Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Yi Eung-no, cây đại thụ của mĩ thuật Hàn Quốc thời cận hiện đại

2013-04-04

<strong>Yi Eung-no</strong>, cây đại thụ của mĩ thuật Hàn Quốc thời cận hiện đại
Thổi hơi thở hiện đại vào mĩ thuật truyền thống

Bước vào những năm 1930, luồng gió mới của trường phái Dã thú (Fauvism) và trường phái Biểu hiện (Expressionism) bắt đầu đến với giới mĩ thuật Hàn Quốc. Lúc này có một họa sĩ trẻ luôn trăn trở, tìm kiếm cách thức để có thể thổi hơi thở hiện đại vào tranh, thoát khỏi những đề tài truyền thống quen thuộc như "tứ quân tử" (tranh mai, lan, cúc trúc)... Người đó chính là Yi Eung-no, hiệu Cố Am, nhà mĩ thuật đã xây dựng nên một thế giới sáng tác độc đáo, mở ra một chân trời mới trong lịch sử mĩ thuật Hàn Quốc.


Một thanh niên yêu quý bút và và thích vẽ trúc

Yi Eung-no sinh năm 1904 tại Hongseong tỉnh Nam Chungcheong. Để đạt được ước mơ trở thành họa sĩ, năm 19 tuổi ông đã chuyển lên sống ở Seoul. Tại đây ông bắt đầu học thư pháp và vẽ "tranh văn nhân" (tranh vẽ theo thú chơi tao nhã của các bậc học giả, sĩ phu) từ Kim Gyu-jin một tên tuổi nổi tiếng trong giới thư họa lúc bấy giờ. Năm 1924, với việc tác phẩm "Thanh trúc" của ông được chọn vào Triển lãm Mĩ thuật Joseon lần thứ 3, ông đã chính thức đến với con đường làm họa sĩ. Ông trở nên nổi tiếng về vẽ trúc. Tranh thủy mặc vẽ trúc của ông liên tiếp nhiều lần được đưa vào tham gia triển lãm và nhờ vậy, ông còn được thầy Kim Gyu-jin đặt cho tên hiệu là "Trúc Sử".
Tuy nhiên, về sau Yi Eung-no đã bỏ thể loại tranh tứ quân tử truyền thống để chuyển sang nghiên cứu, khám phá các đối tượng khác dưới ánh sáng của chủ nghĩa hiện thực. Sau chiến tranh Triều Tiên 25/6/1950, vào thời buổi hỗn loạn, cá nhân ông cũng đã phải trải qua nhiều nỗi đau bi kịch. Và do đó, thông qua một loạt các tác phẩm như "Tị nạn" (1950), "Cảnh tái thiết" (1954), "Hò dô ta" (1955), "Loạn vũ" (nhảy điên loạn, 1956)... với nét bút mạnh mẽ, đầy ấn tượng ông đã chứa đựng trong tranh cảnh hỗn loạn của cuộc chiến tranh cũng như hình ảnh của những con người đang đứng lên xây dựng lại đất nước.


Vẽ con người và thiên nhiên bằng nhiều thủ pháp đa dạng

Năm 1958, Yi Eung-no đến Paris, Pháp khi ông đã bước sang tuổi 55. Lúc này, do ảnh hưởng của mĩ thuật trừu tượng đang lan toản khắp châu Âu, ông đã chuyển sang nhiều lối sáng tác mới và đa dạng. Ông đã sử dụng giấy vẽ xuyến chỉ mang theo từ Seoul kết hợp với tất cả các loại giấy bỏ đi để tạo hình bằng nghệ thuật cắt dán (collage). Bất kể với vật chất gì, ông đều thử nghiệm tạo hình trên đó. Thậm chí ông đã dám phá vỡ những giới hạn vốn có trước đây của tranh thủy mặc, tạo thêm màu sắc cho loại mực nước (mực tàu) thông thường. Các tác phẩm của ông đã gây được sự chú ý, được sự công nhận của quốc tế về khả năng sáng tạo hình tượng chứa nhiều bí ẩn và tinh thần của nghệ thuật phương Đông.
Năm 1962, ông đã mở triển lãm cá nhân đầu tiên tại phòng tranh Paul Facchetti, một phòng tranh theo khuynh hướng tiên phong cho nghệ thuật phi hình thể (Informel) của giới họa sĩ Paris. Với việc công bố các tác phẩm trừu tượng sử dụng phương thức cắt dán, Yi Eung-no đã nhận được nhiều đánh giá tốt đẹp. Năm 1963 ông tiếp tục gửi tác phẩm đi trưng bày tại Triển lãm Salon d`Automne (Triển lãm mùa thu), được hội họa châu Âu biết đến.
Năm 1964 ông lập ra trường Mĩ thuật Đông Dương nằm trong Bảo tàng mĩ thuật Cernuschi, Paris, dạy thư pháp và tranh tứ quân tử cho các học viên châu Âu. Một năm sau ông được nhận giải thưởng danh dự lớn nhất tại triển lãm mĩ thuật quốc tế Sao Paulo lần thứ 8 (Sao Paulo biennale), thú hút sự chú ý của giới mĩ thuật thế giới. Nhiều tác phẩm của ông được mời triển lãm tại các phòng tranh, bảo tàng mĩ thuật ở nhiều nơi như Pháp, Đức, Thụy Sĩ và Đan Mạch.
Yi Eung-no đã thể hiện thiên nhiên và hoạt động của con người một cách sống động qua nhiều cách vẽ. Quãng thời gian 10 năm cuối cuộc đời ông đã dành hết cho việc vẽ con người. Những biến chuyển ở ông được tiếp nối bởi sự nghiệp sáng tác vẽ tranh đám đông quần chúng kể từ sau Phong trào Vận động Dân chủ Gwangju diễn ra ngày 18/5/1980. Ông đã vẽ nên hòa bình và hòa hợp giữa con người, bày tỏ khát vọng về một thế giới kết đoàn thông qua cảnh những đám đông quần chúng vô danh hòa lẫn vào nhau như đang nhảy múa...
Loạt tranh về quần chúng được sáng tác vào cuối đời của Yi Eung-no có thể xem là thế giới quan nghệ thuật mà ông thu nhận được trong cuộc đời, một cuộc đời đầy sóng gió, trải qua các sự kiện của lịch sử Hàn Quốc hiện đại như chiến tranh, Nam-Bắc hai miền chia cắt hay giai đoạn đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn về chính trị... Đây chính là sản phẩm kết quả, hàm chứa ở đó những lo toan, tìm tòi khám phá của tác giả với niềm tin phản ánh được yếu tố thời đại vào trong tác phẩm.
Yi Eung-no đã có được triển lãm cá nhân cuối cùng vào năm 1985 tại Tokyo, Nhật Bản. Vì thời gian sau đó, năm 1989, khi đang chuẩn bị tổ chức triển lãm đánh dấu sự kiện quay trở về nước, ông đã qua đời vì mắc bệnh tim tại Paris, Pháp. Ông được an táng tại nghĩa trang Pere Lachaise, nơi yên nghỉ của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở Paris.


Mở ra chân trời mới cho lịch sử mĩ thuật của Hàn Quốc

Yi Eung-no là một họa sĩ luôn theo đuổi, tìm đến thế giới mới, vượt qua ranh giới giữa phương Đông và phương Tây. Ông là người đã phát hiện ra những cảm nhận mang tính hiện đại chứa đựng trong tranh truyền thống của hội họa phương Đông và thổi một sức sống mới vào đó. Tác phẩm của ông đã xây dựng nên được một thế giới sáng tác độc đáo, có sự hòa quyện giữa nét truyền thống và hiện đại, mở ra một chân trời mới cho lịch sử mĩ thuật của Hàn Quốc. Những tác phẩm này hiện vẫn đang được bảo quản tại nhiều bảo tàng mĩ thuật hàng đầu của thế giới như bảo tàng Nghệ thuật Trang trí Pháp hay bảo tàng Mĩ thuật Hiện đại New York, Mỹ. Lòng nhiệt huyết và tinh thần vượt qua thử thách trong các tác phẩm của ông, cho đến nay như một "giá trị tương lai", vẫn còn hiện rõ trước mắt mọi người dân thế giới.

Lựa chọn của ban biên tập