Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Yun Bong-gil, lòng yêu nước bất diệt

2012-04-26

<b>Yun Bong-gil</b>, lòng yêu nước bất diệt
"Trượng phu xuất gia sinh bất hoàn"

"Trượng phu xuất gia sinh bất hoàn - đại trượng phu đã ra khỏi nhà chưa đạt được chí lớn sẽ không quay về", đó là những dòng chữ lâm li để lại của một thanh niên người Hàn Quốc trước khi giã từ gia đình lên đường lưu vong sang Trung Quốc thời điểm tháng 3/1930.
Sau đó 2 năm, ngày 29/4/1932, người thanh niên đó đã vì nghĩa quên mình, ném bom tại công viên Hồng Khẩu, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, đánh một đòn chí mạng vào quan chức đầu não của thực dân Nhật và anh dũng hy sinh vào ngày 19/12 cùng năm. Người thanh niên đó chính là Yun Bong-gil, nghĩa sĩ xả thân, thắp sáng ngọn lửa kháng Nhật cứu nước ở tuổi 24, độ tuổi còn rất trẻ.


Từ bỏ chế độ đào tạo của thực dân

Yun Bong-gil sinh ngày 21/6/1908 trong một gia đình nông dân tại huyện Yesan, tỉnh Nam Chungcheong. Cái tên Bong-gil được nhiều người dân Hàn biết đến vốn chỉ là biệt danh, tên thật của anh là U-eui.
Năm 1918 vào học trường phổ thông cơ sở Deoksan nhưng một năm sau đó, khi phong trào vận động độc lập 1/3 nổi lên tại Hàn Quốc, anh đã bỏ học, từ chối chế độ giáo dục của thực dân với suy nghĩ "Nhất định không theo chế độ giáo dục học bằng tiếng Nhật để sống kiếp nô lệ". Về sau, anh đã vào học trường Ochi (Ô trĩ thư thục), một trường tư trong làng, đọc sách tam kinh tứ thư dưới sự dạy dỗ của thầy Seong Ju-rok, hiệu là "Mai Cốc". Yun Bong-gil cũng luôn đọc các sách báo, tạp chí, không hề chểnh mảng trong việc trau dồi nguồn kiến thức mới.
Thầy Seong Ju-rok vốn là người mến mộ tài năng của học trò, nhất là những người có trí thông minh tài giỏi luôn đỗ đầu trạng nguyên trong các kỳ thi. Ngày Yun Bong-gil ra trường, lúc chia tay, thầy đã yêu mến đặt cho anh tên hiệu là "Mai Hiên". Trong đó, chữ "Mai" lấy từ tên hiệu "Mai Cốc" của thầy còn chữ "Hiên" lấy từ tên hiệu "Mai Trúc Hiên" của tiên sinh Seong Sam-mun, người mà Yun Bong-gil thường ngày hâm mộ.


Đến với phong trào khai sáng nông thôn

Sau khi học xong kiến thức về Hán văn, từ năm 1926 Yun Bong-gil đã bắt đầu lao vào các phong trào hoạt động xã hội ở nông thôn. Tuy là một người thầy trẻ, chỉ mới 19 tuổi nhưng anh đã rất cố gắng, mở các lớp học ban đêm, dồn tâm huyết cho việc xóa nạn mù chữ. Năm 1927, Yun Bong-gil đã viết nên cuốn "Nông dân độc bản", một cuốn sách giáo khoa dành cho nông dân và chính thức mở ra một phong trào khai sáng ở nông thôn.
Một năm sau đó, Yun Bong-gil đã lập ra một đoàn thể mang tên "Phục hưng viện", xúc tiến các phong trào phục hưng nông thôn như tăng gia sản xuất và hợp tác kinh doanh. Năm 1929 anh đã xây dựng nên "Nguyệt Tiến hội" thu hút sự quy tụ của nhiều nhân vật sau này đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển phong trào cải cách ở nông thôn.
Thành quả của phong trào khai sáng mới chớm nở thì Yun Bong-gil đã giác ngộ ra rằng, dưới ách thống trị của thực dân Nhật, hạnh phúc đích thực của người Hàn Quốc chính là ở việc giành được độc lập. Năm 1930, anh đã lên đường đi Mãn Châu với niềm tin sẽ làm được điều gì đó to lớn cho tổ quốc.


Tham gia phong trào Vận động độc lập

Yun Bong-gil nhận thấy rằng, chỉ góp sức với chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc mới có thể thành công trong việc giành độc lập. Tháng 8/1931 anh đã vượt qua Đại Liên, Thanh Đảo để đến Thượng Hải, Trung Quốc, nơi có chính phủ lâm thời của Đại Hàn Dân Quốc. Tại đây anh đã gặp Kim Gu, hiệu là "Bạch Phàm", một nhà lãnh đạo của chính phủ lâm thời đang nghiên cứu, tìm kiếm phương pháp đấu tranh lúc bấy giờ. Vừa lúc, nhật báo Thượng hải đưa tin tại công viên Hồng Khẩu (Thượng Hải), ngày 29/4/1932 thực dân Nhật dự định sẽ tổ chức lễ "Thiên Trường Tiết" - kỷ niệm ngày sinh Nhật hoàng kết hợp với việc mừng chiến thắng sau vụ xung đột Nhật-Trung tại Thượng Hải. Với Yun Bong-gil, người đã vượt ngàn dặm xa xôi vì ước mơ giành độc lập cho tổ quốc, thì đây được xem như một cơ hội ngàn vàng. 3 ngày trước khi ném bom, Yun Bong-gil đã tham gia vào Đoàn thể yêu nước người Hàn (Ái quốc đoàn) do Kim Gu đứng đầu để chứng minh cho thế giới biết rằng, những gì anh làm không phải là một hành động cá nhân mà đó là đại diện cho cả tấm lòng của toàn thể dân tộc Hàn.
Ngày 29/4/1932, Yun Bong-gil đã ôm bom ngụy trang dưới hình thức hộp cơm và bình nước hướng về phía công viên Hồng Khẩu, Thượng Hải. 11 giờ 40 phút sáng, đúng lúc bắt đầu cử hành lễ hát quốc ca Nhật Bản, anh đã tháo chốt an toàn của quả bom và quăng mạnh về phía chính giữa hội trường, gây thương vong cho nhiều tướng lĩnh Nhật, trong đó có Yoshinori Shirakawa, tướng tư lệnh chỉ huy quân Nhật tại Thượng Hải. Đó chính là giây phút lịch sử làm rung chuyển trời đất của vụ đánh bom Thượng Hải.


"Máu của tôi sẽ tưới cho hoa nở ngày giải phóng"

Hành động anh hùng của nghĩa sĩ Yun Bong-gil đã gây sự chú ý của cả thế giới. Đặc biệt Tưởng Giới Thạch, người lãnh đạo Quốc dân đảng ở Trung Quốc lúc này đã phải thốt lên rằng "một thanh niên người Joseon đã làm được việc mà cả trăm vạn quân Trung Quốc vẫn chưa làm được" và từ đó, đã coi chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc như là một chính phủ đồng minh của mình. Cũng nhờ vậy mà chính phủ lâm thời của Hàn Quốc vốn một thời đang ngừng trệ hoạt động lại đã có được nguồn động lực để trở thành tâm điểm của phong trào vận động độc lập cho đất nước.
Tuy nhiên, Yun Bong-gil đã bị quân Nhật bắt ngay tại vụ ném bom. 27 ngày sau khi xảy ra sự kiện, anh bị tòa án quân sự Nhật tuyên án tử hình, bị giải đi Osaka, Nhật Bản và bị xử bắn vào ngày 19/12/1932.
Trước khi bị xử tử, nghĩa sĩ Yun Bong-gil đã để lại lời nói rằng: "Lực chúng tôi còn yếu và tuy vẫn chưa thoát khỏi sự cai trị của thế lực bên ngoài, nhưng theo xu thế chung của thế giới, ngày độc lập của đất nước cũng không còn xa lắm, tôi luôn tin điều đó chắc chắn sẽ trở thành hiện thực. Tôi ra đi không hề luyến tiếc vì tôi đã làm được việc của một người đàn ông Hàn Quốc phải làm."
13 năm sau, lời nói đó của nghĩa sĩ Yun Bong-gil đã trở thành hiện thực, Hàn Quốc đã giành được độc lập. Năm 1946, hài cốt của nghĩa sĩ được đưa về nước, an táng tại nghĩa trang trong công viên Hyochang, Seoul. Ngày 1/3/1962, chính phủ Đại Hàn Dân Quốc đã truy tặng cho Yun Bong-gil Huân chương Kiến quốc, huân chương cao quý nhất trong số các huân chương khen thưởng ca ngợi công lao xây dựng đất nước của Hàn Quốc. Đó cũng chính là tấm lòng của cả dân tộc Hàn dâng lên, tưởng nhớ đến sự hy sinh cao quý của anh.

Lựa chọn của ban biên tập