Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thông tin về Thư viện thiếu nhi đa văn hóa Modoo và Giải thi đấu cầu lông dành cho các gia đình đa văn hóa 2013.

2013-04-14

1. Giải đáp thông tin về Thư viện thiếu nhi đa văn hóa Modoo


Câu hỏi.Tôi lấy chồng Hàn Quốc và qua đây sống đã được một thời gian khá dài. Chúng tôi có một con gái hiện đã 8 tuổi. Vì bận rộn nên chúng tôi cũng không thường xuyên về thăm Việt Nam được. Nếu có đi cũng chỉ tranh thủ vào những dịp nghỉ lễ tết ngắn ngủi. Vì vậy mà con gái tôi ít có cơ hội hiểu biết về Việt Nam. Ở nhà tôi cũng có dạy tiếng Việt và giao tiếp bằng tiếng Việt với cháu nhưng tôi có quá ít sách vở dành cho lứa tuổi của cháu bằng tiếng Việt và về Việt Nam. Nhà tôi lại ở tận Gumi, cách xa trung tâm Seoul nên điều kiện tiếp xúc với các trung tâm đa văn hóa cũng bị hạn chế. Tôi không biết là ở khu vực Gumi nơi mình đang sống có trung tâm đa văn hóa nào có nhiều sách vở về Việt Nam dành cho thiếu nhi không. Mong chương trình chỉ dẫn giúp.

Trả lời.Xin giới thiệu ngay về hệ thống Thư viện dành cho trẻ em thuộc gia đình đa văn hóa Modoo được xây dựng ở nhiều nơi trên toàn đất nước Hàn Quốc để bạn được yên tâm nhé. Thư viện đa văn hóa Modoo là một không gian xã hội nơi chúng ta có thể trải nghiệm và hiểu hơn về văn hóa của các quốc gia. Điểm nổi bật của hệ thống Thư viện Modoo này so với các thư viện thông thường khác là tạo cho trẻ em môi trường giáo dục ngôn ngữ mẹ đẻ thông qua những cuốn sách, đồng thời tạo không gian yêu thương, giáo dục, là nơi cùng chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau.

Hiện nay, hệ thống Thư viện Modoo dành cho trẻ em thuộc gia đình đa văn hóa đã có mặt có ở 7 thành phố lớn là Seoul, Busan, Changwon, Gumi, Daegu, Chungju, Ansan. Dĩ nhiên, không chỉ trẻ em thuộc gia đình đa văn hóa mới có thể tới thư viện mà tất cả các đối tượng có nhu cầu muốn tìm hiều về đa văn hóa, về các nước trên thế giới đều có thể coi hệ thống Thư viện Modoo là địa điểm lý tưởng. Thư viện mở cửa từ 10 giờ sáng đến 6 giờ tối các ngày từ thứ hai tới thứ sáu trong tuần, thứ bảy và chủ nhật thì mở cửa từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

Đến đây các em nhỏ sẽ được học văn hóa, tiếp xúc với sách báo của nhiều nước khác nhau trên thế giới. Ở các thư viện Modoo, không chỉ có sách được viết bằng tiếng Hàn mà còn có rất nhiều sách được viết bằng tiếng của các nước khác để phục vụ các em nhỏ có mẹ là người gốc các quốc gia khác nhau. Các em không những được đọc sách ở thư viện mà còn được mượn mang về nhà. Tới các thư viện Modoo, các em còn có thể sử dụng nhiều loại nhạc cụ và các tài liệu về âm nhạc truyền thống, phim hoạt hình, băng đĩa thiếu nhi của nhiều nước trên thế giới.

Thư viện Modoo cũng tổ chức nhiều chương trình giáo dục để các em nhỏ thuộc gia đình đa văn hóa có thể học ngôn ngữ của đất nước mà mẹ mình đã sinh ra như “Du lịch về quê hương mẹ”, “lễ hội đa văn hóa”, “buổi gặp gỡ của các bà mẹ theo từng quốc gia”. Vị trí và những hướng dẫn cụ thể của từng thư viện Modoo ở mỗi khu vực đều được đăng tải rất rõ ràng và chi tiết trên trang web www.modoo.org bằng cả tiếng Việt nữa nên bạn có thể vào đó rồi tải file giới thiệu về từng thư viện Modoo của mỗi khu vực để tham khảo thêm chi tiết.

Theo thư bạn viết thì nhà bạn ở khu vực Gumi nên chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết hơn một chút về Thư viện trẻ em đa văn hóa Modoo Gumi. Thư viện nằm tại địa chỉ số 377, phường Hyungkok, thành phố Gumi, tỉnh Bắc Gyeongsang. Không biết nhà bạn ở có gần đó không nhỉ? Nếu muốn có hướng dẫn cụ thể hơn thì bạn có thể gọi điện thoại đến thư viện theo số: 054-443-0543. Tuy quy mô, số lượng sách và nhân viên làm việc ở đây không lớn bằng các thư viện Modoo khác nhưng cũng đủ để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của các em nhỏ đấy bạn ạ.

Thư viện có diện tích hơn 260m2, bao gồm cả tầng một và tầng hai được bố trí theo các phòng chuyên dụng như phòng trò chơi, phòng chương trình, phòng đọc, phòng hội trường...một cách rất khoa học. Tính đến cuối năm 2011 thì tổng số lượng sách ở đây đã lên tới gần 10.000 cuốn trong đó có hơn 6.000 cuốn sách Hàn Quốc và gần 4.000 cuốn sách nước ngoài. Các sách nước ngoài bao gồm sách của các quốc gia như Nga, Mông Cổ, Việt Nam, Philipin, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Sri Lanka.

Hiện nay, tại thư viện đa văn hóa Modoo Gumi đang duy trì tổ chức định kỳ hai chương trình là “Du lịch tới đất nước cổ tích thú vị” và “Hãy hỏi bất cứ điều gì”. Chương trình “Du lịch tới đất nước cổ tích thú vị” được các em nhỏ rất thích thú. Thông qua những câu chuyện cổ tích với hình ảnh bắt mắt và in thành sách song ngữ, các em nhỏ sẽ được đi du lịch qua trí tưởng tượng phong phú đến nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới, hiểu về văn hóa đặc trưng của nhiều quốc gia. Chương trình bắt đầu lúc 3 giờ chiều ngày thứ năm hàng tuần. Bạn chỉ việc đưa con mình tới tham gia mà không cần phải đăng ký trước.

Còn chương trình “Hãy hỏi bất cứ điều gì” là chương trình hỏi và đáp các thông tin liên quan đến những quốc gia như Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc...Tham gia chương trình hỏi đáp này sẽ chính là những phụ nữ nhập cư kết hôn với người Hàn Quốc nhằm giúp các em nhỏ có những nhận thức đúng đắn và đa dạng về văn hóa, đất nước và con người của quốc gia mà các em đang tò mò muốn biết. Chương trình diễn ra hàng tháng nhưng không cố định một ngày nào cả, bạn chỉ cần theo dõi và đến đúng lịch là được chứ không cần đăng ký tham gia.

Do tập trung được số lượng sách khá lớn, cộng với việc tạo điều kiện thuận lợi tối ưu cho người sử dụng cũng như có các chương trình hoạt động bổ ích mà thư viện ở đây bình quân hàng tháng có tới hơn 1.000 người sử dụng. Chúc con gái bạn và cả bạn nữa, cảm thấy hài lòng với dịch vụ Thư viện dành cho trẻ em gia đình đa văn hóa Modoo Gumi nhé.

2. Giải đáp thông tin về Giải thi đấu cầu lông dành cho các gia đình đa văn hóa 2013.


Câu hỏi.Tôi là con gái út trong gia đình nhưng lại lấy chồng rồi sinh sống ở tận xứ sở Kimchi này. Vợ chồng tôi vốn yêu thể thao nên cuối tuần chúng tôi thường tham gia các hoạt động như leo núi, đạp xe, hay chơi bóng rổ... để vừa rèn luyện sức khoẻ vừa giải trí. Tuy nhiên, trong số các môn thể thao thì tôi thích chơi cầu lông hơn cả. Từ hồi học phổ thông ở Việt Nam tôi đã chơi cầu lông và từng tham dự nhiều giải đấu cấp cơ sở theo phong trào nên chơi không tệ lắm. Cầu lông là môn thể thao vận động toàn thân mà không quá nặng nhọc. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, tôi thấy hình như mọi người thích chơi tennis hơn là cầu lông thì phải. Thời gian đầu, tôi phải thuyết phục thì chồng tôi mới chịu tham gia cùng tôi đấy. Đến nay thì cả hai đều say mê môn cầu lông. Không biết ở Hàn Quốc có câu lạc bộ nào dành cho những người yêu thích cầu lông tập luyện và thi thoảng tổ chức thi đấu với nhau không nhỉ? Tôi không phải là người am hiểu nhiều về lịch sử môn cầu lông và càng không phải là vận động viên chuyên nghiệp, nhưng tôi muốn tham gia cho vui và cũng là để có thêm bạn bè.”

Trả lời.Theo các kết quả nghiên cứu, mặc dù người Anh đã sáng tạo ra môn cầu lông hiện đại vào năm 1860, nhưng trước đó, cầu lông đã từng được xem là một trong những môn thể thao cổ xưa nhất thế giới. Cầu lông từng được trẻ em chơi khá nhiều ở Ai Cập, Hy Lạp và Trung Quốc từ trước Công nguyên. Bọn trẻ chia thành từng cặp và đánh quả cầu qua lại cho nhau bằng vợt gỗ nhỏ. Thế rồi môn thể thao này du nhập vào Ấn Độ và ở đây nó có tên “Poona”. Giữa thế kỷ 18, quân nhân Anh đồn trú ở Ấn Độ đã học cách chơi trò “Poona” và mang nó về chính quốc.

Cầu lông được người Anh dần hoàn thiện với luật chơi hiện đại như ngày nay và trở thành môn thể thao được nhiều người yêu thích. Người ta nói rằng sở dĩ nó có tên gọi theo tiếng Anh là Badminton là vì các vị khách tại lâu đài Badminton House, trong một bữa tiệc do bá tước xứ Beaufort khoản đãi, đã gọi môn thể thao này là "trò chơi ở Badminton". Sang thế kỷ 20, cầu lông ngày càng được ưa chuộng và nhanh chóng trở thành môn thể thao mang tầm quốc tế khi Liên đoàn Cầu lông Quốc tế IBF được thành lập vào năm 1934. Bắt đầu từ năm 1992, cầu lông trở thành một trong các môn thi đấu tại Olympic với năm nội dung: đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ.

Hàn Quốc vốn được biết đến là quốc gia mạnh về thể thao trong khu vực và ít nhiều có tên tuổi trên đấu trường quốc tế. Vậy nên các cơ quan chức năng Hàn Quốc rất quan tâm đến việc phát triển các môn thể thao thi đấu chuyên nghiệp cũng như khuyến khích người dân chơi nghiệp dư. Cầu lông tuy không phải là môn sở trường của thể thao Hàn Quốc nhưng cũng được nhiều người dân yêu thích tập luyện đấy bạn ạ.

Trong rất nhiều hoạt động gắn kết cộng đồng thì thể thao là chương trình không thể bỏ qua. Chính vì thế mà từ năm 2010, Viện phát triển sức khoẻ gia đình Hàn Quốc phối hợp với Hãng thông tấn Yonhap và Bộ Phụ nữ và gia đình Hàn Quốc tổ chức định kỳ hàng năm Giải thi đấu cầu lông dành cho gia đình đa văn hóa trên toàn quốc. Ngay từ năm đầu tiên được tổ chức, sự kiện thể thao dành cho các gia đình đa văn hóa này đã thành công và tạo ấn tượng tốt trong cộng đồng người nước ngoài ở Hàn Quốc.

Như thường lệ vào mỗi dịp xuân về thì năm nay Giải thi đấu cầu lông dành cho gia đình đa văn hóa trên toàn quốc 2013 sẽ diễn ra từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều ngày thứ 7 (11/5) tới. Trước đó các đội đăng ký dự thi đã được lựa chọn qua vòng loại ở các địa phương. Mỗi năm Giải thi đấu cầu lông dành cho gia đình đa văn hóa sẽ được tổ chức ở một địa phương khác nhau. Năm nay, vòng chung kết được thực hiện tại Nhà thi đấu thể thao Goyang thuộc phường Daehwa, quận Tây Il-san, thành phố Goyang, tỉnh Gyeonggi. Đây là giải đấu có quy mô khá lớn, dự kiến thu hút khoảng 400 người bao gồm 100 đội gia đình đa văn hóa hiện đang sống ở 15 tỉnh, thành trên cả nước tham gia tranh tài.

Không chỉ tham gia thi đấu cầu lông, ban tổ chức còn thực hiện nhiều chương trình văn hóa khác như giới thiệu món ăn quê hương của những người phụ nữ nhập cư kết hôn với người Hàn Quốc hoặc tổ chức các trò chơi dân tộc truyền thống của nhiều quốc gia. Đặc biệt còn có cả chương trình kiểm tra sức khoẻ nữa. Do vậy mà ngoài số người trực tiếp tham gia thi đấu và các thành viên tới cổ vũ thì còn có rất nhiều các gia đình đa văn hoá khác cũng như người dân Hàn Quốc tới tham quan, thể nghiệm văn hoá. Sự kiện này dường như đã trở thành một trong những ngày hội của các gia đình đa văn hóa.

Bất cứ đối tượng nào thuộc gia đình đa văn hóa đều có thể tham gia chương trình với các giải thưởng bằng hiện vật có giá trị như tủ lạnh bảo quản Kimchi, máy tính xách tay, TV, lò vi sóng, máy hút bụi... Bạn còn chần chừ gì nữa mà không gọi điện tới Viện phát triển sức khoẻ gia đình Hàn Quốc theo số: 02-3140-2200 hoặc trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hoá ở địa phương mình đang sinh sống để hỏi thêm chi tiết và đăng ký tham gia.

Lựa chọn của ban biên tập