Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Dự thảo ngân sách năm 2023

2022-09-03

Tin tức

ⓒYONHAP News

Nội dung dự thảo ngân sách năm 2023

Tại cuộc họp Nội các ngày 30/8, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua dự thảo ngân sách năm 2023 với quy mô 639.000 tỷ won (473,75 tỷ USD), tăng 5,2% so với ngân sách năm 2022, mức tăng thấp nhất trong vòng 6 năm, sau mức 3,7% năm 2017. Tuy nhiên, nếu bao gồm hai đợt ngân sách bổ sung trong năm nay, thì ngân sách năm sau lại giảm 40.000 tỷ won (29,86 tỷ USD) so với năm nay, lần đầu giảm sau 13 năm kể từ năm 2010.

Trong năm sau, Chính phủ quyết định tái cơ cấu chi tiêu ngân sách với tổng quy mô 24.000 tỷ won (17,92 tỷ USD), mức cao kỷ lục. Chính phủ Tổng thống Yoon Suk-yeol quyết định dừng các biện pháp hỗ trợ áp dụng tạm thời trong quá trình khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch COVID-19 thời gian qua. Ví dụ như Chính phủ quyết định cắt toàn bộ hạng mục ngân sách hỗ trợ liên quan tới tiền tệ địa phương, đóng băng tiền lương với công chức bậc 4 trở lên, công chức cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng trở lên sẽ phải hoàn lại 10% tiền lương năm vào năm sau. Với sự chuyển đổi đường lối chi tiêu ngân sách như trên, Chính phủ ước tính cán cân quản lý tài chính năm sau sẽ thâm hụt 58.200 tỷ won (43,45 tỷ USD), bằng 2,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giảm gần một nửa so với dự báo thâm hụt năm nay là 110.800 tỷ won (82,72 tỷ USD) và 5,1% GDP. Nợ quốc gia là 1.134.800 tỷ won (847,18 tỷ USD), bằng 49,8% GDP, tốc độ tăng chậm lại so với năm nay là 1.068.800 USD (798,21 tỷ USD) và 48,7% GDP.

 

Bối cảnh

Việc Chính phủ “thắt lưng buộc bụng” vào năm sau xuất phát từ bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang hết sức phức tạp hiện nay. Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Choo Kyung-ho nhấn mạnh trong tình hình hiện nay, việc thiết lập bàn đạp an toàn tài khóa là điều vô cùng quan trọng. Do vậy, Chính phủ lập dự thảo ngân sách năm sau với phương hướng là đảm bảo tài khóa lành mạnh.

Chi tiêu ở lĩnh vực công nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lượng giảm 18%, hạ tầng kinh tế-xã hội giảm 10,2%, văn hóa, thể thao và du lịch giảm 6,5%. Mục tiêu của Chính phủ là thắt chặt chi tiêu để tập trung ngân sách cho ba hạng mục, gồm mở rộng bảo hộ cho những người yếu thế trong xã hội, đầu tư cho tương lai trong đó khối tư nhân là trụ đỡ cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn người dân và tăng cường vai trò là một quốc gia chủ chốt trên toàn cầu.

Đặc biệt, chi ngân sách ở lĩnh vực xã hội tăng 5,6%, cao hơn bình quân chung tổng ngân sách cả năm. Từ năm sau, Chính phủ nâng 5,47% tiêu chuẩn về thu nhập trung vị, mức tăng cao nhất tính từ khi Hàn Quốc áp dụng tiêu chuẩn này vào năm 2015. Theo đó, ngân sách trợ cấp sinh hoạt cơ bản cho người dân tăng thêm 2.400 tỷ won (1,79 tỷ USD), các khoản trợ cấp khác như lương hưu cho người khuyết tật, lương hưu cơ bản, trợ cấp thanh niên cũng tăng theo. Chính phủ cũng đẩy mạnh mạng lưới an sinh xã hội, như lập ngân sách hỗ trợ nhà ở cho người dân sống ở nhà bán hầm.

Ngân sách hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong năm 2023 là 4.500 tỷ won (3,36 tỷ USD), cao hơn so với năm nay là 3.900 tỷ won (2,91 tỷ USD). Việc nâng ngân sách ODA được cho là nhằm thực hiện “trách nhiệm và vai trò trước cộng đồng quốc tế”, điều mà Tổng thống Yoon Suk-yeol nhấn mạnh tại lễ nhậm chức hồi tháng 5.

 

Ý nghĩa và đánh giá

Dự thảo ngân sách năm sau được đánh giá tích cực ở khía cạnh kìm hãm nợ quốc gia, tăng cường tính lành mạnh tài khóa trong cuộc khủng hoảng kinh tế phức tạp hiện nay. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến lo ngại về các tác dụng phụ như việc thắt chặt tài khóa sẽ làm giảm đầu tư, kinh tế tăng trưởng chậm lại. Một số ý kiến lại cho rằng mức độ thắt chặt tài khóa như trên là chưa đủ. Song việc Chính phủ tái cơ cấu chi tiêu để dùng ngân sách tập trung cho lĩnh vực phúc lợi vẫn nhận được sự đánh giá cao.

Lựa chọn của ban biên tập