Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Baudeogi, truyền thuyết về một nghệ sĩ biểu diễn lưu động thời Joseon

2011-12-08

<b>Baudeogi</b>, truyền thuyết về một nghệ sĩ biểu diễn lưu động thời Joseon
Đi trên dây, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Ngày 28/11 vừa qua, di sản văn hóa mới của nhân loại đã được công bố tại kỳ họp lần thứ 6 của Ủy ban Di sản văn hóa phi vật thể UNESCO. Trong số 6 di sản đưa ra đăng ký, Hàn Quốc vui mừng đón nhận 3 di sản văn hóa là võ thuật truyền thống "Taekgyeon", nghề dệt tầm gai vùng Hansan và nghệ thuật đi trên dây "Jultagi" được công nhận chính thức.
Jultagi của Hàn Quốc đặc biệt khác với nghệ thuật đi trên dây thường chỉ chú ý tới tài đi lại trên dây có ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nó được coi trọng hơn vì là một loại hình nghệ thuật truyền thống mang tính phức hợp, là tổng hòa của các yếu tố âm nhạc truyền thống, động tác biểu diễn và các biểu hiện mang tính tượng trưng đem lại niềm vui, hứng khởi cho khán giả.
Thực tế, đi trên dây Jultagi của Hàn Quốc là môn nghệ thuật rất khó biểu diễn. Nghệ sĩ phải leo lên một chiếc dây đơn chăng ngang ở độ cao 3 mét, không có thiết bị an toàn hỗ trợ, vừa đi trên dây trông rất nguy hiểm, có lúc lại vừa nhẩy bật lên tựa như chim bay, thêm vào đó còn phải cất lời, nói những câu chuyện thú vị, đậm đà ý tứ. Đem bầu trời ra làm sàn diễn, nghệ sĩ đi trên dây lần lượt thể hiện từng động tác múa điêu luyện, tạo hứng khởi cho người xem từ trong chính cái căng thẳng đến tột cùng. Trong số những người có cuộc đời gắn liền cùng sợi dây, từng cống hiến nhiều tài năng cho lĩnh vực nghệ thuật này phải kể đến Baudeogi, một nghệ sĩ quan trọng tầm cỡ hàng đầu.

Nữ trưởng nhóm duy nhất của nhóm diễn lưu động Namsadang

Baudeogi tên thật là Kim Am-deok, sinh năm 1848 là con gái của một gia đình tá điền nghèo ở vùng Anseong (nay là thành phố Anseong tỉnh Gyeonggi). Lên 5 tuổi đã vào gánh diễn lưu động Namsadang, một nhóm nghệ thuật biểu diễn lưu động trên toàn quốc với nhiều tiết mục như múa, hát và các trò giải trí khác... Do Anseong là cửa ngõ vào Hanyang (tên gọi xưa của Seoul), nơi quy tụ mọi sản vật đến từ các tỉnh của Chungcheong, Jeolla, Gyeongsang nên đây cũng thường xuyên là điểm dừng chân của nhóm Namsadang với mục đích nhằm phục vụ đông đảo người xem từ khắp các tỉnh thành đổ về khu chợ lớn nhất này của thời Joseon. Và cũng vì thế, nơi đây đã trở thành nơi mà một người cha nghèo khổ, bệnh tật phải gửi gắm đứa con gái nhỏ bé của mình cho một nhóm diễn lưu động.
Từ trong nỗi buồn khổ, Baudeogi đã học được nhiều kỹ năng biểu diễn của nhóm Namsadang như múa trống cầm tay, chơi các nhạc cụ nông nhạc hay đi trên dây... và nhanh chóng trở nên nổi tiếng.
Có khuôn mặt đẹp, chất giọng khỏe khoắn đầy sinh lực và tài đi trên dây như bay trong gió, Baudeogi đã cuốn hút được lòng người, khiến nhiều người phải thốt lên rằng: "hình ảnh múa dưới ánh hoàng hôn của cô còn đẹp hơn cả ráng hoàng hôn", thậm chí còn xuất hiện cả bài hát có câu ca ngợi cô như: "Chỉ cần Baudeogi thôn Cheongnyong vùng Anseong leo lên dây là có tiền đổ ra"...
Với tiếng tăm và tài năng đó, năm Baudeogi lên 15 tuổi, khi trưởng nhóm diễn Yun Chi-deok tới tuổi về già và đang tìm người thay thế, được sự tán thành nhất trí của mọi người, cô đã trở thành trưởng nhóm đầu tiên là nữ giới của nhóm biểu diễn Namsadang. Kể từ đây, Baudeogi đã dẫn dắt Namsadang vùng Anseong trở thành một tập thể nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng và phát triển nhất thời kỳ Joseon.

Được ban tặng "Ngọc quán tử"

Trở thành trưởng nhóm biểu diễn Namsadang, sau 3 năm dẫn dắt một tập thể lên tới hơn 100 nghệ sĩ, năm 1865, Baudeogi đã được mời diễn tại một sân khấu rất đặc biệt.
Lúc bấy giờ, nhằm khôi phục quyền lực của hoàng tộc, Heungseon Daewongun (Hưng Tuyên Đại Viện Quân), cha của vua Gojong (Cao Tông) đã bắt tay vào việc trùng tu cung Gyeongbok vốn bị cháy trong cuộc xâm lược năm Nhâm Thìn (1592) của Nhật Bản. Song, do tốn kém nhiều kinh phí và sức lao động nên công trình không đạt được tiến triển. Để đem lại niềm vui hứng khởi cho đội ngũ xây dựng tại đây, những người vốn đang rất nao núng về mặt tinh thần, Heungseon Daewongun đã cho gọi Baudeogi đến. Và rồi, quả nhiên, cùng với nhóm diễn Namsadang tại công trình trùng tu cung Gyeongbok, Baudeogi đã đem tài năng nghệ thuật tuyệt vời của mình ra, tạo nên một luồng sinh khí mới. Tới nay, câu chuyện về buổi diễn này vẫn còn được nhắc đến cùng những điều lí thú mà nó mang lại, những điều đã khiến cho thợ làm việc tại công trình phải vừa vác đồ trên lưng, chạy đi chạy lại vừa hò reo đầy phấn khởi. Để đền đáp công lao này, Heungseon Daewongun đã ban tặng cho Baudeogi "Ngọc quán tử" là chiếc vòng ngọc đeo trên đai của mũ bịt đầu, vật chỉ có các quan từ tam phẩm trở lên mới được sử dụng.
Sự kiện này được xem là ngoại lệ có một không hai trong lịch sử dành cho một nhóm diễn lưu động bình dân. Namsadang vùng Anseong do Baudeogi dẫn đầu, từ đó luôn treo vòng "Ngọc quán tử" trên lá cờ biểu tượng của nhóm để đi biểu diễn và tới bất cứ đâu, chỉ cần thấy chiếc vòng này là tất cả các nhóm diễn khác đều phải hạ trướng, biểu lộ sự tôn trọng. Tên của nhóm diễn Namsadang vùng Anseong về sau cũng còn được gọi với cái tên là "Nhóm Baudeogi", tuy nhiên nhân vật Baudeogi, minh tinh hàng đầu thời Joseon lại chỉ xuất hiện trước công chúng trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Người nghệ sĩ có cuộc đời như bông pháo hoa

Lên đến đỉnh cao của một nghệ sĩ nhưng rồi, do cuộc sống phiêu bạt vất vả, biểu diễn lưu động khắp nơi nên Baudeogi đã mắc phải bệnh phổi và qua đời năm 1870, lúc chỉ mới 23 tuổi.
Đau buồn trước cái chết thương tâm của nghệ sĩ, cũng đã có người nói rằng "Baudeogi vốn là tiên nữ do chịu tội mà xuống trần gian nay phải ra đi". Song, thực tế đã cho thấy, bằng tài năng xuất chúng của mình, Baudeogi là người đã luôn tạo ra được niềm hứng khởi, an ủi vỗ về cho công chúng dù rằng cô chỉ là một phụ nữ lại thuộc tầng lớp bình dân chịu nhiều điều gò bó của xã hội lúc bấy giờ. Cô là người như mây, như gió, đã múa trên dây quanh khắp cả nước, có thể diễn ở bất cứ đâu, miễn là có địa điểm và sự vui vẻ, hứng thú. Giờ đây, có lẽ tại nơi nào đó trên trời, cô vẫn đang mở ra những màn giải trí thú vị, thể hiện những tài năng kỳ diệu của mình.

Lựa chọn của ban biên tập