Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Jin Chae-seon, nữ danh ca Pansori đầu tiên của Joseon

2013-02-28

<strong>Jin Chae-seon</strong>, nữ danh ca  Pansori đầu tiên của Joseon
Mở ra trang sử mới cho nghệ thuật Pansori

Hàn Quốc có rất nhiều danh ca nổi tiếng về Pansori, một nghệ thuật âm nhạc truyền thống. Đó chính là huyền thoại Yi Nal-chi, với khúc hát "Saetaryeong" (giai điệu của loài chim) mà mỗi khi cất lên các loài chim đều bay tới, danh ca Jeong Chun-pung, dù thi đậu kỳ thi Tiến sĩ những vẫn bỏ đi khắp nơi để học hát, hay Yi Dong-baek, giọng ca của quốc gia, người nhờ tài ca hát mà có thể ra làm quan, hoặc Yim Bang-ul, ca sĩ đã đem lời ca của mình để an ủi cho nỗi khổ của người dân vào thời kỳ Nhật thuộc cũng như thời chiến tranh hai miền Nam - Bắc.
Pansori vốn là nghệ thuật biểu diễn của nam giới, người hát lựa theo nhịp trống đánh mà cất lời hát, kể chuyện mang tính tự sự. 300 năm lịch sử lâu dài của Pansori đã sản sinh ra hàng trăm danh ca là những con người đã chịu nhọc nhằn, vượt qua khổ luyện đầy khó khăn vất vả để đạt tới cảnh giới của âm nhạc. Mặc dù những ca sĩ Pansori nổi tiếng của mỗi thời, đại bộ phận đều là nam giới, song trong giai đoạn xã hội Hàn Quốc có nhiều biến đổi, văn hóa truyền thống suy yếu lại xuất hiện một giọng ca nữ đã giúp cho nghệ thuật hát kể chuyện này được phát triển. Đó chính là Jin Chae-seon, nữ ca sĩ nổi tiếng đầu tiên của Pansori thời Joseon.

Làm học trò của Shin Jae-hyo, nhà lý luận, sáng tác Pansori thời Joseon

Jin Chae-seon sinh năm 1847 tại một ngư thôn ở Gochang tỉnh Bắc Jeolla. Mẹ của bà là một thầy cúng còn cha của bà lại là người biểu diễn Pansori nghiệp dư. Mặc dù có tài năng về âm nhạc nhưng cha mẹ của bà không được học hành một cách có hệ thống và cũng chỉ hoạt động quanh quẩn ở trong làng. Song, chừng đó cũng đủ để gây ảnh hưởng tới Jin Chae-seon, khiến cho bà từ bé đã nuôi ước mơ trở thành ca sĩ. Cuối thế kỷ 19, bà bỗng nhiên xuất hiện tại Hội thi tài năng tự phát Jeonju và bắt đầu thể hiện giọng ca của mình. Tuy nhiên, khán giả lúc này có phản ứng rất thờ ơ, lãnh đạm. Họ coi thường, cho rằng đó là giọng hát của phụ nữ nên không muốn nghe.
Không chịu khuất phục trước thất bại, Jin Chae-seon tiếp tục theo nghiệp hát và rồi dần dần bắt đầu có nhiều người chú ý, lắng nghe bà hát. Giọng ca của bà rất khỏe nên cuối cùng thì mọi người cũng phải cất lời tán thưởng. Chứng kiến cảnh tượng đó, Shin Jae-hyo, nhà lý luận và đồng thời là tác giả sáng tác Pansori nổi tiếng giai đoạn cuối thời Joseon đã để ý và thu nhận bà làm đệ tử.

Nhận được sự sủng ái từ người cha của vua Gojong

Shin Jae-hyo là tác giả, nhà nghiên cứu về nghệ thuật hát kể chuyện Pansori và đồng thời cũng là người đã biên soạn, chỉnh sửa cho 6 tác phẩm, bao gồm cả các tác phẩm nổi tiếng như "Chunhyangga" (Xuân Hương ca), Jeokbyeokga (Xích Bích ca), Shimcheongga (Trầm Thanh ca). Chính nhờ có sự quan tâm, chỉ dạy của vị học giả này Jin Chae-seon đã phát huy hết được tài năng nghệ thuật của mình.
Có căn bản, thành thạo các ngón nghề ca nhạc, múa hát và dù là phận nữ nhưng lại được trời phú cho giọng ca Pansori khỏe khoắn nên Jin Chae-seon đã trở thành nhân vật được đánh giá cao trong đám học trò của thầy Shin Jae-hyo. Năm 1869, ở độ tuổi 22 bà đã được mời tới tiệc mừng hoàn công cung điện Gyeongbok (Lạc thành yến). Nguyên lúc bấy giờ, nhân việc trùng tu cung Gyeongbok, Heungseon Daewongun (Hưng Tuyên Đại Viện Quân), cha của vua Gojong (Cao Tông, vua đời thứ 26 của Joseon) đã cho mời tất cả các danh ca khắp nơi về biểu diễn. Jin Chae-seon cũng được mời làm đại biểu tham gia ca hát trong yến tiệc này. Bà đã hát khúc Seongjoga (Thành tạo ca) và Chunhyangga (Xuân Hương ca) do đích thân thầy Shin Jae-hyo sáng tác. Tất cả mọi người đều bị cuốn hút, say mê trước dáng vẻ xinh đẹp, tài nhảy múa và giọng ca tuyệt vời của bà. Đặc biệt, sau khi hỏi tên thầy dạy của bà, Heungseon Daewongun đã ban cho thầy Shin Jae-hyo chức Ngũ Vệ tướng, chức quan trọng yếu trong đội Ngũ vệ bảo vệ kinh thành. Đồng thời người cha của vua Gojong cũng rất đỗi sủng ái Jin Chae-seon, đưa bà vào sống ở trong Vân Hiện cung.
Tuy nhiên, từ đáy lòng Jin Chae-seon đã dành hết tình cảm cho thầy Shin Jae-hyo và bà luôn nhớ tới cuộc sống tự do ca hát của mình. Hàng ngày bà mòn mỏi sống trong mong chờ và cuối cùng, 4 năm sau, khi Heungseon Daewongun bị mất hết quyền lực, bà đã trở về quê, tìm đến với thầy Shin Jae-hyo.

Giọng ca thiên phú luôn hướng tới cuộc đời ca hát

Khi Jin Chae-seon trở về, thầy Shin Jae-hyo, người nhiều hơn bà tới 35 tuổi đang mắc bệnh thập tử nhất sinh và năm 1884 đã qua đời. Cảm thấy đau buồn và oán hận, Jin Chae-seon đã chịu tang bên mộ thầy 3 năm rồi bỏ đi đâu không ai biết. Về sau, tuy không rõ tung tích của bà, nhưng có tin đồn rằng bà đã xuất gia, đi tu tại một ngôi chùa nhỏ ở Gimje tỉnh Bắc Jeolla và đã cô độc qua đời tại đây.
Chỉ để lại một tin đồn không mấy xác thực, Jin Chae-seon đã lẻ loi, biến mất trong dòng lịch sử. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận rằng, trong thế giới của nghệ thuật âm nhạc vốn chỉ dành cho nam ca sĩ, bằng lòng nhiệt tình và tài năng xuất chúng bà đã đứng được vào hàng ngũ của những danh ca hàng đầu về Pansori thời Joseon. Cũng nhờ có bà mà sau này nhiều nữ danh ca nổi tiếng như Huh Geum-pa, Gang So-chun mới có thể xuất hiện trong loại hình nghệ thuật hát kể chuyện Pansori, thậm chí đến nay nữ giới xuất hiện ở lĩnh vực này còn nhiều hơn nam giới. Jin Chae-seon có thể xem là người đã vượt qua được tất cả rào cản của xã hội về phân biệt giới tính và thân phận để đến với nghệ thuật, trở thành một nữ danh ca Pansori đầu tiên của Joseon. Nhờ có bà mà nghệ thuật Pansori của Hàn Quốc đã ngày càng phát triển hơn, sâu sắc và phong phú tới vô cùng, vô tận.

Lựa chọn của ban biên tập