Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Yi Ye, nhà ngoại giao tiêu biểu của thời Joseon

2012-02-09

<b>Yi Ye</b>, nhà ngoại giao tiêu biểu của thời Joseon
Tiểu thuyết gia Nhật Bản trao tặng tác phẩm viết về sứ thần của Joseon

Một tiểu thuyết gia người Nhật đã đưa cuộc đời và sự nghiệp của Yi Ye, sứ thần dưới triều Joseon vào tác phẩm tiểu thuyết của mình và trao tặng cho thư viện Seokgye (theo chữ Hán là “Thạch Khê thư viện”, nơi trao đổi học thuật và thờ cúng các vị thánh hiền) ở huyện Ulju, thành phố Ulsan. Đó chính là tác giả Noriyuki Kanazumi, một người vừa làm công tác luật sư vừa kiêm làm tiểu thuyết gia tại Nhật Bản. Noriyuki Kanazumi vốn có ấn tượng sâu sắc về cuộc đời của sứ thần Yi Ye, ông đã viết nên cuốn sách mang tên "Yi Ye, vị Thông tín sứ (Tongsinsa) đầu tiên của Joseon" và có kế hoạch xây dựng tiểu thuyết này thành tác phẩm điện ảnh. Không biết Yi Ye trong tác phẩm của tiểu thuyết gia Nhật Bản này là ai mà có sức thu hút ở nước ngoài đến vậy trong khi thậm chí, với người Hàn Quốc, đây vẫn còn là một nhân vật khá xa lạ.


Nhân vật huyền thoại từ tầng lớp trung lưu trở thành quý tộc Yangban

Yi Ye vốn thuộc tầng lớp trung lưu, sinh năm 1373 trong một gia đình làm tư lại, viên chức coi việc hành chính tạp vụ ở huyện Ulsan, tỉnh Nam Gyeongsang. Năm lên 8 tuổi, mẹ của ông bị hải tặc Nhật Bản bắt đi khiến cả cuộc đời ông luôn long đong để tìm mẹ khắp nơi và cũng nhờ đó, ông đã hiểu thấu được tận đáy lòng nỗi khổ của người dân phải chịu nạn hoành hành, cướp bóc của hải tặc suốt từ cuối thời Goryeo. Cuối cùng, những cố gắng, nỗ lực vì người dân của ông cũng đã được đền đáp khi ông có cơ hội hiếm hoi thoát khỏi tầng lớp trung lưu, một việc làm khó có thể thực hiện dưới chế độ thân phận hết sức ngặt nghèo của triều Joseon.
Tháng 12 năm 1396, Yi Ye bấy giờ vốn đang làm viên tư lại, một chức nhỏ tại quan nha. Để cứu tri huyện Ulsan bị hải tặc Nhật bắt đi, ông đã tình nguyện làm tù nhân, theo hải tặc tới tận đảo Tsushima. Trong thời gian bị giam giữ, ông đã học tiếng Nhật từ quân lính ở đây và không ngừng dai dẳng thuyết phục, xin cho tri huyện của mình được phóng thích. Cảm phục trước lòng trung thành và những cố gắng không mệt mỏi của Yi Ye, cuối cùng hải tặc đã không giết mà thả cho viên tri huyện thoát khỏi đảo Tsushima. Ghi nhận lòng trung thành của ông, triều đình Joseon đã nâng cấp thân phận và ban cho ông quan tước.
Việc liều mình lên thuyền hải tặc với quyết tâm giải cứu quan viên triều đình của Yi Ye đã giúp ông tiến thân, bước vào con đường làm quan. Ngay khi vua Taejong (Thái Tông, vua đời thứ 3 của Joseon) lên ngôi, ông đã chính thức được bổ nhiệm đứng vào hàng ngũ các sứ giả của triều Joseon.


Hơn 40 lần được phái đi sứ Nhật Bản

Kể từ sau lần đầu tiên chính thức được cử đi sứ Nhật Bản vào năm 1401, trong quãng thời gian hơn 40 năm, Yi Ye đã có tới hơn 40 lần qua lại Nhật Bản. Là một viên quan làm công việc ngoại giao cho triều đình, đã có kiến thức chuyên môn lại giỏi ngoại ngữ, tính tình khiêm tốn mà khả năng đàm phán cũng vượt trội hơn người, ngay trong lần đầu được bổ nhiệm đi sứ, Yi Ye đã tới đảo Iki, góp công vào việc giải phóng, giúp cho 50 tù binh người Joseon được trở về nước. Từ đó, mỗi năm ông đều qua Nhật và tính đến năm 1410 ông đã giải cứu được hơn 500 người, năm 1416 được hơn 40 người, đem lại kết quả sau 15 lần đàm phán đã góp công lớn, giúp cho 667 người Joseon được phóng thích.
Cũng chính nhờ đó, năm 1428, năm thứ 10 triều vua Sejong (Thế Tông, vua đời thứ 4 của Joseon), tên gọi "Thông tín sứ" (Tongsinsa) bắt đầu được sử dụng để chỉ các sứ thần phái đi Nhật của triều Joseon. Trong năm này, Yi Ye đã được cử sang Nhật và vinh dự trở thành vị "Thông tín sứ" đầu tiên của Joseon. Trong suốt các năm 1422, 1424, 1429 và 1433, ông đã trực tiếp gặp nhà vua Nhật Bản, có nhiều cố gắng trong việc ngăn chặn hoạt động của hải tặc người Nhật. Xuất phát từ động cơ cá nhân là việc tìm mẹ bị hải tặc bắt, thêm vào đó là tấm lòng mong muốn che chở, bảo vệ cho người dân Joseon, Yi Ye đã không ngừng học hỏi ở Nhật về các mặt như tình hình, khả năng quân sự ở các vùng đảo Iki và Tsushima, những ưu điểm về văn vật và tàu thuyền của Nhật, thậm chí ông còn nghiên cứu cả về chế độ cấp phép thông hành và chính sách hợp tác ngoại giao với Nhật Bản của triều Joseon. Yi Ye đã trở thành một chuyên gia hàng đầu của Joseon về Nhật Bản, là một người hoàn hảo, thích hợp cho việc thay mặt triều đình diện kiến vua Nhật Bản. Ông đã đóng vai trò chủ đạo trong quan hệ ngoại giao đối với Nhật vào giai đoạn đầu của triều Joseon, là nhân vật dẫn dắt cho việc ký kết điều ước Quý Hợi (năm 1443, năm thứ 25 triều vua Sejong), một điều ước xây dựng nền tảng cho quan hệ bang giao giữa Joseon và Nhật Bản.


Ký kết Điều ước Quý Hợi, nền móng của quan hệ ngoại giao với Nhật dưới triều Joseon

Điều ước Quý Hợi (1443) là điều ước ký kết về thương mại cùng với chúa đảo Tsushima của Nhật Bản. Theo điều ước này, mỗi năm số thuyền buôn của đảo Tsushima được phép vào lãnh hải Joseon chỉ giới hạn ở con số 50 thuyền, tàu bè qua biển vào Joseon phải được cấp giấy phép v.v... Có thể nói, đây là một hiệp ước đã góp phần vào việc ổn định mối quan hệ với Nhật Bản của triều Joseon trong giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, với việc liên tục đứng ra hiệp thương, thỏa thuận về các điều kiện cho phép người Nhật nhập cảnh và trú lại tại đất Joseon, Yi Ye cũng đã đi đầu trong việc thiết lập nên cơ chế ngoại giao thân thiện với Nhật Bản mà trọng tâm là đảo Tsushima. Cũng nhờ đó, Ulsan và các vùng như toàn bộ khu vực bờ biển Namhae, đảo Tsushima, đảo Yugu (Okinawa) dần dần được bình yên hơn, ngăn ngừa được một cách có hiệu quả hoạt động của hải tặc Nhật, một mối lo lớn về quốc phòng của Joseon.
Xưa nay, nói đến ngoại giao là đề cập tới việc giao lưu. Trong các lần qua lại Nhật bản, Yi Ye cũng đã rất quan tâm, chú ý tới văn văn hóa của Nhật Bản, ông đã kiến nghị triều đình cho nhập về cối xay nước tự chuyển động, và giống cây mía v.v... Đồng thời, ông cũng đã đi đầu trong ngoại giao về văn hóa, có nhiều cố gắng truyền bá văn hóa in tấn và văn hóa Phật giáo vào Nhật thông qua việc phổ cập kinh Phật và Đại tàng kinh của Joseon. Cũng chính vì thế, ở chùa Entsuji (chùa Viên Thông) trong thành phố Tsushima, đã có một tấm bia được dựng lên để ghi khắc về công đức của Yi Ye.
Vua Sejong coi trọng Yi Ye, từng đích thân ban tặng cho ông giày và mũ nón. Năm 1443, vua đã rất lo lắng cho sức khỏe của Yi Ye khi ở tuổi 70 mà ông vẫn tham gia vào hành trình đến đảo Tsushima, một chuyến đi thường mất 6 tháng, có nhanh nhất cũng phải tới 3 tháng. Yi Ye đã tự nguyện xin đi và lên đường để làm tròn bổn phận của một quan chức ngoại giao, người luôn hết mình cho công việc bảo vệ người dân và lợi ích của quốc gia. Rốt cuộc, ông cũng đã hoàn thành được nhiệm vụ cuối cùng, trở về nước cùng với 7 tù binh người Joseon nhưng 2 năm sau, năm 1445 ông đã qua đời.
Thời gian gần đây, khi người ta quan tâm nhiều tới vấn đề các tố chất cần có của một quan chức ngoại giao, thì cuộc đời và sự nghiệp của Yi Ye, người dám vượt biển nhảy vào chốn cùng hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ đã cho thấy một tấm gương lớn, một chuẩn mực đáng được nêu lên.

Lựa chọn của ban biên tập