Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Nhà thơ Park Mok-wol, "kẻ lang thang" để ca tụng thiên nhiên trên văn đàn Hàn Quốc

2012-07-12

Nhà thơ <b>Park Mok-wol</b>, "kẻ lang thang" để ca tụng thiên nhiên trên văn đàn Hàn Quốc
Nhà thơ ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của dân tộc Hàn

Jeong Ji-yong là một nhà thơ nổi tiếng. Ông là người đã giới thiệu được rất nhiều tài năng đến với diễn đàn thi ca Hàn Quốc, trong số đó có những người như thiên tài Lee Sang hay Jo Ji-hoon và Park Du-jin của nhóm Thanh Lộc (Cheongrokpa)... Năm 1940, trên tạp chí văn nghệ mang tên "Văn Chương", ông đã có đoạn giới thiệu như sau về tác giả Park Mok-wol: "Ở miền Bắc có So-wol (Tố Nguyệt) thì ở miền Nam có Mok-wol (Mộc Nguyệt). Nếu như giai điệu đều đặn, bay bổng trong bài "Sakju Guseong" (tác phẩm mang tên quê hương của nhà thơ Kim So-wol) đến nay đọc vẫn thấy thích, thì Mok-wol cũng không hề thua kém. Trong thơ, tác giả có nét tinh tế, hài hòa và sự khổ công tìm kiếm, đưa giai điệu dân ca vào thơ. Nếu lối tu từ mang phong cách dân ca này được trau chuốt đầy đủ, thơ của Park Mok-wol sẽ đích thực là thơ Hàn Quốc."
Thơ của Park Mok-wol kết hợp tâm hồn của con người phương Đông vào trong nhịp điệu mang phong cách dân ca 7-5 truyền thống của Hàn Quốc, được giới văn học Hàn Quốc đánh giá rất cao. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem nhà thơ Park Mok-wol đã để lại những tác phẩm nào khiến thơ ông được đánh giá là thơ tiêu biểu của Hàn Quốc.

Con đường đến với thơ

Park Mok-wol tên thật là Yeong-jong, sinh năm 1916 tại huyện Wolseong (nay là Gyeongju) tỉnh Bắc Gyeongsang. Do cha là tổ trưởng tổ hợp tác thủy lợi, nên Park Mok-wol cũng lớn lên trong một hoàn cảnh có đôi chút dư dả hơn so với người khác. Chịu ảnh hưởng của ông nội là người rất quán triệt tư tưởng cải cách khai sáng, nên ông đã đi học phổ thông cơ sở và trung học tại Daegu và sớm có cuộc sống xa nhà.
Park Mokk-wol thường lấy việc đọc sách và tập luyện sáng tác làm thú vui để an ủi cho nỗi niềm cô đơn của mình. Năm 1933, khi 17 tuổi, ông đã nổi danh với việc gửi thơ đăng trên tạp chí thiếu nhi. Các tác phẩm của ông như "Tongttakttak Tongttakttak", "Đón én về" đều được tuyển chọn đăng trên tạp chí "Thiếu nhi", "Tân gia đình" và tên tuổi của ông cũng sớm được khẳng định trên thi đàn.
Tuy nhiên năm 1935, sau khi tốt nghiệp trường trung học Gyeseong, gia cảnh sa sút, ông phải trở về quê, làm việc tại hợp tác xã tín dụng Dongbu. Tại đây, ông đã gặp được một người bạn đồng hương là một văn nhân. Đó chính là Kim Dong-ri một cây đại thụ tiêu biểu của văn học Hàn Quốc sau ngày đất nước được giải phóng. Hai người đã kết bạn thân và thường xuyên trao đổi về văn học. Năm 1935, tiểu thuyết "Hậu duệ của Hwarang" của Kim Dong-ri đoạt giải thưởng văn nghệ hàng năm "Tân xuân văn nghệ" do tờ Jungangilbo (Trung ương Nhật báo) tổ chức và một năm sau đó, tác phẩm "Sơn hỏa" (Lửa núi rừng) của tiểu thuyết gia này cũng được giải trên báo Jungangilbo. Bị khích lệ trước những thành công của bạn, lại nhớ tới lời nguyện thề "lớn lên sẽ trở thành nhà thơ" với chữ khắc "thi nhân" trên thân cây thủa còn học trường trung học Gyeseong, Park Mok-wol đã giở tập bản thảo ra và quay trở lại với việc viết lách.

Thơ để an ủi cho nỗi nhớ quê hương

Tháng 2/1939, sự ra đời của một tạp chí mới đã đem đến bước ngoặt lớn trong cuộc đời của các văn nhân Hàn Quốc. Đó chính là tạp chí văn nghệ tổng hợp mang tên "Văn Chương", một tạp chí xuất hiện nhằm bổ sung cho khiếm khuyết, hạn chế mỗi năm chỉ có 1 lần của giải "Tân xuân Văn nghệ". Với tạp chí "Văn Chương", các tác giả nổi tiếng như Lee Tae-jun, Jeong Ji-yong, Lee Byeong-gi cũng đã thực hiện chế độ giới thiệu nhà văn, nhà thơ mới trên các lĩnh vực tiểu thuyết, thơ và sijo (thời điệu, thể loại thơ truyền thống của Hàn Quốc). Lúc này, Park Mok-wol chính thức bắt đầu một cuộc sống mới của mình với bút danh Mok-wol (Mộc Nguyệt). Bút danh này vốn có chữ Mok (Mộc) nghĩa là cây gỗ được rút ra từ chữ Su (Thụ) trong tên hiệu Su-ju (Thụ Châu) của thi hào dân tộc Byeon Yeong-ro rồi đem ghép với chữ Wol (Nguyệt) là chữ lấy theo trong tên của nhà thơ Kim So-wol (Tố Nguyệt) nổi tiếng. Tháng 9 năm 1939, với bút danh Mok-wol, nhà thơ đã đăng đàn, ra mắt trên tạp chí "Văn Chương" với các tác phẩm: "Như những con đường", "Vòng sinh trưởng"...
Tuy nhiên, chính sách đồng hóa của thực dân Nhật ngày càng trở nên nặng nề với các việc ép người Hàn học tiếng Nhật, đổi cách đặt tên sang theo kiểu Nhật v.v... Tháng 8 năm 1940, hai tờ Joseonilbo (Triều Tiên nhật báo) và Dongailbo (Đông Á nhật báo) ngừng phát hành, năm 1941 các tạp chí như "Văn Chương", "Nhân văn bình luận" cũng không còn nữa. Lúc bấy giờ, cho dù có sáng tác, Park Mok-wol cũng không có chỗ để công bố tác phẩm của mình nhưng ông vẫn quyết không bỏ nghiệp thơ thêm một lần nào nữa. Ông đã chép đầy thơ vào cuốn sổ tay để an ủi cho nỗi cô đơn và thất vọng của mình.
Năm 1942, Park Mok-wol tình cờ gặp nhà thơ Jo Ji-hoon ở quê của ông là Gyeongju và tại đây, hai tác giả đã có nhiều thời gian để trao đổi, tâm sự thơ văn. Jo Ji-hoon đã tặng Park Mok-wol bài thơ mang tên "Ngoạn hoa sam" (Ngắm chiếc áo hoa) và Park Mok-wol cũng đã đáp lại bằng tác phẩm "cuốc vườn". Đặc biệt, sau 5 ngày gặp nhau ở Gyeongju, Park Mok-wol đã nhớ tới nhà thơ Jo JI-hoon và sáng tác nên bài "Kẻ lang thang". Trong bài thơ, tác giả đã gửi nỗi vất vả, mệt mỏi của cuộc sống trôi theo dòng sông với câu thơ mở đầu: "Kẻ lang thang vượt qua bến sông, đi trên con đường của những cánh đồng lúa mì tựa như mặt trăng trôi giữa đám mây." "Kẻ lang thang" đã trở thành tác phẩm tiêu biểu của Park Mok-wol, mang đậm chất trữ tình mà giàu sắc thái của những làn điệu dân ca, thể hiện được nét giản dị mà thầm lặng trong cuộc sống của người dân nghèo thành thị. Park Mok-wol đã chứa đựng trong thơ cả thế giới nội tâm và linh hồn của con người với những lời thơ đậm đà tính bản địa.
Năm 1946, sau khi đất nước được giải phóng khỏi thực dân Nhật, Park Mok-wol đã cùng hai nhà thơ Jo Ji-hoon và Park Du-jin xuất bản tập thơ "Cheongrok" (Thanh Lộc tập), ca ngợi những suy nghĩ, cảm nhận của con người Hàn Quốc bằng chính chữ quốc ngữ đã được trau chuốt tinh tế, cho thấy cảnh giới cao nhất mà khả năng cảm nhận và trí tưởng tượng của dân tộc Hàn có thể đạt đến.

Kẻ lang thang đi như mặt trăng trôi giữa đám mây

Park Mok-wol đã đoạt giải thưởng tại giải Văn học Tự do châu Á lần thứ 3 và xuất bản tập thơ riêng đầu tiên mang tên "Sơn đào hoa" vào năm 1955. Sau này ông còn cho ra mắt rất nhiều tập thơ khác như "Lá khô vùng Gyeongsang", "Sa lịch chất" (Chất của cát sỏi), "Vô thuận" (Không trật tự). Park Mok-wol cũng đã có nhiều tâm huyết trong việc đào tạo thế hệ sau. Năm 1953 ông là giáo sư dạy tại đại học Hongik và năm 1962 làm giáo sư dạy tại đại học Hanyang.
Park Mok-wol đã sáng tạo ra một không gian mới tươi đẹp chưa từng có trong lịch sử văn học Hàn Quốc trước đó và ông đã suy ngẫm về cuộc đời một cách hết sức bình lặng. Sau khi đi tản bộ về nhà, vào một sớm bình minh ngày 24/3/1978, ông đã thanh thản qua đời tựa như "mặt trăng trôi giữa đám mây". Người ta nói, ông trở thành nhà thơ là để ghi chép lại những câu chuyện mà các vì sao trên trời đang thì thầm. Và nếu vậy, giờ đây, có lẽ ông vẫn đang theo các vì sao để cất lời ca về tấm lòng của con người, ca về vẻ đẹp của thiên nhiên.

Lựa chọn của ban biên tập