Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Tác giả Sim Hun, cây thường xanh của dân tộc Hàn

2012-02-02

Tác giả <b>Sim Hun</b>, cây thường xanh của dân tộc Hàn
Người được ví như cây thường xanh

Người xưa có câu "tuế hàn nhiên hậu, tri tùng bách tri hậu điêu dã" có nghĩa là "phải qua mùa đông giá lạnh, thì mới biết được cái khí tiết của loài cây tùng, cây bách". Đó là lời nói ca tụng tùng, bách, loài cây thường xanh luôn không thay đổi dù trong gió lớn hay bão tuyết! Có một nhân vật luôn được ví với cái màu xanh vĩnh cửu, thanh cao của loài tùng bách này. Đó chính là Sim Hun, tiểu thuyết gia, nhà thơ và là một nhà làm phim của Hàn Quốc. Mặc dù cuộc đời ngắn ngủi, sống chỉ vỏn vẹn có 35 năm nhưng tinh thần kháng Nhật trước sau như một của Sim Hun đã tỏ rõ, cho thấy khí phách tràn đầy của một thanh niên mãi mãi có màu tươi xanh giống như loài tùng bách.


Sim Hun, cái tên được nhắc đến như một nhà làm phim trước khi là một nhà thơ, tiểu thuyết gia

Sim Hun tên thật là Dae-seop sinh ngày 12/9/1901 tại Seoul. Thủa nhỏ gọi là Geumgangsaeng, thời gian du học tại Trung Quốc gọi là Bạch Lãng, từ sau năm 1920 mới lấy tên là Hun theo chữ Hán đọc là Huấn.
Năm 1915, Sim Hun vào học trường Phổ thông trung học Gyeongseong (nay là trường Trung học Gyeonggi). Năm 1919, khi học được 3 năm thì tham gia và đi đầu trong phong trào Độc lập 1/3 nên đã bị cảnh sát bắt giam 4 tháng. Ra tù, bị đuổi học, Sim Hun đã sang Trung Quốc học ngành văn học tại đại học Chi Giang, Hàng Châu năm 1921. Sau khi trở về nước, năm 1924 ông đã vào làm phóng viên tại tòa báo Dong-A Ilbo (Đông Á nhật báo), đồng thời cũng bắt đầu viết thơ và tiểu thuyết.
Trên thực tế, Sim Hun bộc lộ tài năng của mình trước hết là ở lĩnh vực phim ảnh. Năm 1925, khi tác phẩm phóng tác của Jo Il-je mang tên “Janghanmong” (Trường hận mộng) được dựng thành phim, Sim Hun đã tham gia đảm nhận một vai diễn trong phim. Tuy lúc đó chỉ là đóng thế cho một diễn viên bỏ dở giữa chừng nhưng ông cũng đã cho thấy vẻ ngoại hình không hề thua kém tài tử điện ảnh.
Kể từ đó, Sim Hun bắt đầu thấy hứng thú với phim ảnh. Năm 1926, trên báo Dong-A Ilbo, ông đã đăng tải nhiều kỳ tiểu thuyết điện ảnh đầu tiên mang tên "Múa mặt nạ". Một năm sau đó, ông đã viết nguyên tác, chuyển thể và thành công trong việc làm đạo diễn, xây dựng nên bộ phim mang tên "Khi trời rạng sáng", phơi bày hiện thực đau buồn của Hàn Quốc giai đoạn là thuộc địa của thực dân Nhật.
Thế nhưng, sự nghèo nàn của điện ảnh lúc bấy giờ cũng như do bị hạn chế bởi sự kiểm duyệt chặt chẽ của phủ Tổng đốc Nhật, rốt cuộc Sim Hun lại quay về, quan tâm đến văn học. Có thể nói, vào giai đoạn mà các phim phóng tác theo tiểu thuyết của Nhật đang trở thành cơm bữa thì những đánh giá dành cho kịch bản nguyên tác của "Khi trời rạng sáng" lúc bấy giờ đã thiêu rụi ý chí sáng tác phim của Sim Hun.


Viết nên những dòng chữ thức tỉnh dân tộc

Năm 1930 Sim Hun đã hoàn thành bộ trường thiên tiểu thuyết đầu tiên có tên "Người yêu của phương Đông" và đăng nhiều kỳ trên báo Chosun ilbo (Triều Tiên Nhật Báo). Nhưng do đây là bộ tiểu thuyết về cặp trai gái hoạt động, đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của Joseon nên giữa chừng tác phẩm đã bị kiểm duyệt và ngừng đăng trên báo. Mặc dù vậy, cùng trong năm đó Sim Hun cũng đã công bố tác phẩm thơ "Nếu ngày đó đến" và được chọn là "Tác phẩm tiêu biểu cho thơ kháng Nhật thế giới". Trong bài thơ, ông đã thể hiện ý chí mạnh mẽ, kiên cường rằng "chỉ cần ngày độc lập đến, trước khi trút hơi thở cuối cùng, là mình sẽ như một con quạ, lao đầu vào và gióng lên hồi chuông khánh ở Jongno"
Dù trong hoàn cảnh bị thực dân Nhật đàn áp và kiểm duyệt gắt gao nhưng Sim Hun vẫn liên tiếp cho ra đời một loạt các tác phẩm tiểu thuyết như "Phượng hoàng lửa", "Nụ cười vĩnh cửu", "Sao Chức Nữ"... Đặc biệt năm 1935, ông đã hoàn thành tiểu thuyết "Cây thường xanh" và được chọn trao giải thưởng của báo Dong-A ilbo. Với tác phẩm này, ông đã trở thành tác giả của những tác phẩm mãi mãi xanh màu của dân tộc. "Cây thường xanh" đã miêu tả về phong trào V narod (theo tiếng Nga có nghĩa là "đi vào trong dân"), một phong trào đang chiếm ưu thế vào thời điểm lúc bấy giờ. Thông qua việc đề cập đến những hy sinh cho sự phát triển nông thôn của giới trẻ, "Cây thường xanh" đã cổ vũ được cho ý thức đấu tranh, thức tỉnh tinh thần dân tộc của người Hàn.
Ngay trong chế độ thống trị thực dân hà khắc, Sim Hun đã dám vẽ nên niềm hy vọng vào tương lai và tính cần thiết của sự nghiệp giải phóng đất nước. Ngày 9/8/1936, khi vận động viên ma-ra-tông Son Gi-jeong giành được huy chương vàng trong Thế vận hội lần thứ 11 tổ chức tại Berlin, với niềm phấn khởi tột cùng, Sim Hun cũng đã sáng tác nên bài thơ có tên "Ôi, cậu con trai của Joseon". Bài thơ đã đem lại sự sảng khoái, rung động lòng người và thể hiện tâm hồn cháy bỏng của Sim Hun qua câu kết "Ôi ta như muốn hét lên, muốn hét lên cùng nhân loại trên toàn thế giới! Giờ đây các người còn gọi chúng ta là dân tộc thuộc địa yếu hèn nữa không!". Buồn thay, đây cũng là tác phẩm cuối cùng ra mắt công chúng của Sim Hun. Ngày 16/9/1936 ông đã qua đời vì bệnh thương hàn.
Sim Hun là một văn nhân mà cả cuộc đời không ngừng dùng ngòi bút để đấu tranh, cho dù đất nước còn trong vòng cai trị của thực dân Nhật, là một người đã hiến dâng tất cả cho nhiệm vụ của tác giả văn học - nhiệm vụ đương đầu với thời cuộc. Ông ra đi, nhưng đã gieo vào lòng người dân Hàn một tình yêu dân tộc trào dâng, luôn còn đọng lại trên những cây thường xanh vĩnh cửu.

Lựa chọn của ban biên tập