Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Yeon Gaesomun, nhà chỉ huy quân sự xuất chúng trong cuộc chiến giữa Goguryeo và nhà Đường, Trung Quốc.

2013-04-11

<strong>Yeon Gaesomun</strong>, nhà chỉ huy quân sự xuất chúng trong cuộc chiến giữa Goguryeo và nhà Đường, Trung Quốc.
Nhân vật của những đánh giá trái ngược nhau qua mỗi giai đoạn

Trong "Tam quốc sử ký" của tác giả Kim Bu-sik (soạn năm 1145), có một nhân vật được xem là nghịch tặc giết vua, kẻ đã đem lại diệt vong cho nhà nước Goguryeo. Thậm chí, cho tới cuối thời Joseon, đa phần các tài liệu lịch sử đều tô điểm cho con người này thành một nhân vật hung ác. Tuy nhiên, giới sử học về sau lại có những đánh giá hoàn toàn khác. Nhà sử học Shin Chae-ho trong "Lịch sử thượng cổ Joseon" (Triều Tiên Thượng cổ sử) đã coi đây là một "kẻ nổi loạn vĩ đại". Park Eun-sik, tổng thống thứ hai của chính phủ lâm thời Hàn Quốc cũng từng đánh giá nhân vật này là "người có tinh thần độc lập tự chủ, can đảm và mưu lược trong đối ngoại vào bậc nhất của lịch sử Hàn Quốc". Trên quan điểm trọng Nho giáo của các triều đại phong kiến, nhìn vào chữ "trung" và tư tưởng thần phục nước lớn thì đây quả là một kẻ nổi loạn giết vua và dám chống lại "đại quốc" - bấy giờ là nhà Đường, Trung Quốc. Thế nhưng, dưới con mắt nhìn nhận của thế kỷ 20, khi những đòi hỏi về tinh thần tự chủ dân tộc được đặt lên trên, con người này lại có thể xem là một nhà cách mạng có tinh thần tự chủ cao. Đó chính là Yeon Gaesomun, người luôn nhận được nhiều ý kiến đánh giá trái ngược qua các thời đại.


Vị tướng đeo tới 5 thanh kiếm bên mình

Không có ghi chép nào về thời ấu thơ của nhân vật Yeon Gaesomun, chỉ biết rằng ông thường tự nói mình đã được sinh ra dưới nước. Ông có thân hình tráng kiện, khỏe mạnh, là người khí khái và có chí lớn, không hay câu nệ những điều nhỏ nhặt. Cha của ông vốn đảm nhận các chức quan như quan cai quản địa hạt phía Đông kinh thành, quan "Đại đối lô" (Daedaero) chức quan cao nhất thời Goguryeo (tương đương với chức vụ của thủ tướng hiện nay). Theo "Tam quốc sử ký" thì lúc bấy giờ chức quan "Đại đối lô" có thể truyền lại cho người thừa kế, tuy nhiên do tính cách tàn ác của Yeon Gaesomun nên khi ông tiếp nhận chức vị này đã không có ai chấp nhận. Cuối cùng, để kế thừa được vị trí của cha, Yeon Gaesomun đã phải thỉnh cầu mọi người cho tạm thời đảm nhiệm, nếu sau thấy không thích hợp mà bãi miễn thì ông sẵn lòng chấp nhận. Thế nhưng, sau khi lên chức "Đại đối lô", thái độ của Yeon Gaesomun đã thay đổi hẳn. Điều này khiến cho vua Yeoungryu (vua đời thứ 27 của Goguryeo) và các quý tộc phải lên kế hoạch để trừ khử ông. Tuy nhiên, Yeon Gaesomun biết trước được điều này, ông đã tìm đến yến tiệc ở Seongnam, nơi các quý tộc hội họp và giết chết hết hơn 100 quan đại thần tại đây. Xong việc, Yeon Gaesomun kéo người vào hoàng cung, giết nốt vua Yeoungryu rồi đưa cháu của vị vua này lên ngôi, đó chính là Bojang (vua đời thứ 28 của Goguryeo).
Sau đó, Yeon Gaesomun leo lên chức "Mạc li chi" một chức quan trọng yếu, nắm chính quyền và binh quyền của Goguryeo, điều hành tất cả mọi việc của đất nước. Có nhiều câu chuyện truyền lại rằng ông là người rất tàn ác, luôn đeo tới 5 cây kiếm quanh mình, mỗi lần lên ngựa đều có võ tướng, quý tộc bò xuống cho giẫm chân lên, hoặc khi đi trên đường thường kéo theo cả một đội quân, không cho ai tới gần... khiến dân chúng vô cùng khổ sở.
Trái ngược hoàn toàn với những nội dung trên, "Hoàn Đàn cổ ký" (Hwandan Gogi), một bộ sách về lịch sử Hàn Quốc thời thượng cổ lại đánh giá Yeon Gaesomun như một nhân vật mang tính tích cực. Tài liệu này nói rằng Yeon Gaesomun luôn chú ý khen thưởng cho bộ hạ, bảo vệ họ bằng lòng tin và sự chân thành vì thế khiến mọi người đều cảm động, không dám ai có lòng khác. Hơn nữa, Yeon Gaesomun còn có tài võ nghệ xuất chúng, bắn tên rất giỏi và việc ông luôn đeo 5 thanh kiếm bên mình chính là một thể hiện của sự tinh thông kiếm thuật. Được biết, kiếm thuật mà Yeon Gaesomun sử dụng chính là thuật phi đao, hay chính xác hơn là thuật phi kiếm vốn có của của vương quốc Goguryeo.


Cuộc đối đầu với vua Lý Thế Dân của nhà Đường

Năm 644 Đường Thái Tông Lý Thế Dân tuyến bố đem quân trừng phạt Goguryeo với lý do rằng "Yeon Gaesomun giết vua, tàn sát quần thần và ngược đãi bá tính. Đã thế lại trái lệnh vua Đường, xâm lược các nước lân bang nên không thể không chinh phạt." Tuy vậy, đây thực chất chỉ là cái cớ mà bấy lâu vua nhà Đường vẫn chờ đợi nhằm tiến đánh Goguryeo. Vốn Đường Thái Tông muốn làm bá chủ thiên hạ nên từ trước khi Yeon Gaesomun lên nắm chính quyền, vị vua này đã nhiều lần thể hiện ý đố xâm lược Goguryeo. Đụng độ giữa hai bên là không thể tránh khỏi và điều đó đã xảy ra khi vương quốc Silla ở phía Nam yêu cầu nhà Đường chi viện do bị nước Baekje tấn công.
Quân đội của nhà Đường vượt sông Liêu Hà (Yoha) chiếm lấy thành Gaemo, tuyến phòng ngự ở biên giới của Goguryeo, sau đó vây hãm lấy thành Yodong. Ở giai đoạn đầu của cuộc chiến, dường như các cuộc tấn công của nhà Đường đều thành công. Tuy nhiên, quân Goguryeo do Yeon Gaesomun dẫn đầu đã phản kích dữ dội, họ giữ vững được các thành Shin, thành Geonan và cầm chân được đội quân của nhà Đường.
Khi cuộc chiến chuyển sang giai đoạn trường kỳ, dần dần quân Goguryeo đã nắm được cơ hội giành chiến thắng. Quân Đường ngày càng bị cô lập và thiếu lương thực. Kết cuộc, quân Goguryeo đã có được thắng lợi sau trận chiến kéo dài 5 tháng ở thành Ansi và đẩy lui được quân nhà Đường. Đường Thái Tông mắc bệnh trên đường rút quân và về sau đã không thể đích thân cầm quân ra trận. Vị vua này còn tiếp tục ra lệnh đánh Goguryeo nhưng kết cục vẫn không thành và năm 649 đã qua đời do bệnh nặng.


Sau cái chết của Yeon Gaesomun, Goguryeo cũng bị diệt vong

Một nhận xét khác xoay quanh nhân vật Yeon Gaesomun chính là việc ông không đào tạo được người kế nghiệp của mình. Namsaeng, con trai cả của ông sau khi tranh giành quyền lực với những người em khác đã đầu hàng nhà Đường, đồng thời Yeon Jeong-to, em trai của ông cũng đầu hàng Silla. Không bỏ qua cơ hội hiếm hoi này, liên quân giữa nhà Đường và vương quốc Silla đã tiến đánh Goguryeo, khiến đất nước này bị diệt vong.
Yeon Gaesomun, là nhân vật đã đem về chiến thắng, bảo vệ được vương quốc Goguryeo trong cuộc chiến với nhà Đường. Mặc dù những đánh giá về ông có khác nhau qua mỗi thời đại, nhưng có thể thấy, bằng năng lực lãnh đạo của mình, ông đã dẫn dắt được đất nước vượt qua khó khăn, trở nên mạnh mẽ hơn. Rõ ràng, không thể phủ nhận ông là một nhà chỉ huy quân sự xuất chúng.

Lựa chọn của ban biên tập