Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Gia đình họ Choi ở Gyeongju, càng giàu có càng thanh cao

2011-12-22

Gia đình họ <b>Choi ở Gyeongju</b>, càng giàu có càng thanh cao
Tấm gương về tình yêu thương xóm giềng

Tháng 12, khi tiết trời giá lạnh chính thức báo hiệu mùa đông đã về cũng là thời điểm ở Hàn Quốc xuất hiện nhiều hoạt động chia sẻ, sưởi ấm cho những tấm lòng đang gặp hoàn cảnh khó khăn. "Leng keng! leng keng!" Mỗi khi tiếng chuông của đội quân cứu tế "Cứu Thế quân" của đạo Tin lành vang lên, lại có thêm nhiều người đổ đến bên những “chiếc nồi hảo tâm” màu đỏ. Dù rằng vẫn luôn có hoạt động hỗ trợ, mở rộng vòng tay đón những cảnh đời hoạn nạn của nhiều cơ quan tổ chức quyên góp từ thiện nhưng có thể thấy, càng trong lúc khó khăn thì người Hàn Quốc lại càng biết quan tâm, chia sẻ cho nhau. Trong số những tấm lòng nhân ái đó, phải kể đến 1 gia đình mà tới nay vẫn được xã hội Hàn Quốc tôn trọng và ca tụng bởi sự hết mình giúp đỡ người nghèo khổ của họ.


Choi Guk-seon và con đường của một nhà giàu chân chính

Gia đình họ Choi ở Gyeongju vốn được xem là danh gia, con cháu của Choi Chi-won một thiên tài, niềm tự hào của vương quốc Silla. Tiếng tăm của gia đình họ Choi cũng đã vang đi khắp nơi khi họ sinh ra được tướng quân Choi Jin-lip, một anh hùng trong giai đoạn nhà Thanh xâm lược Joseon năm Bính Tí (1636). Tuy nhiên, điều khiến người dân cả nước kính trọng và ngưỡng mộ gia đình họ Choi chính là ở việc làm của Choi Guk-seon, cháu 19 đời của Choi Chi-won. Cha của Choi Guk-seon là Choi Dong-ryang người đã dồn góp, tích lũy được của cải sung túc thông qua việc khai khẩn đất đai. Kế bước chân cha, đảm nhận việc cai quản gia đình, bằng tấm lòng thành thật, sự cố gắng, cần cù chăm chỉ và tiết kiệm, Choi Guk-seon cũng đã mau chóng trở thành triệu phú. Song, ông không hề tính đến chuyện làm tăng của cải trong kho tài sản của mình mà lại đi thực hiện lòng hảo tâm, chia sẻ tình thương cho mọi người xung quanh.
Đặc biệt, năm 1671, năm thứ 3 triều vua Hyeonjong (Hiển Tông), gặp nạn mất mùa lớn, Choi Guk-seon đã cho treo 1 chiếc nối lớn trước sân nhà, lấy đồ trong kho ra phân phát. Ông lệnh cho người nhà giúp đỡ xóm giềng, những người đang gặp khó khăn ở xung quanh với câu nói mà ai cũng biết: "Mọi người đều trong cảnh chết đói thì mình ta giữ của cải mà làm gì. Hãy nấu cháo cho những người đang phải nhịn ăn, may quần áo để mặc cho những người còn đang rách rưới." Từ sau ngày đó, gần như hôm nào nhà họ Choi cũng nấu cháo cho người nghèo đói ăn. Kẻ xa người gần, nghe tin, ai nấy cũng dìu dắt nhau từ khắp nơi đổ về. Thủa đó, dù gặp năm đói kém, rơi vào thảm cảnh hàng nghìn hàng vạn người chết nhưng dân quanh vùng Gyeongju thì chỉ cần đến với nhà họ Choi là đã có con đường sống. Với tấm lòng san sẻ giúp đỡ, đem lại hy vọng sống cho người nghèo khổ, Choi Guk-seon đã đặt ra sáu điều dạy con cháu (lục huấn) làm phương châm để cai quản việc nhà như sau:
"Không làm quan chức từ tiến sĩ trở lên.
Không gom tài sản lên quá một vạn Seok (thạch, đơn vị đong lương thực xưa, 1 thạch bằng 10 đấu).
Vào năm mất mùa không mua đất của người khác.
Tiếp đãi hậu hĩ đối với kẻ lang thang qua đường.
Con dâu trong nhà, 3 năm đầu phải mặc quần áo vải bông.
Phải làm sao không có người bị chết đói trong vòng bán kính 100 dặm.
Đây là những lời răn dạy cho con cháu trong gia đình biết nhìn ra ngoài đời, biết quan tâm tới bà con xóm giềng dù rằng ở địa vị thấp còn hơn là có chức quan cao đem tên tuổi, danh giá về cho gia đình. Choi Guk-seon là người đến cuối đời vẫn thực hiện đùm bọc, giúp đỡ người khác, cho thấy con đường của một nhà giàu mà rất đỗi trong sạch.
Trước phút lâm chung, ông đã gọi con trai đem tất cả giấy tờ nhà cửa, đất đai trả về cho chủ nhân của chúng, đốt hết các chứng từ cho vay mượn tiền trước đây đi. Những lời căn dặn của Choi Guk-seon, con người cả đời đi theo đạo lý, chính nghĩa đã lan đi khắp nơi, khiến cho người dân lũ lượt kéo về, xếp hàng để xin làm ruộng thuê cho nhà họ Choi. Mặt khác, do làm việc với tinh thần vui vẻ, thoải mái nên sức sản xuất của nhà họ Choi cũng dần tăng lên. Nhờ vậy mà trong suốt hơn 300 năm qua, 12 đời nhà họ Choi đã liên tục duy trì được sự giàu có dù rằng sản lượng 1 năm nếu đạt được 3000 seok (thạch) thì đã có tới 1000 seok được phân phát cho kẻ lang thang cơ nhỡ, 1000 seok được đem chia sẻ, giúp đỡ bà con xóm giềng gặp cảnh khó khăn.


Tự nguyện từ bỏ làm triệu phú

Danh hiệu nhà giàu bạc triệu (nguyên văn là nhà giàu vạn thạch gạo) cũng chỉ kéo dài tới thế kỷ 20. Người đã tiêu hết số tài sản, người giàu có cuối cùng trong gia đình họ Choi chính là Choi Jun. Do giao lưu, qua lại với nhiều nhà cách mạng hoạt động trong phong trào độc lập như Choi Ik-hyeon, Son Byeong-hee, Kim Seong-su, Yeo Un-hyeong, Choi Jun đã thế chấp hết cả ruộng đất để vay tiền ngân hàng, ủng hộ cho quỹ hoạt động của phong trào độc lập. Thậm chí, khi quỹ thiếu tiền ông còn lập ra cửa hàng buôn bán, kiếm tiền để gửi cho hoạt động của chính phủ lâm thời ở Thượng Hải. Chỉ trong 10 năm, số nợ của gia đình đã lên tới 1 triệu 300 nghìn Yên Nhật, lúc bấy giờ tương đương với 3 vạn seok gạo. Biết được việc này, đế quốc Nhật đã bắt Choi Jun về tra tấn hết sức tàn bạo nhưng ông vẫn không hề nhụt chí. Sau ngày giải phóng 15/8/1945, Choi Jun đem nốt số tài sản còn lại đổ vào việc xây dựng trường đại học và không còn chút tiền của, ruộng đất nào để cho con cháu.
Tuy nhiên, hậu duệ của họ Choi ở Gyeongju sau này vẫn sống đúng với phẩm chất của tổ tiên họ, tự hào vì cha ông, tổ tiên của họ đã không đòi hỏi huân chương kiến quốc sau ngày giải phóng. Họ vẫn sống và cho rằng thứ tài sản to lớn nhất trên đời chính là tấm lòng biết sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau. Gia đình nhà giàu họ Choi đã cho người đời nay thấy được hướng đi của một tầng lớp đứng đầu xã hội có đầy tình cảm chân thành. Tuy họ đã tự nguyện từ bỏ địa vị triệu phú nhưng trong con mắt của người Hàn giờ đây, mỗi khi tính đến các danh gia hàng đầu có nghĩa cử cao đẹp, đáng mặt thượng lưu, bất kể ai, cũng không thể không nhắc đến gia đình phú giả họ Choi ở Gyeongju.

Lựa chọn của ban biên tập