Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Hong Sun-eon, quan thông dịch kiệt xuất thời Joseon

2012-06-14

<b>Hong Sun-eon</b>, quan thông dịch kiệt xuất thời Joseon
Quan thông dịch luôn được chú ý dưới triều Joseon

Xã hội Joseon rất mực coi trọng chế độ đẳng cấp, đất nước được thâu tóm, đứng đầu bởi tầng lớp quý tộc Yangban (Lưỡng ban). Tuy vậy, cũng đã xuất hiện lớp người dùng trình độ chuyên môn để tiên phong, dẫn dắt cả thời đại. Một trong số đó là các quan thông dịch luôn hoạt động sôi nổi, tung hoành khắp nơi nhờ vào kiến thức tiếng nước ngoài nổi trội của mình. Họ là tầng lớp trung lưu, dù chỉ nằm giữa quý tộc cai trị Yangban và thường dân bị trị nhưng vẫn để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử. Có thể nói, quan thông dịch Joseon vừa là nhà ngoại giao vừa như một "biên giới mới" (New Frontier), đi đầu trong tiếp nhận các luồng văn hóa đa dạng, có lúc lại như một thương nhân hay vượt qua biên giới để đem về những thành công rực rỡ trong lĩnh vực thương mại. Trong số các vị quan thông dịch đó, nhân vật gây được sự chú ý hơn cả chính là Hong Sun-eon, người đã góp phần đem lại thế cân bằng trong cuộc chiến chống xâm lược Nhật Bản năm Nhâm Thìn (1592) của Joseon.


Duyên kì ngộ nơi đất khách

Hong Sun-eon sinh năm 1530 là con trai đầu lòng của Hong Gyeom, một viên quan thông dịch từng 2 lần được cử sang triều Minh, Trung Quốc. Tuy là con vợ lẽ, nhưng từ nhỏ ông đã tỏ ra là người có chí lớn và rất nghĩa khí.
Sớm học được tiếng Hán, Hong Sun-eon đã ra làm quan thông dịch cho triều Joseon và được cử đi sứ nhà Minh. Tại một kỹ viện ở Yên Kinh, động lòng trắc ẩn trước một người con gái phải làm kỹ nữ để kiếm tiền lo tang lễ cho cha mẹ, ông đã liều mình, đem tiền công quỹ ra giúp đỡ. Người con gái lấy làm cảm kích, gặng hỏi tên mà ông không nói, sau chỉ cho biết mình là họ Hong rồi bỏ đi. Người đi cùng đều cười ông là không biết gì về nhân tình thế thái.
Họa vô đơn chí, sau khi về nước, do không trả đủ tiền công, Hong Sun-eon đã bị giam nhiều năm trong ngục. Chính lúc này, giữa nhà Minh và triều Joseon đã nổi lên mối xung đột ngoại giao gay gắt xung quanh một vụ việc lịch sử chưa được giải quyết.


Giải quyết vấn đề ngoại giao lớn nhất của hoàng thất, mong ước bấy lâu của triều Joseon

Sự kiện vốn có tên gọi theo tiếng Hán là "Tông hệ biện vu" (Biện minh về vấn đề tổ tông dòng họ). Thực chất đây là vụ việc triều Joseon phát hiện ra trong "Thái Tổ thực lục" và "Đại Minh hội điển" của nhà Minh, Trung Quốc có ghi chép sai lệch rằng vua Thái Tổ Yi Seong-gye của họ là con trai của Yi In-im, một viên quan quyền thế dưới triều Goryeo trước đó và đã yêu cầu nhà Minh phải sửa lại cho đúng. Đã qua nhiều lần đề nghị đính chính lại những méo mó này trong ghi chép lịch sử nhưng triều Joseon vẫn chưa nhận được tín hiệu khả quan từ nhà Minh. Trong suốt 200 năm, vấn đề không được giải quyết và cho đến thời vua Seonjo (Tuyên Tổ), vị vua đời thứ 14 này của Joseon mới tức giận phán rằng "Nếu không giải quyết được vấn đề sẽ xử phạt các quan thông dịch". Lúc đó, các quan thông dịch mới bàn nhau trả tiền nợ hộ cho Hong Sun-eon, đưa ông ra khỏi tù và bổ nhiệm ông vào vị trí đứng đầu quan thông dịch.
Dù rằng đây là nhiệm vụ nguy hiểm, nếu không hoàn thành được có thể sẽ phải chết nhưng Hong Sun-eon đã quyết định lên đường, theo quan Đại đề học Hwang Jeong-uk tới Bắc Kinh. Tại đây, thật tình cờ, ông đã gặp được một quý nhân. Đó chính là người phụ nữ ngày nào ông giúp ở kỹ viện.
Nguyên sau khi được Hong Sun-eon giúp đỡ, người phụ nữ đã đem số tiền ông cho đi làm tang lễ cho cha mẹ, sau đó đã gặp và lấy một viên quan Lễ bộ thị lang tên là Thạch Tinh. Giây phút gặp lại ân nhân, để báo đáp, cô đã ra sức thuyết phục chồng giúp đỡ, giải được cái hận suốt 200 năm cho triều Joseon. Ngoài ra, cô còn tặng Hong Sun-eon tấm lụa thêu 2 chữ "báo" và "ân" để tỏ lòng nhớ tới ơn xưa.


Thuyết phục nhà Minh gửi quân tham gia cuộc chiến năm Nhâm Thìn (1592)

Hong Sun-eon đã giúp hoàng thất triều Joseon sửa chữa tộc phả ghi trong sử sách Trung Quốc. Nhờ công lao đó, năm 1590 ông được phong tước "Đường lăng quân", tước hiệu công thần lần đầu tiên được ban cho quan thông dịch. Đương đảm nhiệm trọng trách trước các công việc quốc gia thì tháng 4 năm 1592 xảy ra cuộc chiến chống Nhật Bản xâm lược và một lần nữa Hong Sun-seon lại lên đường sang Trung Quốc. Lần này, ông được triều Joseon cử làm sứ thần đi cầu viện binh và ông cũng đã tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của viên quan nhà Minh là Thạch Tinh.
Thạch Tinh có ấn tượng sâu sắc trước tấm lòng độ lượng, sẵn sàng giúp đỡ kẻ gặp khó khăn của Hong Sun-eon nên đã trực tiếp đứng ra, thuyết phục các quan lại nhà Minh, những người phản đối chi viện cho Joseon. Cuối cùng, mọi việc đều thuận buồm xuôi gió, nhà Minh đã gửi 5 vạn quân qua giúp Joseon. Sau đó, Hong Sun-eon trở thành quan thông dịch cho tướng nhà Minh là Lý Như Tùng. Ông đã chuyển tải đầy đủ thông tin về tình hình ở Joseon cũng như giúp cho tướng nhà Minh nắm được chính xác thế cục chiến tranh, góp phần vào việc đoạt lại thành Pyeongyang (Bình Nhưỡng).
Hoạt động của Hong Sun-eon được xem là bước ngoặt đưa Joseon đến với thắng lợi trong cuộc chiến chống xâm lược Nhật Bản năm Nhâm Thìn (1592), một cuộc chiến đã cướp đi hàng trăm vạn sinh mạng và gây nhiều thiệt hại về tài sản. Chuyện viết về ông được ghi trong hơn 30 cuốn sách, trong đó có các cuốn như "Tuyên Tổ thực lục", "Nhiệt hà Nhật ký", "Tinh hồ tái thuyết" v.v...
Qua đời vào năm 1598, hưởng thọ 68 tuổi, những cái tên Hong Sun-eon vẫn được người đời truyền tụng, ca ngợi mãi trong suốt hàng trăm năm. Ông là nhân vật đã lay chuyển được lòng người Trung Quốc, làm thay đổi được lịch sử của Joseon bằng vào những câu chuyện cảm động và tài ngoại giao xuất chúng.

Lựa chọn của ban biên tập