Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Jang Gye-hyang, tác giả của cuốn sách nấu ăn đầu tiên bằng tiếng Hàn

2013-02-14

<strong>Jang Gye-hyang</strong>, tác giả của cuốn sách nấu ăn đầu tiên bằng tiếng Hàn
Sự ra đời của "Eumsikdimibang" - cách biết vị món ăn

Năm 1960, tiến sĩ ngôn ngữ học Kim Sa-yeop đã phát hiện ra một cổ thư trên giá sách tại nhà hậu duệ của học giả Yi Hwi-il, học giả Tống nho giai đoạn cuối thời Joseon. Sách in khổ lớn (188×254mm), tuy chỉ có dung lượng mỏng khoảng 30 trang nhưng lại dùng loại giấy tốt, bên trong viết bằng chữ Hangeul của Hàn Quốc theo thể chữ Gungche, thể chữ viết của cung nữ. Trang bìa trong đầu tiên của sách có hàng chữ ghi tiêu đề "Eumsikdimibang" (Ẩm thực tri vị phương) có nghĩa là cách thức để biết vị của món ăn. Tiến sĩ Kim Sa-yeop đánh giá đây không phải một cuốn sách tầm thường và ngay lập tức ông đã tiến hành nghiên cứu, công bố một công trình khoa học viết về cuốn sách. Kể từ đó, người Hàn đã biết đến cuốn sách như một tài liệu nấu ăn đầu tiên bằng chữ Hangeul của Hàn Quốc chứa tất cả các món ăn của gia đình quý tộc khu vực tỉnh Gyeongsang vào những năm 1600 và cách thức chế biến những món ăn đó cũng như phương pháp bảo quản món ăn và thực phẩm lên men v.v... Có thể nói, nhờ công trình nghiên cứu của tiến sĩ Kim Sa-yeop, sách nấu ăn "Eumsikdimibang" một lần nữa đã xuất hiện trở lại với công chúng.

Tác giả của cuốn sách, từ một thiếu nữ giỏi thi, thư, họa

"Eumsikdimibang" mang ý nghĩa lớn ở chỗ nó vừa là cuốn sách nấu ăn đầu tiên viết bằng chữ Hangeul, loại chữ viết độc đáo do người Hàn tự sáng chế và đồng thời cũng là cuốn sách nấu ăn đầu tiên trên toàn khu vực Đông Á được viết bởi nữ giới. Tác giả của cuốn sách chính là Jang Gye-hyang, nhân vật được cho rằng cùng với nữ nghệ sĩ nổi tiếng Shin Saimdang là mẫu hình tiêu biểu của những người "mẹ hiền vợ đảm" (hiền mẫu lương thê) thời Joseon. Một điều đặc biệt khác của cuốn sách là nó được biên soạn vào năm 1670, khi tác giả đã là bậc cao niên, bước qua 70 tuổi.
Jang Gye-hyang vốn sinh năm 1598 tại Andong. Cha của bà tên là Jang Heung-hyo lấy vợ người họ Kwon ở Andong sinh ra được mỗi bà là con gái duy nhất. Cha của bà là một học giả lớn giai đoạn trung kỳ thời Joseon nhưng ông không ra làm quan mà cả đời chỉ ở nhà dạy học và đàm đạo với các học trò nên nhờ vậy mà từ sớm bà đã thông hiểu được sách "Tiểu học", một cuốn sách chứa những tri thức căn bản của Nho giáo. Năm 13 tuổi Jang Gye-hyang đã sáng tác ra được các tác phẩm thơ như "Kính thân ngâm" (Coi trọng giá trị con người), "Tiêu tiêu ngâm" (Tiếng mưa buồn)... Bà cũng rất giỏi viết chữ, thể chữ thảo mà bà viết đẹp đến mức nhà thư pháp nổi tiếng Jeong Yun-mok đã phải đánh giá là "phong cách và kiểu chữ viết mạnh mẽ, đầy hào sảng, khác hẳn với chữ viết của người trong nước". Năm 19 tuổi, nữ sĩ tài ba hơn người Jang Gye-hyang đã lấy chồng là Yi Si-myeong, một người học trò của cha bà.

Một người mẹ hiền luôn sống ngay thẳng

Người chồng Yi Si-myeong vốn trước đó từng kết hôn, đã có 1 con trai và 1 con gái nhưng vợ trước sớm qua đời và cha của Jang Gye-hyang vì yêu quý cậu học trò mà đã tác hợp để con gái lấy làm chồng. Lập gia đình từ năm 19 tuổi, sống trong hoàn cảnh không mấy thuận lợi nhưng Jang Gye-hyang vẫn chịu khó nuôi dạy 7 người con trai, 3 người con gái, bao gồm cả con của mình và con riêng của chồng thành những nhân vật tài giỏi xuất chúng. Thậm chí vì việc học của con trai riêng của chồng tên là Yi Sang-il mà hàng ngày bà phải cõng cậu bé khi đó mới 6 tuổi đi suốt hơn 2 cây số để đến nhà thầy dạy... Song, cũng chính nhờ nỗ lực của bà mà 7 người con trai sau này đều trở thành các học giả nổi tiếng, lưu danh sử sách và được biết đến với cái tên "thất hiền giả" (bảy học giả hiền tài). Đặc biệt trong số đó, người con trai thứ 3 tên là Yi Hyeon-il đã trở thành lãnh đạo của học phái Yeongnam, một học phái kế thừa theo khuynh hướng Nho học của Toegye, bậc thầy về Tống nho thời Joseon. Nhờ Yi Hyeon-il làm quan lên tới chức Lại Tào Phán thư (chức Phán thư ở bộ Lại) nên Jang Gye-hyang với tư cách là thân mẫu cũng đã trở thành "Trinh phu nhân", phẩm tước dành cho gia đình quan lại từ nhị phẩm trở lên.
Jang Gye-hyang là người mẹ hiền sống ngay thẳng, chính trực, đồng thời bà cũng có đầy lòng nhân ái, coi trọng con người. Mặc dù trong hoàn cảnh sống không mấy dư dả, bà vẫn treo nồi ngoài cửa, nấu cháo hạt sồi cho tới hơn 300 kẻ hành khất ăn hoặc có khi đến bữa, thấy nhà nào xung quanh không có khói bếp thì bà sai người đem lương thực tới cứu giúp... Vì thế, bà được mọi người yêu quý xưng tụng bằng những cái tên như "người mẹ vĩ đại" hay "bậc quân tử của nữ giới"... Đến lúc về già, bà đã biên soạn nên một cuốn sách nấu ăn chứa đựng tất cả mọi tinh hoa trí tuệ của cuộc sống mà cả đời bà đã tích lũy được.

"Eumsikdimibang" cuốn sách nấu ăn đầu tiên bằng chữ Hangeul

Là con gái của một học giả tiếp nối theo triết học Nho giáo của nho gia vĩ đại Toegye, Jang Gye-hyang đã truyền lại toàn bộ truyền thống học hành của gia đình cho tất cả con trai của mình. Riêng đối với các con gái, để dạy họ cách nấu ăn truyền lại từ bao đời, bà đã cầm bút viết nên một cuốn sách. Đó chính là cuốn "Eumsikdimibang", một cuốn sách viết bằng chữ Hangeul về 146 bí quyết nấu ăn, chế biến thực phẩm, từ các loại bánh miến như sợi bánh bột mỳ, màn thầu, bánh tteok bột gạo cho đến các loại cá thịt, rau cỏ, rượu, giấm v.v...
Có thể nói, dưới thời Joseon việc phụ nữ viết sách quả không đơn giản chút nào. Ngay cả các tên tuổi nổi tiếng như nữ nghệ sĩ Shin Saimdang hay nữ thi sĩ Huh Nanseolheon cũng chỉ để lại các tác phẩm văn học đơn lẻ chứ chưa tự biên soạn nên được sách. Ngoài ra, khoảng hơn 340 năm trước đây, vào thời điểm những năm 1670, sách nấu ăn cũng chưa phải là loại sách phổ biến. Sách viết về nấu ăn hay thực phẩm ở Hàn Quốc trước đó, tính ra chỉ có cuốn "Suunjapbang" (Nhu vân tạp phương) của Kim Yu viết năm 1540 và cuốn "Domundaejak" (Đồ môn đại tước) của một viên quan văn giai đoạn giữa thời Joseon tên là Huh Gyun viết khi nhớ về những món ăn ngon không còn được thưởng thức tại nơi lưu đày bên bờ biển vào năm 1611. Hơn nữa, các cuốn sách này lại đều được viết bằng Hán văn và việc giới thiệu về món ăn ở đây cũng hết sức đơn giản. Trong khi đó cuốn "Eumsikdimibang" của Jang Gye-hyang thì hoàn toàn khác. Nó là một cuốn sách nấu ăn đích thực, giải thích cụ thể, chi tiết từng quá trình chế biến của 146 loại món ăn mà cho đến nay, sau hơn 330 năm vẫn có hiệu quả ứng dụng thực tế. Đồng thời, do ngữ pháp và phép chính tả trong sách được thể hiện rất đa dạng và chính xác nên nó còn được coi là một tài liệu có giá trị đối với việc nghiên cứu lịch sử quốc ngữ của Hàn Quốc.
Sau khi đem hết trí tuệ học được cả đời gửi gắm vào cuốn sách, năm 1680 Jang Gye-hyang đã lặng lẽ qua đời trước sự có mặt của đông đủ con cháu, thọ 83 tuổi. Tới nay, mặc dù bà không còn trên thế gian này nhưng người Hàn vẫn luôn cố gắng để truyền đạt, giới thiệu cho nhau về cuộc sống của bà cũng như những lời dạy bảo mà bà để lại. Tiểu thuyết gia Lee Mun-yeol đã lấy những ghi chép về cuộc đời bà, cụ tổ 13 đời của tác giả để viết nên tiểu thuyết mang tên "Lựa chọn". Trong khi đó, tại huyện Yeongyang (phía Bắc của tỉnh Bắc Gyeongsang), từ năm 2006 một tổ chức mang tên "Hội Bảo tồn" cũng đã được thành lập và hiện vẫn đang có các hoạt động nhằm khôi phục lại những món ăn xuất hiện trong cuốn "Eumsikdimibang". Thời gian gần đây, Hàn Quốc đang tích cực xúc tiến để đăng ký cho cuốn sách này được xếp hạng vào di sản thế giới do UNESCO công nhận. Nếu thành công, một ngày nào đó không xa, có lẽ cả thế giới cũng sẽ được biết về cuộc đời của người mẹ hiền, nhà nghiên cứu ẩm thực Jang Gye-hyang của Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập