Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Kwon Gi-ok, nhà hoạt động độc lập, nữ phi công đầu tiên của Hàn Quốc

2013-05-16

Ước mơ giành độc lập cho tổ quốc

Kwon Gi-ok là nữ phi công đầu tiên của Hàn Quốc, bà cũng là người tham gia phong trào đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc từ khi còn rất trẻ. Giai đoạn diễn ra phong trào vận động độc lập chống thực dân Nhật ngày 1/3/1919, mặc dù Kwon Gi-ok mới 19 tuổi, đang còn học tại trường nữ sinh Soongeui ở Pyeongyang (Bình Nhưỡng) nhưng bà cũng đã bị bắt giam tới 6 tuần vì lý do tham gia tích cực hoạt động cách mạng. Sau đó bà làm giao liên cho chính phủ lâm thời của Hàn Quốc, trở thành đối tượng luôn bị đưa vào tầm ngắm của cảnh sát Nhật.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Kwon Gi-ok đã thành công trong việc chuyển công trái do chính phủ lâm thời phát hành sang thành tiền mặt. Song, cũng chính vì vụ việc này mà bà tiếp tục bị bắt giam 6 tháng. Trong tù bà bị tra tấn hết sức tàn khốc nhưng không hề khuất phục, cảnh sát Nhật cũng phải lè lưỡi trước sự gan góc của bà.
Mùa xuân năm 1920, Kwon Gi-ok được thả khỏi tù. Bà tiếp tục bí mật làm công tác giao liên và bán công trái cho chính phủ lâm thời Hàn Quốc. Tháng 8 cùng năm, bà lập ra đội truyền đạo nữ giới thuộc Hội Thanh niên Pyeongyang (Bình Nhưỡng), đi khắp mọi miền đất nước để giảng đạo và tham gia các hoạt động bí mật. Vì vậy, cảnh sát Nhật lại đổ xô vào điều tra, truy bắt bà khiến bà phải trốn lên thuyền, vượt biển sang lưu vong ở Trung Quốc.
Kwon Gi-ok được xem là người phụ nữ tham gia hoạt động trong phong trào độc lập của đất nước từ rất sớm và đặc biệt, bà còn là nữ giới đầu tiên được bay trên bầu trời của Hàn Quốc.

Chắp cánh tung bay

Kể từ sau khi xem biểu diễn máy bay nhào lộn do viên phi công người Mỹ Art Smith thực hiện tại sân bay Yeouido, Seoul vào tháng 5 năm 1917, Kwon Gi-ok đã nuôi trong mình mơ ước được cất cánh bay trên bầu trời. Hơn thế, mục tiêu của bà còn là tìm cách để đưa máy bay vào giúp ích cho công cuộc vận động giành độc lập của đất nước. Bà đã bí mật lên thuyền đi Thượng Hải, học tiếng Trung và tiếng Anh tại một trường nữ sinh để chuẩn bị cho việc nhập học vào trường hàng không. Sau bao nhiêu cố gắng không ngừng, năm 1924 Kwon Gi-ok đã được nhận vào học tại trường đào tạo phi công Vân Nam, Trung Quốc.
Lúc bấy giờ tại trường đào tạo phi công Vân Nam có khoảng hơn 20 chiếc máy bay. Kwon Gi-ok đã được cưỡi những chiếc máy bay này, tập luyện kỹ thuật lái trong hơn 2 năm và trở thành nữ phi công đầu tiên của Hàn Quốc. Ngày 28/2/1925, khi tốt nghiệp trường đào tạo phi công Vân Nam, bà đã có tổng cộng kinh nghiệm khoảng 1500 giờ bay. Tuy nhiên, tại nơi đất khách quê người, tính mạng của Kwon Gi-ok vẫn luôn bị đe dọa. Cảnh sát Nhật dai dẳng đeo bám bà và đã cử sát thủ đi giết hại bà. Rất may, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè đồng nghiệp, bà đã thoát khỏi được mọi nguy nan, tốt nghiệp khóa học và quay lại Thượng Hải. Đây cũng chính là giai đoạn thực dân Nhật đang mở ra nhiều đợt lùng sục, kiểm tra gắt gao đối với người Hàn, những người đang tiến hành đấu tranh kháng Nhật.

Cô phi công Kwon Gi-ok

"Tôi nghĩ đến việc xây dựng trường đào tạo phi công để dùng máy bay thu hút lòng người trong nước" - Ngày 17/2/1920, trích nhật ký của Ahn Chang-ho.
Với mục đích trường kỳ đấu tranh giành độc lập, chính phủ lâm thời của Hàn Quốc tại Thượng Hải đã thành lập trường sĩ quan quân sự cũng như xúc tiến xây dựng trường đào tạo phi công và lực lượng không quân. Tuy nhiên việc mua về những chiếc máy bay đắt tiền đối với họ hoàn toàn không dễ chút nào. Mặc dù không ngừng nỗ lực nhưng nhà hoạt động cách mạng Ahn Chang-ho cũng đành chịu thất bại khi muốn mua sắm loại máy bay có khả năng bay đường dài và phải bỏ ý tưởng dùng đội bay để liên lạc với các cơ sở của phong trào độc lập phân tán rải rác ở khắp nơi.
Kwon Gi-ok lúc này đã đề ra chủ trương mua máy bay có thể oanh tạc vào Phủ Tổng đốc của thực dân Nhật tại Joseon. Nhưng sau đó thấy khó thực hiện, mùa xuân năm 1927 bà đã gia nhập, giữ chức thiếu tá và hoạt động như một thành viên sáng lập của lực lượng không quân của Quốc dân đảng Trung Quốc, khi lực lượng này mới thành lập. Năm 1937, trước khi nổ ra cuộc chiến Nhật - Trung, bà giải ngũ, cùng với các nhân vật như Kim Soon-ae, Bang Soon-hee và Choi Seon-yeop xây dựng lại Hội Phụ nữ yêu nước Hàn Quốc. Bà đã kêu gọi, tập trung được nhiều chị em phụ nữ, giúp họ tham gia vào phong trào độc lập, góp phần vào việc nuôi dưỡng, giác ngộ tinh thần độc lập cho phụ nữ Hàn Quốc.
Năm 1947, sau khi Hàn Quốc được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Nhật, Kwon Gi-ok mới quay trở về nước. Bà hoạt động với vai trò ủy viên chuyên trách Ủy ban quốc phòng của quốc hội, đóng góp nhiều công lao cho việc sáng lập ra lực lượng không quân của Hàn Quốc. Chính nhờ vậy, bà còn được mọi người yêu quý, gọi với biệt danh "cô phi công" một cách hết sức gần gũi, thân thiện.

Người phụ nữ của thời đại mới phá vỡ những quan điểm phiến diện

Kwon Gi-ok được xem là một nữ cách mạng của phong trào đấu tranh giành độc lập, nữ phi công đầu tiên của Hàn Quốc. Bà đã sống trong giai đoạn Hàn Quốc là thuộc địa của thực dân Nhật và cuộc đời bà cũng như vận mệnh của đất nước đã trải qua nhiều bước thăng trầm, biến động. Trong giai đoạn mà phi công, thậm chí cả nam giới cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, thì hình ảnh người phụ nữ bay lượn trên bầu trời vì độc lập của tổ quốc là rất đáng được đánh giá cao. Năm 1977 chính phủ Hàn Quốc đã truy tặng cho Kwon Gi-ok huân chương Kiến quốc cấp Độc lập và năm 2003 đã chọn bà làm một trọng những nhà cách mạng của phong trào độc lập tiêu biểu để kỷ niệm theo tháng.

Lựa chọn của ban biên tập