Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Han Ho, nhà thư pháp tài ba thời Joseon

2012-01-05

<b>Han Ho</b>, nhà thư pháp tài ba thời Joseon
Chiếc bánh Tteok gợi nhớ đến một câu chuyện xưa của người Hàn

Thời khắc bước sang năm mới, khi ai cũng có thêm 1 tuổi thì với ý nghĩa càng thêm nhiều tuổi càng trưởng thành chín chắn hơn, người Hàn thường hay hỏi nhau "năm nay đã được mấy bát canh bánh Tteok rồi?" Sở dĩ người Hàn lấy số bát canh bánh Tteok ra để hỏi tuổi là vì sợi dài và trắng của bánh gạo Tteok thường được dùng làm canh đặt trên bàn ăn vào bữa đầu tiên của năm mới với quan niệm mong cho nhau được sống lâu như những sợi bánh Tteok dài.
Cũng vì lẽ đó, mỗi khi năm hết tết đến, khắp các gia đình người Hàn, đâu đâu cũng nhộn nhịp vang lên tiếng dao chạm trên mặt thớt gỗ, thái sợi bánh Tteok ra làm nhiều đoạn. Và trong lúc này, thường thường các bà mẹ sẽ vừa thoăn thoắt đưa tay làm ra những sợi bánh Tteok đều đặn vừa kể lại cho con cái của mình nghe một câu chuyện. Đó chính là giai thoại về Han Seok-bong và mẹ.


Han Seok-bong và mẹ

Có một người mẹ vốn làm nghề bán bánh Tteok để nuôi con ăn học. Một đêm, đứa con trai cho đi học chữ bỗng đâu lại trở về và nói "Con đã học nhiều rồi, giờ không còn gì để học nữa". Nghe xong, người mẹ không hỏi han gì, lặng lẽ thái bánh Tteok trong khi ngọn đèn dầu đã tắt và sai con viết chữ "từ đường nhâm vấn an". Đến khi thắp đèn lên mới thấy, những sợi bánh Tteok của mẹ rất đều đặn, trong khi chữ viết của người con thì nghiêng ngả nhẩy múa lung tung. Lúc này, người con mới hiểu ra, coi đây như một bài học giáo huấn và từ đó càng ngày càng chú tâm vào việc viết chữ, về sau trở thành một nhà thư pháp nổi tiếng của giai đoạn trung kỳ thời Joseon. Nhân vật chính của câu chuyện tựa như truyền thuyết này chính là Han Ho, hiệu là Seok-bong (Thạch Phong).

Sinh ra và được nuôi dưỡng để trở thành nhà thư pháp tài năng

Han Ho thủa nhỏ còn có tên là Gyeong-hong nhưng người Hàn thường chỉ biết đến ông với tên hiệu là Han Seok-bong. Ông sinh ra năm 1543 trong một gia đình nghèo ở Songdo nay là Gaeseong. Về sự ra đời của ông, đã có một thầy bói dự đoán rằng “Thỏ ngọc sinh ra đằng Đông thì giá giấy của Seoul sẽ tăng cao", ám chỉ một điều khác thường, một tương lai nổi danh trong lĩnh vực thư họa của ông. Tuy nhiên con đường đến với thư pháp của Han Ho hoàn toàn không dễ dàng như vậy.
Cha Han Ho mất khi ông mới 3 tuổi và ông nội của ông, người đã dạy chữ cho ông cũng qua đời khi ông mười tuổi. Lớn lên nhờ sự chăm sóc của một mình người mẹ, không mua nổi giấy, Han Ho thường phải tập viết chữ bằng cách lấy tay chấm nước viết lên trên lá khô, bình lọ hay những tảng đá. Tuy nhiên, thấy mọi người thán phục trước tài thư pháp xuất chúng của Han Ho, dù hoàn cảnh khó khăn, trong suốt 10 năm mẹ của ông vẫn cố gắng lo cho ông theo học thầy Shin Hee-nam, một nhà thư pháp nổi tiếng của vùng Songdo.
Sau bao lần dày công tôi luyện, năm 1567, Han Ho đã thi đỗ khóa thi tiến sĩ lúc mới 24 tuổi. Do có tài viết chữ hơn người, ông được chọn vào làm chức "Tả tự quan", một chức quan chuyên trách về các thư từ của nhà vua và các văn thư ngoại giao với nước ngoài. Chính trong quá trình đảm nhận cương vị này, Han Ho đã nổi danh, được mọi người biết đến ở tài năng về thư pháp.


Nổi tiếng về thư pháp

Tuy ban đầu, lúc mới tiếp cận với việc viết chữ, Han Ho học theo phong cách của Triệu Mạnh Phủ nhưng sau đó ông lại bị cuốn hút bới lối viết của Vương Hi Chi, nhà thư pháp huyền thoại của Trung Quốc. Sau quá trình hàng tháng luyện tập, cứ một ngày viết 1 chữ thì sang hôm sau học được mười chữ, cuối cùng Han Ho đã đạt đến mức thoát khỏi sự mô phỏng, bắt chước thể chữ của Trung Quốc, tạo nên được cho mình một phong cách riêng có nét viết khỏe khoắn và cấu trúc độc đáo. Từ năm 1572 đến năm 1601 ông đã có 5 lần đồng hành đi sứ với tư cách là "Tả tự quan“, được các học giả nổi tiếng của nhà Minh là Vương Thế Trinh và Chu Chi Phiền tán tụng, ca ngợi ông "giống như con sư tử nổi giận cào bới trên đá, như ngựa thiên mã khát nước đang lao tới dòng suối, có thể so với sự nổi trội của Vương Hi Chi và Nhan Chân Khanh".
Song, hơn cả, người đánh giá cao nhất về tài viết chữ của Han Ho chính là Seonjo (Tuyên Tổ), vua đời thứ 14 của triều Joseon. Mỗi khi xem chữ viết của Han Ho, vua lại khen ngợi hết lời rằng: "thật khó để biết hết được sự kỳ dị và hùng tráng ở nét bút của ông". Năm 1583 vua đã sai ông viết lại "Thiên Tự văn" của Trung Quốc và tài liệu này đã được hoàn thành theo lối viết riêng của Seok-bong, được khắc lên bản in và ban bố khắp nơi trên cả nước vào năm 1601. Kể từ đó, thể viết Seok-bong được lưu hành khắp toàn quốc. Mỗi khi nhận được 1 tờ giấy có chữ viết của Han Ho, người ta quý nó tựa như ngọc quý vậy. Vua và hoàng tộc cũng đều đưa chữ viết của ông lên những tấm bình phong hay bàn sách để sớm chiều, hàng ngày thưởng ngoạn.


Chỉ để lại chữ viết khi qua đời

Đa phần cuộc đời làm quan chỉ ở chức "Tả tự quan", song cũng có khi Han Ho từng đảm nhiệm các chức quan huyện (quận thú) vùng Gapyeong, huyện lệnh ở Heupgok. Qua đời năm 1605, tuy phụng sự một thời gian khá dài bên vua, nhưng ông chẳng tích lũy được chút tài sản nào và cũng chẳng dựng được tấm bia nào ghi lại công trạng sự nghiệp chính trị của ông. Cũng chính vì lẽ đó mà mộ của ông, khó khăn lắm người ta mới phát hiện được vào năm 2010 và dù đã có nhiều công trình tuyệt vời về thư pháp như "Huh Yeop (Hứa diệp) thần đạo bia" (ở Yongin), "Seo Gyeong-deok (Từ Kính Đức) thần đạo bia" (ở Gaeseong), "Cơ Tử miếu bia (ở Pyeongyang), Kim Gwang-gye (Kim Quang Khải) bia" (ở Yangju) v.v... nhưng ngoài đó ra, ông cũng chẳng để lại một dấu ấn nào khác cả. Phải chăng đây chính là cuộc đời của một nhà thư pháp nổi tiếng nhất thời Joseon, người đã nói lên tất cả bằng chữ viết!

Lựa chọn của ban biên tập