Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Gung Ye và giấc mơ còn dang dở về một thế giới mới

2012-01-12

<b>Gung Ye</b> và giấc mơ còn dang dở về một thế giới mới
Gung Ye, ông vua cách mạng hay một bạo chúa?

Giai đoạn cuối thời Silla thống nhất, trước sự không ngừng tranh giành ngôi báu của tầng lớp quý tộc, chỉ tính từ năm 768 đến năm 887 đã có tới hơn 20 cuộc nổi loạn trong nước. Gánh nặng về thuế mà ngày càng tăng, đạo tặc nổi lên khắp nơi trong khi hạn hạn lại liên tục kéo dài khiến cho người dân phải chịu cảnh lầm than, đói kém, bệnh tật.
Trong buổi loạn lạc, cuộc sống tựa như địa ngục đó, đã xuất hiện một nhân vật có ý chí sắt đá, muốn phá bỏ địa ngục trần gian, đem lại niềm hy vọng cho dân chúng đang khốn cùng. Đó chính là Gung Ye, một nhân vật mà cùng với Wang Geon, vua dựng nên nước Goryeo và Gyeon Hwon, vua đầu tiên của nước Hậu Baekje được coi là 3 người có vai trò chủ đạo của giai đoạn hậu tam quốc trên bán đảo Hàn. Tuy nhiên những đánh giá về Gung Ye ở Hàn Quốc lại được chia thành 2 mảng hoàn toàn trái ngược nhau.
Gung Ye là vị vua có tư tưởng cách tân, đã dương cao ngọn cờ "bình đẳng cho tất cả các tầng lớp sĩ nông công thương" nhằm cải cách tình hình xã hội vốn đang đầy rẫy những mẫu thuẫn và bất mãn lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ông lại tự xưng là Phật và những cố gắng để xây dựng nên một "thế giới lý tưởng của Di Lặc" của ông lại cực đoan thái quá, khiến cho các sử gia sau này thường hay hình tượng hóa, mô tả ông như một bạo chúa. Làm sao có thể giải thích được những đánh giá hoàn toàn trái ngược nhau này về Gung Ye? - Để tìm lời giải đáp, chúng ta hãy cùng đến với cuộc đời đầy thăng trầm, sóng gió của vị vua nước Hậu Goguryeo này.

Vị anh hùng có số phận nghiệt ngã

Tuy là vua xây dựng nên đất nước Hậu Goguryeo, nhưng trên thực tế Gung Ye được cho là sinh ra vào khoảng năm 857, là con trai của vua Gyeongmun (Cảnh Văn Vương), vua đời thứ 48 của Silla. Khác với thân phận cao quý của mình, vừa ra đời, Gung Ye đã phải trải qua nhiều chông gai. Vua Gyeongmun nghe theo lời tiên đoán cho rằng, "Đứa trẻ này về sau sẽ là mối họa lớn của đất nước" nên đã ra lệnh giết ông đi. Tuy nhiên, nhũ mẫu của Gung Ye đã không nỡ lòng tuân theo lệnh và ẵm ông bỏ trốn khỏi cung. Nhưng trong lúc này, do sơ sẩy, nhũ mẫu đã chọc nhầm, làm hỏng mất một bên mắt của Gung Ye.
Mang trong mình vết thương mà cả đời xóa cũng không hết, Gung Ye đã trở thành nhà sư và lớn lên tại chùa Sedal (Thế Đạt Tự). Khi Silla ngày càng suy yếu, nhiều cuộc nổi dậy xuất hiện ở khắp các địa phương, năm 891, Gung Ye đã đi theo Gi Hwon, người đứng đầu của nhóm nổi dậy vùng Jukju (nay là Anseong). Đến năm 892 ông lại qua đầu quân cho Yang Gil ở vùng Bugwon và sau đó, từng kéo quân của Yanggil đi đánh chiếm toàn bộ các vùng Gangwon, Gyeonggi và Hwanghae (Hoàng Hải). Nhờ đó, ông đã thành công trong việc chiêu tập binh mã và tăng cường khả năng kinh tế cho mình nhờ vào sự hỗ trợ của các hào phú là Park Ji-yun ở vùng Pyeongsan và gia tộc Wang Geon, một gia tộc thâu tóm mọi lĩnh vực về thương mại hàng hải.
Có được nền tảng về kinh tế và quân sự, năm 898, Gung Ye đã lật đổ Yang Gil, tự xây dựng căn cứ riêng cho mình tại vùng Songak (nay là Gaeseong) chủ trương khôi phục lại vương quốc cổ xưa Goguryeo và năm 901 đã dựng nên nước Hậu Goguryeo. Sau đó 3 năm, ông đã đổi quốc hiệu thành Majin (Ma Chấn) với ý nghĩa chỉ một nước lớn ở phương Đông, đồng thời, cũng rời đô về Cheorwon, chính thức bước vào con đường hoạt động chính trị.

Giấc mơ về một xã hội lý tưởng giàu có và hòa bình

Cheorwon nằm ở chính giữa bán đảo Hàn, là tâm điểm giao cắt, nối từ Bắc Hamgyeong sang Nam Jeolla và từ mé trái của Bắc Pyeongan sang mé phải của Nam Gyeongsang, phía dưới có thể đánh thẳng vào Silla, phía trên có thể giành lại vùng lãnh thổ xưa của vương quốc Goguryeo.
Hơn nữa, Cheorwon được xem là một kho lương thực mạnh về kinh tế, chỉ cần 1 năm được mùa là đủ lượng cho dân trong vùng sống cả 7 năm. Vì thế, Gung Ye đã quyết định xây dựng nên tại đây một thế giới lý tưởng, luôn có sự hòa bình, giàu có và sung túc. Ông đã cải cách chế độ quan tước Golpum vốn coi trọng máu mủ huyết thống của triều Silla, thu nạp nhiều nhân tài, đặc biệt là những người có năng lực nhưng trước đây vốn bị trói buộc bởi yếu tố thân phận. Để mở ra một thế giới mới, Gung Ye đã tự xưng là Di lặc - đức Phật của tương lai, đả phá vào những mâu thuẫn xã hội với một ý chí sắt đá là sẽ xây nên ở đây một xã hội có trật tự, không phân biệt đối xử.
Theo cách thức đó, Gung Ye đang dần từng bước đến với thế giới lý tưởng mà ông nghĩ ra. Tuy nhiên, ông ngày càng có cái bạo ngược của một quân chủ chuyên chế, thậm chí từng sai giết tất cả người Silla đầu hàng. Đặc biệt, năm 915, khi xảy ra sự kiện thanh trừng nội bộ thảm khốc, Gung Ye giết hại cả người vợ họ Gang và 2 người con trai của mình, năm 918 các tướng lĩnh của ông là Shin Sung-gyeom và Bok Ji-gyeom đã suy tôn Wang Geon lên làm vua mới. Gung Ye cuối cùng đã gặp một kết cục bi thảm, bị Wang Geon đuổi và sau đó bị người dân sát hại tại vùng Pyeonggang.

Giấc mơ không thành của vị anh hùng

Giai đoạn tiếp theo, Wang Geon đã đổi quốc hiệu thành Goryeo, năm 919 rời đô về Songak, thống nhất giai đoạn hậu tam quốc và xây dựng nên một đất nước phát triển, kéo dài suốt hơn 500 năm. Còn Gung Ye, người cũng từng ấp ủ giấc mộng thống nhất đất nước như vậy thì đã bị lãng quên dần trong lịch sử.
Trên thế gian này có biết bao nhiêu giấc mơ, và càng vào thời buổi khó khăn, hỗn loạn thì càng xuất hiện những giấc mơ đa dạng, nhiều màu sắc. Nhưng trong thời bình, con đường mở ra, hướng đến với thế giới mới lại dường như nhỏ lại, khiến các anh hùng có chí lớn đều gác lại sang bên mà về ẩn mình nơi thôn dã. Gung Ye, người mà từ hơn 1000 năm trước đã ôm trong lòng giấc mơ về một dân tộc đoàn kết và thống nhất đất nước cũng theo con đường đó, con đường xuất hiện rồi lại bị lãng quên của nhiều nhân vật anh hùng trong lịch sử.

Lựa chọn của ban biên tập