Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Seok Ju-myeong, nhà côn trùng học nổi tiếng nghiên cứu về các loài bướm

2013-03-14

<strong>Seok Ju-myeong</strong>, nhà côn trùng học nổi tiếng nghiên cứu về các loài bướm
Người Joseon mà Nhật Bản phải ganh tị

Vận động viên ma-ra-tông Sohn Kee-chung và học giả Seok Ju-myeong được xem là những nhân vật người Joseon mà Nhật Bản luôn muốn có trong giai đoạn thống trị Hàn Quốc. Đặc biệt Seok Ju-myeong là một học giả rất được người Nhật tôn kính. Năm 1941 khi Seok Ju-myeong sang thăm Nhật, báo Mainichi của nước này đã cho in hàng chữ lớn với tiêu đề "Chuyên gia nghiên cứu bướm tầm cỡ thế giới tới thăm Tokyo". Đồng thời, giáo sư Esaki Teizo của đại học Kyushu, một cây đại thụ trong giới học giả Nhật Bản cũng đã phải hết lời khen ngợi Seok Ju-myeong, đánh giá ông là người vượt trội hơn bất kỳ ai trong lĩnh vực nghiên cứu về bướm, và rằng tác phẩm "Danh mục các loài bướm của Joseon" của ông đúng là sản phẩm hoàn hảo có một không hai.
Mặc dù vị học giả này không mấy nổi tiếng so với vận động viên Sohn Kee-chung, song không biết tại sao người Nhật vào thời điểm đô hộ Hàn Quốc lại dành cho ông những tràng pháo tay như vậy.


Quan tâm hiểu biết về sinh vật học

Seok Ju-myeong sinh ngày 13/11/1908 tại Pyeongyang (Bình Nhưỡng). Thuở nhỏ, ông lớn lên trong một gia đình khá giả, dư dật tới mức mẹ của ông có thể mua tặng ông cả máy đánh chữ, giá còn đắt hơn cả một con bò lúc bấy giờ. Năm 1921, ông tốt nghiệp trường Phổ thông công lập Jongno tại Pyeongyang và tiếp tục nhập học vào trường Phổ thông trung học Sungsil. Tại đây khi xảy ra sự kiện học sinh bãi khóa, ông đã bỏ học và một năm sau chuyển sang học tại trường Phổ thông trung học Songdo do nhà hoạt động chính trị - xã hội Yun Chi-ho sáng lập. Có thể xem việc chuyển sang học tại trường Songdo chính là một bước ngoặt trong cuộc đời của Seok Ju-myeong.
Trường Songdo khi đó có nhà điểu học nổi tiếng Won Hong-gu đương làm giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên. Do ảnh hưởng từ thầy Won Hong-gu mà Seok Ju-myeong bắt đầu quan tâm đến thế giới tự nhiên. Năm 1926, ông đã lên đường du học, trở thành người Joseon duy nhất vượt qua muôn ải khó khăn để đến với trường Cao đẳng Nông lâm Kagoshima, một trường nông nghiệp nổi tiếng hàng đầu của Nhật Bản. Trong quá trình học tại đây, được sự yêu mến, ủng hộ của giáo sư Okajima Kinji, chủ tịch Hội Nghiên cứu côn trùng Nhật Bản, Seok Ju-myeong đã chú ý tới lĩnh vực côn trùng học. Năm 1929, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Nông lâm Kagoshima, sau đó năm 1930 quay về trường Songdo nơi ông từng học để làm giáo viên dạy môn sinh vật và bắt đầu nghiên cứu về các loài bướm.


Thế giới cùng các loài bướm

Ban đầu Seok Ju-myeong vốn có dự định làm công việc liên quan đến sinh vật học nhưng do thị lực kém nên ông đã chuyển sang quan tâm về côn trùng học. Ông đã hạ quyết tâm sưu tầm các loài bướm, bước khởi đầu đối với những người nghiên cứu về côn trùng. Thật may là trường Songdo nơi ông làm việc lại có điều kiện rất tốt phục vụ cho việc nghiên cứu. Sở dĩ Songdo vốn là trường Phổ thông trung học xây dựng từ năm 1906 dưới sự hỗ trợ về tài chính của Warren Candler, hiệu trưởng trường Đại học Emory của Mỹ. Về quy mô trường học này còn to hơn cả đại học Waseda của Nhật Bản, có đủ các cơ sở như trung tâm nghiên cứu vật lý, hóa học với nhiều giảng đường lớn và thiết bị thí nghiệm. Đặc biệt trong khuôn viên bảo tàng của trường gồm 2 tầng trên mặt đất và 1 tầng hầm có đầy đủ các phòng học, kho bảo quản, phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm và phòng cất giữ trưng bày mẫu vật... Chính tại đây, trong quãng thời gian 11 năm, Seok Ju-myeong đã vừa dạy học vừa toàn tâm cho việc nghiên cứu các loài bướm. Mỗi khi có thời gian ông lại đi khắp nơi trên cả nước để sưu tập bướm. Bộ sưu tập của ông đạt tới 750 nghìn con bướm, chưa kể hàng năm, vào kỳ nghỉ hè sinh viên ở các địa phương còn đổ về, mang mẫu bướm cho ông.


Mở ra thời đại mới cho khoa học nghiên cứu phân loại bướm

Trên thực tế, giai đoạn đầu những năm 1930, khi Seok Ju-myeong mới bắt đầu vào cuộc thì các học giả nước ngoài đã có hơn 50 năm tích lũy các công trình nghiên cứu về bướm Hàn Quốc. Tuy nhiên, cho đến thời điểm bấy giờ các nhà nghiên cứu nước ngoài chỉ đi theo hướng sưu tầm về vài cá thể để quan sát. Khi thấy bướm có đôi chút khác nhau về hình thái họ đã vội tuyên bố là phát hiện ra loài mới hoặc biến thể mới, rồi đặt ngay cho chúng những cái tên khoa học bằng tên của họ. Chính vì thế, Seok Ju-myeong đã cho rằng một phần đáng kể trong các công trình nghiên cứu của người nước ngoài về bướm Hàn Quốc là không chính xác. Ông đã sưu tầm mẫu cá thể với số lượng hơn rất nhiều so với của học giả nước ngoài và chứng minh rằng những loài hay phân loài bướm được đăng ký vào danh mục trước đây chẳng qua đều chỉ đơn thuần là những biến dị cá thể. Đồng thời ông cũng đã làm rõ phạm vị biến dị cá thể của mỗi loài và loại bỏ bớt đi các tên khoa học được cho là không chính xác.
Nhờ sự cố gắng đó, Seok Ju-myeong đã cho ra cuốn "Danh mục các loài bướm của Joseon" vào năm 1940, thông qua đó tiến hành phân loại lại, đưa con số 844 loài bướm mà các học giả Nhật Bản đề ra trước đây xuống còn 248 loài. Việc làm này của ông đã mở ra một giai đoạn mới cho khoa học nghiên cứu phân loại bướm của Hàn Quốc. Cuốn "Danh mục các loài bướm của Joseon" đã trở thành cuốn sách do người Hàn Quốc viết đầu tiên được cất giữ tại Thư viện Hoàng gia Anh và nhờ đó Seok Ju-myeong cũng đã đứng vào hàng ngũ của các học giả nổi tiếng thế giới.


Sự ra đi của vị tiến sĩ chuyên nghiên cứu về bướm

Seok Ju-myeong cả đời sống cùng với bướm. Ông đã đặt rất nhiều tên cho các loài bướm như bướm Thiếu nữ mùa xuân, bướm Thần tiên đai xanh, bướm Vải gai v.v... Thậm chí ngay cả trong vòng xoáy khốc liệt của chiến tranh ông cũng luôn hướng về bướm. Khi cuộc chiến tranh Hàn Quốc (1950) xảy ra, ông đã không chịu đi sơ tán mà ở lại để giữ 750 nghìn mẫu bướm do ông sưu tầm tại Bảo tàng Khoa học Quốc gia, phường Waryong, Seoul. Thật không may, ngày 6/10/1950, ông đã bất ngờ trúng đạn chết trong lúc chạy tới bảo tàng vì thấy nơi này đang bị ném bom.
Cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đã cướp đi Seok Ju-myeong, nhà khoa học nghiên cứu bướm tầm cỡ thế giới của Hàn Quốc. Tuy vậy, lòng nhiệt tình, hy sinh cho nghiên cứu, sẵn sàng vượt cả chặng đường xa từ Seoul đến Pyeongyang mỗi khi phát hiện ra bướm quý của ông đã khiến cho giới sinh vật học thế giới phải ngạc nhiên, khâm phục. Ông chính là người đã mở ra mảnh đất nghiên cứu mới về côn trùng học, đóng góp thêm cho Hàn Quốc một tên tuổi nổi tiếng về khoa học.

Lựa chọn của ban biên tập