Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Yi Sajudang, người đầu tiên trên thế giới viết sách về thai giáo

2013-05-30

<strong>Yi Sajudang</strong>, người đầu tiên trên thế giới viết sách về thai giáo
Cuốn sách đầu tiên của thế giới cho thấy tầm quan trọng của chăm sóc và giáo dục cho thai nhi

"Cũng giống như y thuật giỏi là ở chỗ phòng bệnh, việc dạy dỗ cũng vậy. Học trong bụng mẹ 10 tháng còn quan trọng hơn học thầy 10 năm..."
(Yi Sajudang, "Thai giáo tân ký")
Ở Hàn Quốc trẻ em vừa sinh ra đã được tính là 1 tuổi vì người ta tính cả thời gian 10 tháng nằm trong bụng mẹ của thai nhi. Người Hàn cho rằng, thai nhi trong bụng mẹ cũng nghe được tiếng động ở bên ngoài, ăn được thức ăn mà người mẹ ăn và cảm nhận được tình cảm của con người.
Chính vì thế, từ xưa tới nay vấn đề chăm sóc và giáo dục thai nhi ngay trong bụng mẹ ở Hàn Quốc vẫn luôn được xem trọng. Đặc biệt, vào thời Joseon, thời kỳ mà việc sinh con nối dõi được coi là một trong những vai trò quan trọng của người phụ nữ, thì việc giáo dục, chăm sóc thai nhi hơn lúc nào hết lại càng là vấn đề mà sản phụ buộc phải chú ý tuân theo.
Người phụ nữ dưới triều Joseon, khi mang thai phải giữ thái độ cử chỉ cho đúng mực, tuân theo các nguyên tắc thai giáo được truyền lại từ xưa. Chỉ cho đến cuối thời Joseon, mới có một tác giả sáng tác ra cuốn sách đầu tiên trên thế giới nhấn mạnh về tầm quan trọng của thái giáo. Đó chính là tác giả Yi Sajudang.


Một người phụ nữ đầy nhân phẩm và đức hạnh

Yi Sajudang sinh năm 1739 tại Cheongju, là con gái của một học giả bình thường. Yi Chang-sik, cha của bà vốn sớm nhận ra tài năng và đức hạnh của bà nên đã đi ngược với xu thế thời đại, tạo điều kiện thuận lợi cho bà được gần với sách vở. Nhờ hoàn cảnh gia đình vậy, lại có tư chất thông minh nên Yi Sajudang từ nhỏ đã vừa thạo việc dệt may, công việc mà người phụ nữ lúc bấy giờ phải đảm nhận, đồng thời vừa đọc hết được tất cả các sách như "Tiểu học", "Chu Tử gia lễ", "Nữ tứ thư"... chỉ trong vòng 1 năm.
Về sau, Yi Sajudang kết hôn với Yu Han-gyu, cậu của Yi Bingheogak - tác giả của cuốn "Khuê cáp tùng thư" nổi tiếng. Mặc dù chênh nhau tới 22 tuổi nhưng hai vợ chồng luôn được mọi người ca ngợi, khen họ là đôi vợ chồng cầm sắt, tâm đầu ý hợp.
Ngày đầu mới cưới, chồng Yi Sajudang bảo với bà là "mẹ ta năm nay 72 tuổi, mắt không còn nhìn rõ, cử động khó khăn nên rất dễ cáu giận". Song, Yi Sajudang đã đáp ngay lại rằng "Trên thế gian này không có cha mẹ nào là không tốt cả" và từ đó luôn hết mình phụng sự mẹ chồng, khiến mọi người nhà chồng ai nấy cũng phải khen ngợi. Cảm động trước tấm lòng của bà, chồng bà đã đối xử với bà còn hơn cả tình vợ chồng, luôn trông cậy vào bà, coi bà như một người bạn đồng hành về mặt học vấn.


"Thai giáo tân ký", cuốn sách ra đời từ trong trải nghiệm và thực tiễn

"Thai giáo tân ký" là cuốn cẩm nang về giải thích phương pháp giáo dục thai nhi ngay trong bụng mẹ được Yi Sajudang viết bằng Hán văn vào năm 1800. Nguyên Yi Sajudang là người luôn quan tâm, coi giáo dục con cái là việc quan trọng hàng đầu nên bà đã cảm thấy rất tiếc khi tất cả sách vở đều chưa có nội dung cụ thể về thai giáo. Và cuối cùng, sau bao trăn trở, bà cũng đã sáng tác ra được cuốn sách này.
Yi Sajudang đã sưu tầm, tập hợp khắp các nội dung, từ thai giáo được truyền lại trong dân gian cho đến các nguyên tắc thai giáo xuất hiện trong sách "Nữ phạm", "tiểu học" v.v... Thêm vào đó bà còn miêu tả, đưa vào trong sách cả những kinh nghiệm mà tự thân bà đã thực tế trải nghiệm khi có thai và sinh ra bốn người con. Cũng nhờ đó, không phải ngẫu nhiên mà con trai của bà là Yu Hee đã trở thành một học giả lớn trong phái thực học (Silhak), nghiên cứu về quốc ngữ và cho ra đời được tác phẩm nổi tiếng mang tên "Ngạn văn chí".
Yi Sajudang đã viết cuốn "Thai giáo tân ký" ở tuổi 62. 20 năm sau, con trai bà là Yu Hee mới biên tập lại nội dung, xuất bản thành sách và truyền lại cho đến ngày hôm nay. Yu Hee đã chia nội dung sách của mẹ mình ra làm 10 phần và chuyển toàn bộ sang thành tiếng Hàn.
Theo nội dung trong sách thì có đoạn viết: "Việc dạy 10 tháng trong bụng mẹ quan trọng hơn cả 10 năm thày dạy ngoài đời. Trong khi đó, thái độ của người cha cũng quan trọng đối với việc ngăn không cho trẻ sau này nảy lòng tham vô ích. Trong quá trình mang thai, nếu không phải việc lễ nghĩa thì người phụ nữ không được nhìn, không được nói, không được suy nghĩ. Giáo dục thai nhi cũng không phải thứ sản phụ thực hiện một mình, cả gia đình luôn phải thực hiện cùng sản phụ. Sản phụ không được nghe chửi rủa, nghe nhạc hoặc âm thanh ồn ào mà phải học ngâm thơ, nghe những thứ âm nhạc hay làm cho lòng thanh bạch. Cho dù có cáu giận đến đâu, sản phụ cũng không được buông những lời nói thô thiển, không được lừa dối mọi người. Trong khi ngủ, sản phụ phải ngủ với tư thế ngay ngắn. Vào tiết quá nóng hay quá lạnh thì không được ngủ ngày. Cha mẹ mà không thực hiện thai giáo, thì con cái chẳng những không có tài năng, mà sau này còn không được khỏe mạnh..."
Sau này, nhà sử học Jeong In-bo, khi nhận xét về cuốn "Thai giáo tân ký" cũng đã đánh giá rằng, để bảo vệ thai nhi khỏe mạnh, thai giáo còn quan trọng hơn cả các liệu pháp ăn uống hay dùng thuốc. Có thể thấy, đến nay điều này vẫn đang được ủng hộ tại Hàn Quốc. Thậm chí cả khi y học hiện đại phát triển, chăm sóc, giáo dục cho thai nhi vẫn luôn được coi trọng bởi vì nó chính là món quà lớn nhất mà những người cha, người mẹ có thể dành cho đứa con sắp chào đời của mình.

Lựa chọn của ban biên tập