên văn: "bài hát nơi miếu đình") trên tạp chí "Làng Nghệ thuật", tạp chí đầu tiên của một nhóm người cùng chí hướng xuất hiện sau giải phóng.
Sau đó, Kim Su-yeong tiếp tục đăng tác phẩm "Khó khăn trong cuộc sống của Khổng Tử" trên tạp chí của một nhóm sáng tác hiện đại mang tên "Bản hợp xướng của người dân và thành phố mới". Mở màn với câu: "Em vẫn chơi nhảy dây khi cây ra hoa kết trái", tác phẩm đã cho thấy sự tinh túy của thơ hiện đại, đồng thời cũng cho thấy cách nhìn thẳng vào cuộc sống theo lối sống hiện đại của tác giả. Về sau, Kim Su-yeong đã phải trải qua một cuộc sống hết sức khắc nghiệt vào thời điểm năm 1950.

Cuộc đời đầy nghĩa khí cao cả mà bi ai

Trong vòng xoáy của cuộc chiến giữa hai miền Nam-Bắc, Kim Su-yeong đã phải chịu nhiều nỗi thống khổ. Không kịp đi tị nạn, ông phải ở lại Seoul sau đó bị quân đội nhân dân miền Bắc trên đường rút về đã ép vào đội nghĩa quân và cuối cùng bị giam tại trại giam tù binh ở đảo Geoje. Năm 1953, ông đã cho ra đời tác phẩm "Sự đùa cợt của đất nước mặt trăng", trong đó có những lời bộc bạch hết sức buồn thảm như:
"Sống như kẻ bị đuổi khỏi chốn đô hội là việc hàng ngày,
đời đầy khí tiết cao cả mà rất đỗi bi ai"
Tuy nhiên, cuộc sống khổ đau của ông lúc này mới chỉ là bắt đầu. Mất hết nhà cửa trong chiến tranh, thay vì làm thơ, hàng đêm Kim Su-yeong phải dịch rất nhiều tài liệu để duy trì cuộc sống. Tuy là người có tư tưởng đổi mới, từng viết nhiều bài thơ cao siêu về giấc mơ hướng tới lí tưởng, tự do, về nỗi buồn và sự tuyệt vọng cảm nhận ở một con người yêu cuộc sống nhưng rốt cuộc, sau khi trải qua giai đoạn những năm 1950, nhà thơ đã nhận thức ra được rằng, thơ không phải là gì cao xa, thoát khỏi không gian sinh hoạt thường ngày, mà chính là thứ nằm ngay giữa cuộc sống. Từ đó Kim Su-yeong đã dùng ngôn từ giản dị của đời thường để viết nên vần thơ về những gì mà hàng ngày ông tận mắt chứng kiến. Năm 1960, thời điểm đứng trước bước ngoặt thay đổi cuộc sống, ông đã xuất hiện như một nhà thơ theo trường phái hiện thực phê phán.

Nhà thơ của hiện thực phê phán

Ngày 19/4/1960, khi xảy ra cuộc đấu tranh cách mạng chống chính quyền độc tài của học sinh sinh viên Hàn Quốc, Kim Su-yeong đã thức trắng đêm theo dõi tình hình qua đài và ngày hôm sau đã quyết định vào thành phố. Trong suốt 1 tuần, kể từ thời điểm đó cho đến khi tổng thống Lee Seung-man tuyên bố từ chức, ông đã xuống đường cùng học sinh và thị dân tham gia chống chính quyền độc tài, góp sức vào việc làm dấy lên một làn sóng dân chủ lớn trong lịch sử Hàn Quốc.
Ghi chép những niềm vui, sự phấn khởi lúc đó vào bản thảo của mình, chỉ trong vòng mấy tháng, Kim Su-yeong đã sáng tác ra được nhiều tác phẩm như "Cầu nguyện", "Sáu bộ luật và cách mạng" (nguyên văn: "Lục pháp toàn thư và cách mạng"), "Dù than thở là lỡ thời"... Nhưng rồi sự kiện đảo chính quân sự ngày 16/5/1961 đã lại ném nhà thơ vào nỗi tuyệt vọng. Dù viết được nhiều vần thơ cho thấy tinh thần phản kháng, phê phán hiện thực mãnh liệt hơn bất kì thi nhân nào khác, nhưng dưới sự đàn áp về chính trị, Kim Su-yeong mới thấu hiểu được rằng mình bất quá chỉ là 1 trí thức phê phán, đối đầu với một xã hội đang đóng cửa.
Cảm thấy mình nhỏ bé, năm 1965, Kim Su-yeong đã tự mỉa mai, thốt lên với những câu thơ như "Cát ơi, ta nhỏ bằng nào, gió ơi, bụi ơi, cỏ ơi ta nhỏ bằng nào..." Song, nhà thơ cũng đã có được lòng tin rằng, thơ không phải thứ được viết bằng cái đầu, bằng trái tim, mà nó được tạo ra bằng cả tấm thân, bằng cả con người. Năm 1968, ông đã công bố tác phẩm "Cỏ", một bài thơ chứa đựng sức sống dẻo dai của những con người vốn được gọi là "thảo dân". Đó là những vần thơ như:
"Cỏ nằm,
Cỏ nằm nhanh hơn gió
Có khóc nhanh hơn gió
Và cỏ cũng bật dậy trước gió"
Những con người bình dân không có quyền lực trong tay dễ bị ngã, nhưng họ lại có rễ bám chắc vào cuộc sống và dù tuyệt vọng, họ cũng không hề bỏ cuộc. Vì thế, họ là những con người của hoạt động, có thể trở dậy và tươi cười nhanh hơn, đi trước cả ngọn gió. Ngay sau khi đưa sức mạnh của tầng lớp bình dân vào thơ, công bố bài "Cỏ" chỉ chưa đầy 15 ngày, thật không may, Kim Su-yeong đã qua đời do gặp tai nạn giao thông vào ngày 16/6/1968.
Tuy không còn nữa, nhưng nhà thơ đã để lại ảnh hưởng rất lớn cho tinh thần phản kháng, phê phán những thói xấu trong cuộc sống hiện thực. Sau này đã có rất nhiều thi nhân Hàn Quốc cũng hình tượng hóa, đưa hình ảnh thực tại của con người vào thơ như ông. Năm nay đã là năm kỉ niệm tròn 90 năm sinh nhật Kim Su-yeong, một nhà thơ của "Cỏ", nhưng tác phẩm văn học đã trở thành cây đại thụ cho thi nhân Hàn Quốc hiện tại và mai sau luôn về tụ họp, nghỉ ngơi dưới bóng cây của ông, tên tuổi của ông.

Lựa chọn của ban biên tập