Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Kim Si-seup, văn nhân thiên tài thời Joseon

2012-01-19

<b>Kim Si-seup</b>, văn nhân thiên tài thời Joseon
Kim Si-seup là ai ?

Một thần đồng, mới 5 tuổi đã học các sách "Đại học", "Trung dung", tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Hoa, biết làm thơ và viết tản văn, một trong 6 người bỏ việc quan để chống lại hành động cướp ngôi của Sejo (Thế Tổ, vua đời thứ 7 của Joseon), một người từng cắt tóc, lãng du khắp nơi và trở thành vị sư dồn toàn tâm cho việc học Phật Giáo, một nhà thơ thiên tài và là tác giả của tiểu thuyết truyền kỳ v.v... đó là những lời hay ý đẹp khó có thể đúc kết, gói gọn lại để nói về cuộc đời muôn màu muôn vẻ của Mai Nguyệt Đường Kim Si-seup, thiên tài thời Joseon. Thậm chí, chừng đó cũng chưa đủ để vẽ nên hình ảnh của nhân vật lịch sử này, một người mà khó có bút mực nào có thể tả xiết.


Thiên tài được gọi với biệt danh "Năm tuổi"

Kim Si-seup là con trai của Kim Il-seong, sinh năm 1435, tại gần trường Sungkyunkwan, cơ quan đào tạo lớn nhất của Joseon. Từ nhỏ Kim Si-seup đã được biết đến là một thiên tài, mới 8 tháng tuổi đã biết đọc chữ, lên 3 tuổi nhìn lúa mạch xay trong cối đá mà đã có thể làm nên câu thơ chữ Hán là: "vô vũ lôi thanh hà xử động, hoàng vân phiến phiến tứ phương phân" có nghĩa là "trời không mưa mà sao có tiếng sấm, những đám mây vàng tản ra khắp 4 phương".
Tiếng đồn về Kim Si-seup lan đi khắp nơi, lên 5 tuổi, ông được vua Sejong (Thế Tông) gọi vào cung gặp và thử tài. Vua ra một câu đối là: "Việc học của đứa trẻ tựa như con hạc trắng nhảy múa trên trời" để bắt Kim SI-seup đối lại và ông đã không ngần ngại đáp rằng: "Cái đức của nhà vua tựa như con rồng chói sáng đùa giỡn ngoài bể". Thấy vậy, vua Sejong rất yêu quý, gọi Kim Si-seup là “cậu bé thiên tài 5 tuổi” (nguyên văn "ngũ tuế đồng tử"). Vua cũng hứa hẹn rằng, sau này lớn lên sẽ trọng dụng tài năng của ông nhưng rất tiếc lời hứa đó đã không được thực hiện.


Giữ tiết nghĩa, là 1 trong 6 người bỏ việc quan để bày tỏ tấm lòng trung

Năm 15 tuổi, mẹ mất và dù sống nương tựa bên đằng nhà ngoại nhưng không may, chưa đầy 3 năm sau đó, bà mợ chăm sóc cho Kim Si-seup cũng qua đời. Trở về kinh thành thì cha lại đang mắc bệnh nặng và do gặp phải nhiều chuyện đáng bận tâm lo lắng như vậy nên năm 1453, khi 19 tuổi, Kim Si-seup đã thi trượt kỳ khoa cử tổ chức khi vua Danjong (Đoan Tông) lên ngôi. Sau đó, ông đã lên chùa Jungheung trên núi Samgak (núi Bukhan) để học, đợi kỳ thi lại. Nhưng năm 1455, nghe tin Suyangdaegun (Thủ dương đại quân), chú của vua Danjong cướp ngôi, Kim Si-seup đã rất phẫn nộ, đốt bỏ sách học và tự cắt tóc đi tu. Vì hành động thoán đoạt ngôi vua này, ông đã quyết không ra làm việc cho triều của Suyangdaegun (Thủ dương đại quân) lúc bấy giờ đã là Sejo (Thế Tổ). Cùng với Won Ho, Yi Maeng-jeon, Jo Ryeo, Seong Dam-su, Nam Hyo-on, Kim Si-seup đã trở thành 1 trong 6 người được gọi là "sinh lục thần", những người giữ trọn tiết nghĩa với vua Danjong.
Kim Si-seup cũng là người đã thu nhặt thi hài của "tử lục thần", 6 người mưu đồ khôi phục ngôi vị cho vua Danjong nhưng bị lộ và phải chịu xử tử hình. Sau khi chôn cất những người này ở Noryangjin, ông đã bỏ đi phiêu lãng khắp nơi. Suốt 9 năm, ông đã chu du qua nhiều vùng miền trên cả nước, phía Bắc đi tới vùng Ansihyangnyeong, phía Đông đi tới các núi Geumgang, Odae, phía Nam ra tận các vùng quần đảo. Hàng ngày, ông dâng nước sạch để lễ phật, sau đó than khóc và sáng tác ra những vần thơ. Cứ như thế, ông đã viết được tới 2200 bài thơ, ngâm nga về nỗi buồn của bàn thân và cái hư vô của cuộc đời. Đặc biệt, năm 1465, ông đã dựng nên thư trai Geumosansil (Kim Ngao sơn thất) ở trên núi Namsan vùng Gyeongju và trong 7 năm sống tại đây, ông đã để lại những tác phẩm đánh dấu một điểm mốc quan trọng trong lịch sử văn học Hàn Quốc.


Geumosinhwa (Kim Ngao tân thoại), tiểu thuyết Hán văn đầu tiên của Hàn Quốc

Geumosinhwa (Kim Ngao tân thoại) do Kim Si-seup viết là tiểu thuyết Hán văn đầu tiên của hàn Quốc. Hiện này tiểu thuyết này còn lại 5 phần là "Vạn phúc tự xư bồ kí" (Đánh bạc ở chùa Vạn Phúc), "Lý sinh khuy tường truyện" (Truyện thư sinh họ Lý nhìn trộm), "Túy du Phù Bích đình kí" (Say rượu tới chơi đình Phù Bích), "Long cung phó yến lục" (Ghi chép về việc dự tiệc ở long cung), "Nam Viêm phù châu chí" (Câu chuyện ở châu Nam Viêm Phù) nhưng nhìn vào cấu trúc của tác phẩm, có thể suy luận ra rằng có lẽ còn có nhiều nội dung hơn nữa. Đây thực chất là một tác phẩm mà thông qua những câu chuyện kỳ lạ do các nhân vật, thường là người có ngoại hình đẹp, tài năng hơn người gặp được trong thế giới mộng tưởng, tác giả đã đưa ra quan niệm của mình rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tình người và sự chân thực cũng là điều không thể bỏ đi được.
Chứa đựng quan điểm triết học này trong Geumosinhwa, Kim Si-seup đã bỏ cuộc sống ở Gyeongju, trở về Seoul, sống như 1 nhà sư trong khoảng hơn 10 năm rồi sau đó hoàn tục, làm nông nghiệp và viết lách. Đến đời vua Seongjong, xảy ra sự kiện phế truất vương phi họ Yun, chính sự rối ren, ông lại rời Seoul, lang thang, trôi đi phiêu bạt khắp nơi và năm 1493 qua đời tại chùa Muryang, vùng Hongsan tỉnh Chungcheong, thọ 58 tuổi. Trước khi chết, Kim Si-seup đã để lại di ngôn, muốn được khắc lên bia mộ của mình dòng chữ "Mộng tử" với ý nghĩa chỉ "Người già đã mơ mộng và kết thúc cuộc đời tại đây". Cả cuộc đời của ông là một chặng đường không hề định rõ, nhưng tư tưởng thông suốt và bao trùm rộng khắp, qua lại giữa Nho, Đạo, Phật cùng những áng văn sâu sắc, biểu cảm sinh động tưởng như phơi bày ra trước mặt cả trái tim nóng bỏng của ông đã khiến cho rất nhiều học giả và các vị vua triều Joseon phải yêu quý mến mộ ông. Đúng như tên hiệu "Mai Nguyệt Đường" với ý nghĩa chỉ hoa mai và ánh trăng, Kim Si-seup chính là ánh trăng trong bóng tối, soi sáng cho tương lai và làm nở ra những nụ hoa mai, biểu thị cho sự tiết tháo trong những lúc bị gông cùm, trói buộc.

Lựa chọn của ban biên tập