Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Kwon Yul, danh tướng thời Joseon

2013-05-23

<strong>Kwon Yul</strong>, danh tướng thời Joseon
Kwon Yul, vị tướng của chiến thắng Haengju

Năm 1593 đã xảy ra một cuộc chiến kịch liệt giữa quân đội Joseon và Nhật Bản tại vùng núi Haengju. Người Hàn gọi đây là đại thắng Haengju, cùng với chiến thắng của tướng Yi Sun-shin ở Hansan và tướng Kim Si-min ở Jinju là 3 trận thắng lớn trong cuộc chiến chống xâm lược Nhật Bản năm Nhâm Thìn (1592) của Joseon.
Lúc bấy giờ 3 vạn quân Nhật bao vây vùng núi Haengju, tấn công tới 9 lần vào thành của Joseon nhưng đều bị đẩy lui bởi sự đồng tâm hiệp lực của hơn 1 vạn quân Joseon và công lao vận chuyển đất đá của nhiều phụ nữ trong thành. Trong trận đại thắng lịch sử ở Haengju này không thể không nhắc đến Kwon Yul vị danh tướng, tổng chỉ huy quân đội Joseon trong suốt 7 năm chiến tranh với Nhật Bản (1592-1598).

Làm quan muộn dù xuất thân từ danh gia vọng tộc

Kwon Yul sinh ra từ một gia đình danh gia vọng tộc, đời đời làm quan cao chức trọng. Ông của Kwon Yul làm chức Phủ sứ vùng Ganghwa còn cha của ông làm tới chức Lĩnh nghị chính, chức quan trọng yếu của triều đình. Thậm chí ngay cả con rể của của Kwon Yul là một vị quan nổi tiếng tài ba.
Tuy xuất thân cao quý nhưng con đường công danh của Kwon Yul lại đến với ông tương đối muộn. 10 năm trước khi xảy ra cuộc chiến chống xâm lược Nhật Bản năm Nhâm Thìn (1592), khi đã 45 tuổi ông mới thi đỗ khoa cử và ra làm quan. Ban đầu chỉ làm các chức quan nhỏ, sau đến năm 55 tuổi ông mới nhận trọng trách lãnh đạo cuộc chiến chống Nhật Bản.
Nguyên năm 1591, Kwon Yul vốn đã từng từ bỏ quan chức nhưng do xảy ra chiến tranh nên ông lại được bổ nhiệm làm Mục sứ của Gwangju. Ông đã giành được chiến thắng lớn trong trận chiến Ichi tại vùng Geumsan tỉnh Nam Chungcheong ngày nay. Có thể nói, cùng với tướng quân Yi Sun-shin, Kwon Yul đã đóng vai trò quyết định trong việc bảo vệ tỉnh Jeolla, kho lương thực của Joseon lúc bấy giờ và nhờ đó ông đã được thăng lên tới chức Quan sát sứ của Jeolla.
Về sau, Kwon Yul lại tiếp tục chiến thắng trong trận chiến ở thành Dokseong vùng Suwon và bắt đầu kéo quân lên phía Bắc để đoạt lại kinh thành từ tay giặc. Sau khi lấy lại được Pyeongyang (Bình Nhưỡng) ông tiến hành chuẩn bị hợp lực với viện quân đang kéo xuống phía Nam của nhà Minh, Trung Quốc.
Vượt qua Hangang (sông Hàn), Kwon Yul đã quan sát địa hình và chọn thành Haengju, một nơi rất thuận lợi cho việc phòng ngự để đóng quân. Nghe tin Kwon Yul chiếm đóng tại Haengju, lúc này quân Nhật bắt đầu đổ dồn về để vây đánh.

Giành đại thắng ở Haengju

Đại thắng Haengju là một trong ba trận thắng lớn của quân Joseon trong cuộc chiến chống Nhật Bản năm Nhâm Thìn (1592). Cuộc chiến bắt đầu vào khoảng rạng sáng ngày 12/2/1593. Về lực lượng, so với hơn 3 vạn quân Nhật chia làm 7 đạo tiến đánh vào thành Haengju thì quân Joseon chỉ được bằng một phần ba. Tuy nhiên, quân dân Joseon vẫn xả thân chiến đấu chống lại số đông quân Nhật đang ùn ùn kéo đến.
Sau mấy ngày đêm chiến đấu liên tục, quân Joseon dần dần cạn kiệt vũ khí. Kwon Yul đã chỉ đạo cho phụ nữ trong thành cắt bỏ phần váy dài, bọc đá vào đó để mà vận chuyển. Số đá này được sử dụng thay vũ khí, ném lên đầu, đẩy lui quân địch. Quân Nhật cậy đông lao lên tấn công nhưng rốt cuộc bị thương vong vô số, có tới 3 viên tướng bị tử trận và 2 viên tướng bị trọng thương.
Sau khi kết thúc cuộc chiến, do có công lao trong trận đại thắng Haengju, Kwon Yul được đưa lên vị trí Đô nguyên súy, chức tổng quản quân đội trong chiến tranh. Ông thường đóng quân ở vùng Yeongnam, sau đó đến khi xảy ra cuộc chiến năm Đinh Dậu (1597), quân Nhật một lần nữa trở lại xâm chiếm Joseon, ông đã đứng ra, cầm quân đánh giặc ở các vùng Ulsan và Suncheon.

Vị anh hùng qua đời sau khi đóng góp công lao cho đất nước

Năm 1599, sau khi cuộc chiến tàn khốc kết thúc, Kwon Yul đã thôi không làm quan và mất vào tháng 7 cùng năm, thọ 62 tuổi.
Sau khi vị tướng có công với đất nước, vị anh hùng của cuộc chiến tranh cứu nước qua đời, triều đình đã truy tặng ông chức Lĩnh nghị chính, đồng thời tổ chức lễ tế, ca ngợi công lao của ông tại Haengju. Kwon Yul, mặc dù làm quan khi đã cao tuổi nhưng ông vẫn trở thành một vị danh tướng, góp nhiều công lao to lớn khi đất nước gặp khó khăn

Lựa chọn của ban biên tập