Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Thời đại chỉ số KOSPI 3.000 điểm

2021-01-09

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chỉ số chứng khoán tổng hợp Hàn Quốc (KOSPI) kết thúc phiên giao dịch ngày 7/1 ở mức 3.031,68 điểm, tăng 63,47 điểm (2,14%) so với phiên trước, lần đầu tiên trong lịch sử cán mốc 3.000 điểm xét theo mức điểm cuối phiên. Trước đó, chỉ số này từng cán mốc 3.000 điểm giữa phiên giao dịch 6/1.

 

Thời đại chỉ số KOSPI 3000 điểm

Như vậy, chỉ số KOSPI mất 13 năm 5 tháng để đi từ cột mốc 2.000 điểm (xác lập ngày 25/7/2007) lên mốc 3.000 điểm. Trong phiên giao dịch ngày 19/3 năm ngoái, thời điểm triển vọng kinh tế ảm đạm vì đại dịch COVID-19, chỉ số KOSPI đã rơi xuống mức 1.457 điểm. Tuy nhiên, sau đó các nhà đầu tư cá nhân đã tranh thủ xu thế bán ra của các tổ chức đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài để ồ ạt mua vào, kéo chỉ số KOSPI tăng điểm mạnh. Trước đó, giữa phiên giao dịch ngày 6/1, chỉ số KOSPI đã có lúc cán mốc 3.000 điểm, nhưng lại giảm dần về cuối phiên do xu hướng bán ra của các tổ chức đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tới phiên giao dịch ngày 7/1, các tổ chức đầu tư đã mua ròng hơn 1.000 tỷ won (920 triệu USD), ngược lại với xu thế bán ròng 1.374,2 tỷ won (1,2 tỷ USD) của phiên trước. Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân sau khi mua ròng hơn 2.000 tỷ won (1,8 tỷ USD) ở phiên trước lại bán ra 1.100 tỷ won (1 tỷ USD) trong ngày 7/1 nhằm thu lời từ sự chênh lệch giá cổ phiếu. Thêm vào đó, tâm lý kỳ vọng trên thị trường về khả năng Chính phủ mới của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden sẽ mở rộng quy mô gói kích thích kinh tế, sự tăng điểm của các cổ phiếu hàng đầu lĩnh vực ngân hàng, thép, chíp bán dẫn, đã góp phần lớn kéo chỉ số KOSPI tăng điểm.

 

Ý nghĩa

Chỉ số KOSPI chạm mốc 3.000 điểm có hai ý nghĩa lớn. Đầu tiên, điều này cho thấy các nhà đầu tư tin tưởng kinh tế Hàn Quốc hoàn toàn có thể vượt qua được cú sốc COVID-19. Trong thời gian qua, liên tục có nhiều phân tích cho rằng thị trường chứng khoán Hàn Quốc bị đánh giá thấp hơn so với quy mô và năng lực của nền kinh tế. Nguyên nhân lớn nhất là bởi lo ngại về mặt an ninh do sự chia cắt hai miền Nam-Bắc. Thêm vào đó là gần đây xuất hiện nhiều vấn đề về tính minh bạch doanh nghiệp, cơ cấu của thị trường chứng khoán. Mặc dù chưa được giải quyết hoàn toàn, nhưng những vấn đề này đã đạt được tiến triển có ý nghĩa, góp phần khiến chỉ số KOSPI cán mốc 3.000 điểm. Một ý nghĩa khác là trong thời gian qua, chỉ số KOSPI bị phụ thuộc lớn vào nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức đầu tư, nhưng gần đây, các nhà đầu tư cá nhân lại đóng vai trò chủ đạo kéo chỉ số tăng điểm. Năm ngoái, nhà đầu tư nước ngoài bán ra 23.500 tỷ won (21,6 tỷ USD), tổ chức đầu tư bán ra 25.500 tỷ won (23,4 tỷ USD). Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân mua vào 47.400 tỷ won (43,6 tỷ USD). Giới chuyên gia phân tích rằng sau cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997 và khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, các nhà đầu tư cá nhân đã rút ra được bài học là giá cổ phiếu sau khi lao dốc sẽ sớm tăng vọt trở lại, nên tích cực mua vào cổ phiếu.

 

Triển vọng và lo ngại

Giới chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo kéo chỉ số KOSPI tăng điểm trong thời gian tới. Tính đến ngày 5/1, số tiền ủy thác đầu tư, tức khoản tiền đang chờ để đầu tư vào thị trường chứng khoán, đạt 69.440,9 tỷ won (63,8 tỷ USD), mức cao kỷ lục. Điều này cho thấy triển vọng chỉ số KOSPI trong thời gian tới là hết sức tích cực, hoàn toàn có thể ổn định ở cột mốc 3.000 điểm. Tuy nhiên, cũng có hai luồng ý kiến lo ngại. Trước tiên, nền kinh tế thực và thị trường chứng khoán đang ngày càng có sự cách biệt lớn. Trong khi chỉ số KOSPI đang tăng điểm cao kỷ lục, nền kinh tế thực lại đóng băng do Chính phủ đẩy mạnh phòng dịch COVID-19. Ý kiến lo ngại thứ hai là nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu bằng tiền đi vay. Các nhà đầu tư có thể sẽ thu lời lớn nếu chỉ số KOSPI tăng điểm, nhưng cũng có nguy cơ bị thiệt hại nặng nề nếu chỉ số này lao dốc.

Lựa chọn của ban biên tập