Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Yi Jung-hwan, tác giả của "Trạch lý chí", sách địa lý nổi tiếng thời Joseon

2013-02-21

<strong>Yi Jung-hwan</strong>, tác giả của "Trạch lý chí", sách địa lý nổi tiếng thời Joseon
Cuốn sách "bán chạy" nhất thời Joseon

Thời Joseon, loại thư tịch, sách vở nào được đọc nhiều nhất? Sở dĩ có câu hỏi này vì Joseon vốn là triều đại coi trọng văn học nghệ thuật và văn hóa ghi chép, viết văn vào thời kỳ này đã phát triển hết sức rực rỡ. Lịch sử 500 năm tồn tại của Joseon đã để lại nhiều tài liệu, sách vở có giá trị, song nổi bật hơn cả vẫn phải tính đến giai đoạn cuối của triều đại này, khi chữ viết Hangeul độc đáo đã được phổ cập, trình độ nhận thức của người dân cũng được nâng cao và phát triển rộng rãi khiến số người đọc sách ngày càng tăng lên. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện nhiều tác phẩm nổi tiếng, được liệt kê vào loại "bán chạy" nhất.
Trong số các tác phẩm nổi tiếng này, trước tiên người ta vẫn hay nhắc đến "Nhiệt Hà nhật ký" viết về chuyến du hành đi Trung Quốc của tác giả Park Ji-won và "Trạch lý chí" (Taekriji), một tác phẩm về địa lý của tác giả Yi Jung-hwan. Riêng "Trạch lý chí" khi mới ra mắt công chúng, đã kéo theo sự xuất hiện của nhiều bản chép tay với hơn 10 loại có tựa đề khác nhau, phổ biến trong mọi tầng lớp dân chúng. Đặc biệt, cuốn sách đã khiến cho việc cầm nó trên tay để đi du ngoạn, ngắm cảnh sông núi trở thành một xu thế mới, thịnh hành ở các bậc học giả, sĩ đại phu lúc bấy giờ. "Trạch lý chí" trở nên nổi tiếng, luôn được mọi người nhắc tới và không ai có thể quên tác giả của nó là Yi Jung-hwan, một học giả của phái Thực học thời Joseon.

Một học giả của đảng phái chính trị thất thế

Yi Jung-hwan sinh ra trong gia đình họ Yi ở Yeoju, một danh gia đời đời làm quan triều đình. Khi cha của ông là Yi Jin-hu được bổ nhiệm làm các chức quan Phủ sứ vùng Gangneung, Phủ sứ vùng Andong, Quan sát sứ vùng Chungcheong, ông cũng từng được theo cha đi khắp nơi, tới nhiều vùng miền của đất nước.
Từ nhỏ Yi Jung-hwan đã có tài viết lách văn chương. Ông luôn trau dồi, mở rộng kiến thức, kết giao với nhiều người bạn văn thơ ở khắp mọi nơi. Năm 1713, khi mới 24 tuổi ông đã thi đỗ làm quan. Cuộc sống chốn quan trường của ông ban đầu khá thuận lợi. Năm 1717, ông làm chức Sát phóng, quản lý dịch trạm đường Kimcheon, sau đó làm các chức Chú thư, Điển tịch... quản lý việc ghi chép, sách vở tư liệu. Đến năm 1722, Yi Jung-hwan được thăng lên chức Binh tào Tá lang (Chức Tá lang ở bộ Binh), một chức quan cao lục phẩm.
Tuy nhiên, Yi Jung-hwan làm quan vào giai đoạn giao thời giữa triều vua Sukjong (Túc Tông, vua đời thứ 19 của Joseon) và triều vua Gyeongjong (Cảnh Tông, vua đời thứ 20 của Joseon), thời điểm quan lại trong triều chia thành bè phái, tranh giành quyền lực gay gắt nhất. Năm 1722 xảy ra sự kiện một viên quan tên là Mok Ho-ryong đứng ra tố cáo các đại thần của phe phái chính trị Noron (Lão luận) tội mưu đồ phản nghịch, muốn giết vua Gyeongjong để cướp ngôi. Vụ việc đã khiến hơn 170 người theo phe Noron (Lão luận) bị xử phạt nhưng đồng thời nó cũng mang đến cho cuộc đời của Yi Jung-hwan một thử thách lớn.
Nguyên là một năm sau đó, vụ việc được lật lại, những lời tố giác của Mok Ho-ryong được phán xét là vu cáo. Viên quan này cùng phái đối lập là Soron (Thiếu luận) đã bị đưa ra luận tội. Thật không may Yi Jung-hwan vốn có quan hệ thân quen với Mok Ho-ryong và việc ông cho Mok Ho-ryong mượn một con ngựa cũng đã bị đưa ra xử. Ngay sau khi vua Yeongjo (Anh Tổ, vua đời thứ 21 của Joseon) lên ngôi, ông đã bị bắt đi lưu đày. Đến năm 1727 ông mới được thả ra, nhưng lại bị Ti Hiến phủ, cơ quan điều tra các hành vi sai trái của quan lại buộc tội và bắt đi đày tiếp. Dù về sau cũng được trả tự do nhưng có thể thấy, ông chính là người phải gánh chịu toàn bộ hậu quả của cuộc xung đột chính trị. Vì thế, ông đã từ bỏ chính giới và đi thưởng ngoạn khắp nơi để viết nên cuốn "Trạch lý chí" nổi tiếng.

Thoát khỏi cuộc tranh giành quyền lực để du ngoạn vòng quanh đất nước

"Trạch lý chí" (Taekriji) được đánh giá là sách địa lý hay nhất của Joseon, là sản phẩm đầu tiên của ngành nghiên cứu địa lý nhân văn. Trong sách có chứa tất cả nội dung về khắp các vùng miền mà hơn 30 năm tác giả Yi Jung-hwan đã trực tiếp trải nghiệm. Điều đặc biệt là cuốn sách địa lý nhân văn này đã chia đất nước Joseon theo các vùng định cư, sinh sống của người dân, thoát khỏi tư duy lấy khu vực hành chính làm chủ đạo đang rất phổ biến thời bấy giờ. Trên cơ sở đó, sách đã biên soạn rất đầy đủ và chi tiết nội dung về mọi mặt của xã hội Joseon như chính trị, kinh tế, giao thông, con người... Trong sách có chứa đầy các thông tin sinh động mà tác giả thu thập được từ những vùng đất ông đặt chân tới. Đối với khách thắng cảnh thì nó là một cuốn sách hướng dẫn du lịch, đối với thương nhân thì nó là cẩm nang hướng dẫn về các loại sản vật địa phương, còn với nhà nghiên cứu phong thủy thì nó có thể sử dụng như một tài liệu chuyên môn về địa thế, huyệt mộ v.v...
"Trạch lý chí" được chia ra làm 3 phần lớn gồm "Tứ dân tổng luận", "Bát đạo tổng luận", "Bốc cư tổng luận" với ý nghĩa chỉ các phần viết về 4 loại thân phận, giai tầng của xã hội Joseon, miêu tả địa lý của 8 tỉnh lớn ở Joseon và trình bày thuật phong thủy chọn nơi sống tốt ở Joseon. Cuốn sách đã cho thấy nguồn kiến thức bao la rộng lớn về chính trị, kinh tế, xã hội của tác giả. Từ việc nói về đất đai, địa lý mà tác giả đã khiến cho người đọc không khỏi có suy nghĩ mang tính triết học về cuộc đời, những việc như phải sống thế nào cho nên người, cho có giá trị v.v... Ở phần cuối cùng của cuốn sách, tác giả đã thể hiện tâm ý của mình qua dòng chữ "Người muốn dùng cuốn sách này nên tìm kiếm lấy ý nghĩa chân thực bên ngoài những con chữ". Phải chăng tác giả có ý muốn dặn hậu thế đời sau rằng, "những mảnh đất đáng để ở" mà ông đề cập đến rốt cuộc là những mảnh đất do chính con người sống ở đó tự tạo nên.
Yi Jung-hwan đã viết nên kiệt tác bất hủ về địa lý nhân văn vào năm 1751 và 5 năm sau, năm 1756, ông đã qua đời. Tuy đã mất, nhưng những câu chuyện xoay quanh việc biên soạn nên cuốn "Trạch lý chí" của ông đến nay vẫn còn được nhắc tới. Tác phẩm nổi tiếng đã vượt qua khuôn khổ của một tài liệu viết về địa lý thời Joseon, đem lại cho người ta thấy những con đường trong cuộc sống, khiến cho độc giả của nó luôn phải băn khoăn, không biết hiện tại liệu có phải mình đang sống ở nơi đáng sống? liệu mình có đang cùng những người hàng xóm láng giềng xây dựng nên một nơi ấm áp đáng sống? hay mình sẽ gỡ bỏ những gánh nặng cuộc đời ở đâu để sống? v.v...

Lựa chọn của ban biên tập