Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thông tin về Truyện Xuân Hương và bảo tàng mỹ thuật tỉnh Gyeonggi.

2013-11-24

1. Giải đáp thông tin về Truyện Xuân Hương



Question 1
Câu hỏi 1 :
Xin tự giới thiệu, em đang là học sinh lớp 11 tại một trường Trung học phổ thông ở ngoại thành Hà Nội. Biết em mê tất cả những gì thuộc về Hàn Quốc nên hôm vừa rồi anh họ em đã mua tặng em cuốn truyện thiếu nhi “Cô gà mái xổng chuồng” của Hàn Quốc được dịch sang tiếng Việt. Vốn thích đọc truyện, lại là lần đầu tiên đọc truyện của Hàn Quốc và tiêu đề của truyện cũng rất lôi cuốn nên em hào hứng đọc ngay. Truyện tương đối dày nhưng nội dung thật tuyệt vời nên em đọc liền một mạch từ đầu đến cuối. Em quyết định sẽ tìm đọc những cuốn truyện khác nữa của Hàn quốc. Em đang thắc mắc không biết tác phẩm văn học nào của Hàn Quốc được dịch và giới thiệu ở Việt Nam đầu tiên? Rất mong các anh chị giải đáp giúp em nội dung của sách để em tìm đọc ạ.


Answer 1
Trả lời 1:
Chúng tôi rất vui vì bạn đã có dịp được tiếp xúc với một tác phẩm văn học Hàn Quốc được nhiều độc giả trong và ngoài nước yêu thích. Bạn biết không, ngay từ khi được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2000, cuốn tiểu thuyết “Cô gà mái xổng chuồng” đã tạo dấu ấu sâu đậm trong lòng các độc giả nhí và cả ở độ tuổi thanh thiếu niên, được Bộ Giáo dục Hàn Quốc khuyến khích nên đọc. Sau đó, cuốn sách còn được dịch và xuất bản bằng chín thứ tiếng, được chuyển thể thành phim hoạt hình vào năm 2011 và gây tiếng vang lớn tại nhiều liên hoan phim quốc tế nữa đấy.

Trong tiếng Hàn, cuốn truyện đó có tiêu đề là “마당을 나온 암닭”, là tác phẩm của nhà văn Hwang Sun-mi (황선미). Rất mừng là dịch giả Nguyễn Thị Thu Vân đã dịch sang tiếng Việt để nhiều độc giả Việt Nam cũng có cơ hội tiếp xúc với một tác phẩm hay của văn học Hàn Quốc. Trở lại với câu hỏi bạn, xin được trả lời ngay với bạn rằng cuốn sách văn học Hàn Quốc đầu tiên được giới thiệu bằng tiếng Việt tại Việt Nam là cuốn “Truyện Xuân Hương” vào năm 1994, chỉ hai năm sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. “Truyện Xuân Hương” theo tiếng Hàn là “춘향전” (Chun Hyang Jeon) là tiểu thuyết khuyết danh, ra đời vào khoảng thế kỷ 18.

Có thể nói, “Truyện Xuân Hương” là một kiệt tác đối với tiểu thuyết Hàn Quốc nói riêng và văn học Hàn Quốc nói chung. Bởi vậy, bất kể người Hàn Quốc nào cũng đều biết và tự hào về tác phẩm này. Nội dung của “Truyện Xuân Hương” đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ trong dân gian và được các nghệ nhân kể lại bằng loại hình diễn xướng sân khấu "pansori" hay còn gọi là “Xuân Hương ca”, một dạng văn xuôi có nhịp điệu.

Dựa trên “Xuân Hương ca”, một số tác giả thuộc tầng lớp trí thức đã sáng tạo nên “Truyện thơ Xuân Hương” bằng chữ Hán vào khoảng năm 1754. Sau đó, nhiều tác giả khác đã sáng tác “Truyện Xuân Hương” viết bằng hệ chữ Hangeul như ngày nay. Như vậy, có thể thấy là “Xuân Hương ca” đã được nhiều người đón nhận và thêm bớt nhiều chi tiết để phát triển thành tiểu thuyết “Truyện Xuân Hương”, thuộc thể loại tiểu thuyết ái tình.

“Truyện Xuân Hương” có nhiều dị bản, nhưng nội dung chính vẫn là câu chuyện là nói về một mối tình ngang trái giữa một cô thôn nữ xinh đẹp, vốn là con gái một kỹ nữ tầm thường, với một chàng trai tuấn tú, học giỏi tài cao, con nhà quan phủ danh giá và quyền uy là Lý Mộng Long. Chàng Mộng Long đang chăm chỉ học hành để chuẩn bị tham gia khoa cử nối nghiệp gia phong thì gặp nàng Xuân Hương chơi đu vào ngày Tết Đoan Ngọ liền say đắm vẻ đẹp của nàng. Hai người yêu nhau, thề non hẹn biển, ước ao ngày ngày được ở bên nhau và sau này sẽ kết duyên vợ chồng. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, cha của Mộng Long phải chuyển về nhậm chức quan ở Hán thành (tức Seoul ngày nay). Hai người từ đó phải ly biệt.

Mộng Long trước khi theo cha về kinh thành có hẹn rằng nhất định sẽ quay trở lại tìm nàng. Sau khi cha Mộng Long chuyển đi thì Biện Học Đạo chuyển đến nhậm chức ở thành phố Namwon tỉnh Bắc Jeolla. Nghe đồn trong vùng có nàng Xuân Hương nhan sắc hơn người, hắn bèn cho gọi tới và định ép nàng làm vợ hắn. Dẫu Biện phủ sứ có dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, dọa nạt nhưng nàng Xuân Hương vẫn cự tuyệt, bởi nàng đã có chốn đính ước và một lòng nguyện sắt son lời thề với người mình yêu. Sau khi dùng nhiều thủ đoạn mà không ép được nàng chịu làm vợ mình, Biện phủ sứ ra lệnh bắt giam Xuân Hương vào ngục. Trong lúc Xuân Hương bị giam vào ngục thì Mộng Long thi đỗ đại khoa, trở thành quan Án sát.

Vậy kết cục chuyện tình của nàng Xuân Hương xinh đẹp và chàng Lý Mộng Long tài ba sẽ ra sao? Họ đã trải qua không ít chuân chuyên nhưng liệu có đến được với nhau không? Nếu chúng ta kể hết ra đây thì bạn Phương Anh cũng như các thính giả khác sẽ không còn cảm giác hồi hộp thú vị nữa đâu. Chỉ biết rằng Truyện Xuân Hương có nội dung cuốn hút độc giả vì tác phẩm kết hợp những mẩu chuyện lưu truyền thời đó như chuyện kể về lòng chung thủy của người phụ nữ, chuyện đi mật sứ của các quan xưa, chuyện oan trái, chuyện tình yêu đôi lứa... với những tình tiết hết sức hấp dẫn. Truyện ca ngợi lòng chung thủy của Xuân Hương, ca ngợi tình yêu nam nữ vượt lên trên sự khác biệt đẳng cấp.

Một điều rất thú vị là tác giả của bản dịch tiếng Việt của Truyện Xuân Hương không phải là người Việt biết tiếng Hàn mà là một người Hàn biết tiếng Việt. Đó là giáo sư khoa tiếng Việt của trường Đại học ngoại ngữ Busan Bae Yang-soo. Khi dịch Truyện Xuân Hương, ông còn đang theo học chương trình thạc sĩ chuyên ngành văn học Việt Nam. Hiện ông đã dịch rất nhiều sách văn học Việt Nam ra tiếng Hàn nhưng nhiều người Việt vẫn biết đến ông là người đầu tiên dịch sách văn học Hàn Quốc ra tiếng Việt.

Bản dịch tiếng Việt của “Truyện Xuân Hương” đã được xuất bản từ gần 20 năm nay nên có lẽ bạn Phương Anh sẽ hơi khó để tìm đọc được. Hơn nữa, sách chỉ được in có 500 bản, không bán mà chỉ phát tặng cho những cơ quan và cá nhân nghiên cứu liên quan tới Hàn Quốc. Nếu muốn đọc bạn phải tới thư viện của những nơi này, ví dụ như thư viện của Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, và mượn về đọc. Hoặc có một cách khác cũng giúp bạn có thể tiếp cận với nội dung “Truyện Xuân Hương” là đọc trên mạng. Chỉ cần gõ tên truyện là bạn có thể tìm đọc được. Dĩ nhiên không thích như đọc bằng sách nhưng đó là cách tiện nhất cho bạn bây giờ đấy.



2. Giải đáp thông tin bảo tàng mỹ thuật tỉnh Gyeonggi.


Question 2
Câu hỏi 2 :
Tôi hiện đang sống cùng chồng và con gái 5 tuổi ở tỉnh Gyeonggi, ngay gần Seoul. Chồng tôi làm việc tại một công ty Hàn Quốc, tôi chỉ ở nhà nội trợ còn con gái chúng tôi thì đi nhà trẻ. Cháu rất thích vẽ. Lúc vẽ là lúc cháu chăm chú nhất, hăng say nhất. Chúng tôi cũng có cho cháu đi học thêm môn mỹ thuật. Tôi thấy Hàn Quốc rất chú trọng tới bộ môn mỹ thuật. Gia đình tôi hay đi chơi vào mỗi cuối tuần nhưng chúng tôi chưa có dịp nào tới thăm bảo tàng mỹ thuật cả. Chắc ở bảo tàng mỹ thuật cũng sẽ có không gian dành riêng cho mỹ thuật thiếu nhi, đúng không ạ? Rất mong các anh chị giới thiệu cho tôi bảo tàng mỹ thuật nào đó phù hợp cho một ngày cuối tuần với cả gia đình.


Answer 2
Trả lời 2:
Rất vui được làm quen với chị. Chị ở ngay tỉnh Gyeonggi mà chưa đến thăm bảo tàng mỹ thuật Gyeonggi thì thật là đáng tiếc đấy ạ. Bảo tàng mỹ thuật tỉnh Gyeonggi chính thức mở cửa từ tháng 10 năm 2006 với ba mục tiêu. Thứ nhất là thành lập một bảo tàng mỹ thuật mang tầm quốc tế. Thứ hai là góp phần vào việc phát triển mỹ thuật đương đại thông qua thu thập và triển lãm các sản phẩm mỹ thuật hiện đại. Thứ ba là nâng cao quyền hưởng thụ văn hóa của người dân bằng cách tăng cường các chương trình tương tác. Để thực hiện các mục tiêu trên thì bảo tàng mỹ thuật tỉnh Gyeonggi đã thực hiện nhiều chương trình đa dạng, tạo nên sự hài hòa giữa tính khu vực và tính thế giới, tính chuyên môn và tính đại chúng.

Tất cả các chương trình của bảo tàng mỹ thuật tỉnh Gyeonggi đều đang hướng tới mục tiêu mở rộng vai trò và chức năng truyền thống của một bảo tàng cũng như thể hiện tầm nhìn của một bảo tàng hiện đại. Các hoạt động cụ thể của bảo tàng bao gồm thu thập và triển lãm định kỳ các tác phẩm mỹ thuật, triển lãm các sản phẩm mỹ thuật mang tính sáng tạo độc đáo cao ở các chương trình đặc biệt, thu thập và nghiên cứu tài liệu liên quan đến mỹ thuật, giáo dục và hướng dẫn khách tham quan với các đối tượng đa dạng, thực hiện các chương trình tương tác. Mục đích cuối cùng là đóng góp tích cực vào việc sáng tạo và giới thiệu các sản phẩm mỹ thuật hiện đại tới công chúng.

Bảo tàng mở cửa hầu như tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật từ 10 giờ sáng đến 6 hoặc 7 giờ tối tùy theo mùa. Tuy nhiên, chị Hải Linh nên lưu ý là bảo tàng đóng cửa vào ngày thứ Hai của các tuần thứ hai và thứ tư hàng tháng nhưng nếu những ngày này trùng với ngày nghỉ lễ thì vẫn mở cửa như thường lệ để tạo điều kiện cho người dân tới thăm quan. Đường đi tới bảo tàng cũng tương đối thuận lợi. Chị đi tàu điện ngầm Seoul tuyến số 4, xuống ở ga Choji (초지역) rồi ra cửa số 1, đi qua ngã tư Choji, qua ngã tư sân vận động Choji rồi đi thẳng về hướng Ủy ban nhân dân phường Choji (초지동 주민센터) là tới nơi. Thời gian đi bộ mất khoảng 15 phút. Còn nếu chị xuống ở ga Gojan (고잔역), ra cửa số 1 và đi xe bus làng số 6 thì chỉ việc xuống ở bến Ủy ban nhân dân phường Gojan 1(고잔1동주민센터), quận Danwon, thành phố Ansan, tỉnh Gyeonggi, là tới nơi.

Giá vé vào cửa cụ thể như sau: người lớn từ 19 tuổi trở lên là 4.000 won/người, nếu đi theo đoàn từ 20 người trở lên thì giá vé được giảm một nửa, chỉ còn 2000 won/người. Đối với học sinh dưới 19 tuổi và quân nhân thì giá vé cá nhân chỉ là 2000 won/người, nếu đi theo đoàn trên 20 người thì giá vé là 1000 won/người. Trẻ em dưới 48 tháng tuổi sẽ được miễn phí. Người dân đang sống trong tỉnh Gyeonggi sẽ được giảm 50% vé vào cửa và dĩ nhiên phải trình chứng mình thư xác nhận là người dân đang cư trú trong tỉnh. Gia đình chị đang sống ở tỉnh Gyeonggi nên cũng được hưởng ưu đãi này đấy. Khách tham quan sẽ chỉ được hưởng một trong các ưu đãi, không được hưởng cùng lúc nhiều ưu đãi. Đối với các chương trình triển lãm hay thể nghiệm đặc biệt thì sẽ thu thêm phí. Tùy mỗi chương trình mà phí phụ thêm này có khác nhau.

Bảo tàng có nhiều chương trình và khu thăm quan dành riêng cho các em nhỏ nên chắcc chắn con gái chị cũng sẽ thích đấy ạ. Đặc biệt, từ ngày 1/8 tới ngày 31/12/2013 có chương trình hướng dẫn thăm quan bảo tàng và thể nghiệm với mỹ thuật dành cho các em nhỏ ở độ tuổi mẫu giáo và học sinh tiểu học. Tuy nhiên muốn tham gia chương trình này thì chị phải đăng ký theo đoàn chứ không thể cho cháu tham gia với tư cách cá nhân riêng lẻ. Một ngày có bốn tour hướng dẫn với thời gian cụ thể là 10 h 30, 11 h 30 sáng và 1h, 2h chiều, trừ thứ Hai, cuối tuần và các ngày nghỉ lễ. Mỗi tour chỉ nhận tối đa 80 em. Nếu gia đình chị muốn thăm quan khu vực này với tư cách cá nhân thì phải đến sau 3 giờ chiều, tức là sau khi kết thúc các hoạt động của khách đi theo đoàn.

Để thuận lợi và giúp cho con gái có những trải nghiệm thú vị hơn với mỹ thuật thì chị có thể kết hợp với các gia đình khác cũng có con nhỏ để đăng ký theo đoàn. Chị lưu ý là phải đăng ký trước một tuần nhé. Nếu muốn hủy đăng ký thì phải hủy ít nhất hai ngày trước khi chương trình diễn ra. Nếu chị không có liên lạc gì mà tự ý hủy đăng ký thì sẽ bất lợi cho những chương trình đăng ký sau này. Nếu đến muộn 15 phút so với thời gian quy định thì đăng ký của chị cũng sẽ bị tự động hủy. Chương trình này hoàn toàn miễn phí nhưng dĩ nhiên chị vẫn phải mua vé vào cửa xem triển lãm với các mức giá mà chúng tôi đã đề cập ở phần trên. Chị có thể gọi về số điện thoại 031-481-7057 để nghe giải đáp về mọi thắc mắc nhé. Chúc chị và gia đình có dịp cuối tuần vui vẻ.

Lựa chọn của ban biên tập