Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Hong Beom-do, anh hùng của trận chiến Bongodong

2012-06-07

<b>Hong Beom-do</b>, anh hùng của trận chiến Bongodong
Dấu vết xưa của cuộc đấu tranh kháng Nhật cứu quốc

Năm 1910 với điều ước sáp nhập Hàn Quốc vào Nhật Bản, triều Joseon có lịch sử kéo dài 500 năm đã hoàn toàn bị diệt vong. Ngay khi thực dân Nhật dùng vũ lực để thâu tóm bán đảo Hàn, rất nhiều nhà cách mạng của phong trào độc lập Hàn Quốc đã hướng đến mảnh đất Mãn Châu. Ước mơ chung của những người con yêu nước lánh nạn về đây là đồng lòng nhất trí, đấu tranh vũ trang để đánh đuổi thực dân giành lấy độc lập.
Trên vùng thảo nguyên trống trải, các nhà cách mạng Hàn Quốc đã xây dựng nên cương lĩnh đấu tranh giành độc lập và trường học quân sự Shinheung. Họ vừa làm nông nghiệp vừa đào tạo nên hàng ngũ quân độc lập và đã có được các trận chiến oanh liệt như trận Cheongsanri và trận Bongodong, để lại nhiều dấu ấn trong công cuộc đấu tranh kháng Nhật cứu quốc. Một trong những người đã tô vẽ thêm cho Hàn Quốc 1 trang sử sôi động của giai đoạn này chính là Hong Beom-do, vị anh hùng của 2 trận chiến Bongodong và trận đại thắng Cheongsanri.

Nhập ngũ làm lính kèn ở tuổi 15o

Hong Beom-do sinh năm 1868, là con trai trong một gia đình nông dân nghèo ở Pyeongyang (Bình Nhưỡng) thuộc tỉnh Nam Pyeongan. Ông đã lớn lên trong nỗi khó khăn vất vả, ra đời được 7 ngày thì mẹ mất, lên đến chín tuổi thì cha mất, sau phải về giúp việc đồng áng cho gia đình người chú rồi đi làm thuê cho một nhà giàu trong vùng.
Năm 1883, khi lên 15 tuổi, Hong Beom-do đã khai tăng thêm 2 tuổi để nhập ngũ vào làm lính kèn trong phủ Quan sát sứ (Nguyên văn là Giám doanh) của tỉnh Pyeongan. Làm trong quân đội được hơn 3 năm, lần đầu tiên có được cuộc sống ổn định, nào ngờ các quan chức trong quân lại bày trò tham nhũng nên ông đã bỏ trốn khỏi doanh trại để đi làm thợ săn. Đương khi sống một cuộc sống quên đời thì tháng 8 năm 1895 đã xảy ra môt sự kiện làm thay đổi suy nghĩ của ông. Đó là “Sự biến năm Ất Mùi” (1895) với việc thích khách Nhật đột nhập vào cung Gyeongbok ám sát Hoàng hậu Myeongseong (Minh Thành Hoàng hậu).

Bắt đầu làm nghĩa binh

Cái chết của Hoàng hậu Myeongseong đã khiến cho cả đất nước Joseon phẫn nộ, khởi nghĩa bùng nổ khắp nơi. Hong Beom-do đã nguyện tham gia vào cuộc kháng chiến sục sôi đứng lên bảo vệ đất nước cùng toàn thể dân tộc. Năm 1895, ông đã mai phục ở đèo Cheollyeong, cửa ngõ nối các tỉnh Gyeonggi, Gangwon với vùng Gwanbuk ở Đông Bắc bán đảo Hàn (nay là các tỉnh Nam Hamgyeong và Bắc Hamgyeong) và bắn chết khoảng 10 lính Nhật. Tại đây, ông đã phát huy được thuật bắn súng và đầu óc phân tích địa hình địa thế tinh tường mà ông tích lũy được khi còn làm phu mỏ và thợ săn.
Sau đó, ông đã di chuyển đến Hakpo, tỉnh Hamggyeong, cùng với 12 người khác để đánh nhau với quân Nhật ở vùng giáp ranh giữa các tỉnh Nam Pyeongan, Nam Hamgyeong và Hwanghae, tiến hành nhiều hoạt động trừng trị cường hào và bè lũ quan lại thân Nhật. Đặc biệt, ngày 3/9/1907, khi thực dân Nhật áp đặt thi hành luật thu hồi các loại vũ khí của người Hàn, Hong Beom-do đã tập trung các thợ săn chống đối bộ luật lại, xây dựng thành một đội nghĩa binh, dùng lối đánh du kích, xuất quỷ nhập thần, tấn công quân Nhật ở các địa phương như Gapsan, Hyesan và Jaseong... Năm 1910, khi thực dân Nhật tiến hành sáp nhập Joseon vào Nhật, ông đã tới Mãn Châu, chính thức bắt đầu tham gia các hoạt động của nghĩa quân.

Trận Bongodong, mở màn cho một cuộc đại chiến

Hong Beom-do đã trở nên nổi tiếng là một vị tướng chỉ huy nghĩa binh. Ông dồn sức đào tạo nên đội quân độc lập. Năm 1911, ông cho thủ hạ của mình là Park Yeong-shin đánh quân Nhật ở Gyeongwon, tỉnh Bắc Hamgyeong, thu về chiến thắng lớn. Năm 1919, khi phong trào Độc lập 1/3 diễn ra, ông trở thành tổng chỉ huy của quân Độc lập Hàn Quốc, xây dựng nên một lực lượng quân đội lên tới 400 người, bất ngờ tấn công vào quân Nhật và thu về nhiều thắng lợi ở các vùng Gapsan, Hyesan, Jaseong. Hoạt động vũ trang ở vùng biên giới của quân đội Hong Beom-do đã giáng đòn mạnh vào thực dân Nhật và quân Nhật bắt đầu phản kích.
Ngày 7/6/1920 sư đoàn 19 và lực lượng đồn trú tại Namyang của Nhật đã tấn công vào căn cứ của quân độc lập tại Bongodong. Quân đội của Hong Beom-do, lúc bấy giờ chỉ với hơn 700 người đã đánh với chiến thuật hết sức tinh tế, dẫn dụ được quân Nhật vào phía trong thung lũng Bongodong, nơi có địa hình giống như một chiếc mũ lật ngược. Kết quả là họ đã khiến cho kẻ thù bị thiệt hại nặng nề, giết chết 150 tên, làm bị thương hơn 200 tên, thu về 160 súng trường, 3 súng máy trong khi tổn thất của họ là không đáng kể. Trận chiến Bongodong được coi là chiến thắng lớn nhất của quân độc lập Hàn Quốc tính tới thời điểm lúc bấy giờ.

Người anh hùng chìm vào trong lịch sử

Trận đánh Bongodong được coi là trận giao chiến mở màn đầu tiên cho cuộc chiến giành độc lập của Hàn Quốc. Nhờ vào thắng lợi của trận đánh này, quân độc lập đã có được lòng tự tin và tiếp tục giành chiến thắng trong các trận chiến ở Nodugu và Cheongsanri. Đặc biệt, tháng 9/1920, Hong Beom-do đã tham gia đánh trận Cheongsanri với tư cách là trung đoàn trưởng trung đoàn 1 của "Bắc lộ quân chính thự" - một tổ chức đấu tranh vũ trang của Hàn Quốc, tiếp thêm sức mạnh cho tướng Kim Jwa-jin giành chiến thắng cho quân Độc lập. Sau đó, năm 1921 ông chuyển đến Alekseyevsk thuộc Nga (nay là Svobodny), thành lập nên trường "Sĩ quan Cách mạng Goryeo" với sự hỗ trợ của chính quyền Xô-viết. Tuy nhiên, về sau xảy ra các sự cố như chính quyền Xô-viết yêu cầu quân Độc lập giải tán vũ trang, sự kiện xung đột với hồng quân ở thành phố "Tự do" Svoboda (Svobodny), nhiều thành viên trong quân đã bị sát hại và bắt làm tù binh v.v... Vì thế, Hong Beom-do đã chuyển sang, dồn tâm huyết cho việc đào tạo thế hệ trẻ trở thành những nhà lãnh đạo của phong trào độc lập và rồi qua đời tại Siberia vào năm 1943, 2 năm trước khi Hàn Quốc giành độc lập từ thực dân Nhật. Vị anh hùng, người chính thức mở màn cho cuộc đấu tranh vũ trang kháng Nhật bên ngoài lãnh thổ của Hàn Quốc đã kết thúc thời kỳ oanh liệt của mình một cách chìm lắng như vậy.

Lựa chọn của ban biên tập