Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Lee Bong-chang, nhà hoạt động độc lập của Hàn Quốc

2013-01-10

<strong>Lee Bong-chang</strong>, nhà hoạt động độc lập của Hàn Quốc
Người ném bom vào Nhật hoàng gây chấn động thế giới

Sự việc xảy ra vào sáng 8/1/1932, khi Nhật hoàng Hirohito đang trên đường trở về cung sau khi tham dự lễ duyệt binh nhân dịp năm mới cử hành tại thao trường Yoyogi, ngoại ô thành phố Tokyo. Đến đoạn qua khu vực gần Sakuradamon, đột nhiên có một tiếng nổ vang lên khiến cho đoàn tháp tùng Nhật hoàng, cảnh sát và người dân xung quanh đều hồn xiêu phách lạc, cả con đường trở nên hỗn loạn. Sau vụ náo động, cảnh sát Nhật đã bắt về một thanh niên trẻ được cho là ném lựu đạn vào Nhật hoàng. Đó chính là nghĩa sĩ Lee Bong-chang, người con Hàn Quốc đã có hành động can đảm vì chính nghĩa khiến thực dân Nhật phải kinh sợ và đồng thời gây chấn động, đem lại kỳ vọng cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Nảy nở tinh thần kháng Nhật

Lee Bong-chang sinh ngày 10/8/1900 tại quận Yongsan thành phố Seoul. Ông vốn là con trai thứ hai của Lee Jin-gyu, hậu duệ của hoàng tử Hyoryeong thời Joseon (con thứ của vua Taejong, vua đời thứ 3 của Joseon). Năm 11 tuổi, ông vào học trường Phổ thông Munchang, một trường học do tôn giáo Cheondo (Thiên Đạo giáo) của Hàn Quốc xây dựng tại Yongsan, Seoul. Năm 15 tuổi ông tốt nghiệp nhưng do gia cảnh khó khăn nên không tiếp tục học lên cấp cao hơn mà xin vào làm tại một cửa hàng bánh kẹo của người Nhật. Sau đó, do bị chủ ngược đãi, ông thôi việc và bỏ đi Mãn Châu vào năm 1918 để theo học nghề lái tàu tại công ty Cổ phần đường sắt Nam Mãn Châu. Tại đây, do bị các nhân viên người Nhật gọi là "Josenjing" một từ tiếng Nhật được coi là miệt thị người Joseon lúc bấy giờ nên ông cảm thấy bị xỉ nhục và rất đau buồn. Đặc biệt, trước sự phân biệt đối xử, những cách biệt về tiền lương hay chức vụ giữa người Hàn và người Nhật, Lee Bong-chang đã nhận thức ra được rằng nỗi nhục của dân tộc, tất cả đều xuất phát từ việc chủ quyền đất nước bị rơi vào tay thực dân Nhật.
Chính vì thế, năm 1924, ông đã tổ chức nên đoàn thể kháng Nhật cứu nước mang tên "Hội thanh niên Geumjeong". Hơn nữa, với quyết tâm "phải biết về kẻ địch để thắng chúng", ông đã sang Nhật, đi khắp các vùng Nagoya, Tokyo, Yokohama để học tiếng Nhật. Sau đó ông làm con nuôi cho một gia đình người Nhật, đổi tên thành Kinoshita Shojo, lăn lộn với nhiều công việc như làm nhân viên bán hàng, công nhân trong xưởng sản xuất sắt thép hay làm phu tạp dịch để học lấy lối sống của người Nhật Bản.

Trở thành đoàn viên của Đoàn thể yêu nước người Hàn

Sống ở Nhật, Lee Bong-chang càng cảm nhận được thực tế phân biệt đối xử và nỗi nhục mà người Joseon lúc bấy giờ phải gánh chịu. Tháng 12 năm 1930 ông đã đi Thượng Hải, gia nhập phong trào vận động độc lập của Hàn Quốc. Tuy nhiên, tại đây tấm lòng nhiệt huyết của ông đã không được chào đón ngay từ ban đầu. Tháng 1 năm 1931, Lee Bong-chang đến văn phòng của đoàn thể người Hàn cư trú tại Thượng Hải để nguyện hiến thân cho phong trào vận động độc lập, nhưng các cán bộ phụ trách đã không chấp nhận vì nghi ông có nhiều điểm lạ.
Sau khi phong trào độc lập 1/3 diễn ra, mặc dù chính phủ lâm thời của Hàn Quốc được thành lập ở Thượng Hải vào ngày 13/4/1919 nhưng lúc này thực dân Nhật càng trở nên hung hăng hơn nên mọi hoạt động của họ đều rơi vào ngưng trệ. Cũng vì lẽ đó mà việc họ cảnh giác, nghi ngờ Lee Bong-chang, một người Hàn lại mang tên Nhật cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, sau nhiều lần bí mật gặp gỡ và nói chuyện, Kim Gu, một lãnh đạo của chính phủ lâm thời lúc bấy giờ đã thấu hiểu được tấm lòng chân thành của Lee Bong-chang. Kim Gu đã giúp Lee Bong-chang gia nhập vào đoàn thể yêu nước của người Hàn (Hàn nhân ái quốc đoàn) do ông gây dựng và đồng thời xúc tiến kế hoạch ám sát Nhật hoàng cùng với lòng tin sắt đá của Lee Bong-chang.

Ngọn đuốc của cuộc đấu tranh kháng Nhật cứu nước

Quá trình chuẩn bị khởi sự vụ ám sát mất cả một năm. Trong khi Kim Gu chuẩn bị tiền và lựu đạn thì Lee Bong-chang vào làm việc tại một xưởng in, rồi một cửa hàng nhạc cụ do người Nhật kinh doanh. Lúc này, họ đã nhờ Kim Hong-il, một đại tá phục vụ trong quân đội Trung Quốc mua về 1 trái lựu đạn từ công binh xưởng Thượng Hải, đồng thời cũng lấy được 1 trái khác từ một người tên là Kim Hyeon. Việc chuẩn bị hoàn tất, ngày 13/12/1931, tại nhà của Ahn Gong-geun, em của nghĩa sĩ Ahn Jung-geun, trên tay 2 trái lựu đạn, trước ngọn cờ Thái Cực kỳ của Hàn Quốc, Lee Bong-chang đã làm lễ tuyên thệ, bày tỏ quyết tâm của mình.
"Tôi năm nay 31 tuổi. Cho dù sau này có sống thêm được 31 năm nữa, tôi cũng sẽ không có niềm vui nào hơn lúc này cả. Từ giây phút này, vì độc lập và tự do của tổ quốc tôi sẽ làm tròn sứ mệnh thiêng liêng khiến cả thế giới phải bàng hoàng kinh ngạc."
Sau khi kết thúc lời tuyên thệ, chụp ảnh kỷ niệm với những trái lựu đạn trên tay, ngày 17/12/1931 Lee Bong-chang di chuyển sang Nhật để rồi đến ngày 8/1/1932 ông đã khởi sự, làm nên sự kiện trọng đại có một không hai nhắm vào Nhật hoàng, trái tim của chủ nghĩa thực dân Nhật Bản. Bị bắt ngay tại hiện trường, ngày 30/9/1932, Lee Bong-chang đã phải nhận bản án tử hình và hy sinh vào ngày 10/10 trong năm tại nhà tù Ichigaya, Nhật Bản.
Mặc dù cuộc sống ngắn ngủi, nhưng hành động dũng cảm của nghĩa sĩ Lee Bong-chang đã dấy lên làn sóng đấu tranh ở trong và ngoài Hàn Quốc. Nó trở thành động cơ thôi thúc các chí sĩ yêu nước ở hải ngoại hội tụ về với chính phủ lâm thời, đồng thời khích lệ cho các sự kiện tiếp nối như vụ đánh bom của nghĩa sĩ Yun Bong-gil ở công viên Hongkou (Hồng Khẩu), Thượng Hải vào ngày 29/4/1932.
Sau ngày đất nước được giải phóng, Kim Gu đã thu nhận di hài của Lee Bong-chang đem về an táng cùng với các liệt sĩ khác như Yun Bong-gil, Baek Jeong-gi tại công viên Hyochang vào năm 1946. Đến năm 1962, chính phủ Hàn Quốc đã truy tặng cho Lee Bong-chang Huân chương Kiến quốc cấp Tổng thống (huân chương cấp 2 của Hàn Quốc). Nhưng có lẽ cao quý hơn cả vẫn là lòng tưởng nhớ mãi mãi đến nghĩa sĩ, lòng tôn kính một nhà hoạt động độc lập tràn đầy nhiệt huyết và tinh thần yêu nước mà người dân Hàn Quốc dành cho ông.

Lựa chọn của ban biên tập