Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Tròn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn-Trung

2022-08-27

Tin tức

ⓒKBS News

Ngày 24/8 là kỷ niệm tròn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn-Trung. Mặc dù đã phát triển mạnh mẽ trong vòng 30 năm qua, nhưng quan hệ hai nước lại đang đứng trước ngã rẽ do tình hình quốc tế thay đổi, mâu thuẫn về vấn đề tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) hay lệnh cấm vận làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) của Bắc Kinh. Do đó, dư luận đang hết sức quan tâm liệu hai bên có tìm ra bước đột phá nào nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hay không.

   

Lịch sử quan hệ Hàn-Trung

Vào ngày 24/8/1992, tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc và Trung Quốc đã ký tên vào “Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Hàn-Trung”. Hai nước đã xóa sổ mối quan hệ thù địch, đối đầu suốt hơn 40 năm kể từ chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), để thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Khi đó, tình hình thế giới biến động lớn sau khi Liên Xô tan rã và chủ nghĩa cộng sản tại các nước Đông Âu sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc. Còn Hàn Quốc thì đang tích cực triển khai các chính sách nhằm thúc đẩy cải thiện và thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản. Về phần mình, Trung Quốc lúc đó đang xúc tiến cải cách và mở cửa. Tình hình thế giới và sự phù hợp về đường lối chính sách này của hai nước dẫn tới kết quả là Seoul và Bắc Kinh đã thiết lập quan hệ ngoại giao một cách tự nhiên.

Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ song phương đã có sự phát triển vượt bậc. Quy mô thương mại Hàn-Trung đã tăng gấp 47 lần trong vòng 30 năm. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, còn Seoul là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh. Hàn Quốc xuất khẩu hàng hóa trung gian sang Trung Quốc để nước này sản xuất sản phẩm, xuất khẩu. Cơ cấu thương mại này mang lại sự thịnh vượng cho cả đôi bên. Sau 30 năm, Hàn Quốc nhảy vọt thành một quốc gia phát triển, còn Trung Quốc là cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hai nước nâng cấp quan hệ thành “quan hệ đối tác hướng tới thế kỷ XXI” vào năm 1998, rồi tiếp tục nâng cấp thành “quan hệ đối tác toàn diện” và hiện tại là “quan hệ đối tác chiến lược”.

   

Thực tại và tương lai quan hệ Hàn-Trung

Tuy nhiên, quá trình phát triển quan hệ ngoại giao Hàn-Trung đã trải qua không ít thăng trầm. Đó là bởi hai bên khó lòng giải quyết được các yếu tố mâu thuẫn giữa những thay đổi trong tình hình quốc tế. Một vấn đề nổi cộm nhất trong quan hệ song phương đó là tổ hợp đánh chặn tầm trung cao (THAAD). Trung Quốc đã phản đối quyết liệt, cho rằng việc bố trí THAAD tại Hàn Quốc giúp Mỹ có thể “nhòm ngó” mọi động thái của quân đội nước này. Để đáp trả, Bắc Kinh ban lệnh cấm làn sóng Hallyu, tức cấm các nội dung văn hóa đại chúng Hàn Quốc ở trong nước, thậm chí không cho phép người dân nước này du lịch Hàn Quốc. Mặc dù gần đây, Trung Quốc đã nới lỏng một phần lệnh cấm này, nhưng giao lưu văn hóa giữa hai bên vẫn đang bị hạn chế. Theo đó, xuất khẩu các nội dung Hallyu của Hàn Quốc sang Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Mâu thuẫn giữa hai bên gần đây không hề lắng xuống mà lại càng trở nên phức tạp hơn khi thế giới đang bước vào thời kỳ chiến tranh lạnh mới. Để kìm hãm sự tăng trưởng như vũ bão của Trung Quốc, Mỹ chuyển cục diện Mỹ-Trung từ hợp tác sang đối đầu. Điều này khiến cơ chế hợp tác đối ngoại của Hàn Quốc là “an ninh chọn Mỹ, kinh tế chọn Trung Quốc” đang bị sụp đổ. Hiện tại, Hàn Quốc đã quyết định tham gia vào Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF). Seoul được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Các động thái này của Seoul được đánh giá là chệch khỏi đường lối “ngoại giao cân bằng” trong quá khứ. Tuy nhiên, đây là một lựa chọn bất khả kháng nhằm tăng cường quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh mới. Ngoài ra, việc Hàn Quốc quyết định tham gia vào “Chip 4”, liên minh chuỗi cung ứng chíp bán dẫn do Mỹ khởi xướng gồm 4 nước là Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan, càng làm dấy lên sự bất mãn từ Trung Quốc. Trong khi đó, người dân hai nước lại đang dần đánh mất thiện cảm với nhau, đây cũng bị chỉ ra là một vấn đề nghiêm trọng trong quan hệ song phương hiện nay.

Hàn Quốc và Trung Quốc có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau rất lớn ở tất cả các khía cạnh từ chính trị, kinh tế, xã hội tới văn hóa. Do đó, giới chuyên gia cho rằng cả hai nước vừa phải đối phó một cách nhanh nhạy với sự thay đổi của thời đại, vừa phải giữ thái độ mềm mỏng, không chỉ nhất nhất chạy theo lợi ích, thì mới có thể mở ra một cục diện mới cho quan hệ song phương.

Lựa chọn của ban biên tập