Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Hong Dae-yong, nhà thiên văn học nổi tiếng của Joseon

2013-01-31

<strong>Hong Dae-yong</strong>, nhà thiên văn học nổi tiếng của Joseon
Người tiên phong cho ngành thiên văn học thời cận đại

Triều Joseon vào giai đoạn thế kỷ 18, trong khi đại đa số các học giả đều dồn tâm huyết cho việc khoa cử với mong muốn bước chân vào chốn quan trường thì có một người lại luôn cầm kính viễn vọng để quan sát bầu trời. Đó chính là Hong Dae-yong nhà khoa học của Joseon, người đã lấy hình học làm căn bản để tìm hiểu thiên văn, vũ trụ. Ông là người đã sáng chế ra kiệt tác "Hỗn thiên nghi", một cỗ máy ứng dụng các thiết bị tinh xảo của đồng hồ vào việc quan sát các chuyển động của thiên thể. Có thể nói, Hong Dae-yong với con mắt nhìn nhận sắc bén đã lật ngược một số vấn đề về khoa học thường thức của Joseon lúc bấy giờ và vì thế ông được ví như nhà thiên văn học nổi tiếng người Ba Lan Nicolaus Copernicus.

Cánh cửa đến với khoa học

Hong Dae-yong sinh ngày 1/3 âm lịch năm 1731 tại làng Suchon, huyện Choenwon tỉnh Chungcheong, xuất thân từ dòng dõi có thế lực trong xã hội Joseon. Con đường tiến thân của ông luôn được đảm bảo vì ông mang huyết thống của một dòng họ đời đời làm chính trị, đóng vai trò nòng cốt trong phái Lão luận, một đảng phái chủ đạo của giai đoạn cuối triều Joseon.
Tuy nhiên khác với truyền thống của gia đình, Hong Dae-yong đã lựa chọn cho mình con đường đến với học vấn thuần túy. Từ năm 10 tuổi ông đã đặt chí vào môn "cổ học", nghiên cứu các tinh hoa kiến thức xưa, sau đó vào thư viện Seoksil (Thạch Thất Thư viện, nơi giảng luận học vấn và thờ cúng thánh nhân) tích lũy kiến thức về các ngành khoa học như toán học, thiên văn học. Ông cũng quan tâm nhiều đến đạo học của Lão Tử, Trang Tử cũng như triết lý của Phật giáo và tư tưởng của Vương Dương Minh, nhà triết học thời nhà Minh, Trung Quốc, dần dần xây dựng cho mình một hệ tư tưởng sâu rộng.
Sau này, khi trưởng thành, Hong Dae-yong đã kết giao bằng hữu với các học giả thực học của "Bắc học phái" là Park Ji-won và Park Je-ga... Đến năm 1759, khi cha của ông là Hong Yeok nhậm chức quan Mục sứ tại Naju, ông được tiếp xúc với Na Gyeong-jeok, một học giả gạo cội của phái thực học ở địa phương và từ đó bắt đầu quan tâm nhiều đến thiên văn học.

Sáng tạo ra máy "Hỗn thiên nghi"

Lúc bấy giờ dù đã hơn 70 tuổi nhưng học giả Na Gyeong-jeok vẫn làm ra "Tự minh chung", một loại đồng hồ tự phát ra tiếng báo giờ theo định kỳ. Ấn tượng sâu sắc trước sáng chế tinh xảo của một bậc cao niên, Hong Dae-yong đã cùng với vị học giả này tiếp tục sáng chế ra đồng hồ báo giờ và đồng thời cũng tạo ra "Hỗn Thiên Nghi", một loại máy quan sát thiên văn.
Máy "Hỗn thiên Nghi" của Hong Dae-yong đặc biệt chuyển động nhờ gắn kết đồng hồ cơ khí với bánh xe răng cưa, khác hẳn với các loại "Hỗn thiên nghi" sử dụng nước để chuyển động trước đó. Vì vậy, với sáng chế của ông, người ta đã có thể trắc định chính xác hơn vị trí và quá trình vận hành của các thiên thể. Hong Dae-yong còn tiến thêm một bước khi ông bỏ tiền của mình ra để xây nên "Nongsugak" (Lung Thủy các), một đài quan sát thiên văn cá nhân. Sở dĩ Hong Dae-yong có được lòng nhiệt tình, tận tâm tận lực quan sát các thiên thể như vậy cũng là vì quan điểm của ông luôn cho rằng trong khoa học, điều quan trọng nhất chính là quan sát và thực nghiệm.

Chuyến du lịch tạo nên sức mạnh

Tinh thần nghiên cứu khoa học của Hong Dae-yong được tỏa sáng là nhờ vào chuyến đi sứ Yên Kinh, Trung Quốc (nay là thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc). Năm 1765, với tư cách là thư ký phụ giúp cho người chú của mình tên là Hong Eok, ông đã cùng với đoàn sứ thần ngoại giao Joseon sang Bắc Kinh và ở lại đây 3 tháng. Lúc này, ông đã kết bạn với các học giả của nhà Thanh là Nghiêm Thành, Lục Phi, tiếp thu các sản vật văn hóa phát triển của Trung Quốc, đồng thời ông cũng thường xuyên đến thăm nhà thờ, tiếp cận với khoa học tiến bộ của phương Tây thông qua các nhà truyền giáo.
Chuyến thăm Bắc Kinh đã có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với sự phát triển về tư tưởng của Hong Dae-yong. Sau chuyến đi, ông đã biên soạn nên 2 tác phẩm chứa đựng tinh thần khoa học của mình là "Yên ký" (Ghi chép trong chuyến du hành Yên Kinh) và "Y Sơn vấn đáp". Trong đó cuốn "Yên ký" là cuốn sách có ảnh hưởng nhiều tới tác phẩm "Nhiệt Hà nhật ký" của tác giả Park Ji-won sau này (tác phẩm viết về những trải nghiệm trong chuyến du hành đi Trung Quốc của Park Ji-won vào năm 1780).
"Y Sơn vấn đáp" thì ngược lại là một tiểu thuyết có nội dung khoa học, được trình bày dưới hình thức những cuộc trao đổi, thảo luận về khoa học giữa 2 nhân vật là Silong và Huhja, một người sống ẩn dật ở núi Euimuryeon còn một người là học giả của triều Joseon. Trong "Y Sơn vấn đáp", nhân vật Huhja vốn là người đã học Tống Nho trong suốt 30 năm và rất tự hào về trình độ kiến thức của mình, thế nhưng sau khi gặp Silong thì tất cả những gì trước nay học được của người này đều trở thành vô nghĩa. Tác phẩm mang tính chất trào phúng nhưng đồng thời cũng chứa đựng trong nó một nội dung hết sức bất ngờ. Đó chính là chủ trương rõ ràng đầu tiên ở phương Đông về thuyết "trái đất tự quay quanh mình 1 ngày 1 lần để tạo ra ngày và đêm".

Nhà khoa học trở thành một ngôi sao

Hong Dae-yong là học giả theo phái "Bắc học" của Joseon vào thế kỷ 18, ông chính là người đã kết hợp khoa học tự nhiên mang tính truyền thống của phương Đông với những thành tựu khoa học mới du nhập từ phương Tây để rồi đưa ra các quan điểm như "thuyết về trái đất quay quanh mình" hay "thuyết vô hạn của vũ trụ" v.v... Năm 1774, khi đã ở tuổi 43 ông mới bắt đầu ra làm quan và từng giảng dạy cho vua Jeongjo (vua đời thứ 22 của Joseon) từ lúc vị vua này vẫn đang còn là hoàng tôn. Về sau ông còn đảm nhận một loạt các chức vụ như Ty Hiến phủ Giám sát, Huyện giám vùng Taein, Thái thú quận Yeongcheon... Hong Dae-yong qua đời năm 1783, thọ 53 tuổi. Cái chết của ông đã khiến cho bạn ông là Park Ji-won phải đau buồn mà thốt lên với những dòng viết như "Hong Dae-yong có trí thông minh sáng tạo, kiến thức rộng lớn, tư duy sâu sắc. Ông là học giả chân chính của phái thực học, có khả năng tổng hợp sự việc và phân tích một cách có hệ thống".
Quả đúng vậy, Hong Dae-yong là một nhà khoa học luôn không ngừng nghiên cứu về thế giới tự nhiên và các kiến thức học vấn. Cũng chính vì thế mà năm 2005, tên của ông đã được lấy để đặt cho một tiểu hành tinh được phát hiện bởi một nhóm các nhà nghiên cứu Hàn Quốc. Cho đến nay, hành tinh Hong Dae-yong vẫn nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc, tỏa sáng cho tên tuổi của một học giả có tư tưởng đúng đắn và khoa học của Hàn Quốc, tên tuổi mãi mãi được ghi nhớ cùng với một vì sao.

Lựa chọn của ban biên tập